261 lượt xem

Nguồn Gốc Áo hậu trong Tăng phục Phật giáo Bắc truyền

Nguồn Gốc Áo hậu trong Tăng phục Phật giáo Bắc truyền

Tăng Già Đạo Phật với "Tam Y Nhất Bát" hoằng hóa muôn phương, từ hơn 2000 năm trước cho đến ngày nay không nơi nào trên thế giới mà không có dấu vết hoằng pháp của Tăng già.

Có những phương pháp Bắc truyền Phật Giáo cần phải có để thuận duyên trong việc truyền giáo thì đối với Nam truyền Phật Giáo không có pháp đó cũng có thể hoằng pháp được, vì vậy cho nên không thấy pháp ấy trong Phật Giáo Nam Truyền và ngược lại cũng vậy. Nên sự khác biệt này có tính cách chủ quan trong quan niệm "Tùy Duyên" của Đạo phật và chỉ làm đẹp thêm cho Phật Giáo chứ không có một mảy may nào làm ảnh hưởng đến Đạo Lý của Phật Gia.
 

 Nguồn: Sưu tập

Nói đến Bắc Truyền Phật Giáo là đàn hậu tấn chúng ta không thể không phủ phục năm vóc sát đất đảnh lễ Đấng Điều Ngự Thế Tôn và chư liệt vị Tây Thiên, Đông Độ, Việt Nam truyền giáo, truyền giới, khai tông lập giáo, khai sơn tạo tự lịch đại Tổ Sư. Trong Kinh [Diệu Pháp Liên Hoa] dạy rằng: "Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến." Chúng ta là người sinh ra trong đời mạc pháp, Tổ Thật Hiền trong [Phát Bồ Đề Tâm Văn] nói: "tội gì mà sanh vào thời mạt pháp, phước gì mà được dự vào hàng xuất gia, chướng duyên gì mà ra đời không thấy Kim Thân của Đức Phật, hạnh lành gì mà ngày nay được lễ Xá Lợi Phật." những gì chúng ta có được như hôm nay, phải chăng đều do công lao của chư liệt vị Tổ Sư Tiền Bối.

Đối với sự nghiệp hoằng pháp của Phật Giáo Bắc truyền mà nói, khi các vị truyền giáo Cao Tăng đem Phật Giáo đến với Đông Phương mà đại diện là Trung Quốc hết sức khó khăn, nói về phương diện văn hóa thì Ấn Độ và Trung Quốc đều là hai cái nôi văn hóa của thế giới, văn minh, văn hóa, triết học, nghệ thuật, đều có thể nói là tương đương nhau. Về phương diện Tôn Giáo khi Đạo Phật chưa truyền vào Trung Quốc thì Đạo Giáo là tôn giáo của người Trung Quốc đã có cả gần 1000 năm lưu truyền, cộng thêm học thuyết của Nho Gia và cả trăm học thuyết khác.

Để chinh phục cũng như hòa mình vào tôn giáo tín ngưỡng của dân bản địa và thuyết phục tất cả những học thuyết truyền thống của người Trung Quốc, đưa Phật Giáo hòa nhập đến được với người bản địa và từng bước nâng vị thế của Phật Giáo lên địa vị ngang bằng nhiều khi còn cao hơn các Tôn Giáo, tín ngưỡng và các học thuyết của Trung Quốc. Chư Liệt Tổ không thể không tính đến những điều kiện sẵn có để hòa mình vào sự chi phối của chính quyền, Tôn Giáo sở tại, dùng những tập tục, tín ngưỡng của địa phương lồng vào Phật Giáo để truyền đạo. Vay mượn các học thuyết đương thời để diễn nói giáo nghĩa của Phật Đà. Chính vì vậy mà Phật Giáo Bắc Truyền có phần phong phú về nội dung và hình thức hơn Phật Giáo Nam Truyền.

Nói đến Tăng phục Phật Giáo trước tiên chúng ta nên tìm hiểu về những lý do căn bản, ý nghĩa thậm thâm của Tăng phục. Trong Kinh [Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa] chép: "Vì cũng như thế gian, cho nên có ba y. Vì sao vậy? tâm vui biết đủ, cho nên không đa cầu, tức là ít muốn. Không cầu xin, cho nên không chứa đựng; không chứa đựng, cho nên không bị thất mất; không thất mất, cho nên không phải bị sầu khổ; không gì sầu khổ, thế nên xa lìa phiền não; lìa phiền não, cho nên không còn chấp trước; không còn chổ chấp trước, cho nên đã lậu tận.". Trong [Hành Sự Sao] chép mười điều lợi ích của ba y:

1/Ngoài ba y ra không tham cầu cho nên không thọ khổ.

2/ Không bị khổ đau ràng buột.

3/ Không chứa nhiều đồ.

4/ Chỉ đủ dùng cho chính mình.

5/ Hành trì giới cẩn thận.

6/ Đến đi không vướng mắc.

7/ Thân thể nhẹ nhàng.

8/ Tùy xứ tùy nơi đều có thể an trụ.

9/ Đến hay đi chổ nào cũng không có gì lưu luyến.

10/ Tùy thuận để hành đạo.

Những ý nghĩa lợi ích của Tăng phục Phật Giáo, là nói về phương tiện ích lợi trong việc tu hành của Tăng Già, chứ Phật không có ý dạy tu hành phải khổ hạnh như một số người học Phật thường nghĩ. Đức Phật trước khi thành đạo dã từng có sáu năm tu khổ hạnh, và Ngài chưa từng cho rằng khổ hạnh là pháp tu duy nhất để có thể thành đạo. Đức Thế Tôn thành Đạo Bồ Đề sau khi Ngài quyết định không tu khổ hạnh nữa. Đời sống của Tăng lữ chỉ cần đơn sơ đạm bạc là đủ, trọng tâm vấn đề là làm thế nào để đoạn trừ với dục vọng và phiền não của thế gian, thân tâm luôn hướng về vô thượng giải thoát Bồ Đề.

Một hành giả học Phật, nếu như quá độ đè nén những nhu cầu thiết yếu về cuộc sống, làm cho thân tâm sinh ra những trạng thái không ổn định về tinh thần cũng như thể chất, cho nên khả năng đạt đến trạng thái an lạc giải thoát là điều không thể được, mà còn làm trái đi mục đích của sự tu hành. Trong Kinh [Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm] quyển 14 chép: "Bỏ đi đồ thế tục, nguyện cho chúng sanh, cần tu thiện căn, bỏ các tội ách. Cạo bỏ râu tóc, nguyện cho chúng sanh, vĩnh ly phiền não, cứu cánh tịch diệt. Mặc áo Cà Sa, nguyện cho chúng sanh, tâm không chổ nhiễm, đều đắc Phật đạo." Tất cả đoạn kinh trên nói về người đi xuất gia, như mục đích của việc đi xuất gia, mặc Tăng phục, cạo bỏ râu tóc cho đến đắp y đều có ý nghĩa hết sức rõ ràng, cho nên có cần tu khổ hạnh hay không đối với giải thoát giác ngộ đều không quá quan trọng.

Trong Kinh [Trung A Hàm] Phật dạy: "Ta nói không được cất chứa tất cả y, rồi cũng nói được cất chứa tất cả y, thế nào là y mà ta nói không được cất giữ ? nếu giữ y mà tăng trưởng ác pháp hoặc bất thiện pháp, hay làm suy thoái thiện pháp, nếu là y như vậy thì Ta nói không được cất giữ. Y như thế nào mà ta nói được cất giữ ? nếu như giữ y làm tăng trưởng thiện pháp, làm suy thoái ác bất thiện pháp, nếu là y như vậy, Ta nói được phép giữ.". như vậy là rõ ràng Đức Phật cũng chỉ chú trọng vào việc làm thế nào để thoát khỏi phiền não đạt đến thiện pháp, còn là y gì chỉ là phương tiện thôi, cho nên "Độ thân cho nên có y, cất giữ biết đủ là vậy".

Phật Giáo khi truyền đến Đông Phương, như đã lược nói từ những hoàn cảnh địa vực, khí hậu, tập tục, lễ giáo, truyền thống văn hóa cho đến tín ngưỡng đều không đồng, cho nên nảy sinh một số vấn đề hiện thực mà Phật Giáo nếu muốn truyền Đạo tại Đông Phương cần phải thực hiện, chính vì thế mà một loạt giải pháp được các vị truyền giáo cao Tăng Ấn Độ cũng như Đông Độ đứng trên tinh thần "Tùy Duyên Bất Biến" của Đạo Phật, hoặc chế ra phép mới, hoặc vay mượn những gì đã có, hoặc dung hợp các pháp của Đạo Giáo hoặc Nho Gia để diễn bày Diệu Pháp, hoặc dùng luôn những gì của thế gian đã có chuyển hóa thành "Phật Gia Phong Phạm". Áo Hậu của Phật Giáo được hình thành trên phương thức này.

Việt Nam gọi áo tràng tay rộng của chư Tăng là Áo Hậu, vì có nghĩa là áo mặc ở trong rồi mới đắp Y bên ngoài. Thật ra áo Hậu của Tăng già Bắc Truyền có nguồn gốc từ "Tăng Kỳ Chi" của Tăng Y. Trong [Thích Thị Yếu Lãm] chép: "các vị Tăng xưa theo Luật chế, chỉ có Tăng Kỳ Chi (đây gọi áo che tay, còn gọi áo che nách), áo này dài che từ vai bên trái cho đến nách bên phải, nên thường gọi là áo trong của tam y vậy, đây là nghĩa của Thiên Trúc vậy. Trong [Ngụy Lục] ngài Trúc Đạo Tổ nói rằng: "Người trong Cung Ngụy thấy Tăng để trần một cánh tay vào cung cho như vậy là không được hay, bèn chế thêm Thiên Đãn" may phía trên của Tăng Kỳ Chi, từ đây có áo Thiên Sam trong Tăng phục. Nay áo có cổ cao che đến gáy là được chế từ thời Ngụy vậy."

Ngài Đạo Tuyên Luật Sư trong [Chương Phục Nghi] nói: "Đức Đại Thánh gốc chỉ chế có ba y, ở phương Tây Vực cũng có y này, ngoài ra không còn y nào khác, cho nên gọi là ba y vậy. Sau có áo Phú Kiên và Tăng Kỳ Chi vậy...Nay Tăng phục có áo dài từ trên vai xuống gót là sự kết hợp của các y này vậy.". Trong [Trụ Pháp Đồ Tán] chép: "Hình thức của Tăng phục ngày nay có tay rộng, là sự kết hợp của áo Phú Kiên và áo Tăng Kỳ Chi thành áo Thiên Sam. Áo Thiên Sam nối với quần thành áo Trực Chuyết." và sự ra đời của áo Trực Chuyết trong [Truyền Thông Ký Nhữu Sao] chép: "Đời Đường Ngài Huệ Hải Đại Trí Thiền sư ở núi Bách Trượng là Người đầu tiên nối áo và quần thành áo dài gọi là áo Trực Chuyết" Ngày nay áo Trực Chuyết vẫn còn được Chư Tăng Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng.

Chư Tăng Trung Quốc và Việt Nam mặc áo Hậu có nguồn gốc từ áo Trực Chuyết và áo hậu có bảy vạt là chứng tích còn lại của áo Trực Chuyết về sự kết nối giữa áo và quần. Áo hậu ngày nay là sự kết hợp giữa áo Trực Chuyết và áo Bào truyền thống của Trung Quốc, nguyên nhân của sự kết hợp giữa Tăng Bào và áo Bào truyền thống Trung Quốc. Theo lễ chế Phong Kiến Trung Quốc trong sách [Biện Phục] chép: "Sĩ Đại Phu không được tiếp khách khi không mặc áo Bào, khi ra đường phải mặc áo bào", đến nhà Hậu Hán lập quốc quy định áo Bào thành Triều Phục. Chính nguyên nhân này mà Tăng Y trở thành lễ phục của Tăng Già Bắc Truyền do việc thường ra vào Hoàng Cung để Thuyết Pháp của chư Tăng. Nên việc tu chỉnh áo Trực Chuyết cho đúng phép của lễ phục là điều hết sức tự nhiên và cần thiết. Trong [Thích Danh] chép: "Thiền Y không phải áo của người Hồ có tay nhỏ và chật, dài như hình mương nước".

