525 lượt xem

Tại sao gọi là Hầm Hô?

Hầm Hô
Nước chảy trong lòng suối đá mọc lởm chởm, hai bên bờ đá dựng như thành, nơi bàn nơi khúc, húc hiểm gập ghềnh. Chảy được vài cây số thì đổ xuống một hầm đá rộng bồng bênh, bọt bắn tung tóe, tiếng kêu ồ ồ. Có 2 giả thuyết cho rằng:

- Tiếng nước đổ vào hầm đá vang rất xa. Như có ý hô to cho người theo bè súc gỗ biết rằng sắp tới hầm để lo chuẩn bị trước. Nên gọi Hầm Hô.

- Tại vì nơi miệng hầm, đá mọc hòn nghiêng hòn ngửa, hòn đứng hòn nằm, nhìn trông giống hàm răng hô há hốc. Đáng lẽ gọi là "Hầm răng hô". Song người Bình Định tánh ưa giản dị, tất cả sự sự vật vật đều muốn thu ngắn, nên gọi tắt là "Hầm Hô" cho gọn lời.
         
           Thác cá bay

Suối Hầm Hô rất nhiều cá. Nhất là mùa gió Nam, mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ, dồn vào đây lại càng nhiều. Từng bầy kéo vào suối trông "đặc cả nước", rồi đua nhau "bay" lên ngọn thác Hầm Hô mà về nguồn.
Do đó Hầm Hô còn có tên nữa là "Thác Cá Bay". Gọi là "bay" bởi thác cao, nước mạnh, nếu không "bay" thì làm sao lên cho nổi.
            
             Vũ Môn

Truyền rằng mỗi năm Long Vương mở hai kỳ thi lớn, cá sông Côn phải vào Hầm Hô để thi. Những con nào vượt qua khỏi thác thì được hóa rồng. Con nào rớt thì phải đọa. Cho nên thác Hầm Hô còn có tên nữa là "Vũ Môn".


 
Theo Nước non Binh Định (Quách Tấn)