226 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 6

TRẦN NGUYÊN ĐÁN VÀ CHIẾN SỰ VỚI CHIÊM THÀNH


Cuộc đảo chính năm 1370 đã dẫn đến trận tấn công kinh thành Thăng Long năm 1371 của Chế Bồng Nga. Mẹ Nhật Lễ đóng vai trò quan trọng trong sự biến này. Thất bại bất ngờ chưa từng có của Đại Việt càng nung nấu ý chí diệt Chiêm của hai anh em Trần Phủ (Nghệ tông) và Trần Kính (Duệ tông). Nhiều công việc được chuẩn bị quy mô, đồng bộ để tích lũy tiềm lực chiến tranh. Nhà nho lão luyện việc binh Phạm Sư Mạnh được điều ra tiền tuyến Tân Bình (Quảng Bình nay) để xây dựng bàn đạp đưa đại quân vào nam. Nguyên Đán đã sáng tác bài thơ dưới đây trong tiệc chia tay với bạn vong niên họ Phạm, thời điểm khoảng năm 1375 – 1376.
 

賡新平安撫
范公師孟新平書事韻
志士寧辭蹈海危,
高歌長嘯任天倪。
霜簑暑笠酬明主,
虎落蛇區尉遠黎。
日月盈虧人易見,
賢愚窮達物難齊。
佳期久隔天涯望,
賦罷停雲月欲西。
Canh tân bình an phủ
Phạm công sư mạnh “tân bình thư sự” vận
Chí sĩ ninh từ đạo hải nguy,
Cao ca tràng khiếu nhậm thiên nghê.
Sương xoa thử lạp thù minh chúa,
Hổ lạc xà khu uý viễn lê.
Nhật nguyệt doanh khuy nhân dị kiến,
Hiền ngu cùng đạt vận nan tề.
Giai kỳ cửu cách thiên nhai vọng,
Phú bãi Đình vân (a) nguyệt dục tê.

(a) Đình vân : tên bài thơ của Đào Tiềm (365 – 427). Thường được dùng để diễn tả sự lẻ loi và nhớ bạn.

Họa vận “Tân Bình thư sự” của quan An Phủ Tân Bình Phạm công Sư Mạnh

Bậc chí cả lẽ nào lại chối từ cái nguy xông pha vượt biển,
Ca cao hát lớn đón nhận công việc vua giao.
Nón lá áo tơi dãi dầu sương nắng để đền đáp minh chúa,
Vào hang hùm ổ rắn úy lạo dân vùng xa.
Người đời dễ thấy mặt trăng mặt trời khi tròn khi khuyết,
Thời vận của người hiền người ngu, lúc cùng lúc đạt, khó mà giống nhau.
Luôn ngóng ngày hội ngộ đẹp đẽ với người xa cách nơi chân trời,
Ngâm xong thơ “Đình vân” trăng đã ngả về tây.


Toàn bài thơ chỉ một câu nói đến vùng giáp giới Chiêm Thành, nơi “hang hùm ổ rắn”. Phần còn lại tập trung vào việc an ủy Phạm công, cựu “Hành khiển tri Khu mật viện sự”. Khi đó, cụ Phạm đã trên 70 tuổi. Việc điều động lão thần ra mặt trận cho thấy nhân sự tại trung ương đã thay đổi nhiều. Quan viên mới tuyển qua các kỳ thi văn, võ hẳn chưa đủ chất lượng để đương đầu hiệu quả với công việc chuẩn bị kết tập đại quân đầy phức tạp. Cư dân phủ Tân Bình xen lẫn Chiêm và Việt, lòng trung thành luôn dao động giữa Thăng Long và Đồ Bàn. Nhà nho Phạm Sư Mạnh, dù tuổi thêm lên và chức vụ nhỏ lại, vẫn vui vẻ lên đường đến trị sở gai góc; đủ biết triều Trần đã xây dựng thành công đội ngũ nho thần sống đúng với lý tưởng mà họ đã nhiệt thành tiếp thu và truyền bá.
Phạm công phục vụ cuộc chiến cấp quốc gia cuối cùng do vua Trần trực tiếp cầm quân. Khoảng 7, 8 năm sau, ta thấy chỉ huy quân đội mang họ khác :

奉餞樞府西征行軍都總管黎公
前矛照日颭蒸沙,
遠略交暹役瓜哇。
萬里砲摧熊虎壘,
九桅船蹴渤溟波。
秦兵膽喪秋風鶴,
蔡將神驚雪夜鵝。
待報闍槃夷蟻垤,
泚洳椽筆作鐃歌。
Phụng tiễn xu phủ tây chinh hành quân đô tổng quản lê công
Tiền mâu chiếu nhật triển chưng sa,
Viễn lược giao Tiêm dịch Qua Oa.
Vạn lý pháo thôi hùng hổ luỹ,
Cửu nguy thuyền thúc bột minh ba.
Tần binh đảm táng thu phong hạc (a),
Thái tướng thần kinh tuyết dạ nga (b).
Đãi báo Đồ Bàn di nghĩ điệt,
Thử như chuyên bút tác nao ca.

(a) Chỉ tình cảnh hoảng loạn của quân Tiền Tần dưới quyền Phù Kiên (337 – 385) sau trận thua Phì Thủy năm 383. Khi rút lui, quân Tần nghe gió gào, hạc kêu hay thấy cây cỏ lay động đều tưởng quân nhà Đông Tấn truy sát. Tướng Đông Tấn chỉ huy trận đánh tên Tạ Huyền (343 – 388).

(b) Thái tướng chỉ Ngô Nguyên Tế (783 – 817), quân phiệt cát cứ đất Hoài Tây. Tướng Đường Lý Tố (773 – 821) hành quân đánh Thái châu, trị sở Hoài Tây, vào đêm mưa tuyết. Đến gần mục tiêu, quân Đường khuấy động bầy ngỗng gần đó kêu vang để dấu tiếng động của đoàn quân di chuyển. Lý Tố vượt thành ngoài kéo quân đến trước phủ nhà Nguyên Tế vẫn chưa hay. Họ Ngô bị bắt sau hai ngày kịch chiến.

Vâng mệnh vua đưa tiễn
Quan Xu phủ Tây chinh Hành quân Đô tổng quản họ Lê

Ngọn mâu tiên phong lấp lánh trong ánh mặt trời, hơi cát nóng phần phật,
Giao hảo với Tiêm, tuần thú Qua Oa là chiến lược lâu dài.
Vượt muôn dặm, dùng súng pháo phá tan luỹ gấu, cọp,
Dong thuyền chín cột buồm đạp sóng qua vụng, biển.
Binh Tần mất mật khi nghe tiếng hạc trong gió thu,
Tướng Thái châu thất kinh vì ngỗng kêu đêm tuyết.
Trông đợi tin gò kiến Đồ Bàn bị san phẳng,
(Để) Thấm đẫm ngòi bút viết khúc quân hành.

Hồ Quý Ly nhận chức tổng chỉ huy quân đội vào năm 1380 sau khi Đỗ Tử Bình cáo bệnh từ chối binh quyền. Năm 1387, Quý Ly được thăng Đồng Bình chương sự. Như vậy, bài thơ trên hẳn được làm giữa hai mốc thời gian trên.

Năm 1382, người Chiêm cướp Thanh Hóa, Quý Ly dẫn bộ binh chống giữ tại núi Long Đại (tức Hàm Rồng, huyện Đông sơn, Thanh Hóa), Nguyễn Đa Phương dẫn thủy quân giữ cửa biển Thần Đầu. Trận này, quân Chiêm thất lợi trước mũi tiến công mạnh mẽ của hải thuyền dưới quyền Đa Phương, bị quân Trần truy đuổi đến Nghệ An.

Thừa thắng, mùa xuân năm 1383, nhà vua sai Quý Ly dùng các thuyền lớn mới đóng Diễm Dã, Ngọc Đột, Nha Tiệp đi đánh Chiêm Thành. Nhiều khả năng Nguyên Đán làm thơ tiễn Đô tổng quản tây chinh trong dịp này vì bài thơ bày tỏ tự hào về các chiến thuyền có chín cột buồm. Theo nội dung, Quý Ly không phải chống giặc xâm lăng, mà nhận nhiệm vụ tấn công thẳng vào kinh đô Đồ Bàn, đồng thời xác lập quan hệ với Tiêm và vùng đảo thuộc “miền dưới”.

Nước Tiêm đương thời, tức vương quốc Ayutthaya, đã phóng quyền lực lên các tiểu quốc đồng chủng Sukhotai và Lanna. Ngay cả Lan Xang (nay là Lào) cũng là chư hầu của Tiêm. Mặt khác, Ayutthaya tiến hành chiến tranh dài hạn trên thế mạnh với đế quốc Angkor, cựu bá chủ khu vực. Trong thực tế, Tiêm chính là thẩm quyền đáng kể nhất Đông Nam Á lục địa vào thời điểm này.

Qua Oa, tức vương triều Majapahit đang dưới quyền cai trị của vị vua lừng danh Hayam Wuruk (trị vì 1350 – 1389) với sự phù trợ của tể tướng Gajah Mada. Vương quốc quần đảo định đô tại Java và có cương giới gần trùng với địa vực của Indonesia hiện đại, bao gồm cả vùng đất là miền Nam Thái Lan và một phần Philippines hiện nay. Qua Oa là vương quốc hùng cường nhất Đông Nam Á hải đảo tính từ xa xưa đến năm 1383.

Tiêm và Qua Oa đều có thuyền đến buôn bán ở Vân Đồn. Cuộc ra quân lần này ngoài mục đích chiến tranh, dường như còn hướng đến việc tranh dành đầu mối thương mại với Chiêm Thành.

Nguyên Đán có vẻ tin tưởng vào các chiến thuyền cỡ lớn được trang bị pháo. Thuyền 9 cột buồm tức to bằng “bảo thuyền” Trịnh Hòa dùng đi sứ Tây Dương. Theo miêu tả, pháo trang bị trên thuyền có thể bắn tan thành lũy vững chắc. Hình như Nguyên Trừng đã sáng chế mẫu súng lớn mới, sức công phá mạnh, khiến triều Trần đang ở thế yếu đột nhiên chặn được Chế Bồng Nga năm 1382, nay lại chủ động tấn công vào kinh đô Chiêm. Đáng tiếc, thủy sư đến vùng biển nay thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình thì gặp bão, đội thuyền bị hư hại nên toàn quân phải quay về.

Chúng ta có thể tin rằng lực lượng hải quân nhà Trần rất đáng sợ khi có thuyền chiến lớn trang bị pháo hạng nặng. Ngay trong mùa hè năm 1383, Chế Bồng Nga phản công nhưng không bằng thủy quân như thường lệ mà bằng bộ binh. Rõ ràng, vua Chiêm muốn tránh đối đầu với loại vũ khí lợi hại mới xuất hiện trên mặt nước. Bồng Nga thành công trong việc đuổi Nghệ tông ra khỏi kinh thành nhưng việc đè bẹp quân Trần không còn dễ như các năm trước.

Đến năm 1389, Chiêm Thành lại đánh vào hương Cổ Vô, Thanh Hóa. Thủy quân Trần tiến vào sông để chặn địch. Người Chiêm ngăn dòng mé thượng lưu ngừa thuyền quân Trần tiến sát doanh trại, sau đó giả vờ rút lui. Bộ binh Đại Việt xuất phát truy kích, thủy quân cũng ngược dòng đuổi theo. Người Chiêm phá đập khiến thuyền Việt không tiến được, đồng thời tung voi ra đánh mạnh vào cánh quân bộ. Quân Trần thiệt hại nặng khiến Quý Ly bỏ trốn. Quân Chiêm thắng lợi khi thủy quân Đại Việt không tham chiến.

Nguyên Đán còn bài thơ khác để tiễn đưa Trần Ngạc, con trưởng Thượng hoàng Nghệ tông phụng mệnh vua chinh phục Chiêm Thành. Nếu căn cứ vào tước hiệu của Ngạc, dự đoán thời điểm sáng tác sẽ nằm trong khoảng từ 1388 là năm ông được phong Đại vương đến 1390 là năm Nguyên Đán qua đời. Tuy nhiên, từ 1388 đến 1390, Đại Việt không có cơ hội “chinh” Chiêm Thành; chỉ có việc quân Chiêm cướp Thanh Hóa vào tháng 10 ta năm 1389, tiến đến Đại Hoàng vào tháng 11 cùng năm khiến Nghệ tông phải sai Trần Khát Chân đi chống cự. Khát Chân giết được Bồng Nga vào đầu năm sau 1390.

送平西都督莊定大王
奉詔征占城
虬鬚仗鉞海西陲,
一痣闍槃指日犁。
貔虎三軍烏獲壯,
風雷八陣率然奇。
東平威望人皆服,
上宰勳名世共推。
震厲王庭歌凱奏,
老夫述頌繼淮碑。
Tống Bình tây Đô đốc Trang Định Đại vương phụng chiếu chinh Chiêm Thành
Cầu tu trượng việt hải tây thuỳ,
Nhất chí Đồ Bàn chỉ nhật ly.
Tỳ hổ tam quân Ô Hoạch (a) tráng,
Phong lôi bát trận Suất Nhiên (b) kỳ.
Đông Bình (c) uy vọng nhân giai phục,
Thượng tể huân danh thế cộng suy.
Chấn lệ vương đình ca khải tấu,
Lão phu thuật tụng kế Hoài bi (d).

(a) Ô Hoạch : võ sĩ hầu cận Tần Vũ vương (310 TCN – 307 TCN)

(b) Suất Nhiên : tên rắn trong truyện thần dị Trung Hoa. Khi đụng vào đuôi, đầu sẽ đến. Khi đụng vào thân, cả đầu lẫn đuôi cùng đến.

(c) Đông Bình : tức Đông Bình Hiến vương Lưu Thương (? – 83), con Hán Quang Vũ đế (6 TCN – 57). Ông nổi tiếng nhờ làm việc thiện.

(d) Hoài Bi : khi Tể tướng Bùi Độ dẹp yên vùng Hoài Tây, vua Đường Hiến tông (trