235 lượt xem

Ka Nhòi - Kỳ 1

Huyền thoại về 'Người đàn bà trắng' ở Tây Nguyên (Kỳ 1): Công cuộc chinh phục thung lũng thiêng của đứa bé mang thiên mệnh

Ngót 1 thế kỷ trước, trong căn nhà lụp xụp của một gia đình đồng bào dân tộc người K’Ho ở cao nguyên Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) sinh ra một đứa bé vô cùng lạ lẫm. Đứa bé này sở hữu một làn da trắng như ngọc ngà, mái tóc bạc trắng như mây. Càng lạ kỳ hơn khi ban đêm bé gái ấy lội suối, băng rừng nhanh thoăn thoắt hơn cả ban ngày...

Nhiều đời nay, người K’Ho ở cao nguyên Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn luôn tin rằng “nữ chúa rừng xanh” Mộ Cọ (hay còn gọi là “Người đàn bà trắng”) mang sứ mệnh từ trời xuống để giải cứu buôn làng thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân Pháp. Người phụ nữ huyền thoại này đã để lại rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn khiến người đời sau tò mò xen lẫn sự ngưỡng mộ.

Đứa bé có làn da trắng

Những cơn mưa ập xuống bất ngờ khiến hành trình đến cao nguyên Di Linh của chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên những câu chuyện kỳ bí, huyền hoặc về “Người đàn bà trắng” đã khiến sự mệt mỏi trong chúng tôi tan biến thay vào đó là sự hào hứng đến lạ kỳ. Biết trước rằng có rất nhiều bí ẩn sẽ được biết đến, nhưng nhiều câu chuyện mãi mãi chỉ là huyền thoại vì năm tháng và sự lãng quên của con người.

Theo những lời kể của già làng Ka Gíuh (SN 1952, là hậu duệ của “nữ chúa rừng xanh), nhóm phóng viên chúng tôi cùng ông ngược thời gian trở về lịch sử cách đây 1 thế kỷ. Cũng chính tại nơi núi cao, rừng thẳm lúc bấy giờ, các dân tộc thiểu số ở vùng đất đỏ này vẫn còn đang sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột nặng nề của chính quyền thực dân Pháp. Đang trong lúc tình cảnh đầy khó khăn và tai ách đó, tại buôn Dongr Dor (thường gọi là thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), trong một gia đình nông dân đồng bào K’Ho một đứa bé gái “đặc biệt” ra đời trong sự chứng kiến của bà đỡ và cha mẹ đứa bé.

Những người trong dòng tộc nhà “:nữ chúa rừng xanh” cho rằng, bà sinh ra vào khoảng những năm 1912-1914. Khi đứa bé cất tiếng khóc vang cả núi rừng cũng là lúc bà đỡ cũng các thành viên khác sững sỡ vì điều kỳ lạ xảy ra. Đứa bé này không giống bất cứ ai, không có làn da đen và mái tóc xoăn như những người trong gia tộc nên cả họ đã phải họp nhau lại. Sau khi tất cả các thành viên tụ họp, bàn bạc bên bếp lửa trong nhà sàn thì quyết định đặt tên cho đứa trẻ ấy được chốt lại. Bé gái ấy tên thật là Ka Nhòi. Cũng chính vì sự khác lạ của đứa bé nên người dân trong vùng thường gọi bà là Mộ Kọ (giải nghĩa từ K’Ho ra tiếng Việt là “Người đàn bà trắng” - PV).

Những câu chuyện kỳ lạ

Ngay từ thời thơ ấu, “người đàn bà trắng” được biết đến với rất nhiều câu chuyện kỳ lạ. Sự lạ kỳ khiến cho người dân truyền tai nhau rồi lan ra cả một vùng cao nguyên rộng lớn. Tin đồn về Ka Nhòi mang hình hài đặc biệt, trắng muốt từ đầu đến chân trong những buổi hái rau rừng, làm nương rẫy đã lan đi nhanh chóng. Một số người già sống cả trăm tuổi thời bấy giờ khi nghe vậy thì nhớ đến những truyền thuyết rất mơ hồ về một vị thần có làn da trắng, tóc trắng mà tổ tiên họ thi thoảng vẫn kể lại cho con cháu.

Cũng chính bên bếp lửa huyền ảo ấy, những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền bí rót vào tai các thế hệ sau khiến cho những người nghe như nuốt từng lời. Những câu chuyện cuốn hút họ từ lúc màn đêm buông xuống cho đến khi tiếng gà rừng gáy gọi mặt trời sau rặng núi thì lúc đó mới được dừng lại. Và những người trong buôn làng lại bắt đầu một ngày làm việc trong rừng, trên nương rẫy mới.


 

Ảnh chụp người đàn bà trắng

(Nguồn: Sưu tập)
 

Theo đó, đứa bé gái có làn da và mái tóc trắng như vậy là sản phẩm của một vị thần trú ngụ nơi núi rừng linh thiêng, huyền bí này. Không có ai nhớ rõ vị thần ấy tên thật là gì và ngụ ở đâu. Cũng bởi, thời gian trôi qua cùng với sự thay đổi thời cuộc đã khiến những chi tiết về câu chuyện vị thần dần trở nên mơ hồ lắm. Người K’Ho chỉ biết rằng, vị thần huyền bí này hiếm khi xuất hiện, nhưng một khi đã “giáng thế” thì chỉ có ở trong giấc mơ của người phụ nữ mà thần trót nặng lòng thương nhớ.

Thường thì vào những đêm tĩnh lặng, khi con trăng đã vượt quá đỉnh cây rừng lớn nhất, cơn gió nhè nhẹ của núi rừng đưa vị thần này vào trong những giấc mơ của những người phụ nữ bên góc nhà sàn. Sau cuộc viếng thăm kỳ lạ ấy, người phụ nữ sẽ mang trong mình mầm mống của thần. Biểu hiện rõ ràng nhất là khi sinh ra đứa trẻ sẽ có hình hài khác thường: Người trắng hoàn toàn từ tóc, da cho đến lông mi, lông mày. Đó cũng là lí do mà cô bé Ka Nhòi được người dân K’Ho trong những buôn làng quanh vùng tôn sùng như một đứa con của vị thần linh thiêng.

Thật khó hiểu hơn khi càng lớn, Ka Nhòi càng trở nên xinh đẹp, nước da trắng và thân hình mảnh mai của cô khiến bao chàng trai say mê, đắm đuối. Tuy nhiên, đứng trước Ka Nhòi thì bất kể chàng trai nào cũng phải cung kính vì dáng dấp thần linh trong những câu chuyện mà họ thường nghe trước đó.

Thời niên thiếu, Ka Nhòi chăm chỉ lắm, cô bé thường dậy từ rất sớm để đi lấy nước, kiếm củi. Ai cũng ngạc nhiên vì khi mặt trời còn chưa ló ra khỏi dãy núi thì cô bé đã hoàn thành tươm tất xong hết việc trong nhà. Điều mà người ta lấy làm lạ là Ka Nhòi thích đi trong bóng tối. Cứ đêm đến là bàn chân của cô bé băng rừng lội suối thoăn thoắt nhan hơn bất cứ người nào đi ban ngày.

Nhưng khi ban ngày thì Ka Nhòi lại yếu hơn người thường, cô bé thường ngại ra ánh nắng. Nếu có công chuyện phải đi thì cô bé thường bịt kín khắp mình, đôi mắt được che bởi lớp vải thưa. Điều đó càng làm cho người ta tin rằng cô bé chính là đứa con của vị thần chỉ xuất hiện trong đêm tối kia.

Một câu chuyện khác cũng được người dân truyền tai nhau, họ kể rằng khi Ka Nhòi còn nhỏ, trước nhà cô bé có rất nhiều ché xếp thành hàng dài. Mỗi sáng thức dậy, Ka Nhòi ra nhìn vào trong ché lẩm nhẩm vài câu “thần chú” thì thấy trong đó đầy ắp thịt, cá, gạo, muối. Những thức ăn tự dưng xuất hiện một cách kỳ lạ như vậy khiến nhiều người xôn xao bàn tán. Họ cho rằng, tất cả những thứ xuất hiện trong những chiếc ché đó là đồ ăn mà vị thần gửi đến để nuôi lớn Ka Nhòi.

Không chỉ có vậy, khi đến độ tuổi thiếu nữ, Ka Nhòi có nuôi một con cá trê màu đen trong chiếc ché bỏ không. Nhưng thật kỳ lạ, sau một thời gian dưới bàn tay chăm sóc của cô bé thì con cá trê đen bỗng thay da, đổi thịt hóa thành cá trê màu trắng. Trắng từ vây, vảy, đến cả râu... nhiều câu chuyện kỳ lạ, mang đậm màu sắc huyền bí vẫn được người dân truyền tụng từ đó cho đến giờ. Vậy nên, việc “người đàn bà trắng” được coi là đứa con của thần linh đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân nơi đây.

Chinh phục thung lũng thiêng

Cũng theo già làng Ka Gíuh thì Ka Nhòi là con cả trong gia đình, dưới bà còn có 3 người em trai nữa. Cả 3 người em trai của Ka Nhòi đều là những chàng trai K’Ho khỏe mạnh bình thường. Trong hoàn cảnh đất nước đang bị giặc Pháp chiếm đóng, rắp tâm của chúng rất dã man nên kể cả những vùng đất khô cằn ở tận chốn rừng sâu, nơi mà những người trong buôn làng ẩn mình sinh sống cũng không thể thoát khỏi dã tâm đô hộ của kẻ thù lần tới.


 

Thung lũng linh thiêng hiện nay

(Nguồn: Sưu tập)
 

Khi đó, rất nhiều hình thức áp bức xã hội khác đã được thực dân Pháp tăng cường sử dụng ở khắp các bản làng Tây Nguyên. Do vậy, mâu thuẫn giữa đám binh lính trong đội quân này với đồng bào thiểu số khắp vùng Tây Nguyên ngày càng trở nên gay gắt. Vấn đề xung đột vũ trang chỉ là chuyện sớm muộn.

Thật may mắn thay, cha của Ka Nhòi thời đó là một người có tinh thần yêu nước cao cả. Ông là một trong những người đồng bào đầu tiên tham gia vào phong trào chống lại áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Chính vì vậy mà Ka Nhòi thừa hưởng từ cha tinh thần và ý chí đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi buôn làng.

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, cuộc đời Ka Nhòi là một trang sử anh hùng nhuốm màu huyền thoại. Nhưng cuộc đời riêng của bà cũng có nhiều nỗi buồn riêng, đặc biệt là tình yêu. Cũng chính vì nỗi buồn mối tình đầu đã khiến cô thiếu nữ K’Ho dịu dàng thành một “nữ chúa rừng xanh” chỉ còn một lý tưởng sống duy nhất là đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi quê hương.
Bắt đầu từ đó, cô gái K’Ho da trắng, tóc trắng nuôi trong lòng mình một giấc mơ, nhưng không phải giấc mơ về cuộc sống giản dị, yên bình như của mọi cô gái K’Ho mới lớn khác.

Ka Nhòi mơ về một cuộc kháng chiến đánh đuổi quân thù toàn thắng, để một ngày quê hương Đồng Đò của bà sẽ trở lại cảnh thanh bình. Không có cảnh lũ giặc Tây mang súng đạn đến cướp phá đất đai, nhà cửa, không có cảnh đồng bào mình ngã xuống vì sự tàn sát dã man, không có cảnh người dân phải nai lưng lai động như nô lệ trong các đồn điền mà bọn thực dân Pháp dựng nên.

Trở lại thời kỳ lịch sử những năm 30 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ thị xã Di Linh nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang bị người Pháp tăng cường khai khẩn đất đai và tìm kiếm nguồn tài nguyên khoáng sản.

Cùng với việc mở đường giao thông, người Pháp cũng đã tăng cường tích tụ ruộng đất để lập nên những đồn điền do giới chủ Pháp quản lý. Quê hương bà Ka Nhòi cũng không thoát khỏi sự xâm lấn khắc nghiệt ấy, duy chỉ có khu rừng Đạ Sar nằm trong thung lũng là chúng không bén mảng tới bao giờ.

