PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ
Có thể nói, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đã có nhiều đóng góp trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
1. Một số sự kiện tiêu biểu
Ngày 14/9/1960, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng khởi lần thứ hai. Ngày 20/9/1960, nhân dịp Tết Đôn Ta, trên hai vạn đồng bào Khmer - Việt đã biểu tình rầm rộ từ năm quận cách xa nhau: Cầu Kè, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Càng Long, đúng ngày, đúng giờ cùng kéo vào thị xã Trà Vinh đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải để nhân dân tu hành, không được bắt phu, đòi thả hai nhà sư Achapho và Lysarat bị bắt giam. Nhà cầm quyền tỉnh hoảng sợ huy động quân chủ lực, bảo an, chặn các ngả đường dẫn vào tỉnh lỵ, xả súng vào dân biểu tình làm chết hàng chục và bị thương hàng trăm người. Bất chấp lưỡi lê, họng súng của kẻ thù, đoàn người biểu tình vẫn giữ đội ngũ, tiến lên phá được sức ngăn chặn của binh lính, kéo thẳng vào thị xã, buộc viên tỉnh trưởng phải nhận yêu sách.
Ngày 9/5/1964, 25.000 đồng bào quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu tình phản đối Mỹ và tay sai giết hại hàng trăm đồng bào theo Phật giáo ở Mé Láng.
Từ ngày 10/11 đến ngày 12/11/1964, Đại hội đại biểu sư sãi sáu tỉnh Miền Tây Nam Bộ họp, quyết định thành lập một tổ chức của lực lượng Phật giáo Khmer yêu nước chống Mỹ, lấy tên là Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước do Hòa thượng Thạch Som làm Chủ tịch (Hội trưởng).
Ngày 30/5/1966, hơn 1.200 đồng bào Châu Đốc, trong đó có 1.000 nhà sư và đồng bào dân tộc Khmer ở Xà Lon, Măn Ro, Rào Rơ kéo đến ngụy quyền quận đấu tranh tố cáo giặc Mỹ rải chất độc hóa học.
Từ ngày 5/12 đến 7/12/1967, hơn bốn vạn đồng bào quận Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu tình chống Mỹ - Ngụy. Có 1.000 người nhà binh sĩ ngụy và gần 1.000 nhà sư tham gia đấu tranh. Các đoàn biểu tình giương cao hàng nghìn cờ Mặt trận, hàng trăm băng rôn và khẩu hiệu, kéo qua hơn 80 đồn bốt địch. Từ 13.000 người chiều ngày 5/12 đến sáng 6/12, lực lượng đấu tranh tăng tới 22.000 người, đến ngày 7/12 lên đến 41.000 người.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào, viên quận trưởng cùng cố vấn Mỹ và toàn bộ đại đội bảo an đóng tại quận lỵ đều hoảng hốt, lên xe định bỏ chạy, nhưng các lực lượng đấu tranh đã giữ chân chúng tại. Cuộc đấu tranh đã lôi kéo được 200 binh sĩ ngụy. Suốt ngày 7/12, đoàn người đấu tranh đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Trà Cú. Cố vấn Mỹ và quận trưởng Trà Cú đều bị đồng bào gọi ra vạch tội.
Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng vùng Tây Nam Bộ gửi điện khen ngợi đồng bào Trà Cú đã tổ chức thắng lợi cuộc đấu tranh chính trị khổng lồ và quyết định tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất cho đồng bào Trà Cú.
Ngày 7/2/1971, Đại hội đoàn kết chống Mỹ và tay sai tại tỉnh Trà Vinh diễn ra tại chùa Trà Khúc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Đến dự Đại hội có 9.000 đồng bào, trong đó có 1.000 sư của 63 ngôi chùa trong tỉnh, hàng trăm nhân sĩ, trí thức và đông đảo sinh viên các huyện Trà Khúc, Cầu Ngang, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần. Một nhân viên cao cấp ngụy ở Quân khu IV (vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và hai đại biểu của Hội đồng ngụy hàng tỉnh, hơn 600 sĩ quan, binh lính, cảnh sát và cả nhân viên ngụy quyền các cấp trong tỉnh cũng tham dự Đại hội.
Ngày 9/5/1971, tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Mỹ Tho, hàng chục vạn đồng bào, tăng ni, Phật tử kéo đến các chùa hội họp, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Miền Nam.
Ngày 26/10/1972, hơn 3.000 đồng bào, trong đó có 300 nhà sư ở hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh biểu tình tuần hành đả đảo chế độ độc tài Mỹ-Thiệu, ủng hộ lập trường của ta ở Hội nghị Paris.
Ngày 29/11/1972, hơn 11.200 sư sãi và đồng bào Trà Vinh biểu tình đòi Mỹ - Ngụy ký hiệp định đã thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chấm dứt đàn áp người yêu nước.
Từ ngày 26/2 đến 1/3/1975, hàng vạn nhà sư và đồng bào Trà Vinh đấu tranh quyết liệt chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khủng bố và bắt lính. Địch đàn áp dã man đoàn biểu tình làm chết ba nhà sư và làm bị thương 20 vị khác. Bất chấp khủng bố, ngày 1/3/1975, gần 3.000 sư sãi người Việt gốc Khmer lại xuống đường kéo vào thị xã Trà Vinh đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chấm dứt việc vây ráp chùa, bắt sư sãi đi lính, đòi trả tự do cho 154 sư sãi bị bắt từ 17/2/1975.
2. Một số nhà sư Phật giáo Nam tông Khmer tiêu biểu
2.1. Đại đức Dư Hương
Tháng 10/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa một sư đoàn hành quân vào xã Ninh Thạnh Lợi, bắt hơn 100 người bị tình nghi làm quốc sự. Đại đức Dư Hương, trụ trì chùa Kos Thum từ năm 1940 đến năm 1972, cùng sư sãi kịch liệt phản đối tại chỗ buộc chúng phải thả hết người.
Giữa tháng 4/1962, sư đoàn 21 ngụy cho quân bao vây chùa Kos Thum, giết chết hai người, bắt đi 62 người, trong đó có nhiều cán bộ kháng chiến. Đại đức Dư Hương lại cùng sư sãi và nhân dân sau gần hai tháng kiên quyết, bền bỉ đấu tranh, từ quận Phước Long lên cơ quan vùng IV chiến thuật (đặt tại Cần Thơ), đưa 62 người bị bắt trở về an toàn.
Đây chỉ là những lần đấu tranh tiêu biểu có vai trò đặc biệt của Đại đức Dư Hương. Tinh thần đấu tranh và tầm ảnh hưởng của nhà sư Khmer này đã khiến bọn tề, ngụy từ xã đến tỉnh e dè, lo sợ. Chúng ra sức thuyết phục, mua chuộc hòng tách ngài rời xa các lực lượng kháng chiến. Thậm chí, chúng còn đưa cả tối hậu thư, ép chuyển chùa đi nơi khác, nếu không sẽ ném bom hủy diệt nhưng Đại đức không hề nao núng. Chùa Kos Thum còn là nơi nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng hoạt động như chùa Long Phước, chùa Vĩnh Hòa, chùa Vĩnh Đức trong tỉnh Bạc Liêu.
2.2. Hòa thượng Tăng Hô và Hòa thượng Tăng Nê
Hòa thượng Tăng Hô là thị giả thân cận với Hòa thượng Tăng Phô (một nhà sư Khmer yêu nước chống Pháp, bị bắt đày ra Côn Đảo, mất tại đây năm 1912), bị mật thám Pháp truy bắt nên chạy trốn xuống chùa Cù Là Cũ, sau đó trốn sang chùa Giồng Cấm (tỉnh Hậu Giang) tiếp tục hoạt động trong kháng chiến chống Pháp. Ngài được tổ chức Việt Minh giao cho làm Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam Bộ và Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ.
Năm 1948, tại chùa Khlang Ong, tỉnh Sóc Trăng có cuộc họp của chính quyền kháng chiến các tỉnh Nam Bộ do Hòa thượng Tăng Hô là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ chủ trì. Cuộc họp này một lần nữa khẳng định trách nhiệm của chính quyền, Mặt trận các cấp trong việc vận động sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer ủng hộ cuộc kháng chiến.
Ngài bị máy bay địch ném bom chết tại chùa Giồng Cấm. Sau khi Hòa thượng Tăng Hô viên tịch, học trò ngài là Hòa thượng Tăng Nê (1899-1965) tiếp tục sự nghiệp và giữ chức vụ của Hòa thượng để lại. Năm 1965, Hòa thượng Tăng Nê cũng bị máy bay địch bắn chết trên đường đi công tác ở Kinh Hai, Vĩnh Thuận.
2.3. Hòa thượng Sơn Vọng (1886-1963)
Ngài quê xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Khi trụ trì chùa Đồng Chuối, Trà Vinh, Hòa thượng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam Việt Nam lúc mới thành lập (22/12/1960), Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Miền Nam Việt Nam và cố vấn Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ.
Ngày 14/9/1960, ngài đích thân chỉ đạo cuộc biểu tình quy mô nhất, quy tụ hầu hết sư sãi và Phật tử trong tỉnh Trà Vinh, đòi tôn trọng chùa chiền, không được bắt sư sãi đi quân dịch, không được ép nông dân rời bỏ ruộng vườn, phương tiện sinh sống duy nhất,v.v... Những yêu sách đó đã thành công. Tuy nhiên, sau đó một tuần, ngày 20/9/1960 với hơn 20.000 người Kinh lẫn người Khmer khắp nơi kéo về hợp cùng 5.000 người thị xã Trà Vinh biểu tình đã bị đàn áp thẳng tay làm hơn mười người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Ngày 5/3/1963, mặc dù đang mang trọng bệnh, nhưng vì Phật sự cấp bách, ngài phải đi vận động, kêu gọi tăng tín đồ bảo vệ chùa chiền và làng ấp. Nhưng giữa đường kiệt sức, ngài đã viên tịch.
2.4. Hòa thượng Hữu Nhiêm (1917-1966)
Ngài pháp danh là Sudhdmma Pannà (Tuệ Thiện Pháp) ở chùa Trâu Trắng, tỉnh Bạc Liêu, làm Chủ tịch Hội Kỷ luật Sư sãi Nam Bộ kiêm Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nam Bộ. Đến năm 1966, ngài cũng bị máy bay Mỹ ném bom chết tại chùa Trâu Trắng.
2.5. Hòa thượng Tăng Sanh (1897-1970)
Ngài đã từng tham gia các cuộc hội nghị sư sãi Cot Thum, ở Sóc Ven và Tà Mum với tư cách đại biểu Việt Minh trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông là thành viên Hội đồng Kỷ luật Sư sãi tỉnh Rạch Giá trong những năm kháng chiến chống Pháp, khi Hòa thượng Tăng Nê (trụ trì chùa Chắc Băng) là Chủ tịch Hội đồng này. Hòa thượng Tăng Sanh là người có công lớn trong cuộc vận động đồng bào dân tộc tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến chống xâm lược. Ngài là cố vấn Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang trong kháng chiến chống Mỹ.
2.6. Hòa thượng Lâm Em (1898-1979)
Ngài xuất gia năm 1916, thụ giới Sa di tại chùa Bốt Thảo, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng; năm 1920, thụ Tỷ khiêu giới cũng tại ngôi chùa này.
Năm 1947, trên bãi đất đầy cỏ dại bên bờ kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn, với sự hỗ trợ của Hòa thượng Oul Srây và Phật tử, ngài cho xây dựng một ngôi chùa Khmer uy nghi đồ sộ. Đó là chùa Chăntarănsây (hiện ở số 164/235 đường Trần Quốc Thảo, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), do ngài làm trụ trì từ năm 1948.
Là Tăng trưởng Theravàda, thành viên trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam, ngày 10/5/1963, ngài tiếng ủng hộ bản Tuyên ngôn của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đòi hỏi chính quyền Sài Gòn đương thời phải thực thi năm nguyện vọng chính đáng của giới Phật giáo. Ngày 15/5/1963, ngài có mặt trong phái đoàn Tổng hội đến dinh Gia Long để trao tận tay Ngô Đình Diệm bản tuyên ngôn ấy. Ngày 25/5/1963, ngài được bầu là một trong năm vị cố vấn của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. 14 giờ ngày 30/5/1963, theo chủ trương của Ủy ban Liên phái, ngài đã tuyệt thực 48 giờ nhằm hướng nguyện vào sự hoàn mãn năm nguyện vọng của Phật giáo đồ đã nêu trong Tuyên ngôn.
Ngày 3/6/1963, cùng chung số phận với các chùa đối tượng của lệnh phong tỏa, chùa Chăntarănsây bị chính quyền bao vây gắt gao, vì ngài là Ủy viên Ban Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.
Ngày 9/7/1963, ngài lên tiếng phản đối Bộ Nội vụ chính quyền Ngô Đình Diệm đã ký nghị định về việc treo cờ Phật giáo riêng cho đơn vị nào trực thuộc Tổng hội. Đây chính là hình thức chia rẽ Phật giáo lâu dài.
Sau cuộc tuyệt thực tại chùa Xá Lợi ngày 15/7/1963 do Ủy ban đề xướng, các tăng sĩ người Việt gốc Khmer càng bị tra hỏi và bị bố ráp đàn áp. Ngài và nhiều tăng chúng Việt gốc Khmer đều bị bắt nhốt trong bốn ngày.
Ngày 11/8/1963, ngài vân tập tăng sĩ Theravàda thành hàng ngũ chỉnh tề về chùa Xá Lợi tham dự lễ cầu siêu Đại đức Nguyên Hương tự thiêu ngày 4/8/1963.
Sau năm 1975, Hòa thượng Lâm Em được mời tham gia Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt thành lập 8/1975.
2.7. Hòa thượng Danh Dện (1917-1987)
Ngài quê ấp Thứ Hồ, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; năm 26 tuổi xuất gia ở chùa Nhà Ngang. Năm 1945, ngài về tu ở chùa Thứ Hồ (Tà Mum). Cách mạng tháng Tám thành công, rồi Nam Bộ kháng chiến, ngài là đại biểu người Khmer trong Mặt trận Việt Minh địa phương. Từ đó, ngài càng gắn bó cùng đồng bào dân tộc sống trong chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra sức vận động bà con Phật tử góp công của cho cuộc trường kỳ kháng chiến .
Năm 1947, ngài là đại biểu của người Khmer đi dự Hội nghị Việt Minh tổ chức ở Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Cuộc họp kéo dài trong ba ngày liền, ngài đã phát biểu ý kiến kêu gọi sư sãi trong tỉnh ra sức vận động bà con Phật tử ủng hộ cuộc trường kỳ kháng chiến, trở về Tà Mum tiếp tục hoạt động cho cách mạng và chùa do ngài trụ trì là cơ sở của cách mạng . Tháng 7 năm đó, ngài về chùa Khlang Ong trợ giúp Hòa thượng Tăng Sanh. Năm 1970, Hòa thượng Tăng Sanh viên tịch, Hòa thượng Danh Dện kế đăng trụ trì cho tới ngày ngài viên tịch.
2.8. Hòa thượng Danh Nhưỡng
Ngài sinh năm 1929 ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tháng 5/1974, Bí thư huyện ủy Châu Thành là Thạch Đông (Hai Xê) cử người đến chùa Khlang Ong gặp ngài để truyền đạt chỉ thị của Đảng về việc tổ chức cuộc biểu tình của 72 chùa trong tỉnh (dự kiến tổ chức vào ngày 9/6/1974).
Ngày 7/6/1974, một cuộc biểu tình của 200 vị sư sãi kéo vào Hội đồng xã Minh Hòa làm cho địch hoang mang bỏ chạy. Các nhà sư kéo vào văn phòng đập phá tan nát rồi mới rút lui. Đây là cuộc tập dượt sư sãi trước khi đi vào cuộc đấu tranh quy mô lớn. Do việc chuẩn bị còn nhiều sơ hở, nên Hòa thượng Danh Nhưỡng quyết định lùi lại ngày đấu tranh, từ ngày 9/6 đến ngày 10/6/1974.
Đêm ngày 9/6/1974, tại trước liêu của Đại đức Tà Kê có cuộc họp quan trọng của ban lãnh đạo đoàn biểu tình do Hòa thượng Danh Nhưỡng chủ trì. Tại cuộc họp, Hòa thượng nhắc lại mục tiêu đấu tranh là: đòi chính quyền phải trả tự do cho các nhà sư bị bắt quân dịch ngày 5/6/1974; chống việc đôn quân bắt lính nhất là đối với các sư sãi; chống bắn phá chùa chiền, biến chùa thành đồn bốt; chống chính sách ngu dân, người Khmer phải được tự do tu hành và học chữ Khmer.
Ngài nhấn mạnh, những người tham gia biểu tình phải đề phòng bị địch khiêu khích rồi xảy ra bạo động không cần thiết dẫn tới cơ hội cho địch khủng bố đàn áp. Sau khi báo cáo tình hình của địch và kế hoạch đấu tranh của ta, ban lãnh đạo biểu tình quyết định giờ xuất phát là 6 giờ sáng ngày 10/6/1974 tại chùa Cù Là Cũ.
Ngày hôm sau, Hòa thượng trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của hàng vạn sư sãi và Phật tử 72 chùa trong tỉnh. Trong cuộc đấu tranh này, bốn vị đại đức người Khmer là Lâm Hùng (chùa Cù Là Cũ), Danh Hoi (chùa Khlang Ong), Danh Hom (chùa Khlang Mương) và Danh Tấp (chùa Khoen Tà Tưng) đã anh dũng hi sinh. Cũng năm đó, ngài tham gia các cuộc biểu tình ở Cần Thơ và Trà Vinh.
Năm 1975, ngài là Ủy viên Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang, trụ sở đặt tại chùa Láng Cát và là trụ trì chùa Láng Cát. Ngài từng được bầu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc Nhiệm kỳ 2012-2017, ngài được suy cử làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Kết luận
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hơn 30 năm qua kể từ ngày đứng trong ngôi nhà chung GHPG Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục có những đóng góp công sức xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Nguồn: Sách "PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC"