Tuyến Tp Vũng Tàu-Tp Phan Thiết (150km)
Thuyết Minh Tuyến Điểm
DINH CÔ
Dinh Cô là một khu đền có kiến trúc hoành tráng với những nét kiến trúc truyền thống in đậm màu sắc văn hóa dân gian. Vị trí: Đường số 6, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo truyền thuyết kể rằng: cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thì thuyền gặp giông bão. Cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn gần nơi tìm thấy xác Cô (đó là mộ Cô bây giờ) và lập đền thờ gần biển. Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 ngư dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là Long Hải Thần Nữ.
Liên quan đến Dinh Cô là Mộ Cô, nằm trên đồi Cô Sơn, cách Dinh Cô chừng 1km. Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp diễn ra lễ Nghinh Cô.
Lúc đầu Dinh Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ. Năm 1930 Dinh Cô được xây dựng khá khang trang và đến năm 1987 thì được xây dựng lại như hiện nay sau khi bị hỏa hoạn. Dinh Cô có diện tích trên 1.000m2. Cổng Tam quan vào Dinh Cô nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi “Long hổ hội”, phía trên có “Lưỡng long tranh châu” và song phụng chầu. Lối lên điện Cô là 37 bậc tam cấp.
Và nếu chúng ta để ý khi đi lên các bậc tam cấp lúc nãy sẽ thấy nó có một độ dốc. Trong quy tắc xây dựng kiến trúc trong chùa chiềng thì tất cả các bậc tam cấp đều phải được xây dốc như vậy để tạo tư thế cúi đầu chào đấng thần linh bên trong trước khi vào. Nếu đi vào những ngôi chùa của người Hoa thì chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh của chiếc ngạch cửa cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy, còn nếu có dịp chúng ta đi du lịch sang đất nước Campuchia thì cũng sẽ thấy kiểu kiến trúc này trong các đến tháp của họ. Cũng như những ngôi tháp Chăm tại miền Trung những bậc tam cấp luôn được xây rất nhỏ để khi bước lên chúng ta phải cúi xuống nhìn để không bị vấp, nó cũng như cái cúi đầu đối với đối tượng được thờ bên trong.
Chính điện Dinh Cô bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm chánh điện là bàn thờ Bà Cô. Nổi bật với bức tượng Bà Cô cao hơn 0,5m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ gắn ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài. Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát.-Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương là biến thiên của Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, Bà Mẹ Xứ Sở Pô Nưgar của người Chăm là thần độ mạng cho phụ nữ tại gia và phù trợ cho cộng đồng, lệ cúng vào ngày 3 tháng 3 âm lịch và các ngày rằm. Bà chúa Tiên (chúa Ngọc) còn có hai người con là cậu Tài và cậu Quý, là những vị thần đặc biệt “bảo hộ” cho vùng sông nước. Dân sống bằng nghề hạ bạc và dân thương hồ đã đồng hóa Pô Nưgar với Thủy Long thánh phi, kèm theo hai người con của Bà là Cậu và Bà Cậu – những vị thần cai quản các hải đảo hoặc cù lao ven sông, biển. Pô Nưgar đã dần trở thành bà Chúa Xứ, một nữ thần phổ biến và đặc trưng nhất cho tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng từ văn hóa Chăm.
Tại Dinh Cô vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch hàng năm đều có lễ hội lớn. Đây là một lễ hội mang tính tổng hợp từ: lễ hội đình, lễ hội miếu, lễ nghinh Ông…
-Bắt đầu phần lễ là lễ thỉnh long vị Bà Lớn (Bà Thủy) và ông Nam Hải về Dinh. Đám rước được chuẩn bị một cách công phu có sự tham gia của ban nhạc, ban chèo…
-Phần hội bao gồm các hoạt động như: múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng, thả chim… Hàng ngàn du khách từ khắp nơi xa gần đổ về Long Hải để tham dự lễ hội và dâng hương tưởng niệm vong hồn vị Thần Nữ linh thiêng.
Các ngư dân lớn tuổi trong trang phục cổ truyền điều khiển buổi lễ theo đúng nghi thức truyền thống. Mọi người đến dự lễ hội Dinh Cô đều cầu nguyện cho năm mới tốt lành, đánh bắt được nhiều cá tôm và cuộc sống an bình.
NÚI MINH ĐẠM
Núi Minh Đạm thuộc địa phận huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 150km, cách thị xã Bà Rịa khoảng 30km và Cách thị trấn Long Hải khoảng 6km, khu căn cứ Minh Đạm là một trong những điểm hẹn lý tưởng của các tour du lịch về nguồn, thuộc các tỉnh phía Nam, miền Đông Nam Bộ. Người ta bảo, đến với Minh Đạm, không chỉ để thả hồn trở về quá khứ với những chiến tích oanh liệt mà còn “thanh thản” với không gian bao la của rừng, của núi và của những cơn gió khơi xa thổi vào từ bãi tắm Thùy Dương…Nằm ở phía đông nam huyện Đất Đỏ, khu căn cứ Minh Đạm (hay còn gọi núi Minh Đạm) trước kia còn có tên gọi là Châu Long – Châu Viên. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã chọn đây làm khu căn cứ cách mạng, là nơi bám trụ của các cơ quan trọng yếu huyện Long Đất (cũ). Khu căn cứ được chia thành 4 khu vực chính: khu Đá Chẻ, khu chùa Giếng Gạch, khu Châu Viên và Đá Giăng. Các hang và địa điểm được đặt theo tên của đơn vị đóng quân như: hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang B2, hang Quân y, hang Quân giới, hang Tuyên huấn… (khu Đá Chẻ), hang quân nhu, quân đội, quân báo Trung ương (khu chùa Giếng Gạch), Ban An ninh, quân y và lực lượng cách mạng địa phương trú chân tại khu Châu Viên và Đá Giăng. Về tên gọi Minh Đạm, theo giải thích của những người dân địa phương sinh sống tại đây thì đó là do ghép lại từ hai tên Minh và Đạm nhằm tưởng nhớ công ơn của hai chiến sĩ cách mạng Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm, người đã anh dũng hy sinh khi bị địch phục kích dưới chân núi vào năm 1948.
Hiện tại, khu căn cứ cách mạng Minh Đạm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng cho bao du khách. Đến với khu căn cứ Minh Đạm, ngoài việc tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử oanh liệt và những tấm gương anh dũng đáng ca ngợi, du khách còn được tham quan nhiều nơi lý thú, đặt chân vào những hang đá xưa kia từng là nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, quân dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Những con đường khúc khuỷu, những hang đá chông chênh, vách đá dựng đứng nằm dưới rừng cây và cả những bộ bàn ghế bằng đá sẽ mang lại bao cảm xúc hồi hộp khó tả…
Sơ nét về chị Võ Thị Sáu:
Hình ảnh người con gái anh hùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu ai ai cũng biết. Chị Sáu sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4- 1950, Võ thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị “án tử hình” khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo.
Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới… Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm! Bảy tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu tròn mười chín tuổi!
Đã 62 năm kể từ ngày Võ Thị Sáu hy sinh, tên chị đã thành tên nhiều đường phố, trường học ở rất nhiều thành phố, thị xã trong cả nước. Chị đã bất tử đi vào thơ ca, âm nhạc, điêu khắc. Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường / Cài lên mái tóc rối tung / Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê… (PQ). Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ, đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6 mét. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ở Khu B được xây lại đàng hoàng hơn. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển.
Từ Đất Đỏ, ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương, Nhà tưởng niệm thắp hương vái chị Sáu, đâu đâu cũng có nhiều câu chuyện huyền thoại về chị Sáu mà trước đây chưa từng được nghe. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân vì nước!
Ở tượng đài Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, lư hương khi nào cũng có những nén hương mới thắp, khói nghi ngút suốt ngày.
Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ngày nào cũng có người đến thắp nhang. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, trước khi đi “ăn hàng” ở đất liền phải ra vái xin chị Sáu phù hộ.
Anh Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện là Trưởng Ban quản lý Di tích Côn Đảo kể, ở Đảo bây giờ, nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Hàng Dương viếng mộ chị Sáu. Họ thắp hương, cúng gương lược, rồi lầm rầm khấn vái mong chị phù hộ cho.
Hiện vẫn con vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ Chị Sáu. Chị Sáu đối với họ như thần hộ mệnh! Bà con gọi chị Sáu là Cô Sáu hoặc Bà Sáu. Khi thề bồi thì người ta nói: “Thề có Cô Sáu chứng giám”. Khi mắng nhau, thì bảo: “Cô Sáu vặn cổ mày đi”!
Ngày 23-1 hàng năm là ngày giỗ chị Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân đều cùng tổ chức. Ngày giỗ, nhiều người nấu cúng ở nhà. Nhiều người mang lễ vật, hoa quả, hương đèn ra Nhà tưởng niệm (ảnh trên). Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…, dù phải vượt biển, vẫn ra Côn Đảo giỗ chị Sáu.
Trong nhà tưởng niệm, bàn thờ chị Sáu nghi ngút khói hương (ảnh trên). Ấn tượng nhất là tủ lễ vật bà con cúng giỗ chị từ nhiều năm qua. Cái tủ kính cao to treo hàng mấy chục bộ quần áo dài thiếu nữ. Áo quần đủ màu trắng, xanh, tím hoa cà. Những bộ quần áo thiếu nữ ấy để Cô Sáu mặc nơi chín suối. Một người dân bảo “Vì bà Sáu mất khi còn trinh nữ, lại bị kẻ ác giết oan, nên rất linh thiêng, ai ăn ở hiền lành thì chị phù hộ, ai ác độc thì chị vặn cổ!”. Trong tủ còn có cái hộp đựng đồ trang sức đầy ắp, nào dây chuyền, bông tai, nhẫn vàng… Người ta cúng để Cô Sáu làm trang sức. Khi du khách hỏi cô hướng dẫn di tích Thanh Vân: “Dây chuyền, hoa tai này là vàng thật hay giả?”. Thanh Vân trừng mắt: “Thật chứ làm sao giả được. Giả là Cô Sáu vật chết ngay à!”.
Những huyền thoại Võ Thị Sáu linh thiêng không phải bây giờ mới có, mà đã có ngay từ khi cô nằm xuống trên đất Hàng Dương 62 năm trước. Thanh Vân kể, ngày trước, trước mộ chị Sáu có một cây dương già bị khô phần ngọn. Chỉ còn gốc cây và một nhánh dương tươi tốt vươn thẳng về phía Bắc. Người ta bảo đó là Hồn chị Sáu hướng về miền Bắc, về Bác Hồ. Người dân Côn Đảo đã từng nhìn thấy chị Sáu bước ra từ cây Dương mỗi tối. Chị mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, Cô Sáu lại trở về biến hình vào cây Dương khi trời chưa sáng. Đó cũng là mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ chị trước khi đi làm việc.
Ngay tấm bia mộ chị Sáu cũng có nhiều huyền thoại. Sau hôm chị Sáu bị giặc Pháp giết, kíp tù làm thợ hồ ở Khám 2, Banh I đã đúc bia bằng xi măng, dựng trước mộ. Chúa Đảo Jarty tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, cào bằng mộ. Nhưng sau một đêm, ngôi mộ lại được đắp cao hơn trước. Và một tấm bia mộ y chang lại được dựng lên. Chúa Đảo sùi bọt mép, lại sai lính lên đập bia, phá mộ. Nhưng bọn Cai tù không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên như trước. Dân Đảo đồn rằng cô Sáu linh thiêng, không ai có thể phá được mộ cô. Câu chuyện làm cho bọn gác ngục, bọn tù gian sợ sệt, chùn tay. Thực ra mộ và bia mộ đó đều do anh em tù thợ hồ làm trong đêm. Vào dịp Tết Nhâm Thân năm 1952 họ còn khắc một tấm bia bằng đá hoa cương đặt lên mộ chị Sáu. Bọn Chúa Đảo đập bia không bể, phải ra lệnh cho lính khiêng quẳng xuống biển. Thời Mỹ -Ngụy, bọn cai tù cũng nhiều lần đập bia, phá mộ chị Sáu, nhưng hôm sau mộ bia lại hiện lên. Có lần trên mộ chị Sáu có một tấm bia mộ làm bằng đá cẩm thạch đặt làm từ chợ Lớn chở ra Đảo! Mới hay, không có sự tàn ác nào có thể xóa được hình ảnh Võ Thị Sáu trong lòng tù nhân và người dân đảo!
Người tù Côn Đảo kể rằng, sau khi hành quyết Võ Thị Sáu, người lính lê dương già bỏ ăn suốt hai ngày. Ông ngồi suốt đêm ở gốc bàng đầu Cầu Tàu. Thẫn thờ, hốc hác. Ông tâm sự với người tù làm bồi: “Đôi mắt cô gái đã ám ảnh tôi, và có thể sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Tôi phải bỏ nghề, tôi không thể bắn được nữa!” Cô Liễu, vợ tên giám thị Ruby, người đã ngất xỉu khi chứng kiến cuộc hành hình Chị Sáu, kể xẩm tối hôm 30 Tết, cô lén chồng đem hương hoa lên viếng mộ Cô Sáu, bỗng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ ngôi mộ đi ra. Liễu sụp lạy rối rít. Trên đường về nhà, đi tới đâu Liễu cũng thấy bóng cô gái trước mặt. Thế là Tết ấy, vợ chồng Ruby, Liễu lập bàn thờ Cô Sáu ở nơi trang trọng nhất, sớm tối hương khói, hoa quả. Từ đó nhiều gia đình gác ngục người Việt lập bàn thờ Cô Sáu. Họ tin rằng, một nguời con gái chết trẻ và chết thiêng như thế sẽ hóa Thần.
Vợ chồng viên cò Vol Peter ngày Tết ấy cũng dắt nhau lên mộ chị Sáu trồng khóm hoa Dừa, là loại hoa mà chị đã ve vuốt ở sân Sở Cò trước khi ra pháp trường. Đến hôm nay những khóm hoa Dừa đó vẫn nở bên mộ chị Sáu.
Có lần người dân đảo xôn xao về cái chết của tên tù gian Nguyễn Văn Tân. Xác hắn bị treo trên cây bằng băng trong vườn nhà Giám thị trưởng Passi. Người ta cho rằng, hắn bị giết chết vì vụ thất thoát 200 ngàn đồng (tiền Đông Dương) của Hợp tác xã Tiêu thụ mà hắn làm kế toán. Nhưng dân đảo thì khẳng định rằng, tên Tân chết là do Cô Sáu “bắt” vì hắn là tên hung hăng nhất trong đám đập bia phá mộ Cô Sáu!
Cũng thời gian ấy Chúa đảo Jarty bị rơi sao, mất chức vì vụ 200 tù nhân đóng thuyền vượt ngục ở Bến Đầm. Người ta bảo chị Sáu đã “bắt” tên Chúa đảo phải mất sao, mất chức vì hắn quá tàn ác.
Tỉnh trưởng mới Côn Đảo Tăng Tư lập bàn thờ Cô Sáu tại tư dinh, và không dám tàn nhẫn với tù nhân. Tăng Tư đã một lần dùng oai linh Cô Sáu để xử kiện. Hai tên giám thị nghi ngờ nhau ăn trộm, làm đơn kêu kiện. Tăng Tư ra lệnh, hai đứa nhảy lên xe lên mộ Cô Sáu mà thề. Đứa nào gian cô Sáu biết ngay. Thế là có đứa sụp xuống nhận tội! Chính tên Tăng Tư này đã về Chợ Lớn đặt một tấm bia mộ Võ Thị Sáu bằng cẩm thạch chở ra Đảo, làm lễ đặt bia rất long trọng. Tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch đó của Tăng Tư tồn tại được 9 năm, lại bị thằng tù quân phạm tên là Sước nghênh ngang vác búa đập phá. Sáng hôm sau, thấy vắng Sước, người ta đi tìm thì thấy hắn đã nằm chết trên một tảng đá to phía bờ biển!
Có biết bao nhiêu câu chuyện kể về sự linh thiêng của “cô Sáu”. Tiếng lành đồn xa khiến cho dòng người đổ về Côn Đảo ngày một đông hơn và không ai lại không quên đến thăp một nèn hương tại mộ Cô Sáu.
Trái lêkima – hình ảnh gắn liền với chị Võ Thị Sáu.
*Truyện Võ Thị Sáu và Lê Ki Ma:
Chuyện kể tiếp rằng, sau khi cây dương hai nhánh trước mộ chị Sáu chết vào năm 1993, Ban Quản lí nghĩa trang Hàng Dương đem một cây lê ki ma trồng vào nơi cây dương đã chết. Nhưng rồi, cây lê ki ma cũng chết. Công ty cây xanh trên đảo lại trồng một cây lê ki ma khác thay thế. Mùa Xuân năm 1995, ông Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị Võ Thị Sáu ở miền Đất Đỏ, đưa cây lê ki ma ra đảo trồng thế vào nơi hai cây lê ki ma đã chết. Kì diệu thay cây lê ki ma của miền Đất Đỏ bám rễ ăn sâu trên cội đất Hàng Dương, trước mộ người nữ anh hùng. 14 năm trôi qua, cây lê ki ma chỉ vươn cao quá đầu người, không ra hoa kết trái. Năm ngoái, năm thứ 15, cây lê ki ma trước mộ chị Sáu, bỗng nở hoa ra quả bói hiếm hoi nhưng rồi, quả bói cũng rụng dần khi trái vẫn non xanh.
Tháng Giêng năm 2011, nhân ngày giỗ lần thứ 59 của chị Võ Thị Sáu, người ta nhìn thấy cây lê ki ma nở đầy hoa, sau mùa hoa, cây lê ki ma đã trỗ quả mùa đầu. Ngước nhìn lên cây lê ki ma, phát hiện nhành nào cũng có quả, có những nhành hai quả, có những nhành ba quả, giấu mình sau những nách lá và chùm lá buông dày. Người hướng dẫn viên du lịch nói ở đây nói: “Quả sai như vậy, nhưng cây lê ki ma đã bắt đầu rụng quả, khi trái vẫn xanh non. Còn cây trồng chỉ cao quá đầu người mà mãi mãi non tươi, như tuổi xuân của chị Sáu anh hùng mãi mãi trường tồn cùng sông núi.
Khu DL Bình Châu:
-Suối khoáng nóng Bình Châu thuộc địa bàn xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Hồ Chí Minh 150km.
-Năm 1928, một bác sĩ người Pháp tên là Salle trong chuyến khảo sát vùng Đông Nam Bộ đã phát hiện ra khu suối khoáng với vẻ đẹp thật hấp dẫn này.
-Kỳ diệu thay không biết tự bao giờ tại khu rừng tràm lớn, một hồ nước sôi khổng lồ cùng với bùn khoáng nóng với 70 điểm phun lộ thiên có nhiệt độ từ 37ºC đến 80ºC cứ tuôn trào vô tận cho đến ngày hôm nay.
-Theo nhiều người dân địa phương kể lại, nguồn gốc của suối nước nóng Bình Châu gắn liền với một truyền thuyết kể về mối tình bi thương của cặp vợ chồng trẻ, vì một chút nông nổi mà phải chịu kiếp cô đơn. Chuyện kể rằng, xưa có đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất La Gi (Bình Thuận), khi ấy nơi đây vẫn vắng dấu chân người. Họ sống trong một cái động có tên là động Bà Sang, ngày ngày người chồng đi săn, người vợ ở nhà bên bếp lửa, chờ chồng mang thức ăn về. Một hôm người chồng nghe có tiếng con chim lạ hót. Chàng nghĩ ngợi, bàng hoàng vì trước giờ chưa bao giờ nghe được tiếng chim hót lạ đến như vậy, nghĩ rằng nơi ấy có nhiều chim chóc, thú rừng. Thế rồi chàng xách ná, đeo tên đi theo tiếng chim về hướng núi xa. Đến một vùng đất lạ, chim chóc, thú rừng chẳng thấy đâu nhưng ở quanh chàng hiện ra khung cảnh của ngàn hoa và những hình bóng mỹ nữ diễm kiều. Khung cảnh tuyệt đẹp khiến chàng quên cả lối về, quên cả người vợ đang ngóng đợi chàng ở nhà.
Ở nhà, người vợ nóng lòng bên chảo nước réo sôi, lửa lại sắp tàn, mòn mỏi ngóng chờ chồng mang thịt thú rừng về. Ngày tiếp ngày, nàng vẫn kiên trì giữ hồng bếp lửa để chảo nước luôn sôi. Rồi một đêm, nàng được thần báo mộng rằng chàng đã phụ bạc nàng, đã quay lưng với tình yêu nồng ấm ngày nào. Phẫn uất, nàng hất đổ chảo nước đang sôi như một lời thề đoạn tuyệt. Chảo nước sôi ấy đổ ra, tạo thành suối nước nóng ngày nay. Truyền thuyết về suối nước nóng này cứ thế được truyền tụng trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác.
-Suối khoáng nóng Bình Châu đã được các nhà khoa học công nhận bởi nguồn nước rất có giá trị trong việc chữa trị phục hồi sức khoẻ.
-Các khu vực dành cho việc nghỉ dưỡng chữa bệnh bằng suối khoáng nóng đã hình thành như khu hồ ngâm Suối Mơ, Hà Nội- Huế-Sài Gòn, khu giếng trời dành luộc trứng bằng nước khoáng nóng, cụm tắm bùn khoáng… Tất cả đều nằm ẩn mình, yên tĩnh trong rừng cây xanh. Ngoài ra còn những cụm công trình khép kín trong dịch vụ giải trí thể thao dành cho du khách nghỉ cuối tuần như sân tập golf, bóng chuyền, hồ bơi và cả khu vườn Trăng với sân khấu 1.000 chỗ ngồi…
-Đi trên những dãy hành lang bằng gỗ bắc qua những điểm suối chảy trải dài quanh co chừng 1km, du khách sẽ thấy thật thú vị khi nhìn nước từ trong lòng đất tuôn ra, sôi sủi thành bọt và ngâm chân ở những con suối có nhiệt độ 40ºC. Còn nếu muốn thưởng thức trứng gà luộc hồng đào, bạn hãy đi tới giếng nước ở nhiệt độ 80ºC, cho trứng vào giỏ rồi thả xuống ngâm chừng 10 phút sau vớt lên là dùng được.
-Vào những buổi bình minh, nơi đây thật kỳ ảo. Cảnh sắc xung quanh như được phủ một làn sương mỏng từ hơi nước bốc lên. Để thưởng thức hết những hương vị của thiên nhiên Bình Châu, du khách hãy đi dạo hoặc đi bằng xe bò đến thăm suối Bang cách đó 2km về phía đông hay tới thăm vườn thú có khá nhiều loại: gấu, khỉ, chồn, trăn, tắc kè, nhím, đại bàng…
-Cạnh khu rừng có một số gia đình người Châu Ro sinh sống, du khách có thể đi thăm làng và nghe các cụ già kể lại truyền thuyết sự tích đầm nước sôi. Câu chuyện kể mối tình bi thương của cặp vợ chồng trẻ, vì một chút nông nổi mà phải chịu cô đơn mãi mãi.
-Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối khoáng nóng Bình Châu đã được tổ chức Du lịch thế giới (WTO) bình chọn là một trong hai khu du lịch sinh thái bền vững nhất của Việt Nam.
Luộc trứng gà: một trong những hoạt động thú vị tại KDL Bình Châu
Sau khi tham quan một số điểm tại thành phố Vũng tàu , huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ…thì đoàn sẽ di chuyển trên con đường ven biển để đến với thành phố của những resort thành phố Phan Thiết.
KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÌNH THUẬN
Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc của tỉnh giáp tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Có diện tích tự nhiên khoảng 7.812km2 với dân số được thống kê năm 2013 là 1.201.200 người. Có tỉnh lỵ là thành phố Phan Thiết. Ngoài khơi có đảo Phú Quy cách thành phố Phan Thiết 120 km.
Trung tâm tỉnh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km, cách thành phố Nha Trang 250 km, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam của cả nước, quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên, quốc lộ 55 nối với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.
Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực có vùng khô nhất cả nước, nhiều gió, nhiều nắng, không có mùa đông, nhiệt độ trung bình là 26,50C – 27,50C; lượng mưa trung bình là 800 – 1600 mm/năm, thấp hơn trung bình cả nước (1.900 mm/năm).
Bình Thuận là một tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên lợi thế cho phát triển du lịch: tiềm năng về nhân văn, tín ngưỡng, di tích lịch sử phục vụ cho phát triển loại hình du lịch tham quan nghiên cứu như: lịch sử văn hoá về dân tộc Chăm, chùa Hang, dinh Thầy Thím, lầu ông Hoàng gắn với nhà thơ Hàn Mặc Tử, di tích và lễ hội Nghinh Ông… Có bờ biển dài gần 200 km với nhiều bãi biển sạch đẹp, đồi cát, rừng cây ven biển, có suối nước nóng, nước khoáng… phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và chữa bệnh. Có nhiều hồ, thác nước và rừng thích hợp cho các loại hình du lịch sinh thái.
Đất Bình Thuận nguyên thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành. Vì chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), và chỉ để lại mảnh đất phía Tây cho Chiêm Thành. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại đặt tên là Thuận Phủ và năm 1694 đặt là Thuận Thành trấn.
Năm 1697, chúa Nguyễn lấy Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) thành 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Từ đó nước Chiêm hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên các chúa Nguyễn vẫn để vùng đất này cho người Chămpa tự trị. Tuy nhiên đến năm 1832 vị vua cuối cùng là Pô Phaok The đã rời bỏ vương quốc sang Campuchia. Cũng có một số tài liệu ghi nhận rằng, năm 1832, chính quyền Chăm là đồng minh của tổng trấn Lê Văn Duyệt trong cuộc tranh chấp với vua Minh Mạng. Nên nắm 1832, vua Minh Mạng chấm dứt sự tự trị của người Chăm sau khi cho thành lập tỉnh Bình Thuận trên vùng đất cuối cùng này.
Với vị trí nằm giữa tam giác du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu – Đà Lạt – Nha Trang, với khoảng cách di chuyển không dài (2 – 4 tiếng đồng hồ), với hệ thống giao thông, đường bộ vừa được nâng cấp rất thuận lợi cho việc di chuyển và cùng với tiềm năng, tài nguyên du lịch như trên, trong những năm gần đây tỉnh đã tập trung quy hoạch, nâng cấp tôn tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ trong các khu du lịch, thực hiện nhiều giải pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư… Những việc làm này đã và đang tạo cho tỉnh một lợi thế so sánh rất lớn về du lịch, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Du lịch tỉnh đã và đang đạt mức độ phát triển nhanh cả về đầu tư cơ sở vật chất và lượng khách đến ngày càng được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 250 dự án đầu tư phát triển du lịch, tập trung tại các khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né, Tiến Thành – Hàm Thuận Nam. Trong đó, khoảng 60 dự án đã đi vào hoạt động. Nhiều dự án có quy mô lớn từ 50 – 200 ha. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng bình quân hàng năm 25 – 30%, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 7 – 8%; công suất huy động buồng, phòng bình quân đạt trên 60%.
Tỉnh có lợi thế như trồng rừng nguyên liệu; kinh tế trang trại với các loại cây trồng chủ yếu như cao su, điều, thanh long, nho; nuôi bò sữa, bò thịt, gà, vịt công nghiệp, nuôi tôm nước lợ, sản xuất tôm giống, khai thác hải sản.
Trong công nghiệp, tỉnh có tiềm năng để sản xuất nước suối, vật liệu xây dựng, đóng tàu thuyền, may mặc, chế biến nông – lâm – hải sản.
Ẩm thực:
Bánh quai vạc: Tại Bình Thuận, bánh quai vạc không chỉ được bày bán tại các chợ, các con đường lớn nhỏ mà bạn còn dễ dàng thưởng thức ở các bãi biển của vùng đất này như Mũi Né, Hòn Rơm… Bánh quai vạc thu hút du khách ở lớp bột trong veo, dai mịn, com tôm lột đỏ au hấp dẫn. Song yếu tố khiến du khách muốn ăn lại lần nữa chính là chén nước mắm được pha chế từ loại mắm nổi danh của địa phương hay miếng chả cá hấp dai, mịn.
Răng mực nướng: Ở Bình Thuận, răng mực nướng là đặc sản địa phương cũng như món quà vặt quen thuộc của thanh thiếu niên. Điểm hấp dẫn của món ăn này không nằm ở tạo hình mà là ở vị dai, giòn nhấn nhá cùng bánh tráng nướng, tương ớt vui miệng.
Bánh tráng nướng mắm ruốc: Bánh tráng dùng cho món ăn này là bánh tráng gạo có rắc mè đen. Người bán sẽ lấy bánh tráng, trét lên một ít mắm ruốc, thêm trứng cút thái múi cau, nem, chả cá, hành hoa rồi nướng trên lửa than nhỏ. Khi bánh chín đến một độ nhất định, đầu bếp sẽ dùng một thanh tre nhỏ, cuộn từ từ thành một chiếc kèn nhỏ sao cho các nguyên liệu đều nằm gọn trong cái cuốn bé xinh ấy.
Các món từ dông: Dông hay nhông là một trong những đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận. Có rất nhiều cách chế biến món dông song ngon nhất là dông nướng muối ớt. Loại bò sát này ghi điểm ở những thớ thịt trắng phau, vị săn chắc cùng vị ngọt, thơm lạ.
Nước mắm phan thiết: Vào cuối thế kỷ 17, đạo quân do Nguyễn Hữu Cảnh tiến sâu vào đất Phương Nam, nhiều ngư dân ở các tỉnh miệt ngoài gồm Nam, Ngãi, Bình, Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đã kéo cả gia đình vượt biển lần lượt đổ bộ lên vùng đất mới Phan Thiết, mong tìm kiếm chốn an cư lạc nghiệp.
Với trí thuận lợi cho nghề cá, Phan Thiết đã thu hút đông đảo ngư dân đến đây để làm nghề biển. Mới đầu họ đến dựng lều tạm, lều chòi làm ăn sinh sống dọc theo sông, bãi biển. Về sau, ăn nên làm ra họ xây dựng nhà cửa kiên cố và cùng nhau góp vốn xây Dinh, Vạn, Lăng (một kiến trúc dân gian thờ thần cá voi). Đình làng Vạn Thuỷ Tú ở Phường Đức Thắng được lập vào năm 1762 là ngôi Vạn có niên hiệu sớm nhất ở Phan Thiết, chứng tỏ ngư dân từ các nơi đến Phan Thiết làm nghề biển sớm hơn một số nơi khác. Ban đầu, do ngư dân đánh bắt cá nhiều không tiêu thụ hết nên chuyển qua muối cá để bảo quản, sau đó họ nghiên cứu, sáng tạo ra phương pháp kéo rút sống lấy nước mắm từ thô sơ đến hoàn chỉnh. Qua đó, cho thấy nghề sản xuất nước mắm ờ Phan Thiết hình thành cùng lúc với nghề đánh cá. Lúc đầu các ngư d6an chủ yếu dùng chum, vại, mái để muối chượp sau đó dùng thùng gỗ có sức chứa lớn. Nghề nước mắm Phan Thiết phát triển nhất là từ khi làm được các thùng gỗ lớn có sức chứa từ 5-10 tấn cá. Nghề sản xuất, chế biến nước mắm tại Phan Thiết đã hình thành cách đây hơn 200 năm.
Loại cá dùng để làm nước mắm ngon nhất là cá cơm. Có nhiều loại cá cơm như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, phấn chì, cơm lép… nhưng ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu. Cá cơm, xuất hiện từ tháng tư cho đến tháng tám âm lịch, là loại cá nhỏ, con to chỉ bằng ngón tay út hay bằng chiếc đũa, nhưng phân rã thành mắm nhanh, nên thời gian thành nước mắm cũng ngắn. Tuy nhiên, nhiều nhà làm nước mắm lâu năm cho biết chất lượng còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, nhất là cá tháng tám, con nào cũng đều béo mập thì nước mắm mới ngon và đạt độ đạm cao nhất.
Cá sau khi đánh bắt được đưa vào bờ, đào trộn muối và đưa vào thùng chứa ngay trong ngày và để ổn định trong suốt quá trình chượp, mỗi thùng chứa ướp 3 lần cá trộn với 1 lần muối. Tổng lượng muối so với cá khoảng 30-35%.
– Cho cá lần thứ nhất: sau khi đắp lù, cho một lớp muối ở dưới, cứ xếp một lớp cá rồi rãi một lớp muối, lần lượt hoặc trộn đều cá với muối ở ngoài rồi cho vào thùng hoặc mái khi nào đầy vun mới thôi. Đậy kín vật chứa hoặc phủ lớp muối mặt để tránh ruồi nhặng.
– Cho cá lần 2: sau 2-6 ngày rút kiệt nước bồi, cá hạ xuống tiếp tục cho thêm cá và muối giống cách trên cho đến lúc đầy vun ngọn rồi nén chặt và rút nước bổi thừa ra. Nước bồi thừa nhập chung nước bồi lần 1 rồi để riêng một chỗ. Bên trên phủ một lớp muối mặt.
– Cho cá lần 3: trước khi cho cá và muối phải rút hết nước bổi trong thùng và thực hiện như các lần trước.
– Tiến hành gài nén.
Như vậy, sau hơn nửa tháng mới hoàn thành việc muối cá. Công việc tiếp theo là chăm sóc và náo đảo nước bổi. Lấy nước bổi đổ vào thùng chượp rồi lại rút ra, khoảng 2 tháng sau nước bổi có hương thơm, màu đẹp, nước trong khi rút ra để riêng. Sau đó lại cho vào thùng chượp náo đảo như trên cho đến khi toàn bộ khối nước bổi đều có hương thơm, màu đẹp, nước trong không còn tanh thì hết giai đoạn chượp, chuyển sang giai đoạn kéo rút.
Phương pháp chế biến nước mắm theo phương pháp cổ truyền là phương pháp gài nén, dụng cụ chủ yếu là thùng gỗ (bằng lăng…) và mái vú (bằng sành), cá được náo đảo liên tục đến khi chượp (tức là muối) chín tiến hành kéo rút liên hoàn.
Khi nước mắm thành phẩm, nếu là mắm ngon sẽ có màu rơm, hơi sánh, có mùi đặc trưng của cá nhưng không có mùi tanh.
Ngày nay, trong bữa cơm của người Việt nước mắm là món nước chấm không thể thiếu. Chỉ cần một chút nước mắm thệm vào vài lát ớt và dùng với cơm nóng thì cũng đả rất ngon…ngoài ra nước mắm còn được các ngư dân dùng để chóng lạnh khi ra khơi. Trước khi ra khơi, họ chỉ cần uống một xíu nước mắm nhỉ thì khi ra khơi họ sẽ không bị lạnh nữa.
Những cái nhất ở Bình Thuận:
Tháp nước có kiến trúc đẹp (cao 32m, do Hoàng thân Lào Xuvanuvông thiết kế). (Phan Thiết).
Có bộ xương cá voi dài nhất ĐÔNG NAM Á (22m) được trưng bày ở dinh Vạn Thủy Tú (Phan Thiết).
Ngọn hải đăng Kê Gà bằng đá cao nhất (cao 100 m). (Hàm Thuận Nam).
Tượng Phật trên núi Tà cú là tượng Phật nằm lớn và dài nhất (49 m). (Hàm Thuận Nam)
Bãi đá Cổ Thạch nhiều hình hài màu sắc nhất.
Bình Thuận còn là vùng trồng cây Thanh Long nhiều và ngon nhất, sò điệpnhiều và có giá trị nhất.
Bình Thuận là địa phương có nhiều cuộc thi, lễ hội dân gian độc đáo nhất như: đua thuyền trên sông Cà Ty (mồng 2 Tếthằng năm), lướt ván – đua thuyền buồm hàng năm (Mũi Né), chinh phục núi Tà Cú, chạy việt dã vượt đồi cát Mũi Né và lễ hội rước đèn Trung thu (Phan Thiết) có quy mô lớn nhất dành cho trẻ em được ghi vào sách Kỉ lục Guiness Việt Nam. Lễ hội Nghinh Ông(Quan Thánh Đế Quân: vào tháng 7 âm lịch vào năm chẳn), Lễ hội cầu ngư, lễ hội Ka-tê (Phan Thiết).
Lễ hội katê:
Lễ hội của dân tộc Chăm vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, được tổ chức hằng năm vào ngày 1.7 theo lịch Chăm. Gắn với tín ngưỡng thờ vị thần tối cao sinh ra vạn vật của các tín đồ đạo Hồi, đạo Bà La Môn. Lễ hội được tổ chức ngay tại các tháp trong vùng. Từ tháng 6 theo lịch Chăm, ông từ người Chăm (Mưnay) và ông từ người Raglai (Ja Angui) mang các vật báu của cha ông thuở xưa và các lễ vật như chuối, gà, tầu, cau đến miếu thờ xin thần linh cho mở hội. Tối hôm đó, một nghi lễ không thể thiếu được đó là lễ trình y phục (Pơh Akharo) đắm mình trong âm điệu Kampơ, những lễ nghi quan trọng, các điệu vũ truyền thống, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Khoảng gần trưa ngày chính hội, sau khi dâng cỗ cún, lễ rước thần được cử hành trọng thể. Tiếp theo là lễ tắm tượng bằng nước suối khoáng, mặc áo, đội mũ cho tượng… Khi Mặt trời sắp tắt là lúc kết thúc các nghi lễ, mọi người cùng hưởng lộc và tham gia nhiều trò vui như ngâm thơ, chơi nhạc, các thiếu nữ xin thần chữ nghĩa, nghề khéo tay. Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính – nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, mà còn là dịp để người Chăm tưởng niệm các vị anh hùng của dân tộc, hành hương về thành địa, thăm viếng và kết giao bạn bè.
Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
DINH THẦY THÍM
Tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cái nằm trên địa phận thôn Tam Tân- xã Tân Tiến Dinh Thầy Thím tồn tại cách đây 130 năm – là di tích có giá trị nhiều mặt: Văn hoá, lịch sử, nghệ thuật điêu khắc. Song, vượt lên những công trình hiện hữu ấy là những giá trị văn hoá phi vật thể.
Theo truyền thuyết: Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.
Thầy sinh vào những năm đầu của thời Gia Long, thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời, ước muốn thoả chí tung hoành ngang dọc. Việc lớn chưa thành, danh chưa toại thì Thầy gặp đại tang, Cha, Mẹ cùng lúc qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ là người cùng phủ chịu tang Cha, Mẹ, sống những ngày tháng kham khổ. Làng quê Thầy – Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nổi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành.
Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ ước có một mái đình khang trang để thờ phụng thần hoàng như ngôi đình to lớn nhưng thiếu người thờ phụng ở ngôi làng bên. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy, gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ. Quả nhiên khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới toạ lạc ngay giữa làng, ngôi đình dột nát trước đây đã không còn nữa. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng. Niềm vui ấy chưa được bao lâu, thì làng bên kia trống giục liên hồi, cấp báo về Triều đình tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp đình, âm mưu gây bạo loạn.
Thế là nhà Vua nghiêm trị Thầy ở mức cao nhất. Song, cảm thông trước khí khái quân tử, nhà Vua gia ân cho Thầy được chọn trong ba tội hình: xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kỳ lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Thầy múa xong một bài cũng là lúc lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bỗng lên không trung trước nổi kinh ngạc của quan lại và dân làng. Khi bay qua quê mình, Thím còn làm rơi xuống một chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương Nam…
Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp. Lúc đầu, Thầy – Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai. Ngày ngày làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” (gieo đậu thành binh lính). Một hôm nhân lúc Thầy vội vã vào rừng mà quên đem theo chiếc bầu , chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai và để tránh sự chú ý của nhiều người, Thầy Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái
Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng, Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy được một người giúp việc của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mạch nước nhỏ đổ ra biển, dân địa phương tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ… Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hoá cả thú rừng là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.
Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế. Hằng năm, cứ đến mùng năm tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ. Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.
Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế. Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời Vua Thành Thái năm thứ 18, nhà Vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”
Ngày nay, khi đến tham quan quần thể di tích Dinh Thầy – Thím, chúng ta còn gặp nhiều di tích gắn liền với truyền thuyết ấy như: Gốc cây Thầy ngồi đẽo thuyền, đường lướt ván, bốn ngôi mộ bằng cát trắng phau, tượng đôi Bạch – Hắc Hổ ngồi chầu.
Mỗi năm, Dinh Thầy – Thím có hai ngày lễ lớn: Lễ Tảo Mộ (nhằm ngày mồng năm tháng giêng âm lịch) và Lễ Tế Thu (kéo dài từ ngày 14 – 16 tháng 9 âm lịch).
Quần thể kiến trúc của Dinh được bao bọc bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600m . Vòng thành trổ ba lối vào Dinh, cổng chính ở phía trước và cổng phụ ở hai bên tả hữu. Cũng như các công trình kiến trúc tôn giáo khác ở Bình Thuận, Dinh Thầy Thím trước kia được xây dựng bề thế, trang nghiêm bằng những nguyên vật liệu cổ truyền sẵn có tại địa phương. Trong kiến trúc, gỗ đóng vai trò chủ đạo, chất vữa kết dính được pha trộn từ vôi, cát, mật đường, nhựa cây, mái lợp ngói âm dương cổ, nền lát gạch Bát tràng.
Các công trình kiến trúc chính của Dinh Thầy Thím đều quay về hướng Tây, gồm có: Cổng chính, Võ ca, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy – Thím và một số công trình phụ cận. Nét tương đồng mang tính chất đặc biệt trong kiến trúc của Dinh là toàn bộ các công trình chính như Chánh điện, Võ ca, nhà tiền hiền đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ”, một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận trong các thế kỷ XVIII – XIX. Điểm độc đáo mang sắc thái riêng của Dinh là kiểu dáng “tứ trụ” (4 cột chính ở trung tâm nhà) được trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế, đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mỹ trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, ở đây toàn bộ chân đế của các cột chính được gờ chỉ, cách điệu dạng một bình hoa mềm mại, phần thân cột vát thành hình trụ vuông vức, phần đỉnh cột thu nhỏ dạng hình trụ tròn. Nét kiến trúc này là một trường hợp hiếm hoi và lý thú trong gần 300 di tích ở Bình Thuận.
Chính điện: Nằm ở vị trí trung tâm có diện tích 70m2, bộ nóc kiến tạo thành hai tầng, mỗi tầng bốn mái. Tầng trên thu nhỏ vút cao như một cổ lầu, trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi trang nghiêm. Dọc theo các bờ quyết của hai tầng máigắn kết các phù điêu đắp nổi như “tứ linh”, giao long và nhiều hoạ tiết hoa lá vừa thâm nghiêm, cổ kính nhưng cũng hết sức mềm mại, uyển chuyển.
Bộ khung chính điện được gắn kết với nhau theo lối “tứ trụ”, 4 cột gổ chính ở trung tâm vừa hợp lực nâng đỡ đỉnh nóc và cổ lầu bên trên, vừa liên kết giằng giữ lấy các vì cột con toả đều bốn hướng xung quanh, tạo nên một bộ khung vững chắc và cân đối. Ngoài các cột chính ở trung tâm được chạm khắc và tạo dáng độc đáo như chúng tôi đã mô tả, các bộ phận còn lại như kèo, trính con đội (cột trốn), … đều được trau chuốt, gờ cạnh công phu. Ở đây con đội được chăm chút khá tỉ mĩ, phần đế toả rộng có dáng dấp như mặt hổ phù, phần thân phình ra và phần đỉnh tóp tại như một chiếc bình cắm hoa.
Nội thất chính điện chứa đựng nhiều hiện vật cổ như: hoành phi, câu đối, bao lam, hương án, khám thờ được bài trí trang nghiêm. Chính điện còn chứa đựng nhiều văn tự Hán cổ có giá trị về mặt lịch sử, văn học dân gian, nội dung chủ yếu ca ngợi công lao, tài đức của Thầy Thím và những lời hay ý đẹp giáo dục nhân cách, đạo đức và thuần phong mỹ tục cho hậu thế. Đặc biệt, ở chính điện còn bảo lưu được những tư liệu quý giá ghi lại niên đại tu bổ Dinh chạm khắc trên thanh xà gồ, giúp cho các nhà nghiên cứu và những thế hệ đi sau có cơ sở xác định thời gian tạo dựng và tu bổ di tích này.
Nhà Võ ca: Nối liền với chính điện về phía trước, diện tích 81m2. Trong tổng thể chung, nhà võ ca còn bảo lưu được diện mạo ban đầu khá nguyên vẹn từ kết cấu bộ khung, tường vách cho đến vật liệu lợp và lát nền. Cũng như chính điện, nhà võ ca cũng được lắp ghép theo lối kiến trúc “tứ trụ”, các cột gỗ chính ở trung tâm cũng có công năng và được chạm khắc, tạo dáng tương tự các cột chính ở Chính điện. Các bộ phận cột, kèo, trính được gờ cạnh và tạo dáng thánh thót. Ở đây con đội được khắc hoạ theo dáng dấp con đội ở Chính điện, nhưng phần thân được thể hiện tỉ mỉ, sắc sảo hơn bởi những cánh hoa sen nở rộ mềm mại.
Bộ nóc nhà Võ ca có 4 mái lợp ngói âm dương cổ. Đỉnh nóc trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” bằng sứ oai nghiêm. Trên các bờ quyết và hai bên đầu hồi được đắp nổi các phù điêu “tứ linh”, giao long và hoa lá thể hiện nét tôn nghiêm và hài hoà, uyển chuyển. Trên 4 bức tường phía trong và trước mặt tiền của nhà võ ca đắp nổi nhiều hoạ tiết trang trí nghệ thuật như rồng, phượng, thiên nhiên, hoa lá và các điển tích xưa mô tả lại sự tích Thầy Thím và cảnh lao động, sinh hoạt của các thế hệ cha ông ngày trước được thể hiện khá sinh động. Nội thất võ ca còn lưu giữ nhiều văn tự Hán cổ được chạm khắc trên thân các cột chính, trên các bức hoành có các nội dung giáo dục sâu sắc đối với hậu thế. Ở nhà Võ ca còn có một thanh xà, có ghi lại niên đại tu bổ chạm khắc bằng chữ Hán cổ.
Nhà Võ ca là nơi thực hiện các nghi thức lễ hội truyền thống hàng năm, nơi nhân dân và du khách đến dâng hương, hoa và tưởng nhớ đến công lao của Thầy Thím, ông bà tổ tiên đã dày công vun đắp mảnh đất này, để các thế hệ con cháu đi sau được yên vui và hạnh phúc.
Nhà tiền hiền: Ở bên tả, cách nhà Võ ca, diện tích 72m2. Nhà tiền hiền bị tháo dỡ và sụp đỗ trong những năm kháng chiến chống Pháp. Về sau nhân dân đã tu bổ lại theo dáng dấp cũ, nhưng không nắm rõ nguyên tắc tu bổ di tích nên cũng mắc phải một số sai lệch nhỏ.
Nhà tiền hiền cũng được kiến tạo theo lối “tứ trụ” như Chính điện và Võ ca, các cột chính ở Tiền hiền cũng được chạm khắc và tạo dáng độc đáo theo dạng cột chính của Chính điện và Võ ca. Nội thất nhà Tiền hiền có ba khám thờ: Khám giữa thờ Tiền hiền của làng, hai bên tả hửu là hai khám thờ “Tứ thân phụ mẫu”. Các khám thờ đóng ghép khéo léo bằng gỗ, nội dung điêu khắc chạm trổ trên các khám được thể hiện khá tôn nghiêm qua hình tượng “tứ linh”, hoa lá, muông thú.
Cổng chính: Nằm trước mặt tiền của Dinh, đây là lối ra chính, chỉ mở vào cửa vào các dịp lễ hội trong năm. Cổng chính mới được tôn tạo lại năm 1994, được kiến tạo theo dạng cổng Tam quan, mẫu cũ của Dinh đúng theo vị trí này từ đầu thế kỷ XX. Cổng có 3 lối vào dạng cửa vòm trịnh trọng, lối giữa rộng 2,4m và kiến tạo thành hai tầng, tầng trên thu nhỏ vút cao, đỉnh nóc cao 1,6m; hai lối phụ hai bên rộng 1,4m. Đỉnh nóc cổng trang trí hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt” oai phong, trên đỉnh nóc của hai lối phụ bài trí hai con rồng ngoảnh mặt nhìn về đỉnh nóc tôn nghiêm. Tất cả các góc máicủa hai tầng mái uốn cong như mũi thuyền được điểm xuyến các phù điêu giao long đắp nổi. Dọc trên các trụ cổng trang trí đắp nổi các hình tượng nghệ thuật uyển chuyển như rồng, giao long và các điển tích mô tả lại một phần truyền thuyết liên quan đến di tích. Cổng chính là một bộ phận kiến trúc nghệ thuật được tạo dựng công phu và hoàn mỹ, góp phần làm tăng thêm sự thâm niên, trang trọng của di tích.
Bình phong: Cách nhà Võ ca về phía trước 10m là một bức bình phong xây vôi vữa che chắn lấy mặt tiền của Dinh. Cả hai mặt của bình phong đắp nổi khéo léo các hình tượng rồng vờn mây và long mã được thể hiện sinh động. Ở hai bên tả hữu của bình phong đặt hai tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ trong tư thế ngồi xổm, đầu ngẩng cao nhìn về hướng chính điện, tượng trưng cho hai vệ sĩ của Thầy Thím mà truyền thuyết có đề cập đến.
Du khách đến viếng thăm Dinh sẽ cảm nhận được sự thanh thản, dễ chịu trước những kiến trúc mang tính đặc thù của địa phương, được nghe kể về sự tích Thầy Thím hấp dẫn, được tận mắt chứng kiến những hình tượng nghệ thuật sinh động gắn liền với truyền thuyết dân gian của địa phương. Giữa một môi trường trong sạch, một khung cảnh thiên nhiên hữu tình, đặc biệt là khi dạo chơi trong vườn Dinh với đủ loại hoa, cây cảnh xen giữa những cây dầu cổ thụ vút cao toả bóng rợp mát cả khuôn viên, du khách như được trút bỏ mọi ưu tư, phiền muộn của đời thường.
Lý thú và hấp dẫn hơn khi dừng chân cắm trại trong các vạt rừng dầu, rừng tràm xung quanh Dinh, dạo sâu vào những cánh rừng già, vùng vẫy thoả thích giữa chốn không gian bao la, trước cảnh sắc nên thơ, những âm thanh huyền ảo vang vọng lại từ tiếng lay động của cành lá, tiếng chim hót líu lo, tiếng gọi nhau của loài dã thú sau một ngày đi kiếm ăn xa sẽ đưa lại cho du khách có cảm giác như đang dạo chơi giữa vườn tiên cõi Phật
ĐẶC SẢN THANH LONG
Thanh long được trồng ở Bình Thuận Từ những năm của thập niên 80. Đây là loài thực vật bản địa tại Mexico, các nướcTrung Mỹ và Nam Mỹ. Người ta đặt tên cho cây là thanh long có nghĩa là thanh là xanh, long là rồng và thuộc họ xương rồng một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và nó thích hợp trồng ở những nơi khô ráo, không ngập úng . Thanh Long tại Bình Thuận được trồng quy hoạch thành rẫy và trồng trên thân cây trụ được làm bằng xi măng cao 1m8 sau đó chôn vào lòng đất khoảng 3 – 4 tất trong đất. Dưới mỗi một nọc trụ như vậy có đào bệ bón phân cho cây. Mỗi trụ người ta ươn khoảng 6 hom thanh long. Trong 1 năm rưỡi đầu, người ta không khai thác mà chỉ để nuôi dưỡng cho cây ra nhiều nhánh sum suê. Đến cuối năm 2 cây bắt đầu ra trái và người nông dân bắt đầu thu hoạch.. Sau 5-6 năm sau, cây thanh long bắt đầu bị già cõi đi, người ta sẽ loại bỏ cây cũ và trồng lại cây mới.
Hiện nay, theo khoa học nghiên cứu Quả của thanh long có ba loại, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá: ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ, ruột trắng với vỏ trắng.
Loại ruột đỏ, vỏ hồng lấy giống từ Đài Loan năm 1988, hiện nay mới trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn và Phủ Quỳ (tỉnh Nghệ An). Loại ruột trắng vỏ hồng hay đỏ được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang v.v.
Bình Thuận là “đất thanh long”. Thanh long đang dần trở thành một loại trái cây ưa thích của nhiều người bởi mềm và mát. Đây là loại quả khá rẻ khi vào mùa nhưng có nhiều lợi ích sức khỏe không kém các loại quả đắt tiền. Thanh long có chứa vitamin C, B1, B2 và B3, và khoáng chất thiết yếu bao gồm phốt pho, sắt và canxi. Một trái thanh long có chứa khoảng 60 calo. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của loại quả này.
Chống oxy hóa: Thanh long là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp làm giảm tác dụng của những gốc tự do gây tổn hại tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, loại quả này cũng có tác dụng chống ung thư.
Ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa: Loại trái cây này giữ cho làn da luôn căng và khỏe. Mặt nạ kết hợp thanh long và mật ong là một loại mặt nạ tự nhiên để thay thể những loại mặt nạ chống lão hóa đắt tiền khác. Bạn có thể rửa sạch da sau 15-20 phút để có làm da đẹp như mong muốn.
Cải thiện sức khỏe tim mạch: Sống trong thời đại bận rộn và nhiều căng thẳng, rất nhiều người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe tim mạch. Thanh long có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol xấu và bổ sung thêm cholesterol tốt. Trái cây này rất giàu chất béo không bão hòa đơn giúp trái tim được nghỉ ngơi trong tình trạng tốt nhất.
Kiểm soát và phòng chống bệnh tiểu đường: Thanh long là một nguồn tuyệt vời của chất xơ và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu bằng. Nhưng bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi thêm thanh long trong chế độ ăn uống.
Cải thiện hệ thống tiêu hóa: Ăn thanh long cũng có thể giúp làm sạch hệ tiêu hóa. Thanh long có hàm lượng chất xơ rất cao, có thể cải thiện tiêu hóa kém và giảm chứng táo bón.
Bảo vệ tóc: Thoa nước ép thanh long lên tóc và rửa sạch sau 15-20 phút. Phương pháp này sẽ giúp bảo vệ tóc nhuộm màu hoặc đã từng sử dụng hóa chất trở nên suôn mượt và chắc khỏe.
Làm mịn da: Bạn lo lằng về làn da bị cháy nắng? Đừng lo, bạn có thể kết hợp thanh long với mật ong và nước ép dưa chuột và thoa lên các vùng da bị cháy nắng. Thanh long là giàu vitamin B3, giúp thoát nhiệt và giữ ẩm vùng da bị cháy nắng.
Điều trị mụn trứng cá: Thanh long là một thuốc tự nhiên để trị mụn trứng cá không chỉ cho thanh thiếu niên mà còn phù hợp với người lớn. Nó có chứa vitamin C và cũng là một loại thuốc mỡ tự nhiên tuyệt vời. Chỉ cần cắt một vài lát thanh long và đắp lên những vùng có mụn trứng cá, sau đó, rửa sạch. Áp dụng hai lần mỗi ngày để có làn da không còn mụn trứng cá.
Giảm viêm khớp: Một trong những lợi ích sức khỏe tốt nhất của thanh long là giúp giảm viêm khớp. Thanh long được gọi là trái cây chống viêm. Những người bị viêm khớp được khuyến khích thêm thanh long trong chế độ ăn uống lành mạnh của họ.
Tốt cho mắt: Thanh long rất giàu vitamin A ở dạng carotene- loại chất cần thiết cho võng mạc, độ sáng và tầm nhìn của mắt. Nhiều vấn đề về mắt, đặc biệt là thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, có thể được gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin A. Thanh long có tác dụng duy trì và cải thiện thị lực.
TÁC DỤNG ĐẶC BIỆT CỦA THANH LONG RUỘT ĐỎ
Thanh long ruột đỏ còn có tên gọi là thanh long Nữ Hoàng có xuất xứ từ Colombia. Giống ruột đỏ có chứa Lycopene, là một chất chống ôxy hoá thiên nhiên, có thể chống ung thư, bệnh tim và làm giảm huyết áp. Đây là loại trái cây rất đẹp mắt và có lợi cho sức khoẻ.
Thanh long ruột đỏ có đặc tính hoàn toàn khác so với loại thanh long trắng thông thường ngoài thị trường hiện nay. Bên ngoài thanh long đỏ có vỏ cứng, màu đỏ đậm tươi sáng; bên trong ngoài màu đỏ thẳm như son, lạ mắt thì thành phấn dinh dưỡng gấp đôi thanh long trắng. Với các chỉ số Vitamin C 12 – 6, Protid 1,30 – 1,08, Vitamin A , Glucid, Lipit thì thanh long ruột đỏ mang lại giá trị dinh dưỡng rất cao.
Thanh long ruột đỏ là một sản phẩm mới, lạ, ngon, bổ dưỡng, một sản phẩm “made in Vietnam” này. Hiện nay Hoa kỳ đã cấp code xuất khẩu cho Thanh long ruột đỏ và với kỹ thuật sản xuất tiên tiến thanh long ruột đỏ là sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt về VSATTP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như một số yêu cầu khác… đã được các đối tác xuất khẩu Mỹ, Nhật, Châu Âu tin dùng. Đặc điểm của loại Thanh Long này là nhìn quả rất nhỏ nhưng lại nặng cân (~1kg/1quả), ruột đỏ tươi, cơm giòn, thơm, đặt biệt rất ngọt, nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy giá của loại quả này hơi cao so với Thanh long ruột trắng nhưng nó lại có vị đặc biệt thơm ngon, và trở thành món ăn cao cấp vừa ngon vừa lạ đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo một tài liệu khoa học (tạp chí khoa học) được công bố gần đây thì hoạt chất Lycopene có tác dụng chống ung thư , chống lão hóa……có nhiều trong các trái cây có màu đỏ như Gấc, Carot… và đặc biệt là Thanh long ruột đỏ.
Ngoài ra, theo ông Phùng Nhật Phong, chủ cơ sở sản xuất chế biến phẩm thử nghiệm đồng thời là nông dân đầu tiên trồng thí điểm thanh long ruột đỏ ở Tây Ninh cho biết: “Khi ăn, trái để lại màu đỏ hồng trên môi tự nhiên rất đẹp. Trái có hàm lượng màu tự nhiên rất cao, có thể chế biến màu thực phẩm, sản xuất mỹ phẩm như son, phấn dùng trang điểm, làm thuốc trị ung thư, làm rượu bổ tốt cho sức khỏe người già và phụ nữ (Viện Paster công nhận). Ngoài cách dùng thông thường ta có thể ép nước thanh long uống rất mát.
Với những lợi ích thiết thực của thanh long. Năm 2009 người ta đã chọn ra những giống thanh long tốt , giống thanh long Hoàng Hậu vỏ dày để trồng theo công nghệ mới để quả đạt chất lượng và đã đăng ký nhãn hiệu thanh long Bình Thuận để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Anh, pháp và Mỹ….do đó cuộc sống của người dân cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều từ việc thu nhập từ thanh long này.
HẢI ĐĂNG – KÊ GÀ
Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) ở mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và đã được trung tâm sáchkỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam. Được xây dựng: tháng 2 năm 1897 – cuối năm 1898
Giả thiết 1: Sở dĩ có tên gọi Khe Gà hay còn gọi là Kê Gà vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà.
Giả thiết 2: Đây là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê mà trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Kê Dữ (tức “Đảo Gà”), là vì nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển.
Trong văn bản hành chính thường viết là Kê Gà, nhưng có ý kiến cho rằng, viết đúng phải là Khe Gà
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.
Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có nhiều người thiệt mạng do tai nạn xây cất. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa nơi yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.
Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Vật liệu xây cất được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.
Có một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào Hải đăng khắc năm 1899. Tấm đá hoa cương này chưa biết người Pháp đưa từ đâu đến vì trong khu vực không có loại đá này. Không phải chỉ là những viên đá bình thường có 4 góc mà tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình chữ nhật phẳng. Nghĩa là gần như có sẵn một ngọn tháp bằng đá đã được làm sẵn, khi xây dựng chỉ cần lắp đặt vào đúng thứ tự, góc cạnh từ dưới lên trên và không cần sử dụng vữa kết dính lại, các phiến đá khít khao, bền vững, không cần phải trét sửa chữa
THÀNH PHỐ PHAN THIẾT
Phan Thiết là tỉnh lỵ của Bình Thuận, có diện tích tự nhiên khoảng 206.45 km2 , với dân số 255.000 người. Có 3 tộc người sinh sống chủ yếu tại thành phố này là người Kinh, Hoa và người Chăm.
Phía đông giáp biển Đông.
Phía tây giáp huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận.
Phía nam giáp biển Đông và huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận.
Phía bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình – tỉnh Bình Thuận.
Có một số giả thiết về tên gọi của Phan Thiết và phần lớn đều chấp nhận rằng, “Phan Thiết” không phải là một cái tên thuần Việt:
Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là “Hamu Lithít” – “Hamu” là xóm ruộng bằng, “Lithít” là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối “Lithit” lại được gắn liền với âm “Phan” tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.
PHAN THIẾT: Đây là sự biến dạng của từ Chăm HAMU LITHIT (Ruộng Lithit). Người Chăm thường gọi tắt là Mu Thit, nên trước đây được phiên âm là Man Thiết (thời Pháp thuộc) trước khi trở thành Phan Thiết của ngày hôm nay.
Người Việt đã phiên âm lại cách gọi tên của người Chăm trước đó: Mang-lang (Phan Rang), Mang-lý (Phan Rí), Mang-thít (Phan Thiết). Ba địa danh này được gọi chung là “Tam Phan”.
Po Thit (hoàng tử em của công chúa Po Sah Inư, con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) đóng đồn trấn ngữ vùng đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết.
Ngày nay, yếu tố “Phan” còn xuất hiện nhiều trong các địa danh ở tỉnh Bình Thuận như: Sông Phan, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn…
Đến với Phan Thiết, du khách có thể tham quan nhiều di tích nổi tiếng như: Trường Dục Thanh, Dinh Vạn Thủy Tú, Tháp Poshanu,…..
DINH VẠN THỦY TÚ
Vạn Thủy Tú tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Được xây dựng vào năm 1762 mặt hướng ra biển là nơi thờ tín ngưỡng của người Chăm xưa kia. Thế nhưng, tại Bình Thuận, tục thờ Cá Ông đã bị bản địa hóa, biến thành tín ngưỡng của riêng người Việt và người Hoa sinh sống tại địa phương.Tục thờ Cá Ông Thần Nam Hải – tức Cá Ông, theo tín ngưỡng của ngư dân vùng biển.
Vạn làng Thủy Tú cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị Vua Triều Nguyễn ban tặng bởi vì trước đây, trong chiến tranh phong kiến với nghĩa quân Tây Sơn, các tướng lĩnh nhà Nguyễn đã nhiều lần được cá voi cứu nạn trên biển.
Thờ cá Ông: theo ngư dân, đó là vị thần thường cứu giúp họ mỗi khi gặp nạn trên biển, là vị Thủy Thần nên được ngư dân kính yêu và tôn trọng. Xuất phát từ những lễ nghi tín ngưỡng xưa của người Chăm, nên tín ngưỡng dân gian gắn với tín ngưỡng nghề nghiệp từ đời này qua đời khác theo phong tục và truyền thống của ngư dân.
Hiện tại dinh vạn còn lưu giữ bộ xương cá ông dài 22m dài nhất Việt nam và dài nhất Đông Nam Á. Bộ xương cá Ông có tất cả 62 đốt xương sống, xươn sườn mỗi bên là 15 cái và xương vây mỗi bên có 24 đốt. Bộ xương cá ông đã được phủ một lớp hóa chất để bảo quản. Vào năm 2002 bộ xương cá ông đã được phục chế lại và được đưa vào sử dụng năm 2003.
Trong khuôn viên có một vùng đất rộng dùng để mai táng cá Ông mỗi khi ông “lụy” (chết) và dạt từ biển vào. Phải ba năm sau khi mai táng mới được thương cốt, nhập tẩm. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy “Ông” đầu tiên là người đó được làm “con trưởng” của “ngài”, và người này có nhiệm vụ lo làm đám tang chu đáo, để tang sau ba năm mới mãn tang… Điều này cho thấy những phong tục, cử chỉ của ngư dân đối với cá Ông theo tín ngưỡng gần như quan hệ giữa người với người.
Vạn Thủy Tú từ ngày xưa đến nay đã chứa gần 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ. Một nửa trong số đó có niên đại từ 100 – 150 năm, trong đó có những bộ xương to lớn được thờ phụng tôn nghiêm.
Không chỉ là nơi giữ cốt, ngôi đình Vạn Thủy Tú là trung tâm tín ngưỡng, lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa của cư dân miền miền biển. Hàng năm trong đình Vạn Thủy Tú diễn ra rất nhiều các lễ cúng lớn nhỏ, nhưng tập trung nhất vào bốn kì lễ lớn phản ánh xâu chuỗi hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nơi đây. Đó là lễ tế xuân (20/2 âm lịch), lễ cầu ngư (20/4 âm lịch), lễ cúng chính mùa (22/6) và lễ mãn mùa (22/8 âm lịch). Trong 3 năm đáo lễ một lần, tổ chức lễ rất lớn “trong chay ngoài bội”, tức cúng chay và có thuê đoàn hát bội hơn 10 tiếng. Trong kì đáo lễ ở đây, ban lâm tế của đình Vạn Thủy Tú cùng nhau họp bàn kế hoạch làm lễ. Thường thì tổ chức rước bài vị, tức tổ chức cho đoàn ghe mang bài vị thần Nam Hải ra biển cúng, sau đó đưa về cảng cá, mang lên bờ diễu hành qua một số con đường trong thành phố Phan Thiết rồi tiến về đình Vạn Thủy Tú. Trong từng kì tế lễ, về nghi thức tương tự nhau mọi người khăn đóng áo dài, gây dựng nên một không khí linh thiêng. Mọi người dân, dù bận rộn với công việc khai thác thủy hải sản nhưng đều không bỏ qua những ngày lễ lớn này. Năm 1996, Vạn Thủy Tú đã được Nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
TRƯỜNG DỤC THANH
Trường Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, Thành Phố Phan Thiết. Đây là nơi cách đây hơn 100 năm, Bác Hồ đã dừng chân dạy học, mở đầu sự nghiệp trồng người, nay đã trở thành Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Bình Thuận nói riêng mà của cả nước nói chung, Trường Dục Thanh là một điểm đến hết sức ý nghĩa đối với các thế hệ hôm nay và mai sau
Đầu thế kỷ 20, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước, ban đầu do phong trào tị địa ở miền Nam, sau đó do sự sách nhiễu của các quan lại phong kiến ở các tỉnh miền Trung, nên vào năm 1905, khi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ghé qua Bình Thuận trong một chuyến Nam du, thì hạt giống Duy Tân mọc rễ ở đây.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất nhà tự (nay thuộc địa bàn phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, là con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông (1827 – 1884). Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của Phong trào Duy Tân. Ðây là trường tư thục được cho là có nội dung giảng dạy vào loại tiến bộ nhất ở miền Trung lúc bấy giờ.
Tháng 9-1910, được sự giới thiệu của cụ Trương Gia Mô (bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và dạy học ở Trường Dục Thanh. Tham gia giảng dạy trong trường có bảy thầy giáo, trẻ nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành có phương pháp giảng dạy rất mới, rất tiến bộ. Thầy truyền đạt cho học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương con người.
Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5-6-1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến năm 1978 – 1980 Trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy Thành dạy học. Những hiện vật gốc được lưu giữ, những Di tích trong quần thể Khu Di tích Dục Thanh đều gắn với những kỷ niệm sâu sắc về thời gian Người dạy học tại đây.
Bên cạnh Khu Di tích Dục Thanh, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986, là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận. Khu Bảo tàng hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nhận xét : lộ trình đi từ thành phố Vũng Tàu đi thành Phố Phan Thiết trên con đường ven biển rất đẹp.Buổi tối được tự do tham quan thành phố Phan Thiết và thưởng thức các món ăn được chế biến từ răng mực trên đường Võ Thị Sáu. Đây là một món ăn khá bình dân và cũng rất ngon. Giá chỉ 7.000 đồng một cây răng mực nướng hoặc chiên…
Nguồn: SGT Tổng Hợp