622 lượt xem

Giới thiệu về Làng nghề đan lát Bao La

Làng Bao La (xã Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống. Để đến làng đan lát Bao La, Từ Huế theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc, đến thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà) rẽ phải qua cầu Tứ Phú, đi khoảng 2km là đến làng Bao La.

Làng gồm các xóm Đình, Hóp, Đông, Cầu, Chùa, Chợ, ôm lấy cánh đồng làng và một phần ở vùng cát nội đồng ven phá Tam Giang, gọi là Bao La thủy lập phường – Đơn vị hành chính mới phường vùng sông nước thủy lập của làng Bao La, về sau biệt đinh biệt điền hình thành thôn độc lập là Thủy Lập (lấy tính từ thành danh từ). Quá trình khai lập làng xã ghi nhận công lao các ngài thủy tổ các dòng họ qua sắc phong:
  • Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Bổn Thổ Khai canh Nhân Lộc hầu Nguyễn Mặc Nghị quí công chi thần (Khải Định thứ 2 – 1917), gia tặng Đoan Túc tôn thần (Khải Định thứ 9 – 1924).
  • Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Thái Chủ Thiện tướng quân chi thần (Khải Định thứ 2 – 1917), gia tặng Đoan Túc tôn thần (Khải Định thứ 9 – 1924).
  • Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Bổn Thổ Tô chủ Khai canh Nguyễn Bá Linh đại lang chi thần (Khải Định thứ 2 – 1917), gia tặng Đoan Túc tôn thần (Khải Định thứ 9 – 1924).
Ba vị Khai canh quê gốc Nghệ An, về sau tịch nhập 9 họ có công khai mở làng xã là Võ, Phạm, Ngô, Dương, Hồ, Hà, Hoàng, Trần, Lê.(1) Làng Bao La được thành lập từ sớm, chưa có tài liệu xác định cụ thể nhưng có thể vào khoảng thế kỷ XV. Dư địa chí (viết năm 1438) cho biết làng xã Hóa Châu tăng lên đáng kể, riêng huyện Đan Điền đã có 63 xã, 9 thôn, 6 sách. (2) Ô châu cận lục (giữa thế kỷ XVI) ghi nhận Bao La ở trong 52 làng xã của huyện Đan Điền.(3) Đến thế kỉ XVIII, làng Bao La thuộc tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền.(4) Đến thời Nguyễn thì làng Bao La là một trong 12 xã, giáp thuộc tổng Thanh Cần, huyện Quảng Điền.(5)

Trên vùng châu thổ sông Bồ, người dân Bao La lấy nghề canh nông làm trụ cột, nhưng đồng thời, cũng phát triển một ngành nghề thủ công độc đáo, đó chính là nghề đan lát. Trong ký ức người dân, đáng tiếc là chúng tôi chưa tiếp cận được tài liệu văn bản nào, tổ tiên từ đất bắc di cư vào Nam, mang theo ngành nghề truyền thống từ cố hương để tiếp tục trở thành sinh nghệ trên quê hương mới. Từ xa xưa, làng Bao La đã nổi tiếng khắp vùng Huế với nghề đan thúng mủng, với những sản phẩm được làm từ tre nứa vừa đẹp vừa bền: Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột, Chiếu Quảng Nghĩa tốt lắm ai ơi

NGHỀ ĐAN LÁT BAO LA

Cây tre phổ biến và hình ảnh cây tre cùng những sản phẩm mang lại nhiều giá trị thiết thực của nó đã đi sâu vào đời sống của con người Việt Nam, từ thôn quê cho đến thành thị. Tre trở thành nguyên vật liệu thiết thân cho việc đan lát vốn rất phổ biến và lâu đời trong cộng đồng làng xã. Sản phẩm mây tre đã có từ hàng ngàn năm qua trong đời sống cộng đồng của người Việt Nam, trở thành nghề phổ biến trong chốn dân gian.

Ở miền Bắc, nghề mây tre đan nổi tiếng ở Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên), thôn Phúc Tằng (Tăng Tiến, Việt Yên, Bắc Giang), Quảng Phong, Quảng Xương (Thanh Hóa), Ninh Sơ (Hà Tây)…. Riêng ở miền núi, phải nhắc đến nghề đan của người Thái, Tày… Ở Nam Bộ, nhiều nơi có tre trúc như miền Đông, miền Tây, trong đó có Hậu Giang chuyên sản xuất các những bàn ghế, giường chõng, đồ gia dụng, nông cụ.(6) Ở miền Trung, đáng chú ý là nghề đan lát ở Đà Lam (Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An), Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế),…

Với bề dày truyền thống phát triển, nghề đan lát Bao La phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XVIII – XIX, với nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp, đồ gia dụng cùng nhiều sản phẩm đa dạng khác. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm đan lát Bao La đã vượt khỏi nhu cầu địa phương quanh vùng, ở các ngôi chợ làng như Văn Xá, Phú Lễ, Sịa,… mà còn đi khắp nơi ở Huế, như chợ Đông Ba , chợ cầu ngói Thanh Toàn , chợ Phò Trạch… Cao điểm là trước mùa thu hoạch lúa, trước Tết nguyên đán, hàng được đóng đi khắp nơi rất tấp nập, nhờ vào phẩm chất bền, đẹp của sản phẩm, rất được thị trường ưa chuộng.

Về chủng loại thì sản phẩm đan lát truyền thống Bao La chủ yếu phục vụ trong sản xuất nông nghiệp và đồ gia dụng, từ chiếc rá vo gạo, các loại rổ rửa rau, đựng cá đến các loại giần sàng của nghề xay xát, nong nia để phơi phong nông sản, thủy sản, thúng mủng đựng nông sản cũng như chiếc nôi trẻ con, giường, chõng…, được làm
bằng tre rất tinh tế, đẹp mắt.
Bảng 1: Sản phẩm đan lát Bao La truyền thống
Stt Sản phẩm Công dụng Kích thước
1 Thúng Đựng lúa, gạo, khoai sắn, bắp, đậu, ớt… 0,8m
2 Mủng Đựng lúa, gạo, khoai sắn, bắp, đậu, ớt… 0,5 m
3 Nong Đựng, phơi nông sản, thủy sản… 1 – 2m
4 Nia Đựng, “sảy” (lúa, gạo)…  
5 Dần “Dần” nông sản, đựng, phơi nông thủy sản  
6 Sàng “Sàng” nông sản, đựng, phơi nông thủy sản  
7 Trẹt Đựng, “sảy”nông sản  
8 Rổ Đựng nông sản Rổ bộ 3 cái (nhiều kích cỡ khác nhau)
9 Đồ gia dụng Rá bộ 8 cái (nhiều kích cỡ khác nhau)
10 Lồng bàn Đồ gia dụng  
11 Nôi Đồ gia dụng  
12 Giường Đồ gia dụng  
     

Trong những năm 1985 – 1990, cùng với quá trình công nghiệp hóa, thị trường thông thương, sản phẩm mây tre đan bị cạnh tranh gay gắt bởi sự ra đời của những mặt hàng nhôm, nhựa gia dụng, với mẫu mã đa dạng, phong phú… Hàng mây tre đan càng khó tiêu thụ nên làng nghề đan lát Bao La chỉ hoạt động cầm chừng, với số lượng hạn chế, chỉ đan lát các sản phẩm thiết yếu phục vụ trong nông – ngư nghiệp.

Trước nguy cơ mai một, chính quyền địa phương đã có chính sách khôi phục các ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống, như chính sách Ưu đãi đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh trên địa bàn (Quyết định số 1546/QĐ – UB ngày 12/6/2002 của UBND tỉnh), Chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp hàng hóa và dịch vụ (Quyết định số 1584/QĐ – UB ngày 14/6/2002 của UNBD tỉnh), Chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các làng nghề, nghề trên địa bàn Thừa Thiên Huế (Quyết định số 53/QĐ – UB ngày 13/1/2003 của UBND tỉnh)… Đặc biệt là chương trình phát triển sản xuất hàng Tiểu thủ công nghiệp từ năm 2002, trong đó tập trung phát triển hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu.(7)

Nhờ vậy, huyện Quảng Điền đã có chiến lược vực dậy các làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, trong đó có nghề đan lát Bao La. Năm 2007, thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, với định hướng khôi phục phát triển làng nghề gắn với du lịch, thu hút ngày càng đông người lao động, sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng (Nhân lực tăng dần qua các năm: từ 18 – 20 người [năm 2007], 130 người [năm 2013] và 145 người [năm 2015]), chủ yếu phát triển theo hướng sản xuất hàng gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu.(8)

Đến nay, Hợp tác xã có 3 người quản lý và cũng là người đồng sáng lập, có 2 nghệ nhân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận: ông Võ Chức và ông Thái Phi Hùng. Đáng chú ý là nghề đan lát phù hợp với người già, có thâm niên nghề từ 10 năm trở lên, lao động trẻ thường có xu hướng theo các nghề khác.(9) Nhờ vậy mà từ đây, chủng loại sản phẩm của làng nghề đã có sự thay đổi đáng kể. Ngoài những nông ngư cụ và đồ gia dụng mang dáng vẻ truyền thống, Hợp tác xã đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi mẫu mã đồ gia dụng để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Những mặt hàng gia dụng mang dáng vẻ hiện đại như bàn ghế, giỏ xách và một số mặt hàng mỹ nghệ phục vụ trưng bày, lưu niệm chiếm tỷ trọng lớn, được làm từ tre và có bổ sung nguyên liệu mây, có khi kết hợp cả mây tre.

Nhiều lớp tập huấn được tổ chức để chuyển giao kỹ thuật đan lát các sản phẩm mới, thích hợp với nhu cầu thị hiếu xã hội và hướng đến sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch để làm sao không thể bỏ nghề truyền thống của cha ông như tâm huyết của bà con dân làng. Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề đã đa dạng hơn về mẫu mã, mỗi mẫu có 34 kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, như giỏ xách quai tròn, giỏ xách cao quai tròn, giỏ xách chữ nhật, giỏ quai tròn to; có nhiều loại đèn như đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu…; cùng các sản phẩm ngư nghệ như ghe đua, ghe buồm, chơm cá,(10)… [xem phụ lục bảng].

Nét mới trong thị trường tiêu thụ sản phẩm đan lát Bao La là đã dần vươn ra khỏi địa bàn vùng Huế, mở rộng ra cả nước và thậm chí là xuất khẩu. Thông qua các kỳ Festival và Festival nghề truyền thống Huế, sản phẩm làng nghề Bao La được quảng bá, thu hút nhiều khách hàng và đối tác, nhất là các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, khách du lịch và từng bước xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Quốc, dù tỉ trọng chưa cao. Đáng chú ý là từ kết quả của các cuộc trưng bày triển lãm, sản phẩm đan lát Bao La đạt được nhiều giải thưởng cao quí và từng được chọn đi triển lãm ở châu Âu. Đó là cơ sở để có thể hiện thực hóa nhu cầu, khát vọng phát triển làng nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, như chưa đủ sức thu hút nguồn lao động trẻ bởi thu nhập còn thấp.

NGHỀ ĐAN LÁT BAO LA: NHỮNG ĐẶC TRƯNG

3.1. Tổ chức sản xuất và qui ước nghề nghiệp

Về cơ bản, các ngành nghề thủ công truyền thống Huế vẫn mang đậm tính chất đơn giản, thủ công, trong mô hình gia đình và chủ yếu vẫn là hoạt động phụ trợ lúc nông nhàn. Điểm đáng chú ý là các khâu trong nghề đan lát có thể dễ dàng thu hút nhiều nguồn lao động ở các lứa tuổi, trình độ tay nghề khác nhau, từ chẻ tre, vót (chuốt), đan, đát, nạp, lận, nức,… Tuy nhiên, ở đây có sự phân công lao động rất rõ ràng, tùy giới tính, độ tuổi và tay nghề để đảm trách công việc phù hợp. Những người đàn ông khỏe mạnh đảm trách hầu hết mọi công việc, như tìm mua, đốn và vận chuyển tre về làng, lận vành, đan lát…; Người già cưa tre, chẻ nan, vót; Trẻ em cũng học đan lát; Phụ nữ đan lát và bán sản phẩm. Như vậy, mọi thành viên trong gia đình đều có thể tham gia, tùy vào khả năng của mỗi người. Trong phạm vi gia đình nhưng làng vẫn có qui định khắt khe để bảo vệ bí mật nghề nghiệp, như không cho người trong làng quan hệ hôn nhân với người ngoài làng, hay để tránh tình trạng cạnh tranh thị trường, khách hàng, mỗi xóm sẽ chuyên sản xuất một số mặt hàng chủ đạo, thông qua ràng buộc bằng khẩu ước của làng:

[1]. Xóm Nguyên Tự (xóm Chùa): các sản phẩm rá, mủng các loại;
[2]. Xóm Vĩnh Thạnh (xóm Đình): lồng bàn, rổ lồng hai, mẹt;
[3]. Xóm Đại Phu Tiên (xóm Hóp): các sản phẩm rổ lồng mốt, rổ lồng phân, quạt gắp, kiềng (rế);
[4]. Xóm Đại Phu Hậu (xóm Đông): chuyên sản xuất nong, nia, thúng, sề;
[5]. Xóm Lý Nhơn (xóm Chợ): chuyên sản xuất dần, sàng các loại;
[6]. Xóm Cầu, chỉ có khoảng 1-2 hộ gia đình, chuyên làm nia, thúng, mủng.

Làng Bao La có tổ chức sản xuất chặt chẽ, tuân thủ qui ước, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, được thị trường ưa chuộng. Điều đó còn được phản ánh rõ nét trong di sản văn hóa dân gian qua câu chuyện Kén rể:

Vào thời phát đạt của thúng, mủng, những trai lực điền vâm váp muốn làm rể làng Bao La phải biết đan thúng, mủng. Và thúng mủng do họ đan khi quăng mạnh ra xa, vành phải bung ra. Thoạt nghe câu chuyện, những tưởng có điều gì đó phi lý, mâu thuẫn với câu ca ca ngợi về độ tốt, bền của đồ đan Bao La. Suốt dải đất miền Trung hầu như ai cũng biết thúng, mủng làng Bao La đựng được bột mịn không chảy. Có lẽ mọi người khi nghe về điều này sẽ không khỏi thắc mắc. Sở dĩ như vậy, bởi “Nết nông dân không ưa làm dối. Các cụ muốn đánh giá ở độ khít khao của tấm mên khi chàng rể quăng mạnh ra xa, vành bung nhưng tấm mên vẫn sít rịt với nhau.(11) Ở đây, điểm cốt yếu là các cụ muốn thử tay nghề của chàng rể qua chất lượng tấm mên.

Hiện nay, ngoài việc đồng áng, bà con làng Bao La vẫn tiếp tục bắt tay vào nghề đan tre truyền thống, tổ chức sản xuất theo gia đình và người dân còn tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do Hợp tác xã tổ chức và bao tiêu sản phẩm.

Ngoài mô hình sản xuất theo hộ gia đình, bước đầu đã có sự chuyên môn hóa từng công đoạn cho các nhóm gia đình, như để sản xuất một cái quạt hoàn chỉnh, các gia đình phân chia từng công đoạn, trong gia đình tùy mức độ công việc và kinh nghiệm, lại có sự phân công phù hợp giữa các thành viên, có người chẻ tre, có người bó nan, có người khoan lỗ, người mài nhẵn quạt… Hợp tác xã còn tổ chức sản xuất theo dây chuyền, để các thành viên kèm cặp, hỗ trợ nhau. Nhân lực được phân theo tổ, gồm hai tổ phụ nữ và tổ đàn ông; mỗi tổ lại phân chia theo loại sản phẩm: tổ chuyên làm đèn trang trí, tổ làm rổ, tổ làm mành…; Trong tổ lại bố trí phân chia theo loại công việc cho các thành viên, như có người nức, người lận, người đan lát… Chính sự phân khúc và chuyên môn hóa đó đã giúp hoàn thiện kỹ thuật và chất lượng, mẫu mã của sản phẩm ngày càng tốt hơn, đủ sức sản xuất lượng lớn hàng hóa khi có hợp đồng.

3.2. Nguyên t liệu ản u

Tre là nguyên liệu sử dụng chủ yếu trong đan lát ở làng Bao La, ngoài ra còn có mây, vốn là những thổ sản đặc trưng trong vùng, như Ô châu cận lục từng ghi nhận (nay có thêm cước).(12) Mây chủ yếu sử dụng trong việc nức vành, với mây rã (loại mây to, dài) để đan các sản phẩm thủ công dùng trong sinh hoạt sản xuất; mây tắc (loại mây nhỏ hơn) dùng để nức vành hay làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Mây được người dân mua chủ yếu ở các xã gò đồi thuộc huyện Hương Trà nhưng do ngày càng khan hiếm, giá cao nên họ đã dùng cước để thay thế, rất tiện lợi dù ít nhiều làm mất đi nét tự nhiên, tinh tế, truyền thống của sản phẩm thủ công. Mây chỉ còn được sử dụng trong một số sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.

Có rất nhiều loại tre khác nhau, trong đó chỉ một số loại phù hợp trong việc để đan lát, như tre nhà (tre có gai, thân to, ruột bọng) và tre lồ ô (tên khoa học Bambusa balcooa) với đặc điểm thân thẳng, lóng dài, có độ đàn hồi cao, mềm dẻo nên thích hợp làm nguyên liệu đan lát. Các xã vùng gò đồi huyện Hương Trà, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho làng nghề đan lát Bao La.

3.3. Công cụ và các công đoạn, kỹ thuật chế tác

Do tính chất hoàn toàn thủ công nên người thợ đan lát Bao La ngoài sự hỗ trợ của một số loại phương tiện rất thô sơ như rựa, mác, cưa… thì đôi tay của họ quyết định phần lớn đến hình hài và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh dụng cụ truyền thống, đã có sự hỗ trợ của các phương tiện máy móc trong việc sơ chế nguyên vật liệu: máy chẻ tre, máy cưa, máy khoan, mái chà, máy cưa lọng…

Để hoàn thành một sản phẩm, người thợ trải qua nhiều công đoạn khác nhau như chọn nguyên liệu, sơ chế nguyên vật liệu, chẻ thành nan và vót, gầy, đan, đát, lận, nứt, cạp vành. Ngoài đôi bàn tay tinh xảo và khéo léo thì kỹ năng chọn lựa nguyên liệu cũng đóng vai trò rất quan trọng, tùy vào công dụng, thời điểm để chọn lựa. Cây Lồ ô được chọn phải có độ tuổi từ 1,5 – 3 năm và thường được khai thác vào khoảng tháng 2 – 4 ÂL, tránh khai thác vào mùa măng mọc (khoảng tháng 5) do nuôi măng, tre dễ bị sâu, mục. Cây tre được chọn phải tương đối thẳng, lóng dài, không bị sâu, không bị hỏng ngọn. Mỗi bộ phận trên thân cây tre được sử dụng vào các chi tiết khác nhau của sản phẩm, như để làm thúng thì đoạn gộc dùng làm vành, vành lót trong được vót tròn, vành ngoài vót lép; đoạn giữa cây tre dùng để đan mên, chẻ thành nan và vót láng; khúc ngọn để đát thành miệng thúng nên chẻ mảnh hơn, nhỏ hơn.

Tre sau khi đốn về được cưa thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, tùy theo nhu cầu kích thước sản phẩm cho phù hợp. Người ta dùng rựa, mác để chẻ tre thành từng thanh mỏng – nan, với độ dày mỏng, rộng hẹp tùy thuộc nhu cầu sản phẩm. Cật tre có màu xanh lục, cứng, có sức đàn hồi lớn, độ bền cao được ưu tiên sử dụng, còn ruột tre bên trong xốp, thường được vứt bỏ. Nếu dùng toàn cật tre để làm nan thì sản phẩm bền chắc hơn nhưng cũng tốn nhiều tre, giá thành cao, nên chỉ làm theo đơn hàng. Nan ra rồi thì phải vót nan – trau chuốt cho có độ dày mỏng trơn láng thích hợp rồi mới đan, vót càng kỹ thì sản phẩm làm ra càng đẹp.

Muốn đan thì trước hết phải gầy – sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm. Sau đó, người ta mới đan – gài cái nan này với những cái nan khác theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan lòng mốt, đan lòng hai, đan lục giác… Thúng, mủng, nong, trẹt thì đan lòng thúng (bắt 2 múi, đè 3 múi, kế đến bắt 4 múi, đè 3 múi); rổ rá đan theo kiểu lòng mốt; Dần, sàng, lồng bàn đan theo kiểu lòng hai.

Đan thưa, đan dày hay đan bít tùy thuộc công dụng của sản phẩm, như rổ sưa (thưa) và rổ dày có độ dày thưa khác nhau; dần sẽ đan dày hơn sàng; thúng, mủng thì đan bít để vật đựng không thể rơi rớt được. Đát cũng là đan, nhưng theo lối khác: đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn; sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm, trên cái mảng đan bằng tre, người ta gọi là cái mên. Đan lòng xong, người ta để 4 góc khoảng từ 5 – 10cm để đát dày theo công thức bết 3 múi đè 3 múi. Để dễ phân biệt, nếu quan sát kĩ một chiếc rổ thì chung quanh bốn phía của phần đan là đát: những nan nhỏ hơn được đan khít với nhau; ở giữa là phần đan, mặt hình vuông, nan được xếp cách đều nhau, tạo ra những ô vuông trống hở, là mặt chính của rổ; đát mất thời gian, công phu tỉ mỉ hơn.

Lận là làm cho tấm mên phẳng trở thành hình dạng của sản phẩm, như rổ, rá, thúng, mủng… Khi lận phải chuẩn bị cặp vành (vành trong, vành ngoài), được làm bằng tre cật. Khi lận thì chỉ dùng vành ngoài, lận xong mới dùng đến vành trong, một cách mạnh mẽ nhưng khéo léo, người ta buộc cái mên phải nằm lọt vào bên trong vành để tạo dáng sản phẩm. Với những thứ như giần, sàng, mẹt (trẹt), mủng, rổ rá tương đối “cạn”, kích thước lại nhỏ nên thao tác lận không khó lắm, lận cạn. Với các loại thúng có độ sâu trên 30cm, đường kính cũng lớn hơn phải lận sâu, nên để việc lận dễ hơn người ta đào một cái hố tròn để cho mên lọt xuống. Đối với các loại nong nia, đường kính từ 12m, mên dày và cứng hơn, khi lận người ta phải đóng cọc để giữ vành thật vững, mới đủ sức ép đưa mên vào khuôn khổ. Khi mên đã lọt vào vành ngoài, phải sửa sang uốn nắn để nó nằm ngay ngắn đúng vị trí thích hợp rồi bỏ vành trong vào. Người ta tạm thời buộc chặt vành trong vành ngoài và mên lại với nhau bằng một sợi lạt, khoảng cách 10 – 20 cm tùy kích thước; các nút buộc này sẽ lần lượt được cắt bỏ khi đến công đoạn nức.

Nức là động tác buộc cố định vành trong, vành ngoài vào mên lại với nhau theo kỹ thuật, vừa đẹp vừa bền. Có hai lối chính là nức đơn và nứt kép, nếu nức không kỹ thì vành sẽ mau sút. Người thợ nức lợt khi làm trẹt, nức khuốc khi làm nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng và nức đôi khi làm những sản phẩm cần độ chắc bền. Khi nức người ta không dùng lạt tre mà dùng mây vì mây dẻo dai và cho sợi dài. Cây mây được chẻ nhỏ làm bốn hay sáu sợi và vót rất công phu, với bề ngang chừng 2mm. Trước đây, chẻ và vót mây hoàn toàn bằng tay và do một số hộ gia đình chuyên trách phân phối lại, nay được sử dụng bằng máy, có cả xưởng sản xuất.

Nức xong là hoàn thiện sản phẩm, và do tre tươi nên lúc này, người thợ đốt lửa rơm hui cháy xơ tre, cho sản phẩm bén lửa ngả màu vàng của khói để chống mọt, rồi mới đem phơi nắng hoặc treo giàn bếp, nay còn có sự hỗ trợ của dầu toa hoặc máy sấy để bảo quản sản phẩm.

Ngoài ra, các loại vật dụng sau một thời gian sử dụng thì vành dễ bị bung hoặc do lận, nức không kỹ, bung vành mà mên vẫn còn nguyên vẹn thì để tận dụng, người thợ sẽ sửa vành lại, gọi là cạp vành.

KẾT LUẬN

Làng nghề đan lát Bao La ra đời từ sớm và ngày càng nổi tiếng với những sản phẩm đan lát từ tre. Sản phẩm của làng nghề đạt đến trình độ tinh xảo, đẹp mắt, mang đặc trưng riêng có, kết tinh trong đó những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Làng nghề trải qua những thăng trầm trong quá trình phát triển, có lúc tưởng chừng như “biến mất” trước sự cạnh tranh của hàng công nghiệp nhưng với lòng đam mê nghề của những người thợ tâm huyết và sự giúp sức của chính quyền địa phương mà làng nghề từng bước được vực dậy. Đứng trước những khó khăn chung của bối cảnh xã hội, người thợ thủ công Bao La đã không từ bỏ mà ngược lại, luôn trăn trở để tìm ra cách đi phù hợp nhằm thích ứng với bối cảnh mới.

Trên cơ sở sản phẩm thủ công truyền thống, những người thợ đã có sự sáng tạo, biến tấu mẫu mã đa dạng hơn. Sản phẩm mây tre đan hôm nay không còn là hàng đan mây tre gia dụng thông thường mà đã chuyển hóa thành hàng lưu niệm, mỹ nghệ có giá trị. Với bàn tay khéo léo và tài tình, sự mày mò, sáng tạo từng bước đi từ mây tre, người thợ, người dân làm nghề đã tạo ra những sản phẩm mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, có giá trị sử dụng lẫn thẩm mĩ cao. Tuy nhiên, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề quan trọng bởi chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ. Để làng nghề tiếp tục tồn tại và phát triển, đòi hỏi sự năng động sáng tạo của người dân, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, theo đúng tinh thần xã hội hóa, để kịp thời đầu tư, chuyển hóa làng nghề phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại trên nền tảng truyền thống, từ nhiều phương diện: mô hình tổ chức, yếu tố kỹ thuật, yếu tố mỹ thuật, giá trị hàng hóa và giá trị sử dụng của sản phẩm, vấn đề khảo sát thị trường…

Với xu hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch bền vững, các làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế nói chung, làng đan lát mây tre đan Bao La nói riêng không chỉ là nơi sản xuất của người dân vì mục đích kinh tế mà đang trở thành nét văn hóa của vùng đất sản sinh ra nó. Vì thế, văn hóa làng nghề được ghi nhận là một bộ phận không thể tách rời khỏi giá trị văn hóa truyền thống của văn hóa Huế.

Tài liệu tham khảo

Bảo Trân (2012), Nhân Festival Huế: Một làng nghề truyền thống có hơn 600 năm, 15-9-2016, http://kyluc.vn/tin-tuc/tin-ky-luc/nhan-festival-hue-mot-lang-nghe-truyen-thong-co-hon-600-nam.
Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh – Hoàng Văn Phúc [Hiệu đính – dịch chú], Huế.:
Nxb. Thuận Hóa.
Dương Văn An (2009), Ô Châu cận lục, Văn Thanh – Phan Đăng [Dịch & Chú giải], Hà Nội.: Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.32.
Lê Quý Đôn (1977), Toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, H..: Nxb. KHXH, tr.80.
Lê Văn Viện, “Nghề mây tre đan làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, https://123doc.org//document/4196987-nghe-may-tre-dan-lang-bao-la-xa-quang-phu-huyen-quang-dien-tinhthua-thien-hue.htm.
Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, tr.47.
Nguyễn Khắc Hoàn, Hoàng La Phương Hiền, Lê Thị Phương Thảo (2017), “Thực trạng phát triển sản xuất mây tre đan tại hợp tác xã mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học – Đại học Huế, tập 126, số 5A, dẫn lại trong http://www.vjol.info/index.php/CSKTPT/article/view/30864/26179, tr.7.
Nguyễn Trãi, Dư địa chí, H.: Nxb. Khoa học Xã hội, tr. 235.
Nguyễn Văn Vinh (2001), “Làng nghề đan lát Bao La”, Tạp chí Sông Hương, số 150, http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c85/n259/Lang-nghe-dan-lat-Bao-La.html.
Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, H.: Nxb. Văn hóa Dân tộc, tr.63.
Phan Hồng Khôi (2005), “Chính sách phát triển thủ công nghiệp: thực trạng, hiệu quả và vấn đề đặt ra”, trong Kỷ yếu HTKH Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, UBND thành phố Huế – Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại Huế, tr. 154.
QSQ triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Ngô Đức Thọ dịch, H.: Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán nôm – Nxb. Thế giới, tr. 1427.
Thanh Hương (2014) Mây tre đan Bao La xuất ngoại, 15-09-2016, http://baothuathienhue.vn/may-tre-baola-xuat-ngoai-a6256.html
(1) – Tài liệu điền dã tại làng, thu thập văn bản Hán Nôm, phỏng vấn (Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế).
– Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Huế.: Nxb Thuận Hóa, tr.47.
  1. Nguyễn Trãi (1976), Dư địa chí, trong Toàn tập, in lần 2 có sửa chữa, bổ sung, bản dịch Viện Sử học, H.: Nxb.KHXH, tr. 235.
  2. Vô danh thị, (2001), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc tập thành, Trần Đại Vinh – Hoàng Văn Phúc hiệu đính – dịch chú, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, tr. 59 – 61.
  3. Lê Quý Đôn (1977), Toàn tập, tập I, Phủ biên tạp lục, H.: Nxb. Khoa học Xã hội, tr.80.
  4. QSQ triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Ngô Đức Thọ dịch, H.: Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán nôm – Nxb. Thế giới, tr. 1427.
  5. Phạm Côn Sơn (2004), Làng nghề truyền thống Việt Nam, H.: Nxb. Văn hóa Dân tộc, tr.63.
  6. Phan Hồng Khôi (2005), “Chính sách phát triển thủ công nghiệp: thực trạng, hiệu quả và vấn đề đặt ra”, trong Kỷ yếu HTKH Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival, UBND thành phố Huế – Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại Huế, tr. 154.
  7. Ông Võ Văn Dinh, chủ nhiệm HTX, ngày 1/06/2016; Nguyễn Khắc Hoàn, Hoàng La Phương Hiền, Lê Thị Phương Thảo (2017), “Thực trạng phát triển sản xuất mây tre đan tại hợp tác xã mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học – Đại học Huế, tập 126, số 5A, dẫn lại trong http://www.vjol.info/index.php/CSKTPT/article/view/30864/26179, tr.6.
  8. Nguyễn Khắc Hoàn, Hoàng La Phương Hiền, Lê Thị Phương Thảo (2017), “Thực trạng phát triển sản xuất mâytre đan tại hợp tác xã mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tlđd…, tr.7.
  9. Theo Ông Võ Văn Dinh (chủ nhiệm HTX đan lát Bao La), phỏng vấn ngày 01/06/2015.
  10. Nguyễn Văn Vinh (2001), “Làng nghề đan lát Bao La”, Tạp chí Sông Hương, số 150, trong http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c85/n259/Lang-nghe-dan-lat-Bao-La.html.
  11. Dương Văn An (2009), Ô Châu cận lục, Văn Thanh – Phan Đăng Dịch & Chú giải, Hà Nội.: Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.32, 38.