301 lượt xem

Hình ảnh tượng và ý nghĩa thờ Đức Quán Tự Tại Bồ Tát

Hình ảnh tượng và ý nghĩa thờ Đức Quán Tự Tại Bồ Tát

5 / 5 ( 2 bình chọn )
Quán Tự Tại Bồ tát là tên gọi khác của Quan Thế Âm Bồ tát. Theo Bát Nhã Tâm Kinh, trong tên gọi Quán Tự Tại thì Quán có nghĩa là chiếu là trí tuệ thấy suốt lẽ có không; Tự Tại nghĩa là tự do, cho thấy cái quả giải thoát mà Ngài đã đạt được. Tôn tượng Quán Tự Tại Bồ tát khắc họa ở tâm thế tự tại trong quá trình tu hành, sự tự tại này được thể hiện qua dáng ngồi, dáng đứng, qua khuôn mặt và cách Ngài nhìn cảnh vật xung quanh.
 

Quán Tự Tại Bồ tát thường khắc họa ở tâm thế tự tại trong quá trình tu hành qua khuôn mặt, dáng ngồi, cách Ngài nhìn cảnh vật
Nguồn: Sưu tập

Quán Âm Tự Tại Bồ tát là ai?

Quán Âm Tự Tại Bồ tát là tên gọi khác của Quán Thế Âm Bồ tát. Ngài là vị Bồ tát hiện thân cho tấm lòng từ bi vô lượng của tất cả chư Phật, được thờ phụng rộng rãi trong Phật giáo Đại thừa. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Quán Thế Âm Bồ tát có tên gọi là Quán Âm Tự Tại, dựa trên pháp môn tu tập của Ngài. Quán Thế Âm tức là đấng quán chiếu, lắng nghe, suy xét âm thân của thế gian, mỗi khi chúng sanh bị nguy cấp, khổ ách, nếu nhất tâm tụng xưng danh hiệu Bồ tát thì Ngài sẽ quán xét âm thanh đó và lập tức cứu họ khỏi khổ nạn. 

Tên gọi Quán Tự tại xuất phát từ việc khi quán chiếu vào thâm sâu trong chính mình Ngài nhận thấy năm uẩn đều là giả tạm, không có tự tính và ngộ được điều đó nên đã thoát khỏi tất cả ách nạn khổ đau. Hiểu đơn giản, quán tự tại chính là khi bạn quán chiếu vào chính mình, nhận được rõ ràng chính mình thì từ giờ phút đó, bản thân đã được tự tại, đạt được thành tự tại. Theo Bát Nhã Tâm Kinh, trong tên gọi Quán Tự Tại thì Quán có nghĩa là chiếu là trí tuệ thấy suốt lẽ có không; Tự Tại nghĩa là tự do, cho thấy cái quả giải thoát mà Ngài đã đạt được. Ngài Quán Tự Tại Bồ tát đã thành tựu được mười thứ tự tại gồm:
 
  • Tâm tự tại: Không nhiễm sinh tử
  • Thọ tự tại: Tuổi thọ có thể kéo dài tùy ý
  • Nghiệp tự tại: Chỉ làm việc thiện đồng thời khuyến khích người khác cùng làm
  • Tài tự tại: Tài của dư dả, muốn là có do tu hạnh bố thí mà được
  • Sanh tự tại: Có thể thọ sanh theo mong muốn
  • Giải thoát tự tại: Tùy theo y muốn mà biến hóa
  • Nguyện tự tại: Muốn gì được nấy
  • Thần lực tự tại: Thần thông tối thắng
  • Pháp tự tại: Khế lý, khế cơ, khế kinh do tuệ mà được
  • Trí tự tại: Biết tất cả các lời nói ngôn ngữ. 

Trong tiếng Phạn, Quán Âm Bồ tát có tên là AVALOKITEŚVARA.AVA, khi tách ra có nghĩa sau:
 
  • LOKITE: Có thể thấy được mọi nơi trên cõi đời
  • ŚVARA: Vị chúa tể có đủ quyền năng để hành xử mọi việc một cách tự do
  • AVALOKITESVARA: Vị Bồ tát thực hành Trí tuệ Bát Nhãn có thể quan sát đối tượng Đương Thể Tức Không ở một trình độ thâm sâu và không bị chướng ngại bởi yếu tố giả hợp và tạo thành cái ảo tưởng của đương thể.

Trong kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, khi dạy A Nan Đà về vô lượng kiếp trước, Đức Phật Thích Ca đã nói rằng Quán Thế Âm Bồ tát đã thành Phật và có Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Tuy nhiên, vì đại nguyện muốn làm duyên phát khởi cho các Bồ tát và muốn an vui chúng sanh, Ngài mới hiện thân làm Quán Thế Âm Bồ tát, thường trụ ở thế giới Ta Bà.
 

Theo Phật Thích Ca Mâu Ni, Quán Âm Bồ tát đã thành Phật nhưng vì đại nguyện nên Ngài mới hiện thân làm Bồ tát và thường trụ ở thế giới Ta Bà
Nguồn: Sưu tập

Tiền thân của Quán Thế Âm Tự Tại Bồ tát

Theo Kinh Đại Bi Liên Hoa, Quán Thế Âm Bồ tát trước khi phát nguyện là Thái tử Bất Huyền, con trưởng của Chuyển luân vương Vô Tránh Niệm, sau thành Phật A Di Đà. Ngài đã phát nguyện rằng sau này trong thời gian Ngài tu Hạnh Bồ tát, nếu có chúng sanh nào gặp nguy cấp hay các sự khổ não không chỗ nương cậy, không ai cứu độ. Nếu tụng xưng danh hiệu Ngài, Ngài sẽ quán xét âm thanh đó và giúp chúng sinh thoát khỏi khổ nạn. 

Quán Âm Tự Tại Bồ tát là vị Bồ tát thường trụ ở thế giới Ta Bà, Ngài cũng là thị giả, chuyên tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc. Cũng theo Kinh Bi Hoa, Đức Phật Bảo Tạng đã thọ ký rằng, Phật A Di Đà dù thọ mạng vô lượng thì cũng sẽ nhập niết bàn, khi ấy Quán Thế Âm Bồ tát sẽ tiếp quản chánh pháp, là tôn chủ cõi Cực Lạc với Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Hình ảnh tôn tượng Đức Quán Tự Tại Bồ tát

Quán Tự Tại Bồ tát là Đẳng giác Bồ tát, không một nơi khổ đau, u tối nào mà ánh sáng từ bi của Ngài không soi thấu. Cũng theo Bát Nhã Ba La Mật Kinh thì Quán Âm Bồ tát có 32 ứng hóa hiện thân, sau lại có thêm 33 hóa thân khác dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo pha trộn với tín ngưỡng dân gian tạo thành. Các hình tượng thường gặp của Quán Thế Âm Bồ tát có thể kể đến như:
 
  • Tay cầm hoa sen hồng nên Ngài cũng có tên gọi Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen) hoặc có khi cầm một bình nước cam lộ và một nhành liễu
  • Quán Âm Bồ tát cũng thường được mô tả ở hình tượng ngàn tay ngàn mắt, số tay biểu hiện cho khả năng cứu khổ cứu nạn, phổ độ chúng sinh của Ngài.
  • Đôi khi Ngài cũng được trình bày ở dạng Sư Tử Hống Quán Tự Tại. Lúc này, Ngài là một Dược Sư với hai mắt nhìn bệnh nhân, mắt chính giữa thì tập trung chuẩn bệnh. Hai bảo vật hai bên là bình sắc thuốc và đao trừ tà là những dụng cụ hữu hiệu của một dược sư. 
  • Tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, Ngài được trình bày dưới dạng thân nữ gọi là Bạch Y Hành Giả, tức là vị nữ hành giả mặc trang phục màu trắng. 

Thông thường, tôn tượng của các vị chư Phật, Bồ tát bao giờ cũng được khắc họa, mô tả theo hình tượng mà các Ngài thể hiện. Khác với các tôn tượng Phật Bà Quan Âm thông thường, tôn tượng Quán Tự Tại Bồ tát được thể hiện ở tâm thế tự tại trong lúc tu hành của Ngài. Sự tự tại này được thể hiện qua dáng ngồi, dáng đứng, qua khuôn mặt và cách Ngài nhìn cảnh vật xung quanh.

Một số hình ảnh tôn tượng Quán Tự Tại Bồ tát thường gặp là:

 

Quán Tự Tại Bồ tát ngồi trong tư thế an tường, tự tại mang đến cảm giác bình yên, an lạc cho gia đạo
Nguồn: Sưu tập.

Tôn tượng Quán Tự Tại Bồ tát ngồi trong tư thế tự tại, tay Ngài cầm bảo bình, tay kia cầm một nhành liễu
Nguồn: Sưu tập

Quán Tự Tại Bồ tát tượng với dáng ngồi tùy ý không gò bó khuôn phép mang đến cảm giác thoải mái, tự do, giải thoát
Quán Tự Tại Bồ tát tượng với dáng ngồi tùy ý không gò bó khuôn phép mang đến cảm giác thoải mái, tự do, giải thoát
Nguồn: Sưu tập
 
Quán Tự Tại Bồ tát với dáng ngồi thoải mái, thong dong khiến tâm hồn chúng ta bỗng trở nên an nhiên thanh thản, không bị trăm ngàn sợi dây vô hình trói buộc, gò bó
Quán Tự Tại Bồ tát với dáng ngồi thoải mái, thong dong khiến tâm hồn chúng ta bỗng trở nên an nhiên thanh thản, không bị trăm ngàn sợi dây vô hình trói buộc, gò bó
Nguồn: Sưu tập
 
Ý nghĩa việc thờ Đức Quán Tự Tại Bồ tát

Quán Âm Bồ tát được chứng phép nhĩ căn viên thông, có thể nghe được thông suốt hết thảy âm thanh của vũ trụ. Ngài là vị Bồ tát có hạnh nguyện từ bi vô lượng, cứu khổ cứu nạn, là chỗ dựa tâm hồn cho những con người đang ngổn ngang như “trăm mối tơ vò”, cảm thấy cuộc sống mình biết bao điều phức tạp phiền toái, như bị trăm ngàn sợi dây vô hình trói buộc đến ngột thở cần được tĩnh tâm, cần sự cảm thông, chở che và bảo hộ.

Khi thờ tôn tượng Quán Âm Tự tại, ngày ngày ngắm nhìn tượng Ngài, thành tâm lễ bái, tụng xưng danh hiệu Ngài, chúng ta có thể cảm nhận được sự ung dung, thần thái tự do tự tại và nhẹ nhàng hết sức của Ngài. Nhìn vào tôn tượng Ngài, chúng ta dường như được cảm ngộ sự tự tại của Ngài khi tu hành theo hạnh nguyện Bồ tát. Thờ tượng Quan Âm Tự Tại chính là một biểu pháp vô cùng tốt trên con đường tu hành, để chúng ta phản tỉnh bản thân phải sống, phải tu hành thế nào cho phải đạo. 

Nhờ vào việc thờ tôn tượng Quán Tự Tại Bồ tát, chúng ta sẽ luôn biết phải quan sát, quán chiếu chính mình như “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” mà Bát Nhã Tâm Kinh đã nhắc đến. Việc đầu tiên mà người tu hành phải làm là tự soi chiếu bản thân xem mình mắc lỗi ở đâu và sửa đổi chứ không phải nhìn lỗi của thế gian hay chấp nhặt trước sai lầm của thế gian.

Ngoài ra, việc thờ tôn tượng Quán Âm Tự Tại cũng giúp chúng ta có sự tự tại trong tâm, có cách đối nhân xử thế phù hợp, không bị chi phối bởi ngoại cảnh, từ đó có được cuộc sống an nhiên nhẹ nhàng. Người sống ung dung tự tại, an nhiên nhẹ nhàng thì nghịch cảnh đến mấy cũng sẽ mỉm cười đón nhận, họ là đối tượng thu hút nhiều người muốn thân cận, cảm nhận rõ sự tự tại của họ. Họ cũng là người dễ dàng đạt được sự viên mãn của cuộc đời, thấu suốt được những “vô thường” của cuộc đời.

Bên cạnh đó, việc thờ Quán Âm Tự Tại, Quán Âm Bồ tát theo quan niệm dân gian còn có thể giúp chúng ta thoát khỏi nguy hiểm, tránh được tai vạ. Ngài giúp chúng ta đoạn trừ phiền não lo âu, khởi phát lòng đại bi, tâm bố thí thiện lành, giúp cuộc sống được yên bình, an lạc. Ngài cũng thường được phụ nữ không con cầu tự, mong muốn được hỗ trợ hoàn thành tâm nguyện, được giúp đỡ vượt qua khổ nạn.

Trên đây là một số hình ảnh tôn tượng và ý nghĩa của việc thờ Đức Quán Tự Tại Bồ tát mà bạn có thể tham khảo. Cho dù thờ tôn tượng Phật, Bồ tát nào thì chúng ta cũng cần nhớ đến những hạnh nguyện và sự từ bi của các Ngài để soi chiếu bản thân, học tấm và thực hành theo tấm gương của các Ngài để có thể đạt đến cảnh giới cao nhất của nhân sinh, thoát khỏi khổ nạn và nghiệp báo luân hồi.

Nguồn: Vnctongiao.org