446 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi Phố Hiến là gì?

 Ít ai ngờ rằng từ “Phố” trong tên gọi “Phố Hiến”, nghĩa gốc - như ở trường hợp nói “căn phố” - lại chỉ là: Một cái cửa hàng, tức là: Một căn nhà chứa và bán hàng hóa.

Bây giờ, nhiều cửa hàng như thế xếp kề hoặc liền nhau thành một chuỗi, thì tập hợp hàng dọc của những “phố” (căn phố) như thế, sẽ gọi là “dãy phố”. Dãy phố mà gọi tắt đi, là “phố”!
Còn “Hiến” thì, đầu tiên là một chức quan được gọi tắt. Tên đầy đủ của chức quan đó là: “Hiến sát sứ”, được đặt vào và từ năm 1473, với 32 nhiệm vụ, trong đó ở hàng đầu, là: Tâu bầy, đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng, khảo khóa, tuần hành…

Nơi làm việc của một quan Hiến sát sứ như thế, gọi là “Hiến ty”, hoặc “Hiến doanh” (Hiến dinh). Thời nhà Lê (thế kỷ XV), cả nước chia ra thành 12 địa phương, gọi là “Thừa tuyên”. Mỗi “Thừa tuyên” đặt bộ máy cai trị, gồm 3 cơ quan là: Thừa ty, Đô ty và Hiến ty.

Như vậy, uyên nguyên và căn cốt, “Phố Hiến” là nơi có “Phố” (dãy phố) tức đô thị mà ở đó, triều đình ngày xưa đặt “Hiến ty” (hoặc: “Hiến doanh” (Hiến dinh=dinh Hiến) của quan Hiến sát sứ để quản lý.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: Phố Hiến xưa là Hiến doanh vì là lỵ sở của Ty Hiến sát sứ đời cố Lê. Văn bia chùa Thiên Ứng còn gọi là chùa Hiến ở Phố Hiến nói vào năm 1625 rằng: “Nhân Dục, Hoa Dương (là 2 địa danh ngày nay vẫn còn thấy ở Phố Hiến)… có hình thế nghìn dặm rồng chầu, là nơi để dân chúng tụ hội, gộp muôn nhánh về nguồn, dồn lớp sẻ bay, là đất đặt dinh trấn, ôm dải đất trong sông, lừng tiếng là nơi đóng trụ sở Ty Hiến sát của thừa tuyên Sơn Nam”.

Cũng ở bài văn bia có niên đại 1625 này, còn có câu: “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã” (Hiến Nam nổi tiếng là nơi tiểu Tràng An của bốn phương tụ hội) vừa nói về sự phồn thịnh của Phố Hiến ở lát cắt thời gian đầu thế kỷ XVII, vừa cung cấp thêm một tên gọi nữa của Phố Hiến là “Hiến Nam”, cũng như cả một tên gọi khác nữa, là “Vạn Lai Triều”, qua câu văn bia: “Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều”.

Như vậy, Phố Hiến - với nhiều tên gọi khác nhau - đến thế kỷ XVII, đã rất thịnh vượng. Sự ra đời của đô thị cổ này, tất phải từ trước đấy. Nhưng “trước đấy” là vào thời điểm cụ thể nào? Góp phần giải đáp câu hỏi này, sách “Hưng Yên địa chí” viết: “Niên hiệu Quang Hưng nhà Lê (khoảng các năm 1578 -1599) lập ra trấn Sơn Nam, đóng ở phía bắc bến đò thuộc xã Nhân Dục. Nơi ấy gọi là Phố Hiến, gần cửa biển”. Thế là, đã nhích được thời gian ra đời Phố Hiến lên cuối thế kỷ XVI.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thời gian vua Lê Thánh Tông cho đặt 12 Ty Hiến sát ở các xứ, chính xác là vào năm 1471, thì còn có thể xác định: Phố Hiến trở thành nơi đặt Ty Hiến sát của xứ Sơn Nam, như thế là vào và từ cuối thế kỷ XV. 

 
Theo dukcqhungyen.vn