405 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi một số địa danh ở Lai Châu

Lai Châu
Lai Châu có tên gọi xuất phát từ chữ châu Lay. Vào đầu thế kỷ X, các thủ lĩnh Thái chiếm vùng đất này đã đặt tên là Mường Lay, năm 1435 Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi là châu Lai do phiên âm chữ Lay.

Ô Quy Hồ
Đèo có tên gọi là Ô Quy Hồ bởi ở đây có loài chim có tiếng kêu da diết, gắn liền với truyền thuyết về thác Tình Yêu, nơi gặp gỡ của một nàng tiên trời và chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ. Truyền thuyết kể rằng do không lấy được nhau và vì nhớ người yêu, nàng Tiên hóa thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi.

Khau Co
Khau Co là tên đọc chệch ra từ “Khau Cọ”, là tiếng của đồng bào bản địa, tức là “Cửa Gió”.

Thác Trái Tim
Chuyện xưa kể lại rằng: Từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Mông dưới chân thác có một chàng trai khôi ngô, dũng mãnh giỏi săn bắt đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp giỏi thêu thùa may vá, cả hai quấn quýt và thương yêu nhau tha thiết như con hươu, con nai trên rừng ngày ngày bên nhau. Cả bản ai cũng ngưỡng mộ tình yêu của đôi trai tài gái sắc. Cả hai say sưa trong chén men tình không được bao lâu thì chàng trai phải lên đường đi đánh giặc, nàng chờ chàng không biết bao mùa trăng mọc rồi trăng lặn mà vẫn chưa thấy chàng về, nàng lại hay tin chàng đã tử trận tại chiến trận xa xôi, quá đau buồn nàng lên nơi ngày xưa họ  thường hay hẹn ước nhớ về chàng khóc dữ dội và nàng hóa thành thác nước  lúc nào không hay. Cả bản ngỡ ngàng khi thấy chàng đánh trận mang vinh quang trở về, hóa ra tin chàng chết nơi chién trận chỉ là lời đồn ác miệng của quân giặc. Biết chuyện người yêu như vậy chàng trai lên đỉnh ngọn thác kêu gào thét, tiếng gào thét như xé rách núi rừng, cầu xin núi rừng hãy để họ mãi bên nhau muôn đời, muôn kiếp cảm động trước tình yêu đôi lứa đất trời đã biến chàng thành tảng đá hình trái tim nằm ngay giữa thác nước. Ngày nay những đôi trai gái yêu nhau thường đến đây cùng nhau uống nước ở thác với ước nguyện sẽ được bên nhau trọn đời trọn kiếp.

Mường Tè
Chính là tên gọi bản địa (tức là thổ âm) của châu Tuy Phụ xứ Hưng Hóa nhà Lê.


Bản Nà Luồng
Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…

Tổng hợp: SGT Group.