284 lượt xem

Phật giáo Việt Nam thế kỉ VI -IX

CHƯƠNG III :

PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ VI ĐẾN THẾ KỶ IX

Sau khi đánh bại Hai Bà Trưng, Nhà Đông Hán (23-243) mở đầu cho thời kỳ Trung Hoa Đô hộ Việt Nam lần thứ hai (43 – 543).

Trong thời Thái thú Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu (187-226), chỉ bị Nhà Hán đô hộ trên danh nghĩa, Sĩ Vương được toàn quyền cai trị, không bị lệ thuộc Trung Hoa, đưa đến sự hình thành và phát triển của Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (Luy Lâu).

Sau khi Sĩ Vương mất (năm 226), chính sách đô hộ của Trung Hoa hà khắc hơn, nhưng Trung tâm Phật giáo Liên Lâu vẫn phát triển, …

Trong thời gian Nhà Tề (479-502) và Nhà Lương (502-557) đô hộ Giao Châu, các quan đô hộ hà khắc và tàn ác hơn, dân Việt lầm than khổ cực …
Năm 542, Lý Bôn (Lý Bí) nổi lên khởi nghĩa và đánh bại Thứ sử Tiêu Tư của Nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc.



I. PHẬT GIÁO THỜI NHÀ TIỀN LÝ (544 – 602)

Năm 544, Lý Bôn lên ngôi, tự xưng là Nam Việt Đế, lấy hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô tại Long Biên.

Ngay khi lên ngôi, Vua Lý Nam Đế cho dựng chùa Khai Quốc trên nền cũ của một ngôi chùa cổ ở thôn Yên Trì cạnh Hồ Tây (tương truyền có từ thời Hùng Vương), tại kinh đô Long Biên.

Quốc vương Thiên tử ngọc phả lục kể về Nm Việt Đế như sau : Cha của Vua là Lý Công Đạt, mẹ là Lã Thị Hương, quê ở Phong Châu. Một hôm bà Hương nằm mộng thấy bay lên núi, muốn xuống nhưng không được, bỗng nhìn thấy rồng vàng, bà cưỡi lên thì được đưa xuống núi. Từ đó, bà có thai, ngày mồng 7 tháng Giêng, bà sinh ra Lý Bôn.

Thứ sử Tiêu Tư nghe theo thuộc hạ là Chu Năng, tìm giết hai mẹ con bà. Bà và con chạy về trốn ở chùa làng Táo Tuyến, huyện Chu Diên, [một tư liệu khác, cho biết, chùa đó là chùa Bảo Phúc, nay thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội]. Tại chùa hai mẹ con bà được sư trụ trì Triệu Quang Hành giúp đỡ và cho cháu là Triệu Quang Phục hầu hạ.
Sau đó, Lý Bôn cùng Triệu Quang Phục chiêu dụ hào kiệt, hợp cùng nghĩa quân của người anh em họ là Lý Phật Tử tiến đánh Long Biên, Tiêu Tư chạy về Trung quốc; lập nên triều đại Tiền Lý. Vua phong cha của Triệu Quang Phục là Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm Tướng Văn, Phạm Tu làm Tướng Võ.


Năm 545, Nhà Lương cử Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu và sai Trần Bá Tiên đánh chiếm Vạn Xuân. Vua Lý Nam Đế thấy thế yếu, nên rút quân về động Khuất Liêu (Hưng Hóa). Gần một năm sau, Lý Nam Đế đem quân tiến đánh Trần Bá Tiên ở hồ Điển Triệt, nhưng thua trận, phải về động Khuất Liêu, giao cho Triệu Quang Phục tiếp tục chống quân Nhà Lương.  Thấy thế yếu, nên Quang Phục rút quân về Dạ Trạch (Hưng Yên). Trần Bá Tiên đánh mãi nhưng không chiếm được Dạ Trạch. Triệu Quang Phục được tôn gọi là Dạ Trạch Vương. Lý Thiên Bảo (anh của Lý Nam Đế) và Lý Phật Tử rút quân về động Dã Năng (Lào).

Năm 548, vua Lý Nam Đế băng, Triệu Quang Phục xưng là Việt Vương, đóng đô ở Long Biên; Lý Thiên Bảo ở động Dã Năng cạnh sông Đào giang, xưng là Đào Lang Vương.

 Nhà Lương phải rút Trần Bá Tiên về Tàu vì loạn Hầu Cảnh, giao cho Dương Sằn thống lĩnh binh Lương ở Giao Châu. Nhân đó, Triệu Việt Vương đánh chiếm lại thành Long Biên. Truyện Đầm Nhất Dạ trong sách Lĩnh Nam Trích quái viết thêm về Triệu Quang Phục như sau : Khi đóng quân trong Đầm Dạ Trạch, Triệu Quang Phục trai giới thiết đàn ở trong đầm, đốt hương cầu đảo. Thoát thấy Thần nhân cỡi rồng giáng xuống giữa đầm, bảo Quang Phục rằng: “Ta lên trời  nhưng linh dị còn ở đây, người có lòng thành cầu đảo, Ta đến giúp để bình loạn tặc.” Rồi cởi vuốt rồng cho Quang Phục bảo giắt vào đầu mâu, hễ đánh đâu là được đó. Nói đoạn bay lên trời.

Triệu Quang y như lời dặn, đem binh đột kích, binh Lương đại bại, chém được Dương Sằn ở trận tiền, binh Lương lui chạy.

Năm 555, Đào Lang Vương mất ở động Dã Năng, Lý Phật Tử lên thay.
Năm 557, Lý Phật Tử ở động Dã Năng đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương chia đất  Ô Diên (Hà Đông) và gả con gái cho Lý Phật Tử.


Nhưng năm 571, Lý Phật Tử đem quân đánh Long Biên, Triệu Việt Vương thua trận, nhảy xuống sông Đại Nha (Nam Định ) tự tận. Lý Phật Tử lên ngôi, lấy hiệu là Nam Đế [Hậu Lý Nam Đế], đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ).

Năm 580, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Trung tâm Phật giáo Liên Lâu, đến hoằng hóa tại chùa Pháp Vân, khai sáng Phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Năm 594, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi viên tịch ở chùa Pháp Vân, truyền tâm ấn cho Pháp Hiền (? – 626). [Xem Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi]


Trong lúc đó, bên Trung quốc, vua Tùy Văn Đế thống nhất đất nước, lập nên triều đại Nhà Tùy (581 – 617).

Năm 602, Vua Tùy Văn Đế sai Lưu Phương đem quân đánh Giao Châu, Lý Phật Tử xin hàng, bị đưa về Trung quốc.

Nhà Tùy đô hộ Giao Châu, đưa đến việc Trung Hoa đô hộ Việt Nam lần thứ ba (603 – 939).


II. PHẬT GIÁO VIỆT NAM DƯỚI THỜI TRUNG HOA ĐÔ HỘ LẦN THỨ BA (603 – 939).

Trong thời Trung Hoa đô hộ Giao Châu lần III nầy, thay đổi qua các triều đại : Nhà Tùy, Nhà Đường, và Nhà Nam Hán (Thời Ngũ Đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, …).

1.Phật giáo Việt Nam dưới thời Nhà Tùy đô hộ (603 – 617).


Vua Tùy Văn Đế (581-604) là Phật tử mộ đạo, có công trong việc phục hưng Phật giáo Trung quốc. Vua cho trùng tu nhiều chùa bị phá hủy, xây dựng 54 chùa rộng lớn, đều đặt tên là “Đại Hưng Quốc Tự”, và cho xây nhiều chùa mới ở mỗi châu, kể các châu đô hộ như Giao Châu …. Nhưng đặc biệt nhất là Vua ra lệnh cho xây các Tháp thờ Xá lợi Phật ở các châu : Năm 601, cho xây 30 tháp; năm 602, cho xây 51 tháp; năm 603, cho xây 30 tháp.

Vua Văn Đế rất kính trọng Pháp sư Đàm Thiên (542-607), một hôm [năm 603?], Vua nói với Pháp sư : “Trẫm nghĩ đến lời dạy từ bi của đức Điều Ngự mà không biết làm sao báo đáp công đức. Trẫm trộm làm bậc nhân vương, rộng giúp Tam bảo, ban xá lợi  khắp nơi. Trong nước dựng49 bảo tháp để làm bến cầu giác ngộ cho đời; còn ở ngoài nước, cũngcho các xứ kiến lập 150 chùa tháp mong tạo phước thấm nhuần cả  đại thiên thế giới.Nhưng xứ Giao Châu kia, tuy đã nội thuộc, nhưng còn ky my, nên phải chọn những sa môn danh đức đến các địa phương của châu ấy để dạy dỗ hầu khiến cho tất cả đều giác ngộ”.

Pháp sư đáp: “Xứ Giao Châu có đường thông Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (Liên Lâu) đã có tới 20 chùa, độ hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi. Như vậy ở đó [Giao Châu] đã có trước nước ta rồi vậy. Hồi đó, đã có những vị tăng như Khâu-đà-la, Ma-ha-kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi-cương-lương, Mâu Bác… tại đó. Nay lại có Thượng sĩ Pháp Hiền, đắc pháp với Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền tông phái của Tổ thứ ba Tăng Xán.Pháp Hiền là vị Bồ tát sống, hiện trụ trì ở chùa Chúng Thiện, giáo hóa không dưới ba trăm môn đồ, không thua kém gì ở Trung quốc. Bệ hạ là bậc cha hiền của khắp thiên hạ, muốn bố thí bình đẳng, thì chỉ nên khiến sứ đưa xá lợi đến, vì nơi  ấy  đã có người rồi, không cần phải cho người sang nữa.[TUTANL, Bản dịch Lê Mạnh Thát, t204].

Năm 603, Vua Tùy Văn Đế gởi cho Thứ sử Giao Châu Lưu Phương 5 hòm Xá lợi Phật: Hòm chứa xá lợi ở ngoài cùng bằng đá, bên trong là hòm bằng bạc, trong hòm bạc lại có hòm bằng vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly, trong bình lưu ly chứa xá lợi Phật. Thứ sử Lưu Phương giao cho Thiền sư Pháp Hiền chọn nơi lập tháp thờ xá lợi. Thiền sư Pháp Hiền cho xây dựng 5 tháp thờ Xá lợi Phật : 1/ Giao Châu: Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (chùa Pháp Vân), 2/ Phong Châu (Phú Thọ), 3/ Trường Châu (Nam Định), 4/ Ái Châu và 5/ Hoan Châu (Thanh Nghệ Tĩnh). [Năm 1034, sư Hưu ở chùa Pháp Vân tại châu Cổ Pháp (Bắc Ninh) thấy trong chùa có phát ra mấy luồng ánh sáng (hào quang), theo chỗ ánh sáng đào sâu xuống tìm thấy hòm đá chứa xá lợi như trên.] 
 
Sau khi Tùy Văn Đế băng, Tùy Dạng Đế cũng hâm mộ đạo Phật, thọ giới Bồ tát với Đại sư Trí Khải (538-597), và tận lực hưng long Phật giáo.



2. Phật giáo Việt Nam dưới thời Nhà Đường (618 – 907) và Nam Hán (907 – 939) đô hộ.

Năm 618, Đường Công Lý Uyên đánh bại Nhà Tùy, chiếm kinh đô Trường An, lập nên triều đại Nhà Đường (618 – 907). Hầu hết các vua Nhà Đường là những vị vua sùng mộ Đạo Phật (chỉ trừ Võ Tôn phá Phật từ 842 đến 846), Phật giáo lại có nhiều Cao tăng nổi tiếng (Hoằng Nhẫn, Huệ Năng, Thần Tú, Pháp Dung, Đạo Xước, Thiện Đạo …), một số Cao tăng Trung Hoa du hành sang Ấn Độ cầu học Phật pháp, thỉnh kinh … như : Huyền Trang (600-664) qua Ấn (629-645) viết Đại Đường Tây Vực ký, Nghĩa Tịnh (635-713) qua Ấn (671- 695) viết Đại Đường cầu pháp Cao tăng truyện và Nam Hải Ký quy truyện kể nhiều Cao tăng du học Ấn Độ (trong đó có một số Cao tăng Việt Nam) …. Vì thế nên thời Nhà Đường, Phật giáo rất hưng thịnh và phát triển. Đồng thời các vua Nhà Đường có chính sách khoan hòa với các thuộc quốc, tôn trọng các Cao tăng các nước khác, thỉnh thoảng mời các Cao tăng nước ngoài đến thuyết pháp tại kinh đô Trường An, trong đó có một số Cao tăng Việt Nam.

 Vua Nhà Đường cho đổi Bộ Giao Châu thành An Nam Đô hộ Phủ, sau đổi thành Tĩnh Hải.  Tiết độ sứ Cao Biền cai trị Tĩnh Hải (864-874) đã trấn ếm nước Việt nhiều nơi ….

Phật giáo Việt Nam thời Nhà Đường cũng hưng thịnh và phát triển với nhiều Thiền sư nổi tiếng: Phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi có các Thiền sư Pháp Hiền, Pháp Đăng, Huệ Nghiêm, Thanh Biện, Nam Dương, Định Không, Thông Thiện, Phù Trì, La Quý, Pháp Thuận, Vô Ngại, Ma Ha ….

Một số Cao tăng Việt Nam sang Ấn Độ cầu pháp : Vận Kỳ, Khuy Xung, Giải Thoát Thiên, Huệ Diệm, Đại Thừa Đăng, Trí Hành …

Một số Cao tăng Việt Nam được thỉnh sang Triều đình Nhà Đường thuyết pháp : Pháp sư Duy Giám, Cung phụng Định Pháp sư (Thiền sư Định Không); khi về nước được các thi sĩ  Trung Hoa ca ngợi trong các bài thơ đưa tiễn :

- Nhà thơ Dương Cự Nguyên có bài thơ “Cung phụng Định pháp sư qui An Nam”.

- Nhà thơ Giả Đảo có bài thơ “Tống Duy Giám pháp sư qui An Nam”.
Nhà thơ nổi tiếng thời Nhà Đường là Thẩm Thuyên Kỳ bị đày qua nước ta vào những năm 701 – 704, có dịp tham học với Thiền sư Vô Ngại, trụ trì chùa Sơn Tịnh, quận Nhật Nam. Thẩm Thuyên Kỳ hết lòng tôn phục Thiền sư Vô Ngại, sáng tác bài thơ  tôn kính Ngài như “Hóa thân của Phật” trong bài thơ “Yết Cửu Chân Sơn Tịnh Tự, Vô Ngại Thượng nhân”. Thẩm Thuyên Kỳ đã được ngộ đạo tại châu Hoan, theo bài thơ “Thiệu Long Tự” (Chùa Thiệu Long) của Ông.


Nhà thơ Trương Tịch (k750 – k820) đời Đường có bài thơ “Sơn trung tặng Nhật Nam Tăng” ca ngợi một Cao tăng ẩn tu trên núi ở quận Nhật Nam.
 Các vua và Hoàng gia Nhà Nam Hán (907 – 946) hầu hết là Phật tử thuần thành, hết lòng hộ trì Phật giáo, nên Phật giáo Trung quốc được phục hưng và phát triển, nhất là về Thiền Tông. Các vua Nam Hán thời đầu thọ giới Bồ tát và tham học thiền với Thiền sư Tuyết Phong-Nghĩa Tồn (822-908) ở nước Mân (Phúc Kiến). Thiền sư Tuyết Phong-Nghĩa Tồn có đệ tử là Vân Môn-Văn Yển (864-949) là vị Tổ khai sơn Phái thiền Vân Môn. Thiền sư Tuyết Phong còn có đệ tử nổi danh khác là Huyền Sa-Sư Bị (835-908), pháp tôn là La Hán-Quế Sâm (867-928). La Hán-Quế Sâm có đệ tử là Pháp Nhãn-Văn Ích hay Tịnh Huệ (885-958) khai sơn Phái thiền Pháp Nhãn. Thiền sư Pháp Nhãn-Văn Ích có đệ tử là Quốc sư Đức Thiều (891-972) …. Vì thế, Thiền Tông Trung Hoa thời Nam Hán đã phát xuất hai Phái thiền Vân Môn và Pháp Nhãn, là hai phái thiền nổi tiếng trong 5 Phái thiền của Trung quốc. Phái thiền Vân Môn cũng ảnh hưởng đến Việt Nam vào thời Nhà Lý, khi vua Lý đánh Chiêm Thành tình cờ bắt được  Thiền sư Thảo Đường thuộc phái thiền Vân Môn. Thiền sư Thảo Đường khai sáng Phái thiền Thảo Đường ở Việt Nam.


 Năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông sang Việt Nam, trác tích ở chùa Kiến Sơ, thành lập Phái thiền Vô Ngôn Thông.

Năm 826, Thiền sư Vô Ngôn Thông viên tịch, kế thế phái thiền Vô Ngôn Thông vào thời Nhà Đường và Nhà Nam Hán đô hộ có các Thiền sư : -Cảm Thành (? – 860), -Thiện Hội (? – 900), -Vân Phong (? – 956).


Nguồn: SGT Group