290 lượt xem

Ka Nhòi - Kỳ 3

Huyền thoại về “Người đàn bà trắng” trên đất Tây Nguyên - Kỳ 3: Nước thánh thành bí và đồng xu kháng Pháp của “nữ chúa rừng xanh”

Trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, “Nữ chúa rừng xanh” Ka Nhòi đã huy động được một lượng tiền xu lớn từ nhân dân. Chính vì thế, ngày nay nhiều người đồng bào K’Ho vẫn đinh ninh rằng trong khu rừng thiêng nằm giữa thung lũng Đạ Sa vẫn còn ẩn chứa cả một kho báu tiền xu. Tuy nhiên sau ngày “Nữ chúa rừng xanh” qua đời thì những biến đổi của thời gian cùng sự phát triển của xã hội đã khiến kho báu ấy chìm vào quên lãng.


 

Tranh khắc họa về “Người đàn bà trắng”

(Nguồn: Sưu tập)
 

Nhiều đời nay, người K’Ho ở cao nguyên Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn luôn tin rằng “nữ chúa rừng xanh” Mộ Cọ (hay còn gọi là “Người đàn bà trắng”) mang sứ mệnh từ trời xuống để giải cứu buôn làng thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân Pháp. Người phụ nữ huyền thoại này đã để lại rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn khiến người đời sau tò mò xen lẫn sự ngưỡng mộ.

Cuộc chiến của những người yêu nước

Một số tài liệu cho thấy, để thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam, ngay trong thế kỷ XVIII, XIX, các giáo sĩ phương Tây đã rất chú ý và tìm hiểu đến vùng đất Tây Nguyên hoang sơ và huyền bí. Cũng từ đó, giặc Pháp đã xác định vùng đất Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong âm mưu xâm lược Việt Nam và Đông Dương.

Bởi vậy, thực dân đã không từ bỏ bất cứ cơ hội nào với mọi hành vi bóc lột đê tiện, chúng còn lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc K’Họ, Mạ, R’Glai để đạt được mưu đồ đê hèn của mình.

Ngay khi mới đặt chân đến Di Linh, thực dân Pháp đi sâu vào vùng dân tộc để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo nhằm phục vụ ý đồ xâm chiếm lâu dài của chúng. Đồng bào dân tộc bị tước đoạt đất đai, nương rẫy, cộng vào đó là chính sách xâu thuế hà khắc, nhất là thuế thân, làm cho đồng bào ta càng ngày càng điêu đứng. Đồng bào với đủ loại thuế đè đầu đã lâm vào đường cùng phải vào rừng ăn củ rừng, ăn lá bép, măng le để sống qua ngày.



 

Thung lũng Đạ Sa nơi Mộ Cọ và nghĩa quân ẩn nấp

(Nguồn: Sưu tập)
 

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, bà K’Đèm (SN 1964, cháu gái của nữ chúa) kể tiếp câu chuyện về “người đàn bà trắng” cho chúng tôi nghe. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, tất cả các vùng quanh đây vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, vắng người, chủ yếu là màu xanh thẫm của rừng và một vài buôn làng lác đác dưới chân núi.

Để tập hợp được cả ngàn người dân tộc thiểu số cùng chung một lòng dám đứng lên đánh thằng Pháp không phải là việc làm đơn giản và dễ dàng. Nhưng với bà Ka Nhòi nhà chúng tôi lại trở nên dễ dàng hơn, tôi còn nhớ khi đi sang Đắk Lắk về, bà Ka Nhòi có mang về một chai nước Da Yon. Tương truyền loại nước đó có quyền phép làm cho đàn bà đẻ nhiều, nhiều nông dân được mùa, người đau khỏi bệnh, nó không khi nào cạn. Nước ấy còn để tự vệ trong cuộc nạn đại chiến biến động mà thủ lĩnh bên Đắk Lắk tiên đoán.

Mộ Cọ thường nói với tất cả nghĩa quân cùng với bà con đồng bào mình bằng những lời lẽ đơn sơ, chất phác của núi rừng Tây Nguyên. Với những người lớn hơn mình là cái con người Pháp nó khác cái da, cái mũi, nó ở xa lắm bên kia cái nước, cái biển của nó mà nó đến đất nước rừng núi của mình, nó lấy cái lúa, cái dao, con heo, con gà, nó bắt mình phải đi làm đường, phải nạp thuế, nó còn ức hiếp, đánh mình nên mình phải đuổi nó về cái nước, cái biển của nó.

Muốn đuổi được nó phải có cái dao, cái mác, cái xà gạt, cái súng, cái đạn vì người Pháp nó có cái súng, có ống. Mình phải góp đồng xu để làm ra những cái đó. Mình có thương cái con suối, cái đất nương núi rừng của mình thì mình góp. Góp xu không ai bắt buộc, góp cái đồng xu trước là để cúng Thần núi, Thần rừng, Thần đất để phù hộ người Kinh, người Thượng cùng một cái bụng thương nhau. Sau đó lấy cái đồng xu đó để làm ra cái giáo, cái mác, cái súng, cái đạn để đuổi thằng Tây nó về cái nước nó”.


 

Những đồng xu được quên góp để kháng Pháp

(Nguồn: Sưu tập)
 

Các thành viên tham gia phong trào đều phải góp đồng xu, mỗi người góp 4 đồng xu, các loại tiền khác không được chấp thuận. Do số lượng người góp xu đông, ở nhiều nơi nên Mộ Cọ đã cử người để nhận đồng xu. Khi tế lễ xong, Mộ Cọ giữ lại 3 đồng, còn đồng thứ 4 trả lại cho người góp kèm theo một nghi lễ nhỏ.

Đồng xu được đưa vào tai bên phải và được thổi lên, sau đó được cột vào một sợi dây và đeo vào cổ tay bên phải người góp xu. Đây là đồng xu đã được làm phép, nó linh thiêng tránh được bệnh tật, đồng thời cũng chứng thực được người này tham gia phong trào. Đối với phụ nữ có thai chỉ cần 3 xu, trẻ em chỉ cần 2 xu, tất cả việc góp xu đều theo một nghi lễ nhất định.

Chính vì cái bụng của người K’Ho luôn căm thù sự tàn bạo của giặc Pháp và tuyệt đối tin theo “nữ chúa rừng xanh” cho nên số lượng người đi theo bà nhiều không đếm xuể. Có tài liệu ghi chép lúc đó số người theo bà kháng Pháp có thể lên đến con số hơn một vạn người.

Tuyệt chiêu khiến giặc “hồn kinh phách lạc”

Trong đội quân của “Nữ chúa rừng xanh” có rất nhiều người phụ nữ, đặc biệt là thiếu nữ “chân yếu tay mềm”, họ không hề biết chữ, cũng chưa từng được nghe về binh đao, chiến trận. Trong khi bọn đàn ông lo lắng cho cánh đàn bà đi rừng nhỡ đâu chạm trán bọn lính Pháp lỡ mọi chuyện bại lộ hết thì “Nữ chúa rừng xanh” đã có cách làm cho đội quân nữ trở nên hùng mạnh và không sợ hãi trước họng súng của kẻ thù. Thậm chí, có những tuyệt chiêu đã khiến cho quân địch “hồn kinh phách lạc” chạy “bán sống bán chết” mà không dám ngoảnh mặt lại nhìn.

Trước mỗi lần ra trận, nữ chúa lại cho đội quân của mình khấn một bài văn rồi dùng nước thánh thoa lên người, vũ khí, sau đó họ xung trận với niềm tin rằng nước thánh sẽ giúp họ bất khả xâm phạm trước súng đạn. Sau hội thề, từng nhóm quân của nữ chúa đã có những chiến công đầu tiên trong việc đánh Pháp. “Nữ chúa” đã khéo léo trong việc vận dụng những cô gái K’Ho xinh đẹp ra suối giặt đồ, tắm làm mồi nhử.

