258 lượt xem

Cầu an: Nghi lễ truyền thống của người dân Việt

Cầu an: Nghi lễ truyền thống của người dân Việt

Cầu an là nghi lễ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong dịp đầu năm của người Việt. Cầu an giúp xua tan mọi lo lắng phiền muội của năm cũ, nhằm bắt đầu một năm mới với tâm hồn căng tràn năng lượng để đón chào một năm mới đầy thử thách.

Nguồn: Sưu tập

Nghi lễ cầu an được xem là tâm điểm của các nghi lễ, thể hiện sự yên bình giữa một cuộc đời đầy sóng gió, là cầu nối giưã tâm linh và con người không thể phai mờ trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Lễ cầu an được người Việt trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện khao khát tốt đẹp, ấm no đến với người dân.

Ngoài ý nghĩa cầu bình an thông thường, nghi lễ cầu an đầu năm của Phật giáo còn hướng đến sự an lạc. Tâm an lạc trong Phật giáo không phải là cầu sự bình an do bất kỳ một đấng thần linh nào mang đến, mà phải từ nội lực hành trì của mỗi người. Để có được an lạc thì phải đạt được tâm vô uý (tâm không sợ hãi), bình tâm đón nhận bất cứ chuyện gì xảy ra với mình, khi càng bình tĩnh bao nhiêu thì càng có phương pháp để giải quyết một cách tốt nhất.

Trong nghi lễ cầu an tại chùa Linh Quang, thôn Lộc Hà, xã Mai lâm, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội do Ni Sư Thích Đồng Hòa - UVTT Ban văn TW GHPGVN, trụ trì chùa Linh Quang, Trưởng ban tổ chức buổi lễ đã chia sẻ: “Muốn rời xa được phiền não để đạt tới tâm tự tại vô úy (tâm không sợ hãi), để tự tin trước công chúng, tự tin với đối phương thì phải giữ giới làm lành, trau dồi giới đức, trau dồi tri thức, thực hành thiền định, mỗi ngày tự quán xét lại việc làm của mình mỗi ngày mà cố gắng. Muốn có tri thức hãy chăm chỉ đọc sách, đọc sách cho ta kiến thức cộng sự hiểu biết, sự hiểu biết cho ta tri thức, tri thức ngày càng được trau dồi mang lại cho ta ổn định tinh thần cũng như kinh tế.

Nếu ta luôn trau dồi sự hiểu biết trẻ thì không sợ bất kì ai, sẽ có quan điểm, lập trường, chính kiến riêng của mình để có thể chia sẽ với người khác về quan điểm đó, thậm chí là có những luận điểm riêng của mình. Còn với tuổi già “gừng càng già càng cay, tuổi cao trí càng cao”, không chỉ là dọn dẹp việc nhà, chông cháu đỡ con mà là giáo dục con trẻ song song với trường học. Không phải già là không làm được việc gì, có câu nói “khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già” vậy thì kinh nghiệm tri thức ta tích lũy được ta giáo dục thế hệ sau ta, thành một nếp nhà có kính trên nhường dưới, có tri thức để phục vụ chính mình và xã hội, thì điều đó không phải già mà không có chỗ dùng.

Bởi vậy kinh Phổ Môn như đã dẫn ở trên nói chúng sinh khi gặp khổ nạn niệm đến danh hiệu Quán Thế âm thì đều được ngài cứu giúp. Nhưng thực chất ý nghĩa sâu xa của việc hành trì niệm danh hiệu Phật cũng chính là một phép thiền định đem lại tâm an lạc. Đức Phật Thích Ca cho biết: Quán Thế âm Bồ tát là một vị phật trong quá khứ, vì hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh nên đã hiện thân để cứu khổ. Đại ý, ví như chúng sinh cần có một mẹ hiền, thì ngài sẽ hiện là mẹ hiền, khi chúng sinh gặp bất kỳ ách nạn nào cầu Quán Thế âm đều được ngài thị hiện để giải trừ ách nạn… chính vì thế mà có nhân duyên lấy tên là Quán Thế âm Bồ tát (lắng nghe mọi âm thanh đau khổ của thế gian)”.

Nghi Lễ cầu an là một nét sinh hoạt văn hoá tâm linh dành cho phật tử nhằm tạo cho họ có thêm động lực và niềm tin vững chắc vào Tam bảo, củng cố thêm sự an tâm vào sự gia hộ độ trì của thập phương chư Phật để họ vượt qua những chướng duyên, những kiếp nạn, những khổ ách và bệnh hoạn trong một năm để chuyên tâm làm ăn. Sự lựa chọn lương thiện và an lành xuất phát từ tập quán và nét văn hoá đã ăn sâu vào máu thịt nhiều đời. Hãy lựa chọn cách sống lương thiện, đó là cách phát triển bền vững.

 
Nguồn: vuonhoaphatgiao.com