235 lượt xem

Tiểu sử và cuộc đời văn học của Bà Huyện Thanh Quan (Kì 1)


Nguồn: sưu tầm

Thân thế và sự nghi

"Tên con là Hinh, theo chữ Hán, trong đó có chữ Thanh có nghĩa là "tiếng", và chữ Hương là "hương thơm"; cha mong con sẽ để lại tiếng thơm ở đời". Đó là lời người cha của cô bé Nguyễn thị Hinh, cô bé mà sau này được Văn Học Việt Nam biết đến với danh hiệu Bà Huyện Thanh Quan. Và với tài năng cũng như đức hạnh, cô đã không phụ lòng mong ước của cha già. Bà Huyện Thanh Quan là một thi tài lỗi lạc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX, thơ của bà để lại không nhiều, nhưng đã in đậm dấu ấn trong văn học sử, và tạo lòng ngưỡng mộ vô bờ nơi những khách yêu thơ.

Cho tới nay, người ta không rõ năm sinh và năm mất của bà. Chỉ biết cha  của bà là học trò của cụ Phạm quý Thích, cụ là một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du. Quê hương bà là làng Nghi Tàm, ở ven Hồ Tây (Hà Nội). Nơi này vào thế kỷ XII có công chúa Từ Hoa, con vua Thần Tông nhà Lý, người đầy lòng nhân ái; đã từ bỏ cung vua để lập trại dạy  cung nữ trồng dâu nuôi tằm, hoà mình với đời sống của dân; sau lại đem tất cả những gì mình có để làm công quả, xây nên chùa Sen Vàng (Kim Liên). Đây cũng là nơi mà sau này có nhiều dấu ấn của Vua Lê Chúa Trịnh: Chúa Trịnh Giang mở bến tắm, chúa Trịnh Sâm mở các hành cung. Gần đó là  xóm Bảo Khánh, chỗ bà chúa Liễu Hạnh dong thuyền ngâm thơ cùng với Trạng Bùng Phùng khắc Khoan, "trăng tròn soi một bóng tiên thôi", nơi đẹp đến nỗi "đất trời lộn sắc": chả biết đâu là nước, đâu là mây. Phải hiểu địa danh và lịch sử của Nghi Tàm mới có thể cảm được thi tài và tâm hồn nhạy cảm, đầy nhân ái của Bà Huyện Thanh Quan, Nữ sĩ của đất "ngàn năm văn vật" 
được gọi là Bà Huyện Thanh Quan, vì cô Hinh lấy chồng người làng  Nguyệt Áng, tên gọi Lưu Ôn (Lưu Nghị), đậu cử nhân đời Vua Minh Mạng. Lúc đầu ông được bổ làm tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), rồi vì can án nên bị cách chức, sau lại được làm Bát Phẩm Thi Lại Bộ Hình, sau cùng được  thăng lên chức Viên Ngoại Lang. Phần bà, nhờ nổi tiếng là "hay chữ", nên được Vua Minh Mạng vời vào cung và phong cho chức Cung trung giáo tập, để dạy các cung nữ học. Trong những năm đầu triều VuaTự Đức, bà đã  gián tiếp xin Vua miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm; điều đó nói lên sự quan tâm nhân ái đối với dân làng, và hình bóng đất Bắc hà luôn in đậm trong tâm hòn người Nữ sĩ tài hoa.

Thơ của bà để lại được chính thức công nhận là 6 bài; đó là: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu. Chúng đều là những bài thơ tả cảnh, đẹp như những bức tranh thủy mặc chấm phá,; nhưng không chỉ có vậy, đây lại là những bài thơ mượn cảnh để gửi gắm tâm tình. Nhưng trước khi nói đến tâm sự của bà, chúng ta cùng phân tích vẻ đẹp nơi những bài thơ của Nữ sĩ.

"Ngọc trong thơ"

Thể thơ Đường luật của Trung Hoa có một bố cục chặt chẽ, với số chữ và số câu hạn chế, lại thêm những quy luật niêm và đối phức tạp.Với chữ Hán đã khó, dùng chữ Nôm lại còn khó hơn. Nhất là về ý, thơ lại mượn cảnh để diễn tả tâm tình, phải có một sự hoà hợp giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa tình cảm và lý trí. Rồi" ý tại ngôn ngoại": dùng chữ diễn ý, sao cho ngắn gọn, đầy đủ; nhưng cũng "ý bất thành văn": lại vẫn như còn thiếu cái gì đó để gợi thêm tưởng tượng và tâm tình, như "trời chiều bảng lảng". Thật hay
nhưng thật khó, thế mà điều đó có được nơi thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Có thể nói rằng những câu thơ của bà thật đẹp và khó có một chữ thừa:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.

Ngay cách đảo ngữ cũng làm cho câu văn ngắn gọn, mạnh mẽ; nhưng lại thật trong sáng, nhẹ nhàng:
 
Gác mái, ngư ông về viễn phố Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Và nhất là những từ ngữ, hình ảnh, âm điệu đối xứng với nhau thật đẹp, thật hay:
 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt Nước còn cau mặt với tang thương

"Trơ gan " đối với "cau mặt ", rồi đem những động từ đó gán cho "đá" và "nước", là những biểu tượng của sự vô hồn, dửng dưng, làm chúng sống động nhờ sự "nhân cách hoá". Làm thơ như thế, thật khó có ai bì.

Đọc thơ của bà, chúng ta thấy có một cái gì thật đoan trang, tao nhã, như thấp thoáng một hình ảnh trang nghiêm, đài các, nhưng không cổ kính, khô khan mà lại thật thanh thoát, nhẹ nhàng:

 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
 
Nhưng đẹp nhất và tuyệt nhất trong thơ của Nữ sĩ, là cách dùng chữ thật điêu luyện, thần tình. Những ý và lời đã được bà dùng những chữ thật chính xác để diễn tả, như những viên ngọc được chọn lọc và gọt dũa. Những nhà phê bình có thể đề nghị sửa một chữ trong thơ của Tản Đà hoặc của những nhà thơ mới để thêm đậm nghĩ a hay tạo nhạc điệu, nhưng chưa thấy ai đề nghị sửa "chữ" nào trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan.
 
Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông rợ mấy nhà
Hay:
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

 
Những chữ đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, hình ảnh, màu sắc, mà lại thật sáng sủa, tươi đẹp, nhẹ nhàng, làm cho người đọc có ấn tượng: không thiếu, không dư.
 
Tóm lại, thơ Đường Luật của Việt Nam trước kia thường mắc phải hai tật: nếu nghiêng về chữ Hán thì nặng nề, cổ kính, có lúc tối nghĩa vì những điển cố, nghĩa chữ; nếu nghiêng về chữ Nôm thì quê kệch, chất phác, đôi khi trúc trắc, khó hiểu vì những tiếng không phổ thông. May mắn thay, tới đầu thời nhà Nguyễn, chúng ta có hai nữ sĩ kiệt xuất là Hồ xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, nên hai tật đó đã được vượt qua. Nói như cố giáo sư Phạm thế Ngũ "Thơ Hồ xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bảy, duyên dáng, thơ Bà

Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng.Hồ xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện trong một hình thức bác học. Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại cùng với tinh túy của bài Đường thi trong một ngôn ngữ Hán Việt đã hoàn toàn Việt hoá".

Để nói riêng về Bà Huyện Thanh Quan, cố giáo sư đã không tiếc lời khen ngợi, và có lẽ chúng ta cũng đồng ý với ông rằng: "Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được Nữ Sĩ Thanh Quan".

Có thể ví thơ bà với hình ảnh bộ chén kiểu Trung Quốc có vẽ hình sơn thủy Việt Nam, đã được Vua Minh Mạng đem ra khoe, và yêu cầu bà làm thơ vịnh, Nữ sĩ đã không đắn đo lên giọng đọc:
Như in thảo mộc trời Nam laiï Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Có cái gì cổ kính như một nước Trung Hoa với hàng ngàn năm truyền thống, luôn đặt nặng sơn hà. Nhưng cũng có cái gì thật xanh tươi, dịu mát, như cây rừng, cỏ lúa của quê Việt mến yêu. Tâm hồn của Nữ sĩ là ở đó, một tâm hồn biết vận dụng những hình ảnh của mình và của người, tâm tình và ngôn ngữ.

Bà cũng đã dùng những thi điệu thật uyển chuyển, nên thơ dù tả những cảnh xưa và theo thể thơ Đường, nhưng vẫn không bị gò bó. Trong thơ như có nhạc, và nhạc đó làm nao lòng người, vì thật hợp tình, hợp cảnh:

 
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn Chuông hồi kim cổ lắng mà mau.
 
Có lẽ bà đã từng ngắm những lớp sóng xô đẩy nhau trên mặt Hồ Tây mà nghĩ tới sự suy thịnh đổi thay của các triều đại, cũng như nghe tiếng chuông chùa lúc nhặt lúc khoan, gợi sự biến thiên của đời người và trần thế. Những hình ảnh đó đã làm bà cảm khái để dệt nên những vần thơ bất hủ, gieo vào lòng người một sự trầm lắng sâu sa.

STG tổng hợp