352 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Hòa Bình

Hòa Bình
Hòa Bình là tỉnh được thành lập năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ nên cũng còn gọi là tỉnh Chợ Bờ, cuối năm 1886 chuyển về xã Phương Lâm, năm 1888 đổi tên thành tỉnh Phương Lâm. Năm 1896 tỉnh lỵ được chuyển về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà, đối diện với Phương Lâm và từ đó gọi là tỉnh Hòa Bình, sau nhiều lần tách nhập, đến nay vẫn giữ tên gọi này.


Mai Châu
Mai Châu trước kia được gọi là Mường Mai, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIII. Thời nhà Trần, Mường Mai thuộc lộ Đà Giang, trấn Gia Hưng, xứ Hưng Hoá. Dưới triều Nguyễn, Mai Châu gồm tổng Thanh Mai và tổng Bạch Mai.

Kể từ thời Pháp thuộc, châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ, tỉnh Mường Hoà Bình. Tháng 10-1890, châu Mai Châu và châu Đà Bắc được hợp làm một, gọi là Mai Đà. Sau một thời gian tồn tại, châu Mai Đà lại tách thành hai và được giữ nguyên đến năm 1941 thì Mai Châu và Đà Bắc lại tái hợp nhất thành châu Mai Đà.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 21-9-1956, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định chia huyện Mai Đà thành hai huyện: Mai Châu và Đà Bắc.

Thung Nai
Cái tên Thung Nai bắt nguồn từ việc trước đây, khu vực này là một thung lũng rộng lớn có rất nhiều hươu, nai sinh sống, cũng từ đó người dân địa phương gọi đây là Thung Nai


Cửu thác Tú Sơn
Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì Cửu thác Tú Sơn bao gồm 9 dòng thác, mỗi dòng thác lại sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của riêng mình. Các dòng thác có nét riêng biệt nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên một dòng thác lớn làm bao người ngất ngây, mê mẩn.

Trong 9 dòng thác ghép lại, trong đó bao gồm thác tình u Cơ, thác Tiên Tắm, thác Trải Chiếu Quan Lang, thác nàng Út Lót, thác Bạc, thác Trượng Phu, tháng Thượng Ngàn, thác Mẫu và thác Thiên Ngọc Thạch.



Đèo đá trắng
Đèo Thung Khe hay còn gọi là đèo Đá Trắng, nằm trên tuyến quốc lộ 6 nối giữa Tân Lạc và Mai Châu, Hòa Bình. Sở dĩ có thêm tên đèo Đá Trắng vì sau khi mở đường những người công nhân đã vô tình để những mảng đá vôi rơi xuống, khiến sườn đèo bị phủ một màu trắng xóa, đi từ xa đã có thể trông thấy.


Động thác Bờ
Động thác Bờ nằm ngay trên bến Ngọc, ở sườn núi phía bắc, bên bờ hồ sông Đà. Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn, nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà. 


Lũng Vân
Nằm trên độ cao 1200m và bao bọc bởi núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, mây bao phủ quanh năm nên còn gọi là “Thung lũng mây”.


Mường Bi
Tên gọi Mường Bi gắn với câu chuyện từ xa xưa, khi có trận đại hồng thuỷ, con người trôi dạt, sống sót nhờ vào một gốc cây Bi khổng lồ để khi nước rút, ở lại khai khẩn, làm ăn, sinh sôi nảy nở, tạo dựng cuộc sống ở vùng này.


Động Hoa Tiên
Do cách động khoảng 1km về phía Đông, có một hồ nước rộng, trong xanh mà người dân thường gọi là hồ tiên tắm. Có lẽ vì thế mà nơi đây còn có tên gọi là động Hoa Tiên.


Động Đá Bạc
Theo truyền thuyết trong vùng kể lại rằng, thuở xưa các nàng tiên ở thượng giới vì chán cảnh thần tiên nên rủ nhau xuống trần vãn cảnh xem đời. Cảnh đẹp dưới gầm trời làm các nàng say mê thích thú và lạc vào động Ðá Bạc Liên Sơn. Cảnh đẹp trong động làm các tiên nữ sững sờ ngạc nhiên, không ngờ dưới vòm trần có nơi bồng lai đến thế. Các dải nhũ đá lung linh. Các vòm đá uốn lượn cong cong... Tất cả như níu áo giữ chân các nàng, khiến các nàng không muốn về thượng giới nữa. Ngọc Hoàng hay tin giận lắm, liền đóng cửa nhà trời không cho các nàng tiên về trời. Năm này qua năm khác quần tiên đã hóa thân vào vách núi. Từ đó động Ðá Bạc còn được gọi là Ðộng Tiên.


Bản Ngòi
Bản Ngòi hay còn được gọi là “Bưa Dâm” chưa có đường bộ đến bản mà chúng ta phải đi bằng thuyền. Tên “Bưa Dâm” theo tiếng Mường, Bưa là vạt đất bằng phẳng trên núi cao, Dâm là nơi có nhiều cây gỗ lớn. Bản được bao quanh bởi những dặng núi đá vôi còn nguyên những thảm thực vật nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú.


Pom Coọng
Ông Hà Văn Thiết, Trưởng bản giải thích: Theo tiếng của người Thái, Pom có nghĩa là quả đồi, Coọng có nghĩa là cái trống, Pom Coọng có nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn như trống đồng.


Hang Mỏ Luông
Hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.


Ba Khan 
Sở dĩ có tên Ba Khan vì nơi đây có ba xóm là Khan Thượng, Khan Hò và Khan Hạ, nép mình bên dòng sông Đà thơ mộng quanh năm. Ấy thế nên ở thung lũng Ba Khan, người ta tìm thấy được cảnh non nước hữu tình, đắm say đôi mắt lẫn tâm hồn. Giữa núi non trùng điệp, cảnh vật quyện hòa cùng nhau như tranh vẽ, Ba Khan chẳng khác nào một Vịnh Hạ Long thứ hai.


 

Tổng hợp: SGT Group.

Tài liệu tham khảo:
Theo khamphadisan.com.vn
Theo Nhóm Trí Thức Việt (2013)
Theo Trần Nhật Giáp
Theo maichau.hoabinh.gov.vn
Theo justfly.vn
Theo dantri.com.vn
Theo baohoabinh.com.vn
Theo baotintuc.vn
Theo Trần Nhật Giáp