210 lượt xem

Đức Phật và cội cây quê nhà.

Đức Phật và cội cây quê nhà.

Tỳ-lưu-ly (Vidudabha) trong một lần kéo binh qua tiêu diệt dòng họ Thích Ca, khi đến biên giới giữa hai nước, thì thấy Đức Phật đang ngồi thiền dưới một cội cây trơ trụi lá cành, giữa trưa hè gay gắt bên phần đất của dòng họ Thích Ca.

Trong khi cạnh đó, bên phần đất của dòng họ Tỳ-lưu-ly, cây cối um tùm xanh mát. Thấy ái ngại, xót xa, Tỳ-lưu-ly xuống ngựa đến hỏi thăm Đức Phật và cầu xin Ngài đừng ngồi dưới cội cây đó nữa, hãy qua nơi cội cây đầy bóng mát bên kia mà ngồi, nhưng Đức Phật từ chối mà bảo rằng: ‘Thưa Ðại vương, cứ để mặc Ta. Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ’. (Jataka. No. 465)

Câu nói của Đức Phật thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết mênh mông. Những gì của quê hương, dù đơn sơ tầm thường vẫn có sức lay động sâu xa, giá trị tận cùng. Thấu hiểu được tấm lòng của Đức Phật đối với quê nhà, nên Tỳ-lưu-ly đành kéo quân về.
 

Hình ảnh Phật ngồi tọa thiền bên gốc cây khi vua Tỳ-lưu-ly kéo quân đến
Nguồn: Sưu tập

Vương tử Tỳ-lưu-ly là đứa cháu ngoại vô thừa nhận của dòng họ Thích Ca, tức dòng họ của Đức Phật, sở dĩ hạ quyết tâm tiêu diệt cả dòng họ này là để rửa nỗi nhục nhã căm hờn chất ngất trong lòng khi còn thơ ấu.

Câu chuyện bắt đầu như thế này. Vua Ba-tư-nặc (Pansenadi) của vương quốc Kiều-tất-la (Kosala), một nước hùng mạnh thời bấy giờ, muốn cưới một người công chúa của dòng họ Thích Ca làm vợ, bèn cho sứ giả đến thành Ca-tỳ-la-vệ của dòng tộc Thích Ca để đặt vấn đề. Vốn tự hào mình là một dòng tộc cao quý, xuất thân thiêng liêng, khinh chê dòng tộc vua Ba-tư-nặc là tầm thường thấp kém, không xứng đáng để kết thông gia, nên ngay từ đầu dòng họ Thích Ca không ủng hộ lời cầu hôn này. Tuy nhiên, sau khi suy đi tính lại, thấy Kiều-tất-la là một vương quốc hùng mạnh, nếu từ chối lời yêu cầu của họ có thể gây đổ vỡ quan hệ hai nước, tạo cớ cho xung đột chiến tranh, nên cuối cùng dòng họ Thích Ca cũng chấp nhận lời cầu hôn này, nhưng thay vì gả đi một công chúa cao quý, họ lại gả một người con gái có mẹ là tỳ nữ. Vương tử Tỳ-lưu-ly là kết quả của một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này.

Khi lên 16 tuổi, Tỳ-lưu-ly đòi mẹ dẫn về thăm quê ngoại. Sau nhiều lần từ chối, vì sợ tiết lộ thân phận, cuối cùng mẹ của Tỳ-lưu-ly cũng đành dẫn con về thăm quê nhà. Trái với háo hức mong chờ được về thăm quê ngoại yêu thương, cái mà Tỳ-lưu-ly đón nhận là sự ghẻ lạnh, xem thường, xa lánh… đặt biệt khi từ biệt ra về, vì để quên đồ, nên Tỳ-lưu-ly cho tùy tùng quay lại lấy, thì chứng kiến cảnh dòng họ Thích Ca đang dùng sữa tươi để tẩy rửa toàn bộ những nơi mà Tỳ-lưu-ly đụng chạm đến. Đây là thánh lễ tẩy uế, vì trong quan niệm đẳng cấp của Ấn Độ, những nơi này đã bị đứa con của một người có giai cấp thấp kém làm cho ô uế, nên nó cần phải tẩy uế để trở lại sự trong sạch ban đầu. Nỗi nhục nhã này đeo đẳng mãi trong người Tỳ-lưu-ly, để rồi sau này, khi lên làm vua ông ta quyết tâm trả thù rửa hận. Và với tình cảm đối với quê hương thân tộc, Đức Phật cũng đã ba lần đứng ra hóa giải. Câu nói trên của Đức Phật ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Người ta bảo, ca ngợi Đức Phật cao tột nhất, đúng đắn nhất chính là ca ngợi Ngài đã sống một cuộc đời trọn vẹn, hoàn thiện trong tư cách của một con người chứ không phải là siêu nhân. Chúng ta có thói quen là khi ca ngợi ai đó thì đưa họ lên như thần thánh siêu phàm, phải khác người, khác chúng ta mới đặc biệt. Nhưng nếu họ khác người thì sự đặc biệt của họ cũng đâu còn là đặc biệt nữa, vì ngay từ đầu họ đã không thuộc về thế giới chúng ta rồi, nên sự siêu phàm của họ là mặc định, và không có giá trị khích lệ cho hằng hà sa số phàm phu chúng ta, vì đâu cùng một xuất phát điểm.

Và một trong những điều mà con người bình thường cần có đó là tình cảm đối với quê hương, thân tộc.

Từ bỏ quê hương, từ bỏ gia đình, từ bỏ thân tộc, cả cuộc đời dành để phụng sự tha nhân, lang thang trên khắp những nẻo đường cát bụi hà sa, lấy mặt đất làm quê hương, lấy muôn loài chúng sinh làm quyến thuộc, nhưng tận sâu trong tâm Đức Phật vẫn còn đó một quê hương ruột thịt tha thiết mênh mông. Những gì tốt đẹp, cao sang… nhưng nếu nó không phải của quê mình thì có ý nghĩa gì đâu. Một cành cây khô không có khả năng che mát, nhưng nếu nó đại diện cho tình cảm quê nhà thì nó có khả năng ôm ấp, nuôi dưỡng, chở che vô cùng, mà nếu không có nó con người sẽ trở nên cằn cỗi già nua thiếu sức sống. Câu nói của Đức Phật cho ta một ý niệm vô cùng về tình quê hương, chúng ta là ai, chúng ta làm gì thì trong ta vẫn có một quê hương, thậm chí khi ta mở rộng quê hương ra đến vô cùng, thì nó cũng bắt đầu từ một quê hương cụ thể.

Đức Phật là tấm gương tiêu biểu nhất về đời sống đơn giản

Nhiều người cho rằng câu này không phải do Phật nói, mà có thể về sau, những người biên tập kinh điển đã đưa vào, vì nó chứa đựng trong đó tư duy hữu ngã, là phân biệt giữa quê hương và không phải quê hương, để rồi những gì thuộc quê hương đều vượt thắng tất cả, trái ngược hoàn toàn với tinh thần vô ngã, bình đẳng mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới góc độ đối cơ, tức tùy tình huống, tùy loại bệnh mà có những giải pháp riêng, một tinh thần xuyên suốt của lời Phật dạy, thì câu nói trên của Đức Phật vẫn có thể chấp nhận được. Trước khi làm Phật, làm Bồ-tát thì phải làm người, chúng ta không thể đi về phía Phật mà không có quê hương, không có mẹ trong tim. Đức Phật đang dạy chúng ta về tấm lòng hiếu thảo.

Chúng ta ngạc nhiên vì Đức Phật phát biểu một câu được cho là mang ngã tính như thế, nhưng chúng ta sẽ ngạc nhiên đến vô cùng, nếu hay tin quê nhà đang hoạn nạn mà Đức Phật không có một phản ứng gì. Ai mà không có một quê hương, nên tình cảm dành cho quê hương là điều ai cũng biết. Trong bối cảnh Tỳ-lưu-ly hùng hổ kéo binh qua tiêu diệt dòng họ Thích Ca để trả thù rửa hận, với sự kính trọng nhất định dành cho Phật, nên nếu biết Đức Phật vẫn luôn dành cho quê nhà một tình cảm nhất định, chắc chắn Tỳ-lưu-ly sẽ lui binh. Xét theo tình huống, câu nói này là phù hợp nhất trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế, đừng mang nó đi xa khỏi bối cảnh của nó.

Quê hương và mẹ

Đến đây tôi chợt nhớ tới câu thơ của Đỗ Trung Quân, “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Con người đâu chỉ được nuôi lớn bằng cơm gạo áo tiền, bằng vật chất thô sơ, mà còn được nuôi dưỡng bằng những giá trị tinh thần, mà cụ thể ở đây là tình cảm quê hương. Những gì thuộc về quê hương muôn đời gắn bó keo sơn, vì nó là một phần sự sống trong ta, nếu mất đi ta đâu thể sống nổi. Con đường cuối xóm, cây đa đầu làng, lũy tre sông vắng, cánh đồng mùa gặt, cánh diều tuổi thơ, tiếng hát mẹ ru… đó là những hình ảnh cụ thể muôn đời của quê hương và đã chuyển hóa thành chất liệu tinh thần tuyệt đối trong mỗi con người.

Mỗi người đều có một quê hương, cũng như mỗi người đều có mẹ, hình ảnh về mẹ không tách rời hình ảnh quê hương, hay nói cách khác, quê hương chính là hình nền cho mẹ hiện lên, để rồi mỗi khi nghĩ đến quê hương thì hình ảnh mẹ già tần tảo nắng mưa, chịu thương chịu khó lại hiện về. Bức tranh quê hương đẹp vì ngay trung tâm của bức tranh ấy có hình ảnh mẹ ta. Chính vì thế quê hương còn gọi là đất mẹ. Đó là nơi ta được sinh ra, là nơi chôn nhau cắt rốn, mà sau này khôn lớn có đi muôn nơi thì đất ở lại vẫn lưu giữ núm ruột thuở ban đầu, cho người đi xa ôm ấp mãi hình bóng quê nhà.

Quê hương còn là nơi bao đời cha ông ta đã nỗ lực, tận hiến và trao lại cho chúng ta. Là nơi ta đi qua suốt một thời thơ dại với bao kỷ niệm vui buồn, và những lời ru của mẹ từ thuở còn nằm nôi về quê hương đất nước con người, sẽ là lời muôn thuở theo bước chân ta trên mọi nẻo đường.
 
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru.
(Nguyễn Duy)

Chính mẹ đã biến một vùng đất vô danh trở thành tiếng vọng thiêng liêng là quê hương, chính chất liệu mẹ đã làm cho hình ảnh quê hương có khả năng lay động đến vô cùng, nhất là đối với những người đi xa, luôn đau đáu một ý niệm quê nhà. “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một thoáng nhớ mông lung”, không gian tâm tưởng đã bao trùm lên không gian vật chất. Quê nhà ta đó, dù có nhỏ bé tầm thường so với bất kỳ đâu thì vẫn khả năng níu giữ và nâng đỡ hồn ta đến vô tận, và chỉ có ở nơi ấy ta mới thấy hạnh phúc, bình an. Thậm chí những người vì cuộc sống phải đi xa, không sống trên mảnh đất quê nhà, thì những ý niệm về quê nhà cũng là động lực cho họ nơi đất khách.

Tận cùng của chân lý là sự giản dị, một sự giản dị mà để đến được đó, con người phải trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm của phức tạp cao siêu. Quê hương chính là mẹ, nên những hình ảnh của quê hương cũng là hình ảnh mẹ trong mức độ giản dị nhất. Ca dao tục ngữ Việt Nam thể hiện rất rõ điều này. “Mẹ già như chuối chín cây”, hay “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”…

Mẹ là biểu tượng của tình thương, nên mẹ cũng giản dị vô cùng, giản dị đến mức con người nhiều khi quên mẹ, như quên bảo vật trong tay, để rồi khi mất đi mới thấy đất trời sụp đổ. Người con lên đường đi tìm Phật để thỏa chí bình sinh, trải qua gần cả đời lao tâm khổ tứ, nhọc nhằn xác thân vẫn chưa tìm được. Một sớm tinh sương theo tiếng vọng cội nguồn, lần về lại mái nhà xưa, thấy mẹ già đứng đợi bên cửa từ thuở nào. Điều lạ lùng là hình bóng mẹ già sao giống hình ảnh của Đức Phật được huyền ký bên tai đêm nào. Thì ra, nếu Phật là yêu thương, giản dị, bao dung… thì anh không cần phải tìm đâu xa, mà ngay ở quê nhà.

Tiếng vọng cội nguồn

“Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi”, đó là câu thành ngữ nói lên khát vọng cội nguồn trong mỗi con người chúng ta. Núi rừng là quê hương của cáo, nên là nơi nó luôn hướng về, thậm chí cái chết như là một sự hủy diệt tối hậu cũng không ngăn cản được nó quay đầu về núi. Chúng ta sẽ thắc mắc, ba năm là một thời gian đủ dài cho mọi xác thân tan thành tro bụi, cáo lấy gì mà hướng về núi đây? Ở đây vấn đề không phải là thời gian mà là tiếng vọng. Từ khi được mẹ sinh ra trên một miền quê cụ thể, lấy quê mẹ làm quê hương, thì chất liệu quê hương như đã cấy vào trong bảng mã di truyền của chúng ta, để rồi cứ thế mà tồn tại, mà cuộn lên và chi phối cả trong ý thức lẫn vô thức. Nếu sống là ý thức thì chết có thể được xem là vô thức, trong vô thức vẫn khắc khoải một miền quê.

Đến đây tôi chợt nhớ đến Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400), một đại danh y Việt Nam, vị Thánh tổ của ngành thuốc Nam với phát kiến bất hủ “Nam dược trị Nam nhân”. Cùng chung số phận điêu linh của một dân tộc mất nước, ngài bị biến thành cống phẩm cho kẻ xâm lược bởi tài nghệ y học của mình. Được triều đình nhà Minh trọng vọng, phong làm Đại y Thiền sư, nhưng Tuệ Tĩnh vẫn đau đáu nỗi niềm quê hương, và ngài đã khóc trong ngày nhậm chức của mình, để rồi khi mất đi, trên bia mộ của ngài vẫn khắc khoải một miền quê “Ai về nước Nam cho tôi về với”. Tiếng vọng đoạn trường này ngân mãi đến gần 300 năm sau, một sứ thần Việt Nam tình cờ thấy được đã rơi lệ trên mộ ngài, và đã hồi hương cho ngài bằng một bia mộ tượng trưng lấy từ bản gốc nơi đất khách quê người.

Trong tác phẩm Đức Phật lịch sử, tác giả Schuman đã đưa ra giả thuyết rằng, trong hành trình cuối cùng của mình, Đức Phật đi mãi về Tây, phải chăng Ngài có ý định về lại quê nhà? Đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi, nhưng nếu là thế, thì phải chăng Đức Phật muốn khép lại một vòng tròn vĩ đại, vòng tròn ấy bắt đầu từ vườn Lâm-tỳ-ni cách đó tám mươi năm, sau khi đi qua khắp vùng Ấn Độ bao la?


Nguồn: Phatgiao.org.vn