1579 lượt xem

Sự thật và huyền thoại về hợp chất Hồ Ô Dước

Sự thật và huyền thoại về hợp chất hồ ô dước
 

Bí ẩn trong kiến trúc lăng mộ cổ Việt khiến cả thế giới kinh ngạc

 
(Xây dựng) - Tại Việt Nam, sự xuất hiện của hợp chất ô dước trong các kiến trúc lăng mộ cổ đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc vì sự sáng tạo và kỹ thuật xây dựng của người Việt thời xa xưa.
 
Bởi vì tính bền vững vô song, ô dước được mệnh danh là "hợp chất huyền thoại" bảo vệ các lăng mộ cổ.

Ô dước theo lịch sử xây dựng, được mệnh danh là “hợp chất huyền thoại”. Sở dĩ vậy là vì hợp chất này bền vững vô song, là loại vật liệu có thể khiến các công trình trường tồn với thời gian.


Hợp chất “bất khả phân ly”

Cách đây mấy mươi năm về trước, người ta đã bắt đầu xôn xao về thứ vật liệu “cứng hơn đá”, dùng đắp lên quách của những ngôi mộ cổ. Lúc sinh thời, chuyên gia Đỗ Đình Truật, nguyên là cán bộ khảo cổ học của Viện KHXH&NV đã từng là người vô cùng “mê đắm” thứ vật liệu thuộc loại bền vững vô song này.

Ô dước bền chắc đến mức tưởng chừng như nếu không có các dụng cụ kỹ thuật hiện đại thì không sức lực nào có thể phá vỡ được. Những ngôi mộ được đắp bằng loại vật liệu này thường được nhắc đến bằng cái tên chung chung là “mộ hợp chất”, nghĩa là chất liệu “tổng hòa của nhiều chất”.

Tuy nhiên, vì khởi thủy của hợp chất này được kết dính bằng nhựa cây ô dước, nên người ta vẫn thường gọi là “hợp chất ô dước”.

Nhìn bên ngoài, hợp chất ô dước khi đã khô thường có màu trắng đục, xám nhạt nên nhiều người tưởng lầm là đá khối. Ô dước càng để lâu càng bền, tuyệt đối không thấm nước. Trong khi các loại vật liệu khác thường bị nước mặn bào mòn, nhưng đối với ô dước, việc bị ngâm trong nước biển, nước phèn chỉ khiến loại hợp chất này thêm bền chắc.

Các tài liệu nghiên cứu của cố chuyên gia Đặng Đình Truật còn chỉ ra rằng, hợp chất này khác bê tông xi măng ở chỗ, nó không chỉ cứng mà còn dai. Khi tác dụng lực vào hợp chất ô dước, lực không tỏa ra đối tâm như ở đá hoặc bê tông, mà nó phản lại, triệt tiêu lực ngay tại chỗ.

Chính vì sự bền vững “bất khả phân ly ấy” nên người ta thường mệnh danh ô dước là “hợp chất huyền thoại” và ngày xưa chỉ có tầng lớp quyền quý mới được mộ táng bằng ô dước.

Hiện nay, tại khu vực TP HCM có khá nhiều ngôi mộ ô dước vẫn còn nguyên vẹn. Như ngôi mộ đôi nằm trong công viên Tao Đàn, Quận 1. Khu mộ này được các nhà nghiên cứu xác định là mộ ông bà Lâm Tam Sư. Tuy đã tồn tại qua 2 thế kỷ nhưng khu mộ hầu như không bị bào mòn với thời gian.
 

Ngôi mộ đôi bằng ô dước ở giữa lòng công viên Tao Đàn, TP HCM.
 
Hay quần thể mộ cổ Gò cây Quéo tọa lạc tại khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, được các nhà nghiên cứu xác định mốc thời gian xây dựng là vào khoảng hơn 200 năm về trước.

Khu mộ “bị xiềng xích” ở Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cũng tồn tại hơn 200 năm cũng là một minh chứng cho sự trường tồn của hợp chất ô dước.

Đi tìm công thức phục chế thất truyền

Hầu hết các lăng mộ cổ đắp bằng ô dước khi khai quật lên đều tìm thấy xác ướp. Các tài liệu lịch sử cho rằng, điều này tượng trưng cho ước nguyện “giữ xác vĩnh hằng” của cha ông ta ngày xưa.

Kỹ thuật ướp xác cổ xưa của người Việt thường dùng tinh dầu ngọc am, có tác dụng diệt khuẩn, giữ xác bền vững, nguyên đẹp, không bị phân hủy. Kết hợp với ô dước đắp bên ngoài, không thấm nước, có khả năng chống chịu ngoại lực đã làm nên một loại hình mộ táng rất đặc thù, trở thành một nét văn hóa rất đáng tự hào của người Việt Nam.

Bởi tính bền vững vô song của ô dước, nên không ít các nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu công thức pha trộn bí ẩn hình thành nên loại hợp chất “huyền thoại” này.

Theo một số tài liệu nghiên cứu khảo cổ, hợp chất ô dước là loại vật liệu đặc biệt tạo chất kết dính trong nghệ thuật xây dựng của người Nam Bộ. Ô dước gồm: Mật đường, vôi và nhựa cây ô dước. Cây ô dước có hai loại, ô dước giồng (còn gọi là cây Hậu phác) và ô dước sông, trong đó chỉ loại ô dước sông mới sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, ô dước lại là loài cây quý hiếm, khó tìm và nếu có tìm được thì nhựa chiết được cũng không đủ để làm chất kết dính nên người xưa đã dùng nhựa cây tơ hồng để thay thế. Dây tơ hồng sau khi được cắt xuống sẽ đem ngâm trong nước khoảng 7 – 8 ngày. Đến khi nước ngâm tơ hồng trở thành một loại nhớt đặc quánh mới đem trộn cùng các vật liệu khác để tạo ra “hợp chất huyền thoại” - ô dước.

Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, hợp chất ô dước có 5 thành phần, gồm: thứ nhất là vôi (vôi sống, vỏ nghêu sò, san hô nghiền vụn…); thứ hai là cát; thứ ba là chất kết dính, dùng mật ong, nhựa dây tơ hồng, mật đường, .v.v.; thứ tư là giấy dó và cuối cùng là than hoạt tính. Mỗi chất trên lại phải chế biến theo những yêu cầu riêng. Ví như vôi phải dùng loại “vôi sống” làm bằng vỏ sò, san hô giã trong cối đá cho đến khi nát thành bột mịn. Không được dùng “vôi chết”, tức là vôi đã nung qua, vì sẽ thiếu độ quyện khi trộn cùng các chất khác.

Bí mật chờ khám phá

Ngoài kỹ thuật pha chế công phu, hợp chất ô dước còn ẩn trong mình lý thuyết về ngũ hành tương sinh, tương khắc.

Theo đó, chất kết dính bao gồm ô dước, tơ hồng, mật ong, … biểu đạt ở dạng Mộc. San hô, vỏ sò tượng trưng cho hệ Thủy, than hoạt tính, giấy dó – hệ Hỏa, cát, sạn – hệ Thổ. Tuy nhiên, chất biểu đạt cho hệ Kim cho đến nay vẫn là điều khiến các nhà nghiên cứu phải tranh cãi.
 

Khu mộ bằng ô dước ở Cai Lậy, Tiền Giang tồn tại hơn 2 thế kỷ mặc cho thiên tai gió bão khiến các nhà khoa học kinh ngạc về hợp chất này.

 
Có người cho rằng hệ Kim trong hợp chất ô dước gắn liền với một câu chuyện cổ kể về “Phước quang” cho người chết. Trong câu chuyện có đủ Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ và “Phước quang” tượng trưng cho hệ Kim.

Nhưng có người lại nói, đây chỉ là lưu truyền dân gian, chưa có căn cứ nào xác thực và Kim trong ô dước là thành phần đá ong. Năm thành phần này được trộn theo một tỉ lệ đặc biệt và theo quy tắc tương phân, nghĩa là chiều ngược lại của ngũ hành tương sanh: Thổ đến Hỏa, Thủy, Mộc rồi sau cùng mới thêm Kim vào.

Cụ thể như sau, cát, hoặc sỏi sạn nhỏ đem về được sàn lọc sạch rác, tạp chất. Sau đó trộn với than hoạt tính, giã nhỏ cỡ hạt đậu, hạt bắp. Than hoạt tính hay giấy dó đóng vai trò hút ẩm. Tiếp đến, rắc vôi sống trộn đều rồi từ từ đổ chất kết dính (mật đường, nhựa ô dước, tơ hồng) vào. Ô dước khi trộn xong khá dẻo và có vẻ dính, tuy nhiên lại rút nước rất mau. Và khi đã rút nước xong thì trở thành một khối khô đặc, cứng chắc đến nỗi nước cũng khó thấm vào tầng lõi của khối hợp chất.

Ô dước còn trở nên bí ẩn hơn, khi rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm cách tái hiện lại loại hợp chất này nhưng vẫn chưa có ai thực sự thành công.

Người ta đồ rằng, sở dĩ vậy vì hậu thế vẫn chưa tìm ra chất bí ẩn biểu đạt cho hệ Kim. Ngay lập tức hướng nghiên cứu đổ dồn vào lý thuyết trong ô dước có thể có thành phần bột kim loại. Lý thuyết này ngay lập tức bị bác bỏ, do không thể tìm ra thành phần kim loại trong các mẫu ô dước đem về từ những lăng mộ cổ.

Và "chất cuối cùng" có tính chất quyết định đến sự rắn chắc của hợp chất, cũng như công thức và bí quyết hoàn thành "ô dước" vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Đồng thời, cho đến nay, những ý nghĩa sâu xa về sự trùng hợp giữa một loại vật liệu xây dựng độc đáo của ông cha ta với quy luật thuận, nghịch trong ngũ hành vẫn là câu hỏi lớn thách thức giới nghiên cứu, khảo cổ. Vậy nên, gọi ô dước là “hợp chất huyền thoại” quả không ngoa.

Huyền thoại chất "bí mật"


Trên đây đã kể ra những thành phần "ắt có" nhưng chưa đủ! Vậy còn thiếu gì? Cần nhớ một điều, khi đã có đủ trong tay các thành phần kể trên, người kỹ sư ngày xưa vẫn chưa thể hướng dẫn các tốp thợ dưới quyền đắp "mộ hợp chất" được, nếu họ còn thiếu công thức tác hợp chúng. Nghĩa là không thể tùy tiện pha trộn các thành phần đó thế nào cũng được. Mà phải "phối hợp" tất cả các chất ấy theo công thức chế biến và thêm các chất liệu đặc biệt (bí truyền, gia truyền) của từng vùng, miền, địa phương, tộc người. Nhưng tới nay "chất cuối cùng" có tính chất quyết định đến sự rắn chắc của hợp chất, cũng như công thức và bí quyết hoàn thành "ô dước" vẫn còn nằm trong bí mật vì đã thất truyền. Chính vì thế trong dân gian xuất hiện những câu chuyện thêu dệt đầy màu sắc huyền thoại quanh chất "ô dước" cũng như "mộ hợp chất truyền kỳ".

Đến đây, vấn đề xem ra đã đụng tới không chỉ lĩnh vực khảo cổ học, mà cả dân tộc học và văn học. Các quan niệm siêu hình xuất phát từ một góc tâm linh nào không rõ, đã truyền khẩu về tính chất tượng trưng của các thành phần hợp chất. Cụ thể: nghêu sò, san hô làm ra vôi (hợp thủy), cát (hợp thổ), than (hợp hỏa), thân cây bời lời hoặc dây tơ hồng (hợp mộc). Vậy so với "ngũ hành" vẫn còn thiếu một chất tượng trưng nữa là: kim ? Từ chỗ trống này người ta quay ra nghi ngờ và đặt dấu hỏi phải chăng "chất cuối cùng" để khối kết dính "ô dước" trở nên cực kỳ rắn chắc chính là một thứ bột vật chất có nguồn gốc kim loại như vàng, bạc, đồng đen? Làm thế nào mà kỹ thuật ngày nay không dò ra thành phần "kim" đó? Phải chăng thuộc về "siêu kỹ thuật" thất truyền. Mà câu chuyện cổ dưới đây phảng phất hương vị "hợp chất" đang tìm. Ngày nọ trong phút cận tử nghiệp (hấp hối), một vị đại quan thấy con quỷ Vô thường bước qua ngạch cửa, đi qua đi lại quanh sập gỗ mình nằm. Vị này đầu óc chưa mê man hẳn, nên ngạc nhiên, thấy con quỷ đến từ Thập điện Diêm vương không chịu bắt mình đi, mà cứ loay hoay dòm dưới chân, rồi ngửa mặt lên trời như đang tìm thứ gì. Chốc sau một phán quan mặt mày hung tợn đen đủi xuất hiện, tới gần sập, hỏi lớn: "Đã bắt chưa?". Để trả lời, quỷ Vô thường đưa hai tay ra. Một bàn tay có chất lỏng quến đặc là mật ong, nói: "Đã lên rừng", tay kia có một miếng vôi trắng, nói: "Đã xuống biển", rồi lắc đầu tỏ ý rằng mình "lên rừng xuống biển" vẫn chưa tìm ra linh hồn người chết. Vị phán quan rút trong tay áo cuốn sổ màu đỏ, dò đi dò lại, quát: "Thôi, về. Phước quang đã che mất tử hồn, tìm không thể thấy. Cho sống lại". Phước quang là ánh sáng của phước báu tích tụ từ những việc thiện đã làm trong một kiếp người, bừng sáng khi sắp chết, có công năng làm chói mắt quỷ Vô thường. Nó tượng trưng cho "tấm lòng vàng". Cũng là ám chỉ nghĩa đen của phú quý: "vàng son". Vị đại quan kia quả nhiên thoát khỏi tay sứ giả của Diêm vương, qua cơn nguy ngập và sống lại. Từ đó, dòng tộc của ông lấy "ô dước" đắp mộ cho thân quyến đã qua đời, với mong muốn quỷ Vô thường liên tưởng tới phước báu của người chết, để nếu không được sống thêm một thời hạn nữa, thì cũng đầu thai vào cảnh giới lành, thuộc nhà quyền quý.

Tính đến nay, mộ hợp chất phát hiện được nằm từ Bắc chí Nam , phía Bắc ít, kể từ miền Trung và tỉnh Bình Thuận đổ vào mật độ dày hơn. Loại mộ này xuất hiện cách đây khoảng 5 thế kỷ. Theo nhà sử học, khảo cổ học Đỗ Văn Ninh, mộ hợp chất có niên đại lâu đời nhất được khai quật là mộ thân mẫu vua Lê Nghi Dân chôn ở Nhân Giả (Hải Phòng). Loại mộ này thường chứa xác ướp và xác ướp có địa vị cao nhất, được tìm thấy là của vua Lê Dụ Tông ở Bái Trạch (Thanh Hóa). Tại Huế và TP.HCM, lắm trường hợp kẻ trộm gan lì và đã đào sâu xuống mộ hợp chất lấy đi những đồ quý giá chôn theo.

Nguồn: SGT Tổng Hợp