284 lượt xem

Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ I - V. Kỳ 2

Chương II :
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM (THẾ KỶ I – V)

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thời Hùng Vương (Thế kỷ III TDL), nhưng chưa biết  sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam như thế nào vì không có sách sử ghi chép ; tuy nhiên theo các tài liệu và di tích ở nhiều chùa đình đền miếu cổ xưa trong khắp miền Bắc (lãnh thổ Giao Chỉ hay Giao Châu xưa) cho thấy rằng : đến thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch, Giao Chỉ chẳng những đãõ có nhiều tăng sĩ mà còn cả tỳ kheo ni tu hành ở nhiều chùa trong khắp cả nước. Thật vậy, ngay trong thời Nhà Hán đô hộ (111 TDL – 39), Bộ Giao Chỉ đã có nhiều chùa với nhiều tu sĩ, nhiều Phật tử  đến chùa làm công quả, tu học, hay xuất gia, trong đó có nhiều người thuộc giới nữ.

I.PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI HAI BÀ TRƯNG (40-43).

Sau khi đánh bại quân Hán xâm lược, Trưng Vương đã nhận các Nữ tướng làm con, nên các vị nầy trở thành các Công chúa. Vào thời Hai Bà Trưng (40 – 43), ở Việt Nam đã có nhiều chùa và tu sĩ, nhiều Nữ tướng của Hai Bà đã có thời gian tu học ở các chùa, hay xuất gia tu hành như : Tỳ kheo ni Quách A, các Công chúa: Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, Hương Thảo, Chiêu Dung, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ….

1. TỲ KHEO NI QUÁCH A

Tỳ kheo ni Quách A sống vào thời Nhà Hán đô hộ Việt Nam. Vào khoảng những giữa năm 30 – 40, Thái thú Tô Định cai trị tàn ác, bốc lột, hà hiếp nhân dân.

Tại Ngã ba Bạch Hạc, có một xóm chài, dân đánh cá, làm lụng đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn không đủ ăn; họ còn phải nộp cho bọn giặc Tàu tuần tra trên sông những con cá to mà họ bắt được. Lúc đó, Quách A mới khoảng 13 tuổi, nhưng cô bắt cá giỏi không thua gì người lớn. Cô bắt được cá to đem giấu đi, bán lấy tiền nuôi cha mẹ già. Cô căm thù giặc, nên những khi nhàn rỗi, thường vào rừng tập võ nghệ, đánh kiếm, bắn cung, ném lao….

Năm 16 tuổi, cha mẹ đều qua đời, Quách A rời bỏ quê nhà, qua vùng khác, vào chùa xuất gia tu hành, trở thành Ni cô, nên được gọi là Tỳ kheo ni (Khâu ni). Nhưng dù đi đến đâu, Tỳ kheo ni Quách A vẫn thấy cảnh quân Hán tàn ác, hiếp đáp, giết chốc dân Việt …, lòng căm thù giặc càng nung nấu….

Một ngày kia, sư cô Quách A đi đến khu rừng vắng vẻ ở thôn Nhật Chiêu (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), thấy một ngôi chùa bỏ hoang; hỏi dân làng mới biết, vùng nầy có nhiều cọp, beo, gấu… thường ăn thịt người, nên dân chúng không dám lai vãng, vì thế, chùa bị bỏ hoang phế. Sư cô xin với dân làng được về trụ trì chùa đó. Sư cô xây dựng lại chùa Nhật Chiêu, thiện nam tín nữ đến chùa ngày càng đông. Ngoài việc giảng giải Phật pháp, Sư cô còn dạy võ nghệ cho nam nữ thanh niên.

  Một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp vang trời, rung chuyển rừng núi. Trong chùa đang an goấc, chợt nghe tiếng cọp gầm thét bên ngoài. Sư cô đốt đuốc, cùng một số thiếu nữ ra xem. Trước sân chùa, một con cọp to đang trở dạ sinh đẻ. Thấy duốc sáng và nhiều người lạ, cọp gầm gừ, nhe nanh vơ vuốt, sợ người ta bắt mất con. Sư cô nói nhẹ nhàng :”Ngươi chớ sợ, ta tu hành, không sát sanh, không hại ngươi; nhưng ngươi đừng đến đây nữa, làm người ta sợ”. Cọp như hiểu được lời của sư cô, nên gật đầu, rồi cắp con đi. Từ đó, cọp không đến chùa nữa. Do đó, sư cô Quách A càng được nhiều người biết tiếng.

Năm 40, Hai Bà Trưng nổi lên chống giặc, sư cô mời thêm 13 bạn trẻ trai gái ở vùng Bạch Hạc đến chùa để bàn kế hoạch tham gia khởi nghĩa chống giặc. Sư cô và các bạn thành lập được một Đạo quân thủy và bộ gồm cả ngàn người. Tỳ kheo ni Quách A chỉ huy đạo quân đến vùng sông Hát hội quân với Hai Bà. Hai Bà phong cho Quách A làm Tiên phong Tả Tướng quân Thủy binh; trong khi sư cô Thiều Hoa ở chùa Phúc Thánh (thuộc vùng Phú Thọ) cũng được phong làm Tiên Phong Hữu Tướng quân Thủy binh; sư cô Bát Nàn ở chùa xã Tiên La được phong làm Tiên phong Tướng quân Bộ Binh.

Khi Hai Bà tiến đánh Phủ thành Liên Lâu (Luy Lâu) của Thái thú Tô Định, Hai Nữ tướng Quách A và Thiều Hoa chỉ huy hai đạo Thủy quân Tiên phong: đạo quân của Quách A  theo dòng sông Thao, đạo quân của Thiều Hoa theo dòng sông Đuống cùng tiến về sông Dâu đánh thành Liên Lâu. Trong khi Nữ tướng Bát Nàn chỉ huy đạo quân Tiên phong của Bộ binh, với sự tiếp ứng Đại quân của Hai Bà ở phía sau, cùng tấn công thành Liên Lâu. Quân giặc thua trận bỏ chạy, Thái thú Tô Định bỏ cả ấn tín, vàng bạc, cởi áo, cạo râu trốn theo đám tàn quân tháo chạy về Trung quốc.

Sau khi giành được độc lập cho đất nước, Hai Bà lên ngôi vua. Trưng Nữ vương phong chức tườc cho các tướng sĩ có công. Các Nữ tướng Quách A, Thiều Hoa, Bát Nàn … được phong làm Công chúa. Các công chúa trở về chùa cũ tu hành:
Công chúa Quách A về chùa xã Nhật Chiêu (Vĩnh Phúc). Riêng chùa Nhật Chiêu còn được Trưng Vương cấp cho một “Trống Lệnh” bằng đồng, nên chùa Nhật Chiêu còn được gọi là chùa Huyền Cổ (Huyền Cổ Tự).

Công chúa Bát Nàn về chùa xã Tiên La (Thái Bình).

Công chúa Thiều Hoa về chùa Phúc Khánh (Phú Thọ).

Tỳ kheo ni Quách A vừa truyền giảng Phật pháp cho Phật tử, vừa hướng dẫn, khuyến khích dân chúng địa phương khai hoang rừng núi, mở rộng ruộng đồng, vườn tược, lập thêm trang ấp mới, phát triển nông nghiệp ….

Hai năm sau, vào ngày mùng 10 tháng Chạp âm lịch (đầu năm 42 Dương lịch?), Tỳ kheo ni Quác A viên tịch tại chùa Huyền Cổ ở xã Nhật Chiêu (nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Hằng năm, nhân dân làng Nhật Chiêu tổ chức Lễ Hội tại chùa Huyền Cổ vào các ngày Mùng 6 tháng Giêng, Rằm tháng 2, mùng 10 tháng Chạp âm lịch để cúng tế Công chúa Quách A và tướng sĩ, nên cúng cả thức ăm chay và thức ăn mặn. Cúng Tướùng sĩ bằng trâu, thui nguyên con, người dự lễ dùng dao cắt một miếng thịt thui ăn ngay tại chỗ…

2. CÔNG CHÚA BÁT NÀN      

 Công chúa Bát Nàn, tên là Vũ Thị Thục, con của ông Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu ở thôn Bạch Hạc, làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Ông Vũ Công Chất là Thầy thuốc, nhân từ, làm nhiều việc phước đức, còn có công trong việc tu sửa Miếu Bạch Hạc, và tạc tượng thờ Thần Tản Viên và công chúa Ngọc Hoa. Ông có một người con gái rất xinh đẹp, thông minh, học giỏi, giỏi cả võ nghệ, và bơi thuyền cũng rất giỏi.

Năm cô Thục 18 tuổi, được hứa hôn với Phạm Danh Hương, con một hào mục nổi tiếng ở Liệp Trang, huyện Nam Chân. Hương 20 tuổi, tuấn tú, tinh thông văn võ.

Vào thế kỷ I, thời Nhà Hán Đô hộ Việt Nam, thái thú Tô Định tàn ác, sai quan quân đến bắt Bà về làm hầu thiếp. Ông Vũ từ chối vì Bà đã có hứa hôn rồi. Quân Tàu dùng võ lực, gia đình Bà chống cự. Cha và vị hôn phu bị giết chết, Bà cầm song đao tiếp tục chống cự, nhưng sức yếu, thế cô; Bà bị thương, phá được vòng vây, lên thuyền chạy đến trốn lánh ở chùa xã Tiên La, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sư trụ trì đã được báo mộng, biết trước, nên che giấu , cho Bà qui y và tu ở chùa.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, Bà chiêu mộ được một đạo nữ binh đông đến 3000 người, đánh giặc giỏi, nên được cử làm Đại Tướng chỉ huy đạo quân Tiên phong của Bộ binh. Lập được nhiều chiến công, nên được phong là “Tướng quân Bát Nàn” (Tướng quân Dẹp Nạn).

Năm Canh Tý (40), Hai Bà đánh bại quân Hán, chiếm lại 65 thành của Lạc Việt, giành độc lập cho đất nước, lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh. Để ban thưởng các chiến công, và tỏ lòng thương mến, Trưng Vương phong cho Nữ tướng Bát Nàn làm Công chúa Trinh Thục.

Sau những đau thương của cảnh mất cha, mất chồng; cảnh quân Tàu tàn ác đối với dân Việt; cảnh chém giết, tàn sát trong chiến tranh; và nhất là nhớ đến thời gian tu học ở chùa, được sư phụ thuyết giảng, được đọc kinh sách; giờ đây, lại được sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, an bình; công chúa Bát Nàn có thời gian suy tư, quán tưởng, nhờ đó ngộ được lý Đạo Phật, nên xin từ quan để về chùa tiếp tục tu hành. Công chúa xuất gia trở lại ở chùa xã Tiên La.

Sau thời gian tu hành tinh nghiêm, lập nhiều công đức trong việc hoằng truyền chánh pháp, Công chúa Bát Nàn viên tịch ở chùa Tiên La. Dân chúng ở xã Tiên La nhớ ơn Bà, nên lập Đền thờ; hằng năm mở Lễ Hội vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, dân chúng khắp nơi về cúng rất đông. Có thể Bà đã được đắc pháp, nên dù mất rồi, nhưng vẫn linh hiển cho đến hiện nay ; dân chúng khấn nguyện đều được linh ứng. Vì vậy, ở tỉnh Thái Bình hiện vẫn còn hằng chục ngôi Đền thờ Bà. Nhưng tiếc là, chúng ta hiện nay không biết Bà có pháp danh gì, tu học với vị Tổ nào, truyền thừa như thế nào?

3. CÔNG CHÚA PHÙ VƯƠNG (BÀ THIỀU HOA)

Bà Thiều Hoa sanh ngày mùng 2 tháng Giêng năm Quí Tỵ (năm 3), quê ở vùng động Lăng Xương (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), là vùng đất linh thiêng nổi tiếng từ thời Hùng Vương; con của ông Hoàng Phụ và bà Đào Thị Côn. Thiều Hoa là con gái đẹp, hiếu hạnh, giỏi võ nghệ. Khi mới 16 tuổi, nhiều gia đình trong vùng muốn ngỏ lời rước về làm dâu, nhưng Thiều Hoa đều từ chối, chỉ muốn lo chăm sóc cha mẹ già. Mấy năm sau, cha mẹ đều mất. Thiều Hoa vào chùa Phúc Khánh ở làng Hiền Quang ( thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nayï) xin tu học. Tụng kinh, niệm Phật, tham học kinh điển tinh nghiêm một thời gian.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Bà Thiều Hoa chiêu mộ được 500 quân ở làng Hiền Quang, kéo về dự lễ Hội thề Xuất quân .

 Hai Bà đánh bại quân nhà Hán, chiếm lại 65 thành trì của dân Lạc  Việt, lên ngôi vua năm CanhTý (năm 40). Nữ Tướng Thiều Hoa xin Trưng Vương cho  từ quan, trở về chùa tu hành. Bà trùng tu lại chùa Phúc Khánh, với sự hỗ trợ của Trưng Vương, và chí tâm tinh tấn trong việc hoằng truyền Phật pháp. Năm sau, Bà mất tại chùa Phúc Khánh, Trưng Vương truy phong cho bà Thiều Hoa làm  “Phù Vương Công chúa” (Công chúa phò giúp Vua), và ra lệnh cho quan quân , cùng dân chúng lập Đền thờ.

Từ đó, vào ngày Sinh nhật của Bà, ngày mùng Hai Tết âm lịch, dân chúng địa phương tổ chức Lễ Hội kỹ niệm, tổ chức duyệt binh. Đến ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch, dân địa phương tổ chức Hội Phết ở Đền Hiền Quang. Đánh Phết là đánh cầu gỗ bằng gậy cong ở đầu. Bà Thiều Hoa là người khai sáng ra Hội Phết Hiền Quang.

 Hiện nay, ở đền Hiền Quang và chùa Phúc Khánh tại làng Hiền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, vẫn còn tổ chức “Hội Phết” vào ngày 13 tháng Giêng để tưởng nhớ Bà Thiều Hoa, hay Công chúa Phù Vương. Ở nhà Tiền Tế của đền Hiền Quang còn treo tấm hoành có bốn chữ Nho lớn: “Diệt Bạo Tướng Phật”, và nhiều câu đối nói về Bà từng phò Hai Bà Trưng, tu hành và viên tịch ở chùa Phúc Khánh.

4. CÔNG CHÚA CHIÊU DUNG.

 Công chúa Chiêu Dung tên thật là Lý Thị Ngọc Ba, vợ của Đặng Thanh, quê ở quận Cửu Chân, sau về nhập cư ở vùng Đất Cốc. Hai ông bà có 5 người con trai, đều quyết chí kháng chiến chống quân Hán xâm lược ở vùng Đất Cốc.

Sau khi ông Đặng Thanh chết, bà Ngọc Ba cùng 5 con tiếp tục chiến đấu ở vùng bờ phía tây sông Đáy: Bà Ngọc Ba cùng con trai trưởng đóng ở giữa làng Cốc, đồn tiền tiêu đóng ở Cốc Thượng do Đặng Nghiễm và Đặng Liễu chỉ huy, đồn Cốc Hạ do Đặng Diên và Đặng Tiên trấn giữ.  Quân Hán tấn công tiêu diệt căn cứ Đất Cốc. Bà Ngọc Ba cùng các con yếu thế, phải rút lui, phân tán lực lượng. Sáu mẹ con Bà về ẩn tránh ở chùa Hương Lang, dưới sự che dấu của Thiền sư Đạo Uẩn. Mẹ con bà Ngọc Ba giả làm người tu hành ở chùa. Ngày ngày lo tụng kinh niệm Phật, nhưng đêm thanh vắng vẫn luyện tập võ nghệ.

Đến khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà Ngọc Ba cùng các con và thuộc hạ tụ về tham gia kháng chiến và phát triển căn cứ ở vùng Đất Cốc. Năm 40, Hai Bà đánh thắng quân Hán xâm lược, Trưng Vương phong cho Lý Thị Ngọc Ba làm Công chúa Chiêu Dung, cai quản đội nghĩa binh và căn cứ Đất Cốc.

Năm 43, quân Hán lại đánh chiếm nước Việt, Hai Bà thua trận, Công chúa Chiêu Dung về ẩn tu, theo học với Thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương Lan, vùng Đất Cốc,  nay thuộc xãõ Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ , tỉnh Hà Tây.

5. CÔNG CHÚA PHƯƠNG DUNG .

Bà Phương Dung cùng hai người con nuôi là Trung Vũ và Đài Liệu theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Nhà Hán xâm lược. Năm 40, cuộc kháng chiến thành công, giành được độc lập cho dân tộc, Hai Bà lên ngôi vua. Trưng Vương phong cho bà Phương Dung làm Công chúa, Trung Vũ làm Tả Tướng quân, Đài Liệu làm Hữu Tướng quân. Năm 43, quân Hán lại xâm lăng nước Việt, Hai Bà thua trận, tuẩn tiết. Công chúa Phương Dung về ẩn tu ở chùa Thanh Vân, trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, trấn Sơn Nam ( nay là thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Ngoại Thành Hà Nội). Sau khi Bà mất, được thờ ở chùa Thanh Vân (Thanh Vân Cổ Tự). Trung Vũ và Đài Liệu sau khi mất cũng được dân làng thờ làm Thần Thành hoàng của làng (kỵ giỗ ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch).

6. BÀ VĨNH HUY

Bà Vĩnh Huy quê ở huyện Đông Triều, trấn Hải Dương, theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán lúc mới 16 tuổi. Sau khi Hai Bà Trưng  thua trận, tuẩn tiết, Bà Vĩnh Huy về ẩn tu ở chùa làng Cổ Châu (làng Dâu), huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Chùa Cổ Châu hay chùa Dâu, hay chùa Pháp Vân sau nầy rất nổi tiếng, từ bà Man Nương đến Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi; trở thành Tổ đình của phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi; cho đến đời Lý, đời Trần và còn đến ngày nay …

7. NỮ TƯỚNG HƯƠNG THẢO.

Nữ tướng Hương Thảo có tên thực là Thảo, con nhà nghèo, có sức khỏe và cắt cỏ rất giỏi. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Thảo theo Nữ tướng Thánh Thiên đánh giặc, lập được nhiều chiến công, được ban cho tên hiệu là Hương Thảo. Hương Thảo được giao cai quản đội Nữ quân chuyên lo việc nuôi các voi chiến và ngựa chiến. Hương Thảo tổ chức những nông trại chuyên trồng cỏ trong vùng đồng bằng châu thổ ở vùng Bích Tràng. Hương Thảo thường đến cúng dường và chăm lo trùng tu chùa Cỏ ở vùng đó.

Đầu năm 43, quân Hán dưới quyền chỉ huy của Mã Viện sang đánh chiếm nước Việt, quân của Hai Bà Trưng yếu thế. Nữ tướng Hương Thảo tổ chức một trận hỏa công lớn ở Bích Tràng, diệt được nhiều tướng sĩ giặc, nhưng Bà cũng tử trận.

Nữ tướng Hương Thảo được dân làng thờ cúng ở chùa Cỏ.

8. HAI NỮ TƯỚNG NGUYỆT THAI VÀ NGUYỆT ĐỘ.

Nguyệt Thai và Nguyệt Độ là hai chị em sinh đôi, con của bà Tống Nga, tu ở chùa Thiên Thai trên núi Đông Cứu, ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Bà Tống Nga chết, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ mới 16 tuổi, vẫn sống ở chùa Thiên Thai.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ mộ được một ngàn nam nữ nghĩa binh, theo Hai Bà kháng chiến , trở thành những Nữ Tướng, nổi danh trong trận đánh ở làng Me, thuộc vùng đất cổ, có nhiều cây me um tùm, quả sai hơn lá. Trong khi đó, tướng quân Võ Văn Ất, quê ở Văn Giang đánh hạ thành Kênh Cầu. Sau đó, Hai bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ, cùng Tướng quân Võ Văn Ất tiến quân về hợp với Đại quân của Hai Bà Trưng công phá thành Liên Lâu (Luy Lâu). Quân Hán thua trận bỏ chạy, Thái thú Tô Định phải cởi bỏ áo bào, mặc áo lính, cắt râu, lẫn trốn vào binh lính chạy về Trung quốc.

Năm 43, quân Hán lại đánh chiếm nước Việt, Hai Bà thua trận tử tiết. Hai Nữ Tướng Nguyệt Thai và Nguyệt Độ về ẩn tu trên núi Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), và hóa thân ở đây. Như vậy ở trên núi Yên Tử đã có người tu và chùa chiền từ trước thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch; và sau nầy, đến thời Nhà Trần (1225-1400), núi Yên Tử trở thành quê hương của phái thiền Trúc Lâm nổi tiếng của Thiền Tông Việt Nam.

Tương truyền, hai Nữ tướng hóa thân ở trên núi Yên Tử, nhưng dân làng Me vẫn lập Miếu thờ. Hằng năm, vào ngày sinh (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), và ngày hóa (mùng 8 tháng 5 âm lịch), dân làng mở Lễ Hội để tưởng niệm ở Miếu cổ, tại làng Me, nay là xã Mỹ Thử, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Làng Hoạch Trạch, tên Nôm là Làng Vạc (nay là thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay) cũng có đền thờ Hai bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ, và chùa Thánh Thọ.
 
II. NGƯỜI VIỆT TRỒNG HOA UẤT KIM HƯƠNG ĐỂ CÚNG PHẬT (năm100).

Trong sách “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân (1518-1593), mục Uất kim hương viết:  “Sách Nam Châu dị vật chí của Dương Phù nói : Uất Kim hương đến từ nước Quyết Tân, người ta trồng để cúng Phật, vài ngày thì héo, sau đó giữ lại, màu nó vàng rộm, tương tự với nhụy hoa phù dung và sen non, có thể dùng để ướp rượu.”

Trong sách “Quảng Châu tiên hiền chí” của Hoàng Tá (1490-1560) và sách “Bách Việt Tiên hiền chí” của Âu Đại Niệm viết năm 1554, ghi rằng : “ Dương Phù tên tự Hiểu Nguyên, người Nam Hải. Triều vua Chương Đế tìm người tài giỏi, ông đối đáp đúng cách, nên phong làm Nghị văn. Hòa Đế tức vị, dùng quân đánh Hung Nô. Phù tâu rằng: ‘Gầy dựng cơ nghiệp thì dùng võ, giữ lấy cơ nghiệp thì dùng văn, nên khi Nhà Châu thắng Nhà Ân thì có việc ca ngợi sự chấm dứt chiến tranh [ … ], vậy xin Bệ hạ hãy noi theo nếp đẹp của Tổ tông, đừng khinh dùng việc võ’. Năm Vĩnh Nguyên 12 [năm 100] có hạn, vua gọi Phù đến triều đình bàn việc được mất của Chính lịnh.[ … ]. Lúc bấy giờ, Nam Hải thuộc Bộ Giao Chỉ. Thứ sử Hà Tắc đi tuần Bộ của mình. Mùa Đông, Tắc trở về, tâu rằng: Chính quyền trung ương chọn Thứ sử không đúng phép, nên họ sau đó đã tranh giành nhau tôn thờ việc người khác, dâng tặng đồ trân quí, Phù bèn lựa nhũng đặc tính của sự vật, chỉ cho hiểu tính khác lạ của chúng; nhằm nói rõ ra, ông viết sách Nam Duệ vật chí [ … ]. Sau đó ông [Dương Phù] làm thái thú quận Nam Hải, lại làm sách Lâm Hải thủy  thổ ký. Người đời phục ông cao thức và không khinh thường sự dạy dỗ.”

Qua các sách xưa, chúng ta biết rằng : Nam Châu, Nam Duệ, hay Giao Châu đều là tên địa phương, chỉ chung vùng đất Giao Chỉ, một vùng đất thuộc miền bắc Việt Nam ngày nay. Như vậy, trong sách “Nam Châu dị vật chí”, Dương Phù bảo rằng : Một bộ phận người Việt Nam (Giao Châu) đã theo đạo Phật, và họ đã biết trồng hoa Uất kim hương để cúng Phật, vào khoảng năm 100 sau Dương lịch.

III. TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LIÊN LÂU.

Phật giáo Việt Nam được du nhập từ thế kỷ III trước Dương lịch, và hình thành từ thế kỷ I, đầu kỷ nguyên Dương lịch với nhiều tu sĩ và nhiều chùa khắp nước (Giao Chỉ). Trong lúc đó,  ở Ấn Độ, vào thời vua Kanisca (Ca-ni-sắc-ca) [78 – 144], vương quốc Kusana đã mở rộng lãnh thổ chiếm gần hết bán đảo Ấn Độ, và sau khi Vua thôn tính các nước An Tức, Sớ Lặc, Vu Điền, ở miền Trung Á, biên giới vương quốc lan rộng đến sát biên giới Trung quốc. Vua Kansca lại là một Phật tử sùng mộ và nhiệt tâm vì Phật pháp giống như vua A-dục, tổ chức Kết tập Kinh Phật lần thứ tư tại thành Kanishkapura, nước Kasmitra, gồm 500 Cao tăng và Học giả. Sau đó cho khắc Tam Tạng kinh vào các bản bằng đồng, 12 năm mới hoàn thành, …. Nhờ đó, Phật giáo được truyền bá rộng khắp Vương quốc Kusana và phát triển mạnh sang các nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều Cao tăng  Ấn Độ ra nước ngoài hoằng truyền Phật pháp, một số Cao tăng nầy đến Việt Nam (Giao Chỉ): Ma-ha-kỳ-vực, Khâu-đà-la, …. Đồng thời một số Cao tăng Ấn và Cao tăng các nước Trung Á (Nhục Chi, An Tức, Vu Điền …) đến Trung quốc hoằng truyền Phật pháp.

Đến cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, Thái thú Sĩ Nhiếp (người Việt gốc Hoa, không phải là người Hoa, vì Tổ tiên của Ông đã qua Việt Nam 6 đời) cai trị Giao Châu (từ năm 187 đến năm 226), là bậc quân tử tài đức, lại là Phật tử mộ đạo, nên hết lòng chăm lo cho dân chúng, chú trọng việc giáo hóa cho dân, hộ trì Phật pháp …; nhờ đó, Giao Châu phát triển mạnh và trở nên cường thịnh, thái bình; Phật giáo phát triển…. Giao Châu hầu như tự trị, không bị lệ thuộc Nhà Đông Hán (23 – 243) như trước. Năm 203, Sĩ Nhiếp cho đổi Giao Chỉ thành Giao Châu,….

Trong lúc đó, tại Trung quốc, chiến tranh loạn lạc ngay ở trung tâm kinh đô Lạc Dương, Trường An và lan rộng khắp cả nước, đưa đến thời Tam Quốc (220 – 265) ; nhiều Cao tăng, Đạo sĩ (Lão giáo), Học giả (Nho giáo) Trung quốc và các nước Trung Á đang sống tại Lạc Dương, Trường An phải chạy về phương Nam để tỵ nạn chiến tranh, một số vị phải qua Giao Châu lánh nạn … Thái thú Sĩ Nhiếp chẳng những chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, mà còn lo cho nền văn hóa dân Việt, lại hết lòng chiêu hiền đãi sĩ, …. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội Giao Châu phát triển nhanh, …; Phật giáo cũng phát triển và phủ thành Liên Lâu (Luy Lâu) trở thành Trung tâm Phật giáo nổi tiếng, vượt lên Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Trung tâm Phật giáo Bành Thành của Trung quốc …

 Vì thế, Sĩ Nhiếp được tôn là Sĩ Vương, mà còn Nam Giao Học Tổ (Vị Tổ ngành Giáo dục  của Giao Châu ở phương Nam). Phật giáo Giao Châu cũng phát triển vượt hẵn Nho giáo và Lão giáo, nổi bậc với sách “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử (k.165 – k. 255), cùng các bản dịch hay chú giải các Bộ Kinh Phật giáo của Khương Tăng Hội (An ban Thủ ý, Lục Độ Tập kinh, Cựu Tạp Thí dụ kinh, …) sau nầy được đưa vào Đại Tạng Kinh.

Trung tâm Phật giáo Liên Lâu hình thành từ thời Sĩ Vương (130 – 226) và phát triển với các Cao tăng Việt Nam và nước ngoài như: Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Khâu-đà-la, Ma-ha-kỳ-vực, bà Man Nương và Tứ Pháp; Chi Cương-lương-tiếp, Đạt-ma Đề-bà, Đạo Thanh (Đạo Hinh), Đạo Thiền, Huệ Thắng; Hiền Pháp sư, Đạo Cao, Đạo Minh, Đàm Hoằng, Huệ Lâm….

Trong lúc đó, Phật giáo mới du nhập vào nước Đông Ngô của Ngô Tôn Quyền, nên năm 247, Cao tăng Khương Tăng Hội ( ? – 280) [Cha là người Khương Cư, mẹ là người Việt] phải sang giáo hóa, Ngô Tôn Quyền cho thành lập chùa Kiến Sơ  để Ngài hoằng truyền Phật pháp… 

 Năm 280, Nhà Tấn diệt Nhà Ngô, Giao Châu thuộc Tấn (280 – 420); sau đó, Nhà Tống (420 – 478), Nhà Tề (479 – 502), Nhà Lương (502 – 544) đô hộ Giao Châu ; nhưng chỉ lệ thuộc trên danh nghĩa, Giao Châu gần như vẫn được tự trị. Trung tâm Phật giáo Liên Lâu vẫn tiếp tục phát triển … Một số Tăng sĩ Trung Á sang Trung tâm Phật giáo Liên Lâu du học để chuẩn bị qua Ấn Độ nhưng chết ở Giao Châu (Vu Đạo Thúy, Vu Pháp Lan …); cũng có Cao tăng Trung quốc sang Giao Châu hoằng hóa (Đàm Hoằng) hay bị triều đình Trung Hoa kết tội đày sang Giao Châu (Huệ Lâm) … Một số Cao tăng từ Giao Châu sang hoằng hóa ở Trung quốc (Đạo Thiền) hay bị đưa sang Trung quốc (Huệ Thắng) ….

Từ trước đến nay, trong sách cổ có nêu danh Sĩ Vương là “Nam Giao Học Tổ”, nhưng nhiều người không tin, vì không thấy điều nào làm chứng cứ … Nhưng trong tình hình Việt Nam trong Thiên niên kỷ III bắt đầu phát triển như hiện nay, chúng ta đã dịch được nhiều kinh sách Phật giáo, phát hiện được nhiều tư liệu, tài liệu mới, … nhờ đó đã thấy được phần nào về sự ưu việt của nền văn hóa, văn minh Việt Nam thời Hùng Vương ; ngoài ra, còn phát hiện được nước Phù Nam cũng là truyền thừa của thời Hùng Vương đúng như tên gọi “Phò Nhà Nam”, không phải là phiên âm của chữ “Phnom” (Vua Núi) như nhiều học giả nước ngoài giải thích trước đây …

Chỉ qua tác phẩm “Lý hoặc luận” của Mâu Bác, và vài Bộ kinh được Khương Tăng Hội biên soạn, phiên dịch hay chú giải như Lục độ Tập kinh, An ban thủ ý, Tạp Thí dụ kinh, …; và qua tiểu sử của Sĩ Vương, Mâu Bác, Khương Tăng Hội … trong một số sách cổ của Trung Hoa hay trong Đại Tạng Kinh …, chúng ta có thể hiểu được phần nào nền Giáo dục của Việt Nam vào thời Sĩ Vương, từ đó, tôn danh “Nam Giao Học Tổ” của Sĩ Vương thật là xác đáng!

[Xem Hành trạng và các tác phẩm của Sĩ Vương và các Cao tăng hoằng hóa ở Trung tâm Phật giáo Liên Lâu nêu trên trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập I) của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, và Bộ sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của Nguyễn Hiền Đức].

Nguồn: daophatngaynay.com