396 lượt xem

Nguồn gốc một số tên gọi và trị sở Lị Nhân ở Hà Nam

Tên châu Lị Nhân, phủ Lị Nhân là tên tỉnh Hà Nam sau này, cũng là tên huyện Lị Nhân (Nam Xương) từ thời Lê Quang Thuận về trước trùng nhau. Vào đời Hán, châu Lị Nhân thuộc quận Giao Chỉ, phủ Giao Châu.

Theo "Đồng Khánh dư địa chí": Phủ Lý Nhân, đời Lý là châu Lị Nhân. Sử ghi các vua Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông từng cho dựng hành cung ở châu Lị Nhân (Bách khoa toàn thư). Đời Trần cũng gọi là châu Lị Nhân. Thời thuộc Minh là huyện Lị Nhân (thuộc phủ Giao Châu). Đời Lê chỉ kiêng âm (đọc Lợi Nhân) nhưng vẫn viết Lị không phải đổi chữ. Đời Lê Thánh Tông đổi là phủ (thuộc Sơn Nam thừa tuyên). Các triều sau vẫn theo thế. Năm Minh Mệnh 3 (1822) đổi là phủ Lý Nhân, gồm 5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Nam Xương, Bình Lục như thời Lê sơ; ngày nay phần lớn là đất các huyện thuộc tỉnh Hà Nam.

Về địa danh: “Lị", “Lợi" hay Lý Nhân ? có thể hiểu, thời phong kiến ở nước ta, nếu đặt tên phạm húy vua, chúa thì triều đình ra "lệnh kiêng" để xóa bỏ hay ban tên mới. Vì thế, tên "Lị" hay "Lợi", rồi "Lý" là kiêng húy về quốc tính, thời Lý gọi Lỵ hay Lợi (từ đồng âm), thời Trần tránh húy cao tổ Trần Lý và Lý Chiêu Hoàng (vợ vua Thái Tông). Thời Lê sơ kiêng húy Lê Lợi nên gọi là "Lị". Nhà Nguyễn thay đổi theo lệnh kiêng húy đến cấp xã, thôn; ví dụ: ở Nam Xang có xã và tổng An Triền từ đầu Nguyễn về trước, đến năm Thiệu Trị 3 (1843) kiêng chữ Triền (âm tên huý vua Thiệu Trị) nên đổi là An Trạch (Bắc Lý). Hay xã Nam Xá (Nhân Nghĩa), từ đầu Nguyễn về trước là xã Nguyễn Xá; từ năm Tự Đức 6 (1853) kiêng chữ quốc tính Nguyễn nên đổi là Nam Xá...

Không chỉ Lị Nhân mà nhiều nơi đã sáp nhập, tách chia qua các triều đại là châu, đạo, trấn, lộ, phủ. Đến khi thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890; đời vua Thành Thái thứ 2) trên cơ sở phủ Lý Nhân. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi chữ "Lị" sang chữ "Lý" thành phủ Lý Nhân. Cấp đơn vị hành chính tỉnh ở nước ta ra đời dưới thời Minh Mệnh, các đơn vị: tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn… lúc đó phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội (1831).

Vậy, trị sở của Lị Nhân trước ở đâu? Dưới thời Lê (khoảng năm 1624), Thượng thư Nguyễn Khải đã cho chuyển thủ phủ trấn Sơn Nam từ thôn Tường Lân (xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, phủ Lỵ Nhân) đến đóng ở thôn Châu Cầu (nay là Phủ Lý) thuộc tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi, xứ Sơn Nam chia làm 2 trấn: Thượng trấn (Sơn Nam Thượng) lỵ sở Lỵ Nhân ở Châu Cầu; Hạ trấn (Sơn Nam Hạ) lỵ sở ở Vị Hoàng (Nam Định)... theo “Địa chí Hà Nam": sách Các tổng trấn xã danh bị lãm viết đầu thế kỷ XIX thì thôn Tường Lân (xã Trác Văn) lúc này thuộc tổng Trác Bút, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân.