229 lượt xem

Hoàng Trình Thanh-Kỳ 1

Sống là danh sĩ, chết hóa thần – Kỳ 1: Yết kiến Lê Lợi, mở nền khoa bảng

Hoàng Trình Thanh là một trong 10 nhà nho có đức nghiệp đời Lê sơ. Ông từng theo khởi nghĩa Lam Sơn yết kiến Lê Lợi khi tuổi đời mới vừa 17; rồi hai lần hộ giá Tây chinh, hai lần đi sứ nhà Minh. Cùng với 7 chính sách chấn hưng đất nước, Hoàng Trình Thanh xứng đáng là một danh sĩ đi vào sử Việt.
 
Năm 17 tuổi, người thiếu niên anh kiệt Hoàng Trình Thanh đã đến yết kiến Lê Lợi ở dinh Bồ Đề để dâng lên chủ soái của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn các thượng sách trí tuệ. Lê Lợi đã nhận ra một tài năng trẻ tuổi, trí tuệ kiệt hiệt mà đất nước phải trọng dụng.

Sau cuộc yết kiến ấy, Lê Lợi đã giao ngay cho Hoàng Trình Thanh cương vị Ngự tiền học sỹ rồi Ngự tiền học sinh Cục trưởng để làm việc bên cạnh nhà vua với trách nhiệm chuyên chăm lo về việc học và đào tạo nhân tài cho đất nước.

 

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, người nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Trình Thanh.
(Nguồn: Sưu tập)
 

Thần đồng Đa Sỹ

Làng Đa Sỹ ở phường Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội), nói đến làng này nhiều người biết đến thứ nghề truyền thống là làm rèn. Những nông cụ ở làng này làm ra thì tốt lắm, ai cũng ưa thích.

Từ năm 1448, Hoàng Trình Thanh còn được giữ chức Hàn lâm viện Thị độc tri Ngự tiền học sinh nhị cục. Đây là chức quan thuộc viện Hàn lâm giữ việc giảng đọc thư sử cho Hoàng đế, cố vấn cho nhà vua. Chức vụ này tuy không cao, song phải là người tài giỏi tâm phúc, học vấn uyên bác, được vua tin cậy.

— PGS.TS Nguyễn Công Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm —

Người có tuổi, đi đây đi đó nhiều còn biết đến Đa Sỹ có nghề làm thuốc. Cho nên, Đa Sỹ còn có những tên gọi khác như là Đan Khê, Huyền Khê nghĩa là Bến Thuốc. Mà người gắn với nghề này là đại danh y Hoàng Đôn Hòa ở thế kỷ XVI đã để lại 208 phương thuốc trị bệnh cứu người, sau được tôn làm Thành hoàng làng.

 

Những dòng sử Việt ghi về công trạng Hoàng Trình Thanh.
(Nguồn: Sưu tập)

 

Nhưng mà còn có một câu chuyện khác, câu chuyện mở đầu cho những danh thơm Đa Sỹ là Hoàng Trình Thanh. Con người đáng kính này được sử Việt ghi lại một cách khá chu toàn, nhưng mà sau bao nhiêu biến cố thăng trầm cũng làm chúng ta quên đi đôi chút.

Mãi đây, sau rất nhiều cuộc hẹn với một vị Tiến sĩ ngành thủy văn cũng là hậu duệ của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh, chúng tôi mới có mặt ở Đa Sỹ để nghe tường tích về một danh sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XV.

Người hậu duệ ấy còn giữ nhiều bản tích lịch sử, cả chính sử lẫn dã sử và những chuyện chỉ trong nhà mới biết. Ông là Hoàng Thế Xương, 75 tuổi đang cư ngụ trong căn nhà cổ của tổ tiên giữa làng Đa Sỹ này. Bao nhiêu năm nay, ông cũng đau đáu lẫn miệt mài đi tìm những dòng sử viết về tiên tổ – những nhà nho khoa bảng từng dốc sức cho đại cục quốc gia, trước là để hiểu, sau là để hậu thế còn biết về một thời cha ông đã trải.

Ông Xương tỉ mỉ dẫn dắt khách vào một câu chuyện đã xưa cũ lắm rồi. Rằng, họ Hoàng bắt đầu phát phúc từ ông tổ, tự là Phúc Xuyên tiên sinh chọn đất xây dương trạch, đặt âm phần ở xứ Đống Dấm thuộc đất Huyền Khê của Thanh Oai Thượng. Đất thiêng phát phúc, đến năm Tân Mão 1411, người con trai của cụ Phúc Xuyên chào đời được đặt tên là Hoàng Trình Thanh.

Vốn thiên tư thông minh, từ nhỏ Hoàng Trình Thanh đã nổi tiếng thần đồng. Lên 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, kính nhường, nghe học mà biết, nghe nói mà hiểu. Nhờ học mà thông kinh đạt sử, thấu hiểu binh thư, văn võ toàn tài. Chính sự học một biết mười ấy mà các sỹ tử đương thời đều thán phục tôn làm thần đồng.

Yết kiến Lê Lợi

Theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì Hoàng Trình Thanh năm lên tuổi 17 (tức 1427) với tinh thần ái quốc chống xâm lược, ông đã lên đường tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, yết kiến Lê Lợi tại dinh Bồ Đề.

 

Làng Đa Sỹ, quê hưong của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh.
(Nguồn: Sưu tập)

 
Ngay từ khi gặp Hoàng Trình Thanh, vua Lê Thái Tổ đã thấy ở người thiếu niên này là một trang tuấn kiệt. Đọc bản thư văn của Hoàng Trình Thanh, vua lại thấy trong đó một tính cách phi thường và dứt khoát, tầm nhìn và trí tuệ uyên bác, am hiểu thời cuộc, đích thị là anh hùng xuất thiếu niên.

Từ đó, Hoàng Trình Thanh là một trong những người thân cận bên cạnh Lê Lợi trong suốt quá trình chống quân Minh. Dinh Bồ Đề cũng trở thành đại bản doanh chỉ huy và là nơi phát xuất sắc lệnh quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ là chiêu hiền đãi sĩ. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư”, còn chép: “Lúc ấy, vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, ngay trên bờ sông Lô. Thuở đó, trong dinh có hai cây bồ đề nên người ta mới nhân đó mà gọi là dinh Bồ Đề. Lầu cao bằng tháp Báo Thiên. Ngày ngày, vua thân leo lên tầng nhất để quan sát mọi hành vi của giặc trong thành Đông Quan, cho Nguyễn Trãi ngồi ở lầu thứ hai, nhận mệnh để thảo thư từ qua lại”.

Từ đại bản doanh Bồ Đề, một loạt các sắc lệnh đã được ban ra. Trong đó có sắc lệnh về tìm nhân tài: “Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan cấp lộ, phải tìm kiếm những người có tài lược trí dũng, có thể làm được các chức như tư mã hoặc là thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người”.

Mở đầu khoa bảng

Thân từng là Bản phủ học sinh rồi đến chức Nội học sinh Trung trù tống thực, lại là thân cận bên cạnh vua Lê. Với nhẽ đó, chúng ta cũng thừa hiểu Hoàng Trình Thanh vẫn có thể thăng tiến nhờ tài năng uyên bác. Nhưng, dường như để công bằng ông vẫn tham gia thi cử. Năm 19 tuổi, tức năm 1429 Hoàng Trình Thanh thi đỗ khoa Minh Kinh, được bổ nhiệm làm việc ở Ngự tiền học sinh.

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/da-sy-4.jpg
Đại tự “Lưỡng quốc bao phong”, tức “hai nước cùng phong” ở đền thờ Hoàng Trình Thanh.
(Nguồn: Sưu tập)

 
Rồi đến năm 1931, ông lại đi đỗ Tiến sĩ khoa Bác học Hoành từ. Ông đứng thứ 3 trong 5 Tiến sĩ được phong chức chân nho chính trực. Trong tài liệu “Đăng khoa lục”, chúng tôi đã tìm thấy rõ ràng tên tuổi của Hoàng Trình Thanh ở khoa thi này.

Theo nhận định của các nhà sử học và của Tiến sĩ Hoàng Thế Xương thì đây chính là sự khởi đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ Hoàng ở Đa Sỹ. Để rồi sau này, con cháu họ Hoàng có những bậc túc nho vang danh thiên hạ như Khắc Minh đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) khi mới 22 tuổi và làm đến chức Lễ bộ Thượng thư, Đông các đại học sĩ.

Sau Khắc Minh đến Hoàng Nghĩa Phú đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1511), rồi khi đi sứ Trung Quốc lại được công nhận là Trạng nguyên. Ông cũng là một trong rất ít người có danh vị Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Dưới thời phong kiến, từ đời nhà Lý đến hết nhà Nguyễn nước ta có 1906 người đỗ Tiến sĩ và 56 người đỗ Trạng nguyên. Riêng Đa Sỹ có 11 Tiến sĩ và 1 Trạng nguyên. Lại tính riêng họ Hoàng ở Đa Sỹ đã có 11 người”.
— Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh —

Còn Tiếp 


Nguồn: anninhthudo.vn