Do áo hậu có hai tay áo rất rộng nên còn được gọi là áo "Hải Thanh". Trong [Bỉ Ngôn] chép: "người Ngô gọi áo có tay dài rộng là Hải Thanh." Và danh từ Hải Thanh có từ đời Đường trong một câu thơ của nhà thơ Lý Bạch " múa vùn vụt bay tay áo rộng, như chim từ đông hải bay đến." trong thơ nói đến con chim từ "Hải Đông" bay đến là chim Hải Đông Thanh. Đời Đường tất cả các lễ phục từ triều đình đến thứ dân đều có tay áo rất rộng, do sự biến thiên của triều đại lịch sử và sự thay đổi quan niệm về phục trang của từng thời đại cho nên áo tay rộng dần dần không còn là lễ phục của người Trung Quốc nữa vì không còn được ai mặc. Duy chỉ còn Tăng Già Bắc Truyền còn mặc cho nên trở thành lễ phục trong Tăng phục Phật Giáo Bắc Truyền và lưu truyền cho đến ngày nay.

Ngài Đạo Tuyên Luật Sư trong [Cảm Thông Truyện] dạy: "Người thế lấy áo mão cân đai làm điều hiển vinh, Đạo nhân chỉ có áo mão chứ không cần cân đai. Người đời lấy việc búi tóc cài trâm là đẹp, người họ Thích thì cạo bỏ râu tóc chẳng cần.". Qua đó có thể thấy tinh thần "Tùy Duyên" được dùng vô cùng rộng lớn không những trong sự nghiệp hoằng Pháp mà còn được vận dụng ngay trong cả cuộc sống thường nhật của Tăng Già. Ngay cả trong việc chế y phục, áo Trực Chuyết hay áo hậu sau này đều không có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng là sự kết hợp giữa đạo lý Tăng phục Phật Giáo và lễ phục của người Trung Quốc, nhưng vì không muốn hoàn toàn là lễ phục Trung Quốc các Tổ vẫn tìm cách chế những đặc trưng của Phật Giáo vào áo Bào, để áo bào của người Trung Quốc thành Tăng Bào của Phật Giáo, đặc tính này được thể hiện rõ nhất ở cổ áo Hải Thanh, chúng ta thường thấy cổ áo Hải Thanh có đắp thêm ba lớp vải, biểu thị ý nghĩa Phật Pháp Tăng Tam Bảo, cho nên gọi là cổ áo "Tam Bảo Lĩnh" phần cuối cổ áo có may 52 đường chỉ nhỏ tượng trưng cho "Thiện Tài Đồng Tử Ngũ Thập Tam Tham". Chỉ là cổ áo của Tăng thôi mà đã bao hàm bao nhiêu là ý nghĩa, thử hỏi làm sao khi người mặc chiếc áo này mà không khác người đời chứ, cho nên "Chiếc áo không làm nên một vị Tăng, nhưng khi nhìn người mặc áo họ có thể nhận biết người ấy là Tăng sĩ của nhà Phật.".

Ngày nay cổ áo Hậu của Phật giáo Việt Nam không còn nguyên hình dạng gốc ban đầu, không còn thấy có ba lớp vải tượng trưng cho Tam Bảo và 52 đường chỉ biểu trưng cho Thiện Tài Đồng Tử 52 lần tham học Phật Pháp. Theo thiển ý có lẽ vì lòng tự tôn Dân Tộc vì không muốn bị sự đồng hóa văn hóa của Trung Quốc thâm nhập quá sâu vào Phật Giáo Việt Nam, cho nên chư Tổ Việt Nam đã lược bớt những chi tiết nhỏ để thể hiện sự khác biệt giữa Tăng phục Phật Giáo Việt Nam và Tăng Phục Phật GiáoTrung Quốc.

Người Việt Nam là một dân tộc luôn luôn đề cao đạo lý "Uống Nước Nhớ Nguồn" nên cổ áo Hậu của Tăng Già Phật Giáo Việt Nam vẫn còn một gạch nối giữa cổ áo là vết tích của "Tam Bảo Lĩnh" để lại, nhắc nhở chúng ta nhớ đến công ơn bao nhiêu đời tôn đức Tổ Sư dày công nghiên cứu mới chế tác được tấm áo này, để ngày nay chúng ta mới có "Giải Thoát Phục". Việt Nam chúng ta gọi là "Áo Hậu" ý nghĩa gần với Tăng Kỳ Chi hơn là Trung Quốc, vì gọi là "Áo Hải Thanh" là sự đồng nghĩa với việc Hán hóa không còn ý nghĩa ban đầu của Tăng Phục Phật chế là Tăng Kỳ Chi.

 

Áo Trực Chuyết (Nhật Bản)

 Áo Trực Chuyết (Hàn Quốc)

Áo Hải Thanh (Trung Quốc)

 Nguồn: Sưu tập

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com