Cũng phải, vì ngay cả người dân bản địa thời kỳ đó cũng biết đến đây là khu rừng thiêng nên không có bất cứ ai dám bén mảng tới. Duy chỉ có Ka Nhòi ra vào khu rừng này chẳng khác nào đi dạo trên mảnh vườn nhà.

Ký ức về khu rừng thiêng nằm trong thung lũng Đạ Sar vẫn in hằn trong ký ức những già làng. Họ cho biết, ngày ấy nơi đây còn là khu rừng già với những thân cây cổ thụ khổng lồ khiến cả chục người ôm không xuể. Người dân truyền tai nhau về sự linh thiêng của khu rừng khiến những ai dám xâm phạm vào nơi đây đều bị chết dần chết mòn vì không tìm được lối ra. Hoặc là dính phải lời nguyền cả đời sẽ không thể sống yên ổn được.

Chưa kể, trong rừng có nhiều loại mãnh thú sinh sống, bất kỳ ai vào cũng có thể trở thành miếng mồi ngon cho chúng. Đã có rất nhiều người không tin điều đó, họ lập thành nhóm đi vào rừng để đốn hạ những cây to mang về để làm nhà, làm vật dụng hoặc săn con thú để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Thế nhưng sau đó tất cả những người này đều chết một cách đầy bí ẩn. Một là chết đột tử, hoặc là bị thần rừng dẫn dụ đi lạc trong thung lũng mà không thể tìm ra lối thoát.

Cũng kể từ đó, không ai dám đặt chân vào khu rừng thiêng nếu không làm lễ cúng thần rừng. Khi vào rừng được cũng chẳng ai dám đụng rìu hoặc xâm hại đến nhành cây ngọn cỏ. Những câu chuyện về sự trừng phạt của thần rừng cứ lưu truyền, nó làm chột dạ cả những tên lính Pháp mang dã tâm xâm lược.

Ấy vậy mà bà Ka Nhòi lại vào ra khu rừng thiêng chẳng chút hề hấn gì. Nhiều người cho rằng, bà làm được điều đó là do đã trải qua một cuộc chinh phục với những khó khăn mà người thường chẳng ai dám đối mặt. Lần theo những ký ức chắp vá của những người già nơi đây, họ cho biết cây cối rậm rạp chẳng làm bước chân đứa con của thần lạc lối được. Những mãnh thú trong rừng nhác thấy bóng bà thì đều nể sợ mà lảng đi nơi khác. Chúng nhường hẳn cho bà cả mặt phía Tây khu rừng rộng lớn.

Thấy Ka Nhòi vào rừng rồi trở ra bình yên, những người theo Ka Nhòi chống Pháp mới dám theo chân bà bước vào vùng cấm địa này. Sau những lời “thần chú” của Ka Nhòi thì sự trừng phạt của thần rừng cũng biến mất. Bởi vậy, tiếng tăm của bà Ka Nhòi càng ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và tư tưởng nhận thức của người dân bản địa.

Lợi dụng những địa thế có được, Ka Nhòi đã biến khu rừng thiêng liêng này thành căn cứ hội họp của những đồng bào yêu nước. Theo lời kêu gọi của Mộ Cọ, đồng bào K’Ho trong vùng đã mạnh dạn tiến vào rừng và bí mật dựng nhà cúng giữa lòng thung lũng Đạ Sar. Dưới sự chỉ đạo của bà, ngôi nhà cúng theo kiểu nhà sàn được làm bằng cây rừng, lợp lá có sức chứa 200 người đã được dựng lên chỉ trong vòng 1 ngày. Người dân các buôn làng lân cận nghe đến tiếng tăm của Ka Nhòi là con của thần, còn chinh phục được cả rừng thiêng nên nô nức kéo nhau về đây để dự hội thề đi theo Ka Nhòi đánh đuổi giặc Tây.

CÒN TIẾP...

Nguồn: Baophapluat.vn