258 lượt xem

NGUYỄN HỮU THỌ - KỲ 2 (CUỐI)

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức tài năng và giàu tâm huyết, một nhà yêu nước nhiệt thành, một ngọn cờ của khối đại đoàn kết dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên định, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào vẫn một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ: Kỳ 2 - Từ nhà trí thức  yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường - Thời sự chính trị -
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ: Kỳ 2 - Từ nhà trí thức yêu nước trở thành nhà cách mạng kiên cường - thời sự chính trị - Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ ký Lệnh công bố Hiến pháp mới (tháng 12/1980). (nguồn: sưu tầm)

Luật sư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc Bến Luật sư, tỉnh Long An).

Nồng nàn lòng yêu nước

Năm 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang Pháp du học tại Trường Trung học Mignet ở Aix En - Provence, rồi vào học tại Khoa Luật ĐH Luật khoa và Văn khoa Aix En - Provence.

Năm 1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu. Với suy nghĩ học thành tài để về giúp nước, Nguyễn Hữu Thọ mong ngóng ngày trở lại quê hương, nhưng vì không có tiền lộ phí nên phải ở lại Pháp thêm 1 năm để đi làm kiếm đủ tiền mua một chiếc vé tàu.

Năm 1933, ông trở về nước, tập sự luật sư tại văn phòng của luật sư người Pháp Duquesnoy - một người Pháp có tư tưởng dân chủ tiến bộ khá nổi tiếng ở Nam kỳ. 

Năm 1939, Nguyễn Hữu Thọ thi đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sư thực thụ, mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải nhanh chóng lan ra khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Năm 1940, chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, sự đàn áp dã man của thực dân Pháp và những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ cách mạng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thấy rõ bản chất thâm độc, tàn bạo, tội ác man rợ của chính quyền thực dân ở thuộc địa. Con đường dẫn ông đến với nhân dân, với cách mạng bắt đầu từ đó.

Khí thế hào hùng của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, rồi cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam bộ với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhân sĩ, trí thức có tên tuổi và có địa vị cao trong xã hội, trong đó có cả bạn bè, đồng nghiệp thôi thúc ông dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Tận trung với nước, tận hiếu với dân
Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra trao Huân chương Joliot Curie cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (nguồn: sưu tầm)

 
Bước vào đường cách mạng

Từ năm 1947 - 1950, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia vào nhiều hoạt động trong các phong trào yêu nước ở miền Nam: Phong trào đấu tranh của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn; phong trào đấu tranh bảo vệ các thành viên Mặt trận Liên Việt... Đồng chí được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đầu năm 1950 - cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên ở nước ta.

Lo sợ trước ảnh hưởng to lớn của Luật sư đối với nhân sĩ, tri thức và nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam bộ nói chung, thực dân Pháp đã bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và đưa ông đi đày ở biên giới phía Bắc theo chế độ quản thúc tại bản Giẳng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - một vùng khí hậu khắc nghiệt và địa hình hiểm trở để cách biệt ông khỏi phong trào cách mạng. Đến năm 1952, khi bộ đội ta tiến lên giải phóng Tây Bắc, chính quyền thực dân đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về giam ở Sơn Tây.

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của Đoàn Luật sư Dân tộc - Chợ Lớn và giới nhân sĩ, trí thức trong cả nước, tháng 11/1952, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được trả tự do trở về Sài Gòn, mở lại văn phòng luật và tiếp tục đấu tranh với kẻ thù, tham gia tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh cách mạng đòi dân sinh, dân chủ. Ngày 15/11/1954, chính quyền Sài Gòn lại bắt giam, lưu đày ông ra miền núi Củng Sơn, Tuy Hòa, Phú Yên. Sau gần 7 năm bị giam lỏng tại đây, ông được lực lượng vũ trang của Khu ủy Khu Việt Nam giải thoát.

Tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 2/1962) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tháng 3/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu Luật sư làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đến tháng 6/1969, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Chủ tịch cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Bằng uy tín và tài năng, Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã lãnh đạo quân và dân miền Nam giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người có sức tập hợp lớn
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam. (nguồn: sưu tầm)

Tận trung, tận hiếu

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông luôn gần dân, tâm huyết và đầy trăn trở với việc đại đoàn kết toàn dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong trọng trách của một Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQ Việt Nam.

Ông được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (tháng 6/1976), Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (tháng 4/1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (tháng 7/1981).

Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977), Luật sư được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11/1988, Luật sư được bầu làm Chủ tịch Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tháng 8/1994, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ chức Việt Nam đã suy tôn Luật sư làm Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Với các cương vị của mình, Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn trong công tác mặt trận, đề xuất với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm vun đắp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cuộc đời, sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là cuộc đời, sự nghiệp của một tri thức yêu nước tài năng. Con đường đến với cách mạng của người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ thật tự nhiên và trong sáng: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Luật sư là con người tiêu biểu của tình đoàn kết dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp.

Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Luật sư cũng được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng quốc tế V.I Lênin và Huân chương Hữu nghị vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết - Chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Đimitơrốp; Hội đồng Hòa bình thế giới tặng Huân chương Joliot Curie.

Cuộc đời của ông là cuộc đời của “một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người con trung hiếu, một nhân cách khả kính. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một đảng viên cộng sản kiên định”.

Tấm gương đạo đức cao đẹp và những cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được ghi tạc trong lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế, hình ảnh của ông sẽ mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo…

Những tư tưởng tiến bộ vượt bậc của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về “Ngày hội dân chủ”

Nhân dân ta đang chuẩn bị đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ XIV (2016 - 2021). Rất nhiều kinh nghiệm bổ ích được các đại biểu Quốc hội khóa XIII để lại cho nhiệm kỳ sau. Nhiều thành tựu quan trọng được ghi nhận trên lĩnh vực lập pháp của Quốc hội nhưng các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về công tác xây dựng pháp luật.
Mãi ghi nhớ người con trung hiếu của dân tộc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến thăm một đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tại miền Bắc (năm 1970). (nguồn: sưu tầm)

Những vấn đề thời sự này trước đây Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ ở cương vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật, cách nhìn rất thực tế về hoạt động của các cơ quan dân cử cũng như yêu cầu đối với các đại biểu nhân dân.

Nhân cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, xin nêu lại những quan điểm của LS Nguyễn Hữu Thọ về vấn đề vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Theo PGS.TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Những quan điểm của LS Nguyễn Hữu Thọ cho thấy tư duy của ông đã đi trước thời đại.

Tôn trọng dân thì phải làm tròn trách nhiệm

Năm 1982, LS Nguyễn Hữu Thọ cho rằng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND phải là người “đủ kiến thức và năng lực”, “là đại biểu thực sự cho quần chúng, được quần chúng tín nhiệm”. Quốc hội, HĐND không phải là nơi đại biểu “phát biểu cảm tưởng” mà là nơi cân nhắc, tính toán sau khi cọ xát quan điểm, thảo luận thẳng thắn, nói lên sự đồng ý hay không đồng ý với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân”.

Điều đáng tiếc, bên cạnh những đại biểu Quốc hội năng nổ, lúc nào cũng gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì vẫn còn không ít đại biểu Quốc hội sợ đụng chạm, chọn cách “im hơi lặng tiếng”, không làm tốt trách nhiệm, làm cho cử tri thất vọng.

Khi bàn về Bộ luật Hình sự, LS Nguyễn Hữu Thọ từng nêu rõ quan điểm: “Chúng ta làm luật để bảo vệ người lương thiện, chớ không phải để trừng phạt người có tội thôi. Trong 80 triệu dân chỉ có vài chục ngàn người có tội. Còn lại mấy chục triệu người là người lương thiện”. Trong thời gian qua, không ít luật nặng tính trừng phạt hơn là giáo dục, thiếu khách quan, thậm chí còn làm thiệt hại đến lợi ích của người dân.

Về quyền và nghĩa vụ của công dân, dù họ có sai phạm, LS Nguyễn Hữu Thọ luôn có cách xử lý hợp tình, hợp lý. Ông bày tỏ: “Khi can phạm bị tạm giữ mang trong người tiền bạc và tư trang, nếu tài sản này không phải là vật chứng của hành vi phạm pháp thì phải hỏi xem đương sự muốn xử lý theo hướng nào: gửi cho người nhà, người quen hay gửi cho Ngân hàng Nhà nước tạm giữ. Từ đó cơ quan nhà nước phải giải quyết theo yêu cầu của đương sự”.

Ông coi đây là vấn đề lớn: “Vấn đề tôn trọng quyền của công dân, chớ không phải là vấn đề nhỏ”. Trong thực tế mấy năm qua, do bất cẩn, nghiệp vụ kém hoặc do động cơ nào đó còn để xảy ra quá nhiều việc oan sai, vi phạm quyền của công dân.

Liên quan đến kinh tế đất nước, LS Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Kỷ luật nhất thiết phải có hiệu lực với mọi cấp, mọi ngành, không có ngoại lệ; ngay cả khi pháp luật đã đầy đủ thì kỷ luật vẫn  là động lực bảo đảm việc thực hiện pháp luật. Ông còn đề nghị sớm có tòa án kinh tế xét xử các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế nhằm giảm thiểu những tổn thất kinh tế, bảo đảm chặt chẽ kỷ cương và góp phần ổn định các hoạt động của nền kinh tế đất nước (tháng 10/1984). 

Mặt trái của sự phát triển kinh tế kéo theo tình trạng tệ nạn và tội phạm nhức nhối, phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc quản lý nhà nước còn yếu kém, chưa phát huy hết hiệu quả. Từ năm 1980, LS Nguyễn Hữu Thọ đã nhất trí với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Những yếu kém và thiếu sót trong công việc quản lý nền kinh tế quốc dân” có nguyên nhân rất quan trọng ở “tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền” của những cán bộ có chức, có quyền”.

Theo ông, đây là một trong những nguyên nhân làm cho đời sống xã hội gặp khó khăn. Để thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Làm sao cho nhân dân được ấm no, mặc ấm, được học hành”. Sau khi đất nước thoát khỏi chiến tranh xâm lược tàn khốc, với các trọng trách được giao, LS Nguyễn Hữu Thọ rất quan tâm vấn đề thực hiện dân chủ, xây dựng pháp luật và công tác giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ.

Ông cho rằng việc quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các đạo luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất. Ông nói: “Tự do, dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống pháp luật đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình”.

Cụ thể, ông đã góp phần xây dựng Bộ luật Dân sự, theo đó quyền lợi và nghĩa vụ của công dân sẽ được thể chế hóa theo cơ chế dân chủ. Và cơ chế đó đã trở thành nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”. Cơ chế này được dựa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V.

Theo V.I Lênin: “Sự thực hiện dân chủ không phải là chuyện rộng lượng ban ơn mà là nghĩa vụ của Đảng cầm quyền phải mang đến cho quần chúng”. Hiện nay ta đang thực hiện cơ chế này và còn làm rõ thêm:

“Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng giữa sự “lãnh đạo” của Đảng, sự “quản lý” của chính quyền và sự “vận động” của Mặt trận. Nhiều nơi cấp ủy Đảng bao biện làm thay công việc của chính quyền, chính quyền dẫm chân lên công việc của Mặt trận, làm yếu đi sức mạnh tổng hợp của cơ chế. Đảng chỉ mạnh khi chính quyền mạnh, Mặt trận mạnh.

Sinh thời, LS Nguyễn Hữu Thọ từng lưu ý: “Cấp ủy Đảng chỉ thị trực tiếp cho ngành Kiểm sát, Công an bắt người này, thả người kia” là sự vi phạm mang tính nguyên tắc, vi phạm nguyên tắc Đảng lãnh đạo”. Không có một cái gì mang tính đảng cao hơn bản thân đạo luật trong khuôn khổ mà đạo luật quy định xử lý”. Và LS khẳng định: “Đảng là người lãnh đạo, đưa đường, chỉ lối, Quốc hội, HĐND do nhân dân bầu trực tiếp để tổ chức, quản lý xã hội theo đường lối của Đảng” .

Loại bỏ hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

LS Nguyễn Hữu Thọ từng đề nghị: “Nếu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã lãnh nhiệm vụ bộ trưởng, thứ trưởng..., phó chủ tịch tỉnh, giám đốc 

sở v.v... thì không còn quyền biểu quyết trong các kỳ họp Quốc hội và HĐND, để tránh tình trạng người chịu sự giám sát lại tham gia giám sát các cơ quan hành pháp. LS nhắc nhở: “Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ “đẻ” ra luật rừng, luật rừng “đẻ” ra xã hội rừng”.  

Điều đáng mừng là hiện nay, số đại biểu chuyên trách ở Quốc hội ngày càng gia tăng, số cán bộ hành pháp tham gia Quốc hội ngày càng ít đi. Gần đây nhất, TP Đà Nẵng là một ví dụ điển hình rất đáng để các tỉnh, thành khác nhìn vào khi bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND không ra ứng cử đại biểu Quốc hội vì đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ rồi.

Thiết nghĩ, những kinh nghiệm, đóng góp của LS Nguyễn Hữu Thọ vẫn bổ ích cho những đại biểu nhân dân tương lai: Dám nói lên tiếng nói của cử tri, không vì lợi ích riêng mà nể nang, né tránh, không làm tròn trách nhiệm với cử tri.

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về LS Nguyễn Hữu Thọ: “Anh Thọ là người của công lý, của đạo nghĩa. Anh mong muốn mọi người đều đem hết trí lực phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh có thái độ nghiêm khắc đối với mọi hành động sai trái vi phạm phép nước, xâm phạm tài sản của dân, ức hiếp nhân dân. Với trách nhiệm và tính cương trực của mình, anh đấu tranh thẳng thắn để phân rõ đúng, sai; khi cần nói lên sự thật để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề né tránh. Ở anh, không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai”.

* Tác giả Nguyễn Hữu Châu - nguyên Ủy viên Ban Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh khóa 3 (1985-1989)

Nguyễn Hữu Châu