479 lượt xem

Tại sao gọi là Bạc Liêu?

Bạc Liêu được phát âm theo tiếng Hán Việt từ tiếng Triều Châu là "Pô Léo", có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc (chài lưới, đánh cá, đi biển). Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn", còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Khmer Po Loenh, nghĩa là cây đa cao.
Theo Trần Nhật Giáp


Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.

Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào.
Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số giả thuyết khác.
Theo Cổng thông tin điện tử Bạc Liêu


Ai cũng biết địa danh Bạc Liêu không phải là địa danh Nôm thuần Việt và có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của địa danh này (tiếng Khmer hoặc tiếng Triều Châu…). Tuy nhiên, cách viết địa danh bằng chữ Hán thì ít người biết. Nguyên nhân bởi địa danh “Bạc Liêu” xuất hiện từ khi chưa có chữ quốc ngữ (chữ Việt hiện tại), vì thế lúc ấy, ngoài khẩu ngữ, địa danh “Bạc Liêu” được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Hiện, chưa có tư liệu thành văn nào thể hiện địa danh này bằng chữ Nôm nhưng chữ Hán thì có.

– Theo một sách lịch sử viết bằng chữ Hán thời triều Nguyễn, địa danh “Bạc Liêu” được viết là “Bắc Liêu”. Khi xét về ngữ nghĩa của cách viết này, có nghĩa là phương Bắc xa. Ngữ nghĩa này rất xa lạ với nhiều giả thuyết giải thích địa danh Bạc Liêu và không phù hợp với địa hình cụ thể của Bạc Liêu. Nếu xa thì phải là phương Nam xa! Như vậy chứng tỏ cách viết này chỉ là cách phiên âm từ âm Nôm dân gian sang âm Hán Việt. Nhưng phiên âm từ địa danh có nghĩa là gì thì không rõ.

– Cách viết thứ hai thể hiện trên bảng miếu Tiên sư ở phường 7 (TP. Bạc Liêu). Đọc theo chữ Hán, đúng là âm “Bạc Liêu” hoặc “Bặc Liêu” (cùng một chữ nhưng có 2 cách đọc khác nhau: Bạc, Bặc đều được). Nhiều người miền Bắc gọi theo cách cũ như trước đây đều gọi là Bặc Liêu. Theo những người cố cựu ở Bạc Liêu, tuy cái bảng này được làm cách đây chỉ mới vài chục năm nhưng chữ Hán viết chữ “Bạc Liêu” được viết theo cách viết ở bảng cũ trước đây.

Chữ Hán có đặc điểm là nhiều chữ được viết với một bộ chữ cơ bản. Nhờ vào bộ chữ, có thể xác định từ đó thuộc “nhóm” nào. Ở đây, mỗi chữ trong từ “Bạc Liêu” đều có bộ riêng. “Bạc” được viết với bộ Thảo và có nghĩa là “cỏ mọc từng bụi” (theo Thiều Chửu); “Liêu” được viết với bộ Thủy và có nghĩa là cái nhà nhỏ, chòi, quán. Nhưng nếu hiểu từ “Bạc” ở đây có nghĩa là cỏ tranh (loại cỏ cũng mọc từng bụi) thì rất phù hợp với cách giải thích được người Pháp phiên âm là “ngôi nhà tranh”.

Trong chữ Hán, bên cạnh từ đồng âm khác nghĩa lại còn có hiện tượng một từ có một mặt chữ nhưng lại có nhiều nghĩa khác nhau. Ở đây, từ “Bạc” nêu trên (bộ Thảo) còn có một số nghĩa khác là: xấu (đất xấu); mỏng manh (phận bạc); nhạt, sơ sài (bạc chang: ăn mặc sơ sài)… Nếu dùng “Bạc” với nghĩa “sơ sài” đi kèm với từ “Liêu” thì “Bạc Liêu” có nghĩa và có nghĩa là “căn nhà nhỏ, sơ sài”. Còn nhà này của ai thì không xác định được, có thể là của người đánh cá nhưng cũng có thể là của người đi ăn ong, làm muối, làm ruộng…

Cách giải thích “căn nhà nhỏ, sơ sài” cũng tương đương ý nghĩa khi giải thích là “căn nhà tranh”. Bởi căn nhà nào kiểu này cũng là nhà của người nghèo. Và phải chăng đây là cách giải thích hữu lý nhất khi giải thích về địa danh Bạc Liêu? Tuy nhiên, xét về cách thức đặt địa danh thì cách gọi “căn nhà nhỏ, sơ sài”, “căn nhà tranh” lại có phần khiên cưỡng so với thực tế đặt địa danh.

Xét về lịch sử xã hội lúc đó (cách đây vài trăm năm), việc ở nhà nhỏ, nhà tranh là việc thường gặp ở nông thôn, không phải là đặc điểm nổi bật của một vùng đất. Thời ấy, những căn nhà nhỏ của người đi khai hoang lập ấp rất nhiều, đâu phải ở Bạc Liêu mới có. Nếu có căn nhà đặc biệt như là nhà sàn, nhà dài, nhà lầu thì mới có thể xuất hiện địa danh tương ứng (trong thực tế có địa danh Nhà Dài, Nhà Lầu theo đúng nghĩa đen của nó: Nhà Dài – địa danh ở huyện Vĩnh Lợi – nguyên ban đầu cất một dãy nhà sàn bằng cây lá địa phương nối nhau để cư dân mới đến ở, khai phá đất hoang; Nhà Lầu – địa danh ở huyện Hồng Dân – thực chất là nhà sàn nhưng được xây bằng gạch đá và chỉ dùng cho một hộ ở, do điền chủ xây dựng; cả 2 đều là nhà sàn do ở vùng đất thấp, nếu đắp nền nhà thì phải tốn công hơn, thậm chí không thể đắp nền nhà được nếu cất nhà ở ven sông rạch)…

Thật ra, giải thích địa danh Bạc Liêu còn khá nhiều cách khác nhau. Hầu hết cách giải thích đều có nguồn gốc không thuần Việt (không tiếng Triều Châu thì cũng tiếng Khmer, thậm chí là tiếng Malayu, tiếng Pháp). Riêng cách giải thích theo tiếng Pháp thì khó chấp nhận bởi từ viện dẫn thuộc lớp từ mới xuất hiện (“liêu” từ “lều” (tiếng Nôm có nguồn gốc Hán Việt – liêu) nhưng “bạc” từ “bạt” (tiếng Pháp: “bâche”). Vả lại, cách đây vài trăm năm, người nghèo chẳng thể nào có được tấm bạt để làm nhà mà chỉ có quân đội Pháp sử dụng (tente de bâche: cái “tăng” – lều – bằng vải bạt).

Do thời gian xuất hiện địa danh Bạc Liêu là từ thời chưa có chữ quốc ngữ nên viện dẫn cách viết địa danh này bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm là một cơ sở đáng tin cậy. Rất tiếc là tư liệu thành văn thể hiện thì rất hiếm, một số cách giải thích chỉ nghe nói mà không thấy tường tận mặt chữ.
Lại có cách viết của người Triều Châu ở Quảng Đông từng đến Bạc Liêu sau đó trở về Quảng Đông (tư liệu của anh Lâm Tẻn Cuôi), nhưng giải thích đó là “cái đăng để bắt cá” (pò lò léo) chớ không phải là “cái nhà tranh” hoặc “xóm nghèo”. Nhưng theo T.C, địa danh Bạc Liêu viết bằng chữ Hán trên bảng hiệu Tiên sư cổ miếu (ở phường 7, TP. Bạc Liêu) là một cơ sở khá vững chắc (nói có sách, mách có chứng) để giải thích nguồn gốc và nghĩa của từ “Bạc Liêu” – nhà tranh.
Theo Phatgiabaclieu.com

 
Tổng hợp: SGT Group.