Khi những tên lính Pháp mon men tới gần buông lời chọc ghẹo, tán tỉnh không cảnh giác, những người đàn ông K’Ho núp trong những lùm cây gần đó ào ra, bao vây và dùng giáo mác, gậy gộc giết những tên Pháp háo sắc.

Bên cạnh đó, “Nữ chúa rừng xanh” còn dùng những ống lồ ô tự nhiên mọc trong rừng để chế ra súng bắn thuốc nước. Bà bày cho những phụ nữ K’Ho khéo léo tìm cách dã ớt rồi pha với một số loại lá khác thành loại thuốc cay xè. Mỗi khi có việc ra ngoài thì phải đem theo vũ khí này, đột một toán giặc Pháp hành quân thì những phụ nữ này làm mồi nhử rồi bất ngờ dùng súng bắn thuốc ớt vào mặt khiến giặc kinh hoàng bỏ lại vũ khí mà chạy thoát thân.



 

Nơi an nghỉ của Mộ Cọ hay còn gọi là "Người đàn bàn trắng"

(Nguồn: Sưu tập)
 

Đến giữa năm 1937, thực dân Pháp bắt đầu nhận thấy dấu hiệu của phong trào khi có tin báo đang khan hiếm đồng xu. Sự khan hiếm đó xảy ra ở một số tỉnh miền Nam và các tỉnh lân cận Lâm Đồng. Bọn chúng nghi có điều gì đó không hay đang xảy ra nên chính quyền thực dân đã chú ý và tăng thêm sự cẩn mật. Cuối cùng chúng phát hiện ra Mộ Cọ nên ngày đêm cho người theo dõi sát sao từng hoạt động nhỏ của bà.

Giữa tháng 4/1938, Mộ Cọ chủ trì tổ chức lễ cúng qui mô lớn có tính chất tuyên thề cùng những người tham gia phong trào tại thung lũng Đạ Sa, lễ cúng sẽ kéo dài 7 ngày, 7 đêm. Tuy nhiên lễ cúng này đã bị phát hiện do sự chỉ điểm của một tên mật thám. Ngay sau khi nhận được mật báo, thực dân Pháp đã tổ chức một cuộc hành quân cấp tốc và bất ngờ bao vây thung lũng Đạ Sa, chúng đã bắt bà và cha ruột bà cùng một số người tham gia nghĩa quân.

Bởi vậy mà nhiều người cho rằng, phong trào đấu tranh của người đàn bà trắng còn mang màu sắc tôn giáo huyền bí nhưng đây chính là biểu hiện của tinh thần chống ngoại xâm, không cam chịu bóc lột của đồng bà dân tộc thiểu số. Với niềm tin ngây thơ, phong trào nhanh chóng bị thất bại, nhưng niềm tin chiến thắng kẻ thù mạnh của đồng bào trên Tây Nguyên có sức sống lan tỏa khắp cả vùng rộng lớn.

Những đồng xu kháng Pháp của nữ chúa

Theo lời kể của một người thân cận, vào thời điểm nghĩa quân của “Nữ chúa rừng xanh” lên đến hơn 1 vạn người cũng là thời điểm nhân dân khắp các buôn làng trên cao nguyên Di Linh đã nô nức đến góp xu và tham gia phong trào.

Do người thân cận này được giao nhiệm vụ đến nhà Mộ Cọ mang nước về nấu cho những người đến gặp Mộ Cọ uống, có bữa nấu cả cơm cho một số người cùng ăn, có lúc nhận cả những đồng xu của những người đến góp, rồi dẫn đường cho mọi người đến nhà cúng. Cứ như thế, người đến góp xu đông lắm, xu nhiều lắm, dựng biết bao nhiêu gùi ở nhà cúng, ở nhà Mộ Cọ và nhiều nhà khác nữa. Xu cúng ban đầu được để ở nhà cúng sau đó được đem cất dấu ở nhiều nhà ở Đồng Đò, rồi đêm cất dấu ở một nơi bí mật vô cùng an toàn.

