Trong suốt dòng chảy lịch sử cận đại của vùng đất Nam Bộ, Nguyễn Trung Trực là một trong những hình tượng anh hùng sáng chói của lịch sử dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 19…
Những chiến công oanh liệt, hành động anh hùng của Nguyễn Trung Trực nơi pháp trường đã tạo sự tôn kính, ngưỡng mộ sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhân dân tôn kính, thờ phụng ông như một vị thần, gửi gấm rất nhiều hy vọng trong đời sống tinh thần đối với ông. Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trung Trực được nhân dân thêu dệt, sáng tạo ra nhiều truyền thuyết pha lẫn giữa đời thật và sự huyền hoặc của thánh thần. Chính những truyền thuyết đó đã làm cho Nguyễn Trung Trực trở thành huyền thoại, có sứ sống mãnh liệt trong lòng người dân.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được nhân dân tôn vinh là một vị thần. Người dân Nam Bộ gọi Nguyễn Trung Trực bằng “Ông”, bằng “Cụ” hoặc “Ông Nguyễn”, “Cụ Nguyễn”. Những lúc khó khăn, thắp nén nhang xin “Cụ” phù hộ độ trì. Những lúc thuận lợi, thắp nén nhang lạy tạ. Buôn xa, bán gần, đi sớm, về tối nhiều người đều lấy “Ông Nguyễn” làm chỗ dựa tinh thần tin cậy. Đình thờ Ông Nguyễn riêng biệt và phối thờ có ở nhiều nơi, nhưng rất nhiều gia đình còn thờ riêng trong nhà như thờ ông bà, cha mẹ. Không ai dám nói một điều xúc phạm đã đành, nhưng cũng không ai dám nói, dám suy nghĩ một điều gì sai trái trước đình thờ, trước tượng hoặc ảnh của Nguyễn Trung Trực. Nhân dân đã tôn Ông Nguyễn lên thành vị thần của mình. Thần thánh là biểu tượng vô hình, nhưng tấm lòng của người dân là sự biểu hiện chân thật nhất tâm tư, tình cảm và hành động của họ.
Khi Nguyễn Trung Trực bị hành hình, Đức Cố Quản Trần Văn Thành rất đau buồn cho lập bàn thờ cúng tế. Nguyễn Trung Trực là biểu tượng của hành động trung nghĩa đối với dân với nước, là hình ảnh tuyệt vời của sự đền ơn đáp nghĩa đối với đất nước đã đáp ứng được kỳ vọng “Tứ Ân” của giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương. Vì vậy, Nguyễn Trung Trực đã trở thành một vị thần được phụng thờ trang trọng của Bửu Sơn Kỳ Hương.
Trong tâm thức của người dân Nam Bộ nói riêng, của người dân Việt Nam nói chung luôn chất chứa tình yêu nước cao độ. Người dân có truyền thống chiến đấu chống giặc xâm lược, nên họ kính yêu các anh hùng dân tộc, các chiến sĩ, đồng bào xả thân vì nước, vì dân. Từ sự thành kính ngưỡng mộ đó, cũng như tất cả những người Việt Nam yêu nước, nhân dân Nam Bộ, đặc biệt là bà con cư sĩ, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là tôn giáo nội sinh hậu thân của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đều thiết lập bàn thờ cúng với tượng, ảnh Nguyễn Trung Trực. Tất cả các tín độ Phật giáo Hòa Hảo rất ngưỡng mộ và tôn kính vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, gọi ông là “Ông Soái”. Nguyễn Trung Trực được suy tôn là “Quan Thượng đẳng đại thần”.
Xuất phát từ lòng biết ơn trước công lao hay từ sự thương cảm, kính mến, việc phong thần cho một vị anh hùng dân tộc là chuyện thường có ở các triều đại phong kiến và tín ngưỡng Việt Nam. Nhưng trong sách Đức Huỳnh Giáo Chủ của Vương Kim viết rằng, chức “Quan Thượng đẳng đại thần” của Nguyễn Trung Trực là do Phật phong chứ không phải do vua chúa Việt Nam ban tứ.
Tình cảm của người dân dành cho Nguyễn Trung Trực vô cùng sâu đậm. Tình cảm này không phải tự nhiên mà có, có xuất phát từ tình cảm dựa vào hiện thực của một con người mang đầy đủ yếu tố lịch sử. Người dân đồng bằng sông Cửu Long không chỉ biết kính phục, ca ngợi Nguyễn Trung Trực mà còn biết noi gương. Bởi lẽ đối với nhân dân về công lao, đức độ, khí tiết của Nguyễn Trung Trực là ngang hàng với thần thánh: “Sống làm tướng, thác làm thần”. Và cũng không phải chỉ riêng người Việt Nam thể hiện sự kính ngưỡng và thờ phụng Nguyễn Trung Trực, ngay cả một số hương chức làm việc cho Pháp và gia đình người Pháp cũng đã thờ phụng, tôn kính Nguyễn Trung Trực.
Hiện nay, cơ sở thờ Nguyễn Trung Trực là chính thần được xây dựng ở 6 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An. Riêng địa bàn tỉnh Kiên Giang có 13 đình thờ Nguyễn Trung Trực là chính thần. Hàng năm, cứ đến dịp lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực, nhân dân khắp nơi hành hương về tham dự. Mọi người tâm niệm rằng, phải đến tận Di tích lịch sử văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực ở TP. Rạch Giá thờ cúng, khấn nguyện mới tròn bổn phận với vị thần Nguyễn Trung Trực. Vì theo mọi người, Di tích lịch sử văn hóa Đình Nguyễn Trung Trực ở TP. Rạch Giá là đình thần chính thờ tự anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Được cúng viếng, thờ phụng Ông Nguyễn, người dân mang tâm hồn mình tưởng nhớ đến hồn thiêng sông núi; tình yêu quê hương, đất nước bén rễ và lớn lên trong lòng họ; mọi người nuôi dưỡng đức tin, tri ân và thờ phụng vị anh hùng dân tộc.
(Còn tiếp)
(Lượt trích theo quyển sách “Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”)
Hoàng Giám