Những đại cư sĩ nào có thể thuyết pháp thay Đức Phật?
Đức Thế Tôn chỉ quyết định nhập Niết-bàn khi biết rằng các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ đệ tử của mình đã trở thành “những người chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì, thành tựu và sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể diễn giảng, khai minh Chánh pháp.
Trong kinh Điềm lành tối thượng (Mahàmangala Sutta) thuộc kinh Tập, Tiểu bộ, bậc Giác ngộ khuyên người cư sĩ thực hiện các việc như sau để có được lợi ích an lạc lớn: Kính lễ và hạ mình, Biết đủ và biết ơn, Đúng thời nghe Chánh pháp, Là điềm lành tối thượng. Nhẫn nhục, lời hòa nhã, Yết kiến các Sa-môn, Đúng thời đàm luận pháp, Là điềm lành tối thượng.
Yết kiến các Sa-môn là biểu hiện của người cư sĩ có tâm tôn quý Tam bảo, qua đó vị ấy có cơ duyên được nghe Chánh pháp, học tập Chánh pháp và thuần thục Chánh pháp . Nhờ thường xuyên học hỏi Chánh pháp, tu tập Chánh pháp và thuần thục Chánh pháp, vị cư sĩ đa văn Thánh đệ tử mới có khả năng đàm luận Chánh pháp (Dhamma-kathà), tức có khả năng “tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”
Đó là phương pháp huấn luyện các đệ tử, xuất gia cũng như tại gia, của Đức Phật, theo đó một số đệ tử cư sĩ của Ngài có khả năng đàm luận và thuyết giảng pháp của bậc Đạo sư trong một số trường hợp cần thiết.
Đức Phật chỉ quyết định nhập Niết-bàn khi biết rằng các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ đệ tử của mình đã trở thành “những người chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp
Nguồn: Sưu tập
Bản kinh Đại Bát-niết-bàn thuộc Trường bộ xác nhận Thế Tôn chỉ quyết định nhập Niết-bàn khi biết rằng các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, các Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ đệ tử của mình đã trở thành “những người chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp; sau khi học hỏi giáo lý, đã có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách, và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, đã có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, đã có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu.”
Rõ là nhờ mục tiêu và đường hướng giáo dục này mà ngoài các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni giỏi về thuyết pháp , một số nam cư sĩ và nữ cư sĩ cũng được Thế Tôn xác chứng là đệ nhất về thuyết pháp và đa văn, như trường hợp Nam cư sĩ Citta và Nữ cư sĩ Khujjuttara. Sau đây chúng ta điểm qua một vài trường hợp đặc biệt trong đó những vị đệ tử cư sĩ của Phật đóng vai trò là người thuyết giảng giáo pháp của bậc Đạo sư.
Cư sĩ Citta
Trong số các đệ tử cư sĩ của Thế Tôn sở hữu những đức tính và khả năng đặc biệt, gia chủ Citta được xác chứng là đệ nhất về thuyết pháp . Cùng với Hatthaka, Citta được xem là cán cân, là mẫu mực cho các đệ tử cư sĩ . Ông được các Tỷ-kheo trưởng lão đánh giá là có tuệ nhãn hiểu được những lời dạy thâm sâu của bậc Đạo sư. Ông cũng được xem là một trong số các cư sĩ thấy được bất tử . Các tài liệu đề cập về ông lưu trong tuyển tập Samyutta Nikàya cho thấy ông xứng đáng được tán dương như vậy.
Sinh trưởng ở vùng Macchikàsandika, Citta là một gia chủ trí thức được nhiều bạn bè và bà con huyết thống rất mến mộ . Ông giao du rất rộng, hiểu biết nhiều, tính tình hào phóng nên có uy tín đối với nhiều người. Tài liệu Trưởng lão Tăng kệ cho biết ông từng giao thiệp với Isidatta ở Avantì bằng thư tín, kể về sự tuyệt diệu của Đức Phật và gửi cho Isidatta tư liệu về tổ chức giáo hội, nhờ đó Isidatta phát tâm xuất gia dưới sự dẫn dắt của Tôn giả Mahàkaccàna .
Citta cũng từng giới thiệu bạn cũ của mình là lõa thể Kassapa đến cầu xin xuất gia dưới sự chứng minh và hướng dẫn của các Tỷ-kheo vùng Macchikàsandika . Ông là người cư sĩ có tâm đạo nhiệt thành, rất kính tín Tam bảo, sống giữ giới đầy đủ, xem nhẹ của cải vật chất, thích cúng dường bố thí, chuyên sâu về thiền định và trí tuệ.
Citta chuyên sâu về thiền định và trí tuệ nên có đời sống nội chứng tâm linh sâu sắc và có trí tuệ phân tích nhạy bén. Ông tham vấn rất kỹ các diễn biến của tâm thức ở trong các cảnh giới thiền định, nắm bắt đầy đủ ý nghĩa và các kinh nghiệm thực hành .
Ông tự nhận dễ dàng đi vào bốn thiền sắc giới như ý muốn , thực nghiệm và hiểu rõ nghĩa lý của các trạng thái Vô lượng tâm giải thoát, Vô sở hữu tâm giải thoát, Không tâm giải thoát và Vô tướng tâm giải thoát . Ông học hỏi và nắm bắt rất kỹ căn nguyên của các kiến chấp, thấy rõ hậu quả nguy hại của ngã tưởng . Ông ngộ ra lý vô thường của hiện hữu , thấy được lý bất tử , nên không muốn kéo dài chuỗi luân hồi, dù cho được tái sinh làm Chuyển luân vương .
Citta sống thanh thản ở đời với một niềm tin vững chắc rằng không có một kiết sử nào khiến ông phải sanh lại thế giới khổ đau này nữa . Câu chuyện sau đây cho thấy vì sao Citta được tán thán là vị cư sĩ giỏi nhất về thuyết pháp:
“Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên:
- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?…
Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
- Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ”?…
- Có vậy, này Cư sĩ.
- Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói. Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: “Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen”. Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không?
- Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử.
- Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng… Mũi không phải là trói buộc của các hương… Lưỡi không phải là trói buộc của các vị… Thân không phải là trói buộc của các xúc… Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc.
- Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của Đức Phật” .
Cư sĩ Hatthaka
Một cư sĩ khác được xem là mẫu mực cho hàng cư sĩ noi gương là gia chủ Hatthaka người Àlavì. Trong số các cư sĩ đệ tử của Đức Phật, Hatthaka được đánh giá là người có biệt tài thu nhiếp hội chúng nhờ vận dụng Tứ nhiếp pháp . Ông quy ngưỡng Đức Phật và trở thành một cư sĩ sau khi được diện kiến và nghe Ngài nói về hạnh phúc của nếp sống ly dục .
Hatthaka là người cư sĩ được nhiều người mến mộ nhờ đức hạnh và trí tuệ. Ông được Thế Tôn tán thán là người có đầy đủ bảy đức tính kỳ diệu: có lòng tin, có giới đức, có xấu hổ, có sợ hãi, đa văn, bố thí, có trí tuệ .
Ông cũng được xem là người rất khiêm tốn, ít dục, làm nhiều thiện pháp nhưng không muốn người khác biết về những điều mình làm . Ông thổ lộ là không bao giờ thấy vừa đủ để được diện kiến Đức Thế Tôn, để được nghe Chánh pháp và để được hầu hạ phục vụ chư Tăng .
Hatthaka là người thành công lớn trong đời sống gia đình và xã hội. Ông giàu có và làm ăn phát đạt nhờ khéo vận dụng nguồn nhân lực. Ông quản lý và điều hành hàng trăm người một cách rất thành công nhờ vào biện pháp Tứ nhiếp.
Một hôm, ông đưa hàng trăm công nhân của mình đến yết kiến và nghe Thế Tôn thuyết pháp; khi được hỏi làm thế nào thâu nhiếp được số người đông đảo như vậy, Hatthaka trình bày với Thế Tôn cách thu phục nhân tâm của mình:
“Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những nhiếp pháp ấy.
Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp nhờ có bố thí’, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ’, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp nhờ lợi hành’, thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết rằng: ‘Người này cần phải thâu nhiếp nhờ đồng sự’, thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự.
Vả lại, bạch Thế Tôn, trong gia đình con có tài sản, họ nghĩ rằng như vậy không thể được nghe như là một người bần cùng” .
Đức Phật có đệ tử là cư sĩ Hatthaka đầy đủ phẩm chất của thánh trí. Ông ngộ ra lý vô thường của hiện hữu , thấy được lý bất tử , nên không muốn kéo dài chuỗi luân hồi, dù cho được tái sinh làm Chuyển luân vương .
Nguồn: Sưu tập
Nhìn chung, Hatthaka là người cư sĩ rất thành công về đời sống thăng tiến đạo đức tâm linh cá nhân cũng như về đời sống gia đình và xã hội. Ông là người cư sĩ có đầy đủ phẩm hạnh của một bậc thánh trí, biết làm lợi mình và lợi ích cho nhiều người nhờ khéo nắm bắt và vận dụng giáo lý của bậc Đạo sư vào thực tế cuộc sống. Ông hiểu được lý bất tử , thấy rõ lợi ích trước mắt và lâu dài của nếp sống người cư sĩ, nên khéo sắp xếp cuộc sống của mình theo đúng chánh đạo.
Tài liệu Tăng chi bộ cho biết khi còn sống ông được nhiều người tin phục nhờ đức độ và tài trí; sau khi chết, ông được tái sinh làm một vị thiên tử và được các hội chúng thiên tử thường xuyên đến yết kiến và nghe thuyết pháp .
Bài pháp sau đây xác nhận Hatthaka là người thường thuyết pháp cho các hội chúng chư thiên:
“Rồi Thiên tử Hatthaka, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetanava đi đến Thế Tôn… Thế Tôn nói với Thiên tử Hatthaka đang đứng một bên: - Này Hatthaka, các pháp được diễn tiến trước kia, khi Ông còn làm người, các pháp ấy được diễn tiến hiện nay đối với Ông không?
- Bạch Thế Tôn, các pháp được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay với con. Và bạch Thế Tôn, có các pháp không được diễn tiến trước kia, khi con còn làm người, các pháp ấy có được diễn tiến hiện nay đối với con. Ví như, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sống, được các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ, các vua chúa, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo đoanh vây. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con sống được các Thiên tử đoanh vây. Từ xa, bạch Thế Tôn, các Thiên tử đi đến, nghĩ rằng: “Chúng ta hãy đến nghe pháp từ Thiên tử Hatthaka” .
Cư sĩ Anàthapindika
Anàthapindika (Cấp Cô Độc) là một gia chủ rất giàu có, biết vận dụng giáo pháp của Đức Phật vào việc kinh doanh thu lợi chính đáng và sử dụng lợi tức vào những việc chính đáng khiến đem lại an lạc cho nhiều người.
Ông nổi tiếng với ngôi vườn mua lại từ thái tử Jeta trong đó ông cho xây cất một quần thể kiến trúc gọi là tinh xá Anàthapindika để cúng dường cho Đức Phật và Tăng chúng của Ngài làm chỗ cư trú sinh hoạt.
Ông là người cư sĩ có đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, Anàthapindika(Cấp Cô Độc) thành tựu được bốn niềm vui lớn gọi là lạc sở hữu, lạc tài sản, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội
Nguồn: Sưu tập
Bậc Đạo sư trải qua nhiều mùa an cư tại tinh xá này và thuyết giảng rất nhiều bài pháp ở đây. Có thể nói rằng Anàthapindika là mẫu người cư sĩ Phật tử rất thành đạt về phương diện kinh doanh và giao tế xã hội nhờ biết vận dụng và phát huy giáo lý của Đức Phật.
Luật tạng Pàli cho biết Anàthapindika có nhiều bạn bè và quan hệ rộng rãi, lời nói của ông rất có uy tín .
Anàthapindika rất kính tín Tam bảo và tha thiết học hỏi giáo pháp của Đức Phật. Nhiều pháp thoại còn lưu lại trong các tuyển tập Nikàya cho thấy dù rất bận rộn, ông dành nhiều thời gian cho việc học hỏi và thực hành Phật pháp.
Kết quả, lòng kính ngưỡng Tam bảo và tha thiết học tập Chánh pháp của Anàthapindika mang đến cho ông nhiều thành công lớn trong đời sống gia đình, trong kinh doanh và đặc biệt trong đời sống thăng tiến tâm thức cá nhân.
Ông là người cư sĩ có đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ . Nhờ khéo vận dụng những lời dạy của bậc Đạo sư vào công việc làm ăn hợp pháp và sử dụng hợp lý các khoản lợi nhuận, Anàthapindika thành tựu được bốn niềm vui lớn gọi là lạc sở hữu, lạc tài sản, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội .
Bên cạnh đời sống một người gia chủ thành đạt có tâm đạo nhiệt thành, Anàthapindika cũng được Đức Phật và các Đại đệ tử của Ngài chỉ dạy và khuyến khích nếp sống ly dục thiền định để phát triển năng lực tâm thức và nuôi dưỡng trí tuệ giác ngộ. Bản kinh Hoan hỷ thuộc Tăng chi bộ ghi lời Thế Tôn nói với ông:
“Này gia chủ, Ông đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.
Nhưng Ông chớ có bằng lòng với ý nghĩ: ‘Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh.’
Do vậy, này gia chủ, Ông cần phải học tập như sau: ‘Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh.’
Như vậy, này gia chủ, Ông cần phải học tập” .
Chắc chắn Anàthapindika đã dành thời gian cho việc thực tập thiền định mỗi ngày, bởi tài liệu còn lưu lại cho thấy ông rất ý thức và tôn trọng việc hành thiền của người khác. Ông cũng được xem là người có nếp sống an tịnh, tu tập an tịnh và yêu mến an tịnh .
Ngoài ra, do thực hành sâu về thiền quán (vipassanà), Anàthapindika chứng tỏ năng lực trí tuệ của mình trong nhận thức và đối thoại.Trong một cuộc trao đổi với các du sĩ ngoại đạo đương thời, Anàthapindika tuyên bố quan điểm thực nghiệm của mình về cuộc đời khiến các du sĩ ấy rất ngạc nhiên nể phục và được Đức Phật tán thán, khuyên các Tỷ-kheo nên noi gương:
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn Anàthapindika. Bấy giờ gia chủ Anàthapindika, vào buổi sáng thật sớm đi ra hỏi Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn.
Rồi gia chủ Anàthapindika suy nghĩ: “Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang Thiền tịnh. Cũng không phải thời để yến kiến các vị Tỷ-kheo đang tu tập về ý, các Tỷ-kheo tu tập về ý đang Thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”…
Rồi Gia chủ Anàthapinidika đi đến các du sĩ đạo ấy, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Gia chủ Anàthapidika đang ngồi một bên:
- Này Gia chủ, hãy nói lên Sa-môn Gatama có kiến gì?
- Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của Thế Tôn.
- Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama.
Nhưng Gia chủ, hãy nói các Tỷ-kheo có kiến gì?
- Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của các Tỷ-kheo.
- Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của các Tỷ-kheo. Vậy này Gia chủ, hãy nói về kiến của gia chủ.
- Thưa các Tôn giả, thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi. Nhưng các Tôn hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước. Rồi sau thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi.
Khi được nói vậy, một du sĩ ngoại đạo nói với gia chủ Anàthapindika: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”.
Một du sĩ ngoại đạo khác nói với gia chủ Anàthapindika: “Vô thường là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến này khác là hư vọng. Như vậy là kiến của tôi.”
Gia đình của ông Cấp Cô Độc một lòng học đạo và cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn
Nguồn: Sưu tập
Rồi một du sĩ ngoại đạo khác nói với gia chủ Anàthapindika: “Có biên tế là thế giới… không có biên tế là thế giới… mạng sống và thân thể là một… mạng sống và thân thể là khác… Như Lai có tồn tại sau khi chết… Như Lai không có tồn tại sau khi chết… Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”.
Khi nghe nói vậy, gia chủ Anàthapindika nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:
- Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”. Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hay do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành (hữu vi), do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp trước(dính vào); cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp nhận.
Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Vô thường là thế giới này… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”. Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp trước; cái khổ ấy, Tôn giả chấp nhận.
Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với gia chủ Anàthapindika:
- Này Gia chủ, tất cả kiến của chúng tôi đã được nói lên. Này Gia chủ, hãy nói lên kiến của gia chủ là gì?
- Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy là “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Tôi có kiến như vậy, thưa các Tôn giả.
- Này Gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp trước, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp nhận.
- Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Như vậy là như thật khéo thấy với chánh trí tuệ. Và tư nơi khổ ấy, tôi như thật rõ biết sự xuất ly hơn thế nữa. Khi nghe nói như vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói lên lời.
Anàthapindika tuyên bố quan điểm thực nghiệm của mình về cuộc đời khiến các du sĩ ấy rất ngạc nhiên nể phục và được Đức Phật tán thán,
khuyên các Tỷ-kheo nên noi gương:
Nguồn: Sưu tập
Rồi gia chủ Anàthapindika, sau khi biết các du sĩ ngoại đạo ấy im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói lên lời, tư chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, gia chủ Anàthapindika, câu chuyện với các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào thuật lại tất cả cho Thế Tôn rõ.
“Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp”. Rồi Thế Tôn với một bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Gia chủ Anàthapindika. Rồi Gia chủ Anàthapindika, sau khi được Thế Tôn với bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, sau khi gia chủ Anàthapindika ra đi không bao lâu, bảo các vị Tỷ-kheo:
- Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như gia chủ Anàthapindika đã khéo bác bỏ” .
Thuyết pháp hay nói lên những kinh nghiệm hành trì và chứng ngộ Phật pháp nhằm khích lệ và hướng thiện cho người khác là việc làm cao quý của người con Phật nói chung, xuất gia cũng như tại gia.
Các tài liệu kinh điển cho thấy thuyết pháp là trách nhiệm lớn của các Tỷ-kheo, nhưng cư sĩ thuyết giảng Phật pháp cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, cư sĩ thuyết pháp mà được bậc Chánh đẳng giác tán thán thì hiếm có mấy ai vậy.
Nguồn: Phatgiao.org.vn