264 lượt xem

Lễ Tự tứ: Sinh hoạt đặc thù của cộng đồng Tăng sĩ

Lễ Tự tứ: Sinh hoạt đặc thù của cộng đồng Tăng sĩ

Trong mùa Vu lan, có một hoạt động đặc thù của chư Tăng Ni sau ba tháng an cư kiết hạ kết thúc, đó là lễ Tự tứ thiêng liêng.
 

Nguồn: Sưu tập

Hòa hợp là một trong những đặc tính tiêu biểu nhất của cộng đồng Tăng sĩ - những người từ bỏ đời sống thế tục, cùng chung sống trong giáo pháp của Đức Phật. Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Tăng đoàn được hình thành từ 5 vị tu sĩ đầu tiên, với sự hướng dẫn bởi tuệ giác của Ngài, dần dà lên con số hàng ngàn. Để cho sinh hoạt của một cộng đồng Tăng sĩ lớn như vậy được hài hòa thì cần phải có những chế định tương thích. Và tất nhiên sự chế định ấy đều phải hướng đến sự an lạc cho số đông, giúp cho quá trình tu tập được thăng tiến đến đạo quả giải thoát. Tự tứ là một trong những sinh hoạt đặc thù trong những chế định ấy. 

Pháp Tự tứ - một cách thức giúp Tăng chúng hòa hợp 

Nếu an cư có nguồn gốc từ sự tiếp thu những yếu tố bên ngoài xã hội Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ, thì Tự tứ lại được chính Đức Phật chế định cho Tăng-già thực hiện. Có thể nói, đây là sự độc đáo, duy nhất chỉ có ở Phật giáo. 

Về ý nghĩa thì Tự tứ cũng tương tự như việc thuyết giới, biểu hiện cho sự thanh tịnh và hòa hợp chúng. Nhưng Tự tứ còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn, đó là sau 3 tháng an cư kết thúc, thực hiện nghi thức Tự tứ, vị Tỳ-kheo có thêm một tuổi đạo (hạ lạp). 

Tự tứ dịch từ chữ Pravāraṇā, có nghĩa là “sự cầu thỉnh”, đương sự cầu thỉnh người khác chỉ cho mình những khiếm khuyết trên 3 phương diện: được thấy, được nghe và được nghi. Nếu thuyết giới định kỳ 2 lần/tháng thì Tự tứ cũng định kỳ nhưng chỉ 1 lần duy nhất trong năm, sau mùa an cư. Như vậy, chư Tăng sau một thời gian dài có thể sống tách biệt, nhưng 3 tháng an cư mùa mưa thì cộng trú. Sự ở chung này giúp cho các vị cùng nhau nâng đỡ hàng ngày, mà đỉnh điểm là Tự tứ để cùng giúp nhau chỉ ra những khiếm khuyết để sửa đổi. 

Duyên khởi pháp Tự tứ theo Luật tạng được ghi nhận lại bằng việc nhóm Tỳ-kheo ở Kiều-tát-la (Kosala) thảo luận với nhau làm cách nào để có được sự thanh tịnh và hòa hợp trong suốt mùa an cư. Các vị ấy đã quyết định im lặng không nói chuyện với nhau, chỉ ra những dấu hiệu khi có việc cần. Sau mùa an cưkhi về vấn an Đức Phật, Ngài đã quở trách “cùng nhau như ngoại đạo thọ pháp câm” này. Ngài dạy Tăng chúng phải “cùng nhau dạy bảo, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau…”. 

Tuy nhiên, nhóm Lục quần Tỳ-kheo lại dựa vào điều này mà họ cử tội các Tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật không cho phép sự cử tội tùy tiện như vậy. Nếu muốn cử tội vị nào đó thì phải nói cho biết để vị ấy “cầu thính”, hay vấn thính - xin được nghe, rồi mới được cử tội. Và người vấn thính hay còn gọi là người thọ Tự tứ phải là người đủ 5 pháp: biết thời chứ không phải phi thời, như thật chứ không hư dối, có lợi ích chứ không phải không lợi ích, dịu dàng từ tốn chứ không phải thô lỗ, từ tâm chứ không sân hận. Đức Phật quy định như vậy nhằm mục đích không vì sự giận hờn, hiềm khích hay sân hận mà cử tội người khác. Điều này giúp cho sự hòa hợp chúng được xuyên suốt, không tạo sự bất mãn, bất hòa trong tập thể đại chúng. 

Cách thức Tự tứ đúng pháp 

Nếu như việc thuyết giới số lượng Tăng yêu cầu tối thiểu là 4 vị Tỳ-kheo, thì Tự tứ phải có ít nhất 5 vị Tỳ-kheo. Lý do là vì khi một Tỳ-kheo bạch Tự tứ, tức vị ấy nhờ Tăng chỉ cho mình những khiếm khuyết trong thời gian sống chung 3 tháng an cư; vì là Tăng nên túc số phải 4 vị Tỳ-kheo. Trường hợp chỉ có từ 2 - 4 vị Tỳ-kheo có mặt buổi tự tứ ấy, thì chỉ được phép đối thú Tự tứ. Hoặc giả chỉ có 1 vị Tỳ-kheo thì chỉ được thực hiện tâm niệm Tự tứ. Như vậy trường hợp khi Tự tứ có từ 4 vị trở xuống thì không tác pháp tiền phương tiện, chỉ hướng vào nhau đối thú Tự tứ hoặc tâm niệm Tự tứ bằng cách nói 3 lần: “Hôm nay chúng Tăng Tự tứ, con Tỳ-kheo tên là… cũng thanh tịnh Tự tứ”. 
 

Chư tôn đức đối thú Thượng tọa Tự tứ ở Trường hạ Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Nguồn: Sưu tập

Trường hợp túc số Tăng đủ 5 vị trở lên thì phải tác pháp tiền phương tiện, tức Tăng tác pháp yết-ma Tự tứ. Sau khi tác pháp tiền phương tiện thì việc Tự tứ cũng chia thành hai trường hợp: cá nhân Tự tứ và tập thể Tự tứ. Điều này giống như tác pháp thọ an cư là Thượng tọa Tự tứ và Đại chúng Tự tứ. 

Trong luật Tứ phần có đề cập, vì một số các Tỳ-kheo nghĩ Đức Phật cho phép Tự tứ nên các vị ấy đồng loạt Tự tứ, gây nên sự ồn ào. Việc này trình lên Đức Phật. Ngài dạy không nên đồng loạt Tự tứ, chỉ nên Tự tứ từng người một. Và thứ lớp Tự tứ phải thực hiện bắt đầu từ hàng thượng tọa dần xuống tới hàng hạ tọa. Đây là trường hợp cá nhân Tự tứ. 

Với Tự tứ tập thể là mỗi một lần 3 vị Tỳ-kheo tác bạch Tự tứ. Không được vượt qua con số này, chỉ giới hạn 3 người, vì Tăng Tự tứ với Tăng không được coi là đúng pháp. Trường hợp thọ Tự tứ tập thể, Tăng có thể sai nhiều Tỳ-kheo bậc Thượng tọa làm “Tự tứ nhân”, người nhận Tự tứ. Các vị Thượng tọa Tự tứ cá nhân trước, sau đó làm người nhận Tự tứ cho tập thể đại chúng. 

Trong trường hợp nạn duyên bức bách - những điều kiện xã hội bắt buộc ngoài ý muốn, không đủ thời gian để cho số đông Tự tứ thì có thể Tự tứ bằng cách bạch vắn tắt, tức là thay vì bạch 3 lần thì chỉ bạch 1-2 lần. Tuy nhiên, theo luật ghi nhận, điều này chỉ được áp dụng khi có nạn duyên bức bách và phải cân nhắc khi thực hiện, không thể tùy tiện khai triển. 

Đối tượng hướng đến Tự tứ phải là cùng chúng. Tỳ-kheo đối trước Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đối trước Tỳ-kheo-ni. Không được có sự lẫn lộn. 

Về thời gian Tự tứ được Đức Phật dạy ghi lại trong luật Ngũ phần: chúng Tỳ-kheo được Phật cho phépTự tứ nên ngày nào cũng Tự tứ. Hoặc hai ngày, ba ngày cho đến năm, bảy ngày một lần Tự tứ. Phật dạy không nên Tự tứ như vậy; chỉ nên Tự tứ một lần vào ngày cuối cùng của 3 tháng hạ. 

Theo luật, mỗi Tỳ-kheo phải tự mình đối trước Tăng để thỉnh cầu Tăng chỉ dạy cho những khiếm khuyết mà có thể trong 3 tháng an cư mình đã phạm. Hầu hết các bộ luật truyền đến Trung Hoa đều thống nhất việc sai người nhận Tự tứ. Đây là người được Tăng sai làm người nhận Tự tứ để chỉ những lỗi cho các Tỳ-kheo. Và tất nhiên người này phải đủ 5 đức: không thiên vị, không sân hận, không sợ hãi, không ngu dốt và biết rõ nguyên tắc cử tội. Tăng có thể sai nhiều vị làm người nhận Tự tứ, nhưng mỗi lần Yết-ma sai người nhận Tự tứ chỉ được phép tối đa 3 vị. 

Theo như Đức Phật dạy về pháp thức Tự tứ thì các Thượng tọa lớn tác pháp Tự tứ trước, theo thứ lớp từ lớn đến nhỏ tính theo hạ lạp (hoặc thời gian thọ giới). Tiếp đến Yết-ma sai Tự tứ nhân (người nhận Tự tứ), rồi đại chúng Tự tứ. Theo truyền thống Bắc tông thì đại chúng Tự tứ thường mỗi lần 3 vị cho một lần tác pháp. Điều này cũng giống như tác pháp thọ an cư. 

Khi bạch Tự tứ, hàng Thượng tọa có thể đứng hoặc quỳ. Nếu Thượng tọa là người nhận Tự tứ đứng thì đại chúng có thể đứng hoặc quỳ; nhưng nếu Thượng tọa quỳ thì tất cả đại chúng phải quỳ để tác phápTự tứ. 

Theo nguyên tắc sau thời gian an cư 3 tháng thì đại chúng Tỳ-kheo hòa hợp tác pháp Tự tứ. Tuy nhiên nếu có duyên sự đặc biệt cần thay đổi thời gian Tự tứ hay đình chỉ Tự tứ, thì phải tập hợp chư Tăng để tác pháp Yết-ma thay đổi hay đình chỉ Tự tứ. Có hai trường hợp thay đổi, đình chỉ Tự tứ: đại chúng an cư đang có nhiều lợi lạc và muốn kéo dài sự lợi lạc đó thêm một thời gian, tối đa không quá 1 tháng; hoặc Tăng chưa được thanh tịnh và hòa hợp, có thể do tranh chấp giữa những vị trong cùng trú xứ an cư, do có khách Tăng đến trú xứ an cư. Đây là hai trường hợp trong luật gọi là Triển hạn Tự tứ để tiến tu và Triển hạn Tự tứ do phá Tăng. 

Với trường hợp Triển hạn Tự tứ do phá Tăng, nếu đến ngày cuối của thời hạn dời ngày Tự tứ là 1 tháng mà vẫn chưa thể Tự tứ thì có thể dời thời hạn thêm 15 ngày nữa. Nếu sau thời hạn đó mà Tăng vẫn chưa hòa hợp hay Tỳ-kheo khách chưa đi thì phải y theo luật cưỡng bức những Tỳ-kheo ưa tranh cãi, thiếu sự hòa hợp Tự tứ. Nếu không cưỡng bức các Tỳ-kheo đó thì đại chúng Tỳ-kheo thanh tịnh phải ra khỏi cương giới của trú xứ an cư, kết tiểu giới để Tự tứ. 

Trường hợp khi Tự tứ sắp diễn ra mà có Tỳ-kheo bệnh, không đến được thì Đức Phật “cho phép gửi Tự tứ, cho phép chúc thọ Tự tứ”. Người bệnh chỉ cần nói với một Tỳ-kheo khác: “Tôi gửi Tự tứ cho thầy” hoặc “Xin thầy nói Tự tứ giùm tôi”. Nếu không nói được thì có thể ra dấu hiệu. 

Sau khi An cư và Tự tứ xong, theo luật thì Tăng có 4 phận sự phải làm: giải cương giới an cư, kết lại cương giới cũ cho trú xứ, thọ y công đức (thọ y Kathina) và phân chia bình đẳng lợi dưỡng. Với việc phân chia lợi dưỡng luật quy định các Tỳ-kheo dù tiền an cư hay hậu an cư, Tỳ-kheo hay Sa-di tập sự đều được phân chia lợi dưỡng đồng đều và bình đẳng như nhau. Chỉ có Tỳ-kheo phá hạ không như pháp thì không được hưởng quyền lợi bình đẳng trong sự phân chia lợi dưỡng. 

Tóm lại, cũng như việc An cư, Tự tứ là một biểu hiện rõ nét của sự hòa hợp giáo đoàn mà Đức Phật đặt ra. Đây là yếu tố và cũng là điều kiện để Tăng-già được tồn tại, thể hiện tinh thần mà Ngài đã chủ trương “tụ tập và giải tán trong tinh thần hòa hợp” trong các sinh hoạt của Tăng đoàn. Tinh thần hòa hợpnhất trí là sinh mạng cho sự tồn tại của đoàn thể Tăng-già và cũng là sinh mạng của Phật pháp. Vì thế, Tăng phải thực hiện một cách nghiêm túc như pháp những điều luật do Phật chế định.


Nguồn: vuonhoaphatgiao.com