281 lượt xem

Bảng nhãn Đỗ Uông và những giai thoại – kỳ 2: Ngôi đất phát của gia đình

Ngôi đất phát của gia đình là một trong những giai thoại nổi tiếng về Đỗ Uông, người đã đỗ Bảng nhãn, làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang.

https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/vu-trung-tuy-but-300x198.jpg

Vũ Trung tùy bút có giai thoại về Đỗ Uông. Nguồn: sưu tầm

Lăng mộ được xếp hạng di tích quốc gia

Đình thờ Đỗ Uông được khởi dựng từ đó, trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn, kiến trúc gỗ đồ sộ và được chạm khắc tinh xảo, thật đáng tiếc công trình đã bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp.

Hòa bình lập lại, nhân dân xây dựng lại trên nền cũ, đến năm 1991, di tích được trùng tu và vẫn còn giữ được một số cổ vật có giá trị như câu đối, đại tự, sắc phong…

Cách đình khoảng 800m về phía tây nam là khu lăng mộ Đỗ Uông, lăng mộ được xây dựng năm 1600, khi ông qua đời, vào đầu thế kỷ 20, hậu duệ của ông đã cho tu sửa phần mộ. Với quan điểm tôn trọng nhân tài đất nước, chính quyền địa phương và dòng họ Đỗ đã tôn tạo khu lăng mộ vào năm 1994.

Hằng năm Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng giêng, kỷ niệm ngày mất của Đỗ Uông. Trước Cách mạng tháng Tám, lễ hội được tổ chức khá long trọng, cầu kỳ, nhiều lệ. Trong lễ hội có tục rước nước từ Quán Giếng ra lăng mộ tế lễ từ sáng đến trưa mới rước về đình để làm nước cúng cả năm.

Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, nhân dân xã Thanh Tùng khôi phục lại lễ hội truyền thống đình Đoàn Lâm cùng với lễ hội đình Đông, tạo nên không khí vui vẻ, náo nức, được nhân dân toàn xã và một số xã lân cận tham gia và trở thành lễ hội của một vùng. Với những giá trị lịch sử, đình và lăng mộ Đỗ Uông được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2002.

Giai thoại về ngôi đất phát

Vị bảng nhãn Đỗ Uông, có nhiều giai thoại để đời. Trong sách “Vũ Trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết về ngôi đất phát của gia đình Đỗ Uông như sau: “… khi xưa bà ngoại tổ mẫu Đỗ Uông góa chồng sớm, nhà nghèo mở ngôi hàng bán nước ở bên đường.

Một hôm, có người Hoa kiều đi đào của về, vào nghỉ ở hàng nước, khi đi bỏ quên một gói bạc. Được ít lâu trở lại, bà lão hàng nước đem đủ số bạc trả lại. Người Hoa kiều chia một số bạc đền ơn, bà không chịu nhận. Người Hoa kiều ấy cảm cái cao nghĩa mà bảo rằng: Chỗ này có một ngôi đất đời đời có người làm nên chức công khanh, tôi muốn lấy ngôi đất đó để đền ơn bà.

Bà lão bùi ngùi mà rằng: – Thân già này có con cái gì đâu, chỉ còn sót đứa cháu ngoại ba đời, còn mong công khanh gì nữa!

Người ấy nói rằng: – Cháu ngoại cũng được, duy phát phúc không được lâu dài mà thôi.

Sau khi vào ở ngôi đất ấy, cháu bà là Đỗ Uông đi thi thì quả nhiên đỗ Bảng nhãn, làm quan nhà Mạc đến chức Thị lang”.

Còn việc nói chuyện với yêu nữ kể rằng, Đỗ Uông cùng với Phạm Trấn ở làng Lam Kiều, người cùng huyện đều nổi tiếng về kiến thức rộng nên có ý ganh đua nhau trong việc học.

Trong làng có miếu thờ nữ yêu tinh, mỗi khi học bài xong, đi ngủ ông thường mơ thấy yêu tinh hiện ra nói rằng: – Trấn đỗ Trạng nguyên, Uông đỗ Bảng nhãn.

Một tối đang đọc sách, bỗng bên ngoài cửa sổ có cánh tay thò vào, Uông đoán đó là tay yêu tinh. Sáng hôm sau hỏi một pháp sư, người đó bảo: – Từ nay, hễ thấy nó thò tay vào thì dùng chỉ ngũ sắc buộc lại, nó sẽ không thể biến được.

Uông nghe vậy có ý rình đến canh khuya, thấy con yêu thò tay vào trêu bèn lấy chỉ ngũ sắc buộc ngay song cửa khiến tay nó cứng đờ không thể rút ra được. Đến gần sáng nó khóc lóc van lơn mà nói: – Tôi thấy cậu sắp đại quý nên mới đùa bỡn, sao cậu lại nỡ nhẫn tâm thế?

Đỗ Uông bèn hỏi: – Như tài học của ta đây có thi đỗ được Trạng nguyên hay không?

Con yêu đáp: – Trạng nguyên sẽ về tay họ Phạm, ông chỉ đỗ thứ hai mà thôi!

(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu