349 lượt xem

Nguồn gốc một số tên gọi địa danh ở Hải Dương

Hải Dương
Hải Dương có tên chính thức từ năm 1469, ý nghĩa "Hải là miền duyên hải" vùng đất giáp biển, "Dương là ánh sáng" ánh mặt trời. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là "ánh mặt trời biển Đông" hay "ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về". Trong "Dư địa chí", Nguyễn Trãi đã đánh giá Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long.


Gia Phúc
Gia Lộc là huyện ở trung tâm địa dư của tỉnh Hải Dương. Cũng như các huyện khác, trong tiến trình lịch sử, huyện có nhiều lần thay đổi địa danh và địa giới. Quốc sử ghi rằng, Gia Lộc (嘉 祿) thời Lý Trần có tên là huyện Trường Tân (長 津), thuộc lộ Hồng. Tấm bia cổ nhất của huyện, hiện còn ở chùa Sùng Thiên, thôn Thị Đức, xã Nhật Tân, có niên hiệu Khai Hựu thứ 3, Tân Mùi (1331) cũng ghi như vậy. Theo Đại Nam nhất thống chí, đến thời Quang Thuận năm thứ 10 (1469), khi định lại bản đồ, đổi Trường Tân thành Gia Phúc (嘉 福), thuộc phủ Hạ Hồng, nhưng cũng cần lưu ý rằng, đời Lê Nhân Tông, niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) đã có sự thay đổi địa danh, nên một số di vật đương thời đã ghi tên huyện Gia Phúc. Đến thời vua Quang Trung (1788-1792) vì tránh húy của cha ông (là Hồ Phi Phúc) mà đổi thành Gia Lộc, địa danh này tồn tại cho đến nay.


Tứ Kỳ
Tứ Kỳ 四歧(岐) theo nguyên nghĩa chữ Hán Việt còn được thấy trên các bia đá ở các đình chùa, Tứ Kỳ có nghĩa là "bốn đường rẽ (ngã rẽ)".

Giải thích về nguồn gốc tên "Tứ Kỳ", theo sách "Tứ Kỳ địa dư phong vật chí" của Nguyễn Năng Tấu, cuối thế kỉ XIX có chép: "Thành của huyện Tứ Kỳ vốn là đồn binh của nhà Lê ở xã Tứ Kỳ (thuộc xã Ngọc Kỳ ngày nay) gọi là đồn Tứ Kỳ. Về sau, nhân đó đặt tên huyện là huyện Tứ Kỳ."



Cẩm Giàng
Cẩm Giàng là một trong những huyện lâu đời nhất của tỉnh Hải Dương. Ban đầu tên của huyện vốn là Cẩm Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Cẩm Giàng.


Bình Giang
Bình Giang là vùng đất có từ lâu đời thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, do phù sa của hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng bồi đắp. Thời nhà Đường đô hộ nước ta (từ năm 618 - 937), Bình Giang có tên là huyện Đường An (nghĩa là vùng đất bình yên) thuộc Giao Châu – phủ An Nam.


Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn ngụ dưới chân núi Côn Sơn có tên chữ là "Thiên Tư Phúc Tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.


Đền Kiếp Bạc
Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).


Đền Tranh
Đền Tranh hay còn có tên gọi khác là đền Quan Lớn Tuần Tranh là một ngôi đền lập tại bên sông Tranh, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ngôi đền này thờ phụng Quan Lớn Đệ Ngũ (Quan Lớn Tuần Tranh) do địa điểm này chính là quê hương của ông cũng như là nơi ông đã hiển tích. Bên cạnh đó, đền Tranh còn thờ phụng nhiều ban thờ các vị thần anh linh Tứ Phủ.

Quan Lớn Tuần Tranh là vị Tôn Quan thứ năm trong Ngũ Vị Tôn Quan sau hàng Tam Tòa Thánh Mẫu. Quan Tuần Tranh có nhiệm vụ giám sát nhân gian. Ngài được Ngọc Hoàng ban cho quyền thống lĩnh thiên địa binh, thay quyền tam tứ phủ đại diện cho con người, thu chấp kim ngân tài mã, giải oan nghiệp sớ cho trần gian. Ngài là vị tướng tài ba danh tiếng lẫy lừng, nắm quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh và được nhân dân tôn kính phụng thờ nghiêm cẩn.




Đền Cao An Phụ
Khu di tích đền Cao An Phụ hay còn được biết đến với tên gọi An Phụ Sơn từ là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu – thân phụ của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Đồng thời, ông là anh trai của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của triều Trần (1225-1400).


Văn miếu Mao Điền
Chữ Văn miếu:  chữ Văn có hàm nghĩa rất rộng bao gồm toàn bộ lĩnh vực khoa học xã hội.  Chữ miếu là nơi thờ tự

Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi người ta đã chọn nơi này để làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích do vậy có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.



Bàn cờ Tiên
Trên đỉnh Côn Sơn, nơi gọi là "bàn cờ tiên" là một khu đất bằng phẳng. Tên gọi "bàn cờ tiên" chỉ là cái tên mà dân gian đặt ra để ca ngợi và tỏ lòng ngưỡng mộ với một địa danh lịch sử đẹp đẽ và nên thơ.


Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Theo Tứ Kỳ địa dư phong vật chí, Nguyễn Năng Tấu
- Theo 
haiduong.tintuc.vn
- Theo  haiduong.gov.vn
- Theo oancotam.com
- Theo oancotam.com
- Theo camgiang.haiduong.gov.vn
- Theo nhandan.vn

Bài viết cùng chuyên mục: