349 lượt xem

Chu Mạnh Trinh, người con tài hoa đất nhãn

Chu Mạnh Trinh, người con tài hoa đất nhãn

Ít người biết rằng, 2 ngôi đền tráng lệ linh thiêng nổi tiếng ngày nay đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung là đền Đa Hòa, đền Hóa Dạ Trạch ở Khoái Châu chính là do Chu Mạnh Chinh vẽ kiểu và huy động nguồn lực xây dựng. Cũng tại đền Đa Hòa còn có một điện thờ Chu Mạnh Trinh, bên di ảnh là cây đàn thập lục gắn với tên tuổi vị tiến sĩ nho học tài hoa nức tiếng. Ông cũng chính là người vẽ kiểu trùng tu chùa Thiên Trù ở khu danh thắng Hương Tích. 
 
Chu Mạnh Trinh là một nhà nho nổi tiếng có tài văn phú và sự phóng khoáng hào hoa, thành thạo cả cầm, kì, thi, họa và còn giỏi cả về kiến trúc. Ông sinh năm 1862, người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Chu Mạnh Trinh học rất thông minh. Năm 19 tuổi đỗ tú tài. Năm 25 tuổi đậu giải nguyên. Năm 31 tuổi, thi đỗ tam giáp tiến sĩ, nên người đương thời gọi là “ông nghè Phú Thị”. Ông từng làm quan án sát các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên. Tương truyền, ông làm quan công minh chính trực. Có lần ông đã phạt đánh một tu sĩ người Pháp có hành động cậy thế lộng hành để cảnh cáo. 
Trường THCS Chu Mạnh Trinh (Văn Giang)
Trường THCS Chu Mạnh Trinh (Văn Giang)

Chu Mạnh Trinh nổi tiếng là nhà nho tài tử, phóng khoáng. Ông thích du ngoạn cảnh đẹp, ngâm vịnh thơ phú, đàn hát... Nhiều bài thơ ông viết ca ngợi cảnh đẹp quê hương, trong đó có bài ca trù “Hương Sơn phong cảnh” là một trong những bài thơ hay nhất về “Nam thiên đệ nhất động” còn truyền tụng đến ngày nay. Ông để lại cho đời nhiều sáng tác nổi tiếng thể hiện lòng yêu nước thiết tha. Chính vì thế, trong lúc làm án sát tỉnh Hưng Yên, ông đã ngầm giúp nghĩa quân Bãi Sậy và ngay sau vụ tuyên án thả tù, ông nộp đơn xin từ chức, về quê vui thú trúc mai.
 
Với quê hương Hưng Yên, Chu Mạnh Trinh không chỉ gắn bó cuộc đời mà còn rất sâu nặng tình nghĩa, thể hiện trong nhiều tác phẩm, ở nhiều thể loại với những sáng tác nổi tiếng và bút tích khó phai. Năm 1905, Tổng đốc Hưng Yên tổ chức cuộc thi vịnh Kiều, chánh chủ khảo là nhà thơ Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh đã đoạt giải nhất về thơ Nôm. Riêng bài tựa truyện Kiều viết bằng Hán văn được đương thời và hậu thế đánh giá là một áng văn chương trác tuyệt. 
 
Theo sách Phố Hiến, Chu Mạnh Trinh lưu bút ở nhiều ngôi đền Phố Hiến. Các bức châm thư ông viết tràn đầy tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước với thư pháp bay bổng, linh hoạt, nội dung sâu sắc, giàu cảm xúc, âm thanh, hình sắc, thể hiện sự tài hoa, tâm hồn khoáng đạt, yêu cái đẹp của ông.
 
Sinh thời, Chu Mạnh Trinh rất đam mê ca trù. Tiếng dạo trống của ông từng được người đương thời ví như “mây vờn nước chảy”. Ở Hưng Yên thời kỳ ông làm quan, ca trù rất phát triển, trong đó có sự đóng góp của Chu Mạnh Trinh. Các sáng tác cho ca trù của ông nghiêng về tinh thần nho nhã, thanh tao. Lúc bấy giờ thân phận và vị thế của những đào hát bị xã hội coi thường, nhưng ông nhìn nhận họ bằng tấm lòng của người trân trọng nghệ thuật. Vì thế những sáng tác của ông về đào hát đều thể hiện thái độ trân trọng, yêu mến tài năng nghệ thuật. Bằng tâm huyết và tài năng của mình, Chu Mạnh Trinh đã góp phần làm giàu cho loại hình nghệ thuật ca trù, di sản văn hóa của Việt Nam ngày nay đã được UNESCO công nhận và xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 
 
Thời kỳ Chu Mạnh Trinh làm quan là thời thuộc Pháp, nước mất, nhà tan, xã hội nhiễu nhương. Với tâm hồn, phong cách nhà nho tài tử, trong hoàn cảnh ấy, ông có khuynh hướng thoát ly, nhưng những sáng tác của ông lại thể hiện tình cảm yêu nước, đề cao văn hóa dân tộc. Các tác phẩm của Chu Mạnh Trinh giàu tính nhân văn, biểu lộ khuynh hướng lãng mạn, tình cảm chủ nghĩa. 
 
Ông mất năm 1905, khi mới 43 tuổi, để lại cho đời tập thơ Vịnh Kiều nhan đề “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” bằng chữ Nôm, “Trúc Vân thi tập” bằng chữ Hán và một số bài thơ chữ Hán, một số bản ca trù như: Hương Sơn phong cảnh, Hương Sơn nhật trình...
 
 Ngoài ra, Hưng Yên hiện vẫn còn gìn giữ được một số bức Hoành phi của Chu Mạnh Trinh tại đền Mây, thờ Sứ quân Phạm Phòng Át (Phạm Bạch Hổ) thời Đinh Bộ Lĩnh (thế kỷ thứ X) và tại đền Mẫu ở thành phố Hưng Yên…
 
Ngày nay, trên quê hương Hưng Yên có đường phố và trường học mang tên Chu Mạnh Trinh. Ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng có nhiều trường học và đường phố được đặt tên ông.
 
PV (tổng hợp)
 
Baohungyen.vn