Cũng vì số lượng người quá đông, sợ thực dân Pháp phát hiện nên Mộ Cọ đã cho người đem cất ở nơi xa làng mạc và khu đông dân cư. Khi thực dân Pháp phát hiện vây bắt ở làng Đạ Sa chúng chỉ thu được gần 40 ngàn đồng xu tại thôn Đồng Đò và một lượng tiền tại khu rừng thiêng, nơi “nữ chúa rừng xanh” tụ tập làm lễ cúng.

Khi chúng ập đến, bọn chúng đã lục lọi khắp các nơi nghi vấn, lật từng hốc đá, chốc từng gốc cây lên nhưng vẫn chỉ thu được một số vũ khí cùng với 1 giỏ đựng hơn 30 ngàn tiền đồng 1 xu. Quá cay cú, bọn chúng đã thiêu rụi hết lán, trại và khu nhà cúng giữa thung lũng trước khi bỏ đi.

Chính trong báo cáo của thực dân Pháp, bọn chúng cũng viết rằng, đây là cuộc bạo loạn của người Thượng, bà Ka Nhòi là thủ lĩnh, nhuốm màu sắc thần bí. Người phụ nữ này đã chọn cho mình cách tập hợp binh sĩ bằng giải pháp mượn nước thánh của các vị thần linh lấy từ dòng Đạ Dơng, niệm thần chú rồi phân phát cho họ để củng cố tinh thần.

Tòa án thực dân đã kết án nữ tướng K’Ho và đồng bọn tội làm loạn, chống lại nhà nước bảo hộ. Trước súng gươm của quân xâm lược, Mọ Kọ và những nghĩa quân của bà vẫn thể hiện tinh thần bất khuất, hiên ngang, vẫn lớn tiếng tố cáo tội ác của lũ giặc cướp nước.

Bà bị kết án 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Khi đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp đàn áp trên chiến trường miền Nam, bà được đưa trở về đất liền, sống tại quê hương Đồng Đò cùng với gia đình và mất vào năm 1973. Thi thể của bà được chôn chung cùng với nhiều thi thể khác trong dòng họ theo tập tục của người K’Ho.

Nhưng sau này, cả khu rừng thiêng đã bị tàn phá bởi bom đạn cùng với sự chặt phá của con người. Trong lúc lao động canh tác thi thoảng có người vẫn đào được những hũ đồng xu dưới khu rẫy nhà mình. Nhiều người nghe đồn có kho báu tiền xu cùng với nhiều bảo vật khác đã thuê cả máy ủi về đào sới với mong muốn lần tìm dấu vết kho báu tiền xu.

Những dấu tích ngày hào hùng ấy bây giờ cũng chỉ còn lại những hòn đá mài lớn nằm lăn lóc bên những bụi cây dại. Một giếng nước trong xanh, cổ kính do đồng bào đào từ dạo ấy để lấy nước sử dụng trong suốt thời gian làm lễ cúng. Trên nền nhà xưa, cỏ lau đã mọc um tùm. Đặc biệt hơn, sau ngày an táng “nữ chúa rừng xanh” thì bọn trộm cổ vật đã rất nhiều lần đào xới khu mộ táng của bà lên để kiếm chác tiền cổ và đồ cổ.

Những cuộc khai quật mộ đó càng khiến cho người đời tin có một kho báu bí ẩn tiền xu của “Nữ chúa rừng xanh” còn lẩn khuất đâu đây trong những khu rẫy cà phê bạt ngàn, xanh thẳm.

Nỗi niềm trăn trở tri ân “Nữ chúa rừng xanh”
Khi chúng tôi về thăm quê hương của “nữ chúa rừng xanh” Ka Nhòi thì giờ đây nó đã thay đổi, không còn sự hoang hóa mà thay vào đó là một vùng định canh, định cư trù phú. Đồng Đò nay đã khác xưa, nó phủ lên mình một màu xanh đầy sự sống của những ngọn đồi cà phê xen lẫn những khu nhà khang trang, cao lớn. Tên Mộ Cọ được đặt cho một con đường tại thị trấn Di Linh.



 

Con đường mang tên Mộ Cọ

(Nguồn: Sưu tập)
 

Con đường không dài và cũng không rộng lắm, nhưng nó được đặt đúng chỗ nên mang nhiều ý nghĩa. Đường Mộ Cọ bắt đầu từ quốc lộ 20 đoạn ngang qua thị trấn Di Linh, gần với buôn Đồng Đò nơi Ka Nhòi cất tiếng khóc chào đời, cũng là nơi bà lập hội quân ăn thề chống Pháp. Con đường kéo dài hơn một cây số trải nhựa băng qua buôn K’Ming của người K’Ho, rồi dừng lại dưới chân một quả đồi bát úp bạt ngàn cà phê. Đó cũng chính là nơi an nghỉ cuối cùng của “nữ tướng rừng xanh” vang bóng một thời.

Một nhà nghiên cứu cho biết, “Người đàn bà trắng” – thủ lĩnh công cuộc kháng Pháp của đồng bào dân tộc thiểu số, khởi phát vào năm 1937 (ngay sau khi khởi nghĩa Ama Trang Lơng thất bại), phong trào Mộ Cọ của bà Ka Nhòi với hình thức lấy nước thánh Đa Dơng phân phát đến từng binh sỹ đã có ảnh hưởng đến nhiều vùng ở Tây Nguyên. Đặc biệt, phong trào còn lan sang tận Campuchia.

Cùng với N’Trang Lơng ở Đăk Nông, Săm Brăm ở Phú Yên, Ka Nhòi là bông hoa duy nhất của đại ngàn, viết nên những trang sử hào hùng về vùng đất Tây Nguyên anh dũng trong phong trào kháng Pháp của dân tộc”.

Giọng của bà K’Đèm cùng già làng như trầm hẳn đi, mộ của bà Ka Nhòi nhà tôi nằm thọt lỏm giữa rẫy cà phê trên ngọn núi Đăng Kér, bà được an táng cùng với khoảng chục người trong dòng họ. Ngôi mộ không có lấy một tấm bia, nó nằm im lìm, lẻ loi như thế đã mấy chục mùa rẫy trên cao nguyên nắng gió này rồi.

Được biết, năm 2004, theo đề nghị của UBND huyện Di Linh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất cơ bản chủ trương xây dựng bia ghi nhớ phong trào Mộ Cọ và vai trò của “nữ chúa rừng xanh” - phong trào đấu tranh chống ngoại xâm cuối những năm 1930 ngay tại quê hương Đồng Đò của bà.

Nhưng không hiểu vì lý do gì mà 10 năm đã trôi qua mà tấm bia tưởng niệm và bức tượng đài vẫn không được khởi công xây dựng. Chờ đợi mãi, sau hàng chục lần bị trộm khai quật, xót quá con cháu bảo nhau góp tiền đổ bê tông cho chắc ăn.

Với nhiều đồng bào ở Lâm Đồng cùng với khu vực lân cận thì phong trài dù sớm bị dập tắt nhưng phong trào đã có tiếng vang lớn, người dân coi Mộ Cọ là huyền thoại, là niềm tự hào của vùng đất Nam Tây Nguyên.

Phong trào Mộ Cọ còn gây nên nỗi kinh hoàng, khiếp vía cho thực dân Pháp. Bề ngoài phong trào mang màu sắc thần bí nhưng bên trong sục sôi tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm mãnh liệt. Ngày nào bức tượng đài của bà chưa được xây dựng thì những câu chuyện xoay quanh “người đàn bà trắng” hay còn gọi là “nữ chúa rừng xanh” này nguy cơ biến mất như kho báu đồng xu bí ẩn, huyền hoặc kia cũng chỉ là sớm muộn.

Nguồn: Baophapluat.vn