Trong hầu hết các công việc và ngành nghề, sẽ có những lúc bạn cần trình bày ý kiến trước đám đông và khi đó kỹ năng thuyết trình là điều mấu chốt giúp bạn thu phục nhân tâm cũng như tạo động lực cho những người xung quanh.
Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là những kỹ năng bạn cần để cung cấp các bài thuyết trình hiệu quả và hấp dẫn cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau, bao gồm cấu trúc bài thuyết trình, cách thiết kế các slide, tông giọng và ngôn ngữ cơ thể.
Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình
Kỹ năng thuyết trình là kỹ năng mềm rất quan trọng vì chúng giúp người trình bày truyền đạt được thông tin phức tạp theo cách đơn giản và thú vị nhất để thu hút khán giả, truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc hiệu quả, nâng cao sự tự tin. Có kỹ năng thuyết trình tốt không chỉ làm tăng cơ hội thành công của một cá nhân mà còn cho phép họ đóng góp nhiều hơn cho doanh. Nhưng đầu tiên, đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong quá trình phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt.
Theo khảo sát có hơn 70% người đi làm đồng ý rằng kỹ năng thuyết trình rất quan trọng đối với thành công của họ trong công việc. Trong khi đó, có 20% người được hỏi cho biết họ sẽ làm mọi thứ để tránh thuyết trình bao gồm giả vờ bị bệnh hoặc nhờ đồng nghiệp thuyết trình thay, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm mất đi uy tín cũng như hình ảnh của họ tại nơi làm việc.
Nếu kém kỹ năng thuyết trình, các nhà quản lý sẽ không truyền đạt được cảm hứng cho các thành viên trong đội nhóm, sản phẩm sẽ không bán được, doanh nghiệp sẽ không thu hút được nguồn đầu tư và công ty sẽ không thể phát triển. Đây dường như là một cái giá quá lớn phải trả nếu không sở hữu một kỹ năng cơ bản mà bất cứ ai cũng có thể cải thiện.
Vậy làm thế nào để nâng cao kỹ năng quan trọng này?
Rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả như thế nào?
Tạo các slide đơn giản
Đây là một quy tắc đơn giản: Làm cho kích thước phông chữ của bài thuyết trình gấp đôi tuổi trung bình của đối tượng khán giả của bạn. Nói một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là phông chữ của bạn sẽ nằm trong khoảng từ 60 đến 80 pt. Nếu bạn cần thêm nhiều từ hơn trên một slide, điều đó có nghĩa là bạn chưa rút gọn thông điệp của mình.
Nạp năng lượng một cách khôn ngoan
Dopamine và epinephrine giúp tăng cường sự tỉnh táo của tinh thần. Cả hai đều đến từ tyrosine, một loại axit amin được tìm thấy trong protein. Vì vậy, hãy đảm bảo bao gồm protein trong bữa ăn bạn ăn trước khi bạn bắt đầu buổi thuyết trình.
Tạo cảm xúc khi thuyết trình
Hầu hết những người thuyết trình kém đều chú ý vào việc họ sẽ nói gì (nội dung cần trình bày) mà quên rằng điều quan trọng hơn là nói như thế nào. Có những nội dung sâu xa sẽ không được chuyển tải hết qua khối lượng câu chữ ngắn ngủi của bài thuyết trình tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong thời lượng khoảng 30 đến 45 phút.
Tuy nhiên, nhờ cảm xúc từ trong giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của người trình bày, khán giả sẽ nắm bắt được điều đó. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đừng bao giờ cố gắng học thuộc lòng toàn bộ nội dung của bài nói đó, mà nên nói bằng cảm xúc tự nhiên của chính mình.
Bạn có thể sử dụng bản đồ tư duy để làm hiệu quả hơn việc này. Từ đây, áp dụng những công cụ giọng nói và ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ có thể ngày một nâng cao khả năng trình bày tốt và truyền đạt được cảm xúc tự nhiên.
Luôn cung cấp cho khán giả các thông tin giá trị
Bước tiếp theo để nâng cao kỹ năng thuyết trình trước đám đông/công chúng là luôn cung cấp cho người nghe các thông tin cụ thể và sát sườn nhất có thể. Cho dù thông điệp của bạn truyền cảm hứng như thế nào thì mọi khán giả đều mong muốn có thể áp dụng chúng trong công việc và cuộc sống của chính họ. Cảm hứng là điều tuyệt vời nhưng tính thực tiễn là điều quan trọng hơn tất cả.
Theo quy tắc diễn thuyết của Diễn giả Quách Tuấn Khanh - một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam, thì thuyết trình cũng là một phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của người thuyết trình là hướng đến lợi ích chung của đám đông, chứ không phải để thể hiện thương hiệu cá nhân. Thế nên mục tiêu của một bài thuyết trình luôn là để khiến cho người khác thay đổi tốt hơn, hoặc để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực.
Như vậy, bạn nên có sự tìm hiểu rõ ràng người nghe của bạn là ai, họ cần gì và điều gì tác động làm cho họ thay đổi. Một người khi đón nhận thông điệp thuyết trình thì họ đón nhận người thuyết trình trước khi họ đón nhận thông điệp, nói đơn giản là khi người nghe có sự tin cậy vào bạn thì họ sẽ tin cậy vào những gì bạn trình bày, ngược lại, họ sẽ dễ dàng thiếu đồng tình với thông tin của bạn.
Một mẹo nhỏ để có thể "xốc dậy" được sự chú ý của người nghe, khi họ chưa biết gì về bạn, thì bạn nên có bước đệm là giới thiệu về bản thân, thẩm quyền, và chuyên môn của bạn đối với vấn đề mà bạn sắp nói. Như thế, người nghe sẽ xác định được là họ có nên tin hoặc nên có thái độ như thế nào đối với những thông tin mà người thuyết trình sắp nói.
Mở đầu bằng một điều gì mà khán giả không biết
Tìm một sự thật đáng ngạc nhiên hoặc một thông tin thực sự mới mẻ liên quan đến chủ đề của bạn. Chẳng hạn như: "Bạn có biết khi bạn đỏ mặt, dạ dày của bạn cũng chuyển sang màu đỏ không?". Nhiều khả năng khán giả của bạn sẽ ngẩng cao đầu và nghĩ “Thật sao? Wow ....", sau đó sẽ chú ý hơn vào bài thuyết trình của bạn.
Không bao giờ đọc slide
Khán giả của bạn sẽ có thể đọc gần như ngay lập tức các slide của bạn, do đó nếu bạn đọc các slide đó, bạn sẽ không thu hút được sự chú ý của khán giả. Các slide của bạn nên làm nổi bật các điểm trọng tâm, không bao giờ nên là toàn bộ các điểm chính.
Đừng chờ đợi để trả lời câu hỏi
Nếu có một khán giả đặt câu hỏi ở giữa bài thuyết trình của bạn, đó là một dấu hiệu tốt bởi nó cho thấy họ đang lắng nghe bạn. Vì vậy, hãy nắm bắt cơ hội. Nếu vấn đề đó sẽ được giải quyết trong slide sau, đừng ngại đi tiếp. Một bài thuyết trình hiệu quả nên khiến khán giả cảm thấy như đó là một cuộc hội thoại, ngay cả khi đó là một cuộc hội thoại một chiều. Do đó, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thúc đẩy cảm giác tương tác đó. Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì gây thiếu kết nối ở khán giả của bạn.
Xây dựng hai kế hoạch dự phòng
Nếu bạn luôn lo lắng “Điều gì sẽ xảy ra nếu bài thuyết trình PowerPoint thất bại, ai đó liên tục làm gián đoạn hoặc phần mở đầu không thu hút?” thì hãy chọn những nỗi sợ lớn nhất của bạn và tạo kế hoạch dự phòng. Bạn sẽ làm gì nếu máy chiếu bị lỗi? Bạn sẽ làm gì nếu có vấn đề đột xuất xảy ra và bạn chỉ có vài phút để nói? Nỗ lực không bao giờ là lãng phí bởi vì bạn càng suy nghĩ về các kịch bản khác nhau, bạn càng có thể chuẩn bị và ứng phó tốt hơn nếu chúng thực sự xảy ra.
Kiểm tra trước khi trình bày
Hãy tạo một thói quen giúp bạn an tâm hơn khi trình bày, cụ thể là đi xung quanh phòng để kiểm tra tầm nhìn, kiểm tra mức micro cũng như chạy thử bài thuyết trình để đảm bảo nó sẵn sàng hoạt động... Làm những điều này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong sự quen thuộc và tăng thêm sự tự tin.
Nhấn mạnh lại các ý chính
Khán giả của bạn chỉ có thể nghe khoảng một nửa những gì bạn nói torng bài thuyết trình, vì vậy vào cuối giờ, hãy củng cố lại các điểm chính. Đầu tiên là giải thích các điểm, sau đó đưa ra ví dụ về cách áp dụng và cung cấp các bước hành động mà họ có thể thực hiện. Vì không ai có thể nhớ tất cả những gì bạn nói, nên những gì bạn lặp lại có cơ hội được ghi nhớ nhiều hơn và được hành động theo. Vì vậy, hãy tóm tắt lại.
Không nên kéo quá dài
Nếu bạn có 30 phút để trình bày, chỉ nên sử dụng 25 phút. Nếu bạn có một giờ, hãy sử dụng 50 phút. Luôn luôn tôn trọng thời gian của khán giả và kết thúc sớm. Tuy nhiên, điều đó buộc bạn phải trau dồi kỹ năng và chuẩn bị thật tốt bài thuyết trình nếu có bất kỳ điều gì bất ngờ xuất hiện. Kết thúc sớm và hỏi rằng khán giả có bất cứ câu hỏi nào hay không, hoặc mời họ gặp bạn sau buổi thuyết trình. Nhưng đừng bao giờ kéo dài quá lâu bởi vì tất cả những gì tốt đẹp mà bạn đã xây dựng có thể bị phá vỡ.
Tham khảo những người thuyết trình khác
Bên cạnh các kỹ năng thuyết trình đã trình bày trên đây, bạn cũng nên cố gắng hết sức để tham dự càng nhiều bài thuyết trình trực tiếp càng tốt, chẳng hạn như tham gia các khóa học kỹ năng thuyết trình hoặc tham khảo các bài giảng kỹ năng thuyết trình được ghi lại trên Youtube. Viết ra những gì bạn thích và không thích cũng như nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể, lời nói, cũng như bài thuyết trình của họ.
Phản ứng của đám đông nào? Họ có thích nó không? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể làm điều đó tốt hơn không? Biết câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình rất nhiều.
Việc cải thiện kỹ năng thuyết trình của bạn sẽ không thể thực hiện trong một ngày một đêm, mà sẽ mất rất nhiều công sức và nỗ lực từ bạn. Thực hiện theo các thủ thuật đã nêu trong bài viết này thì dần dần, không chỉ kỹ năng thuyết trình trước đám đông của bạn được nâng lên mà bạn có nhiều khả năng trở thành một người thuyết trình mà khán giả sẽ yêu thích và tạo dựng được thương hiệu cá nhân tích cực trong mắt mọi người xung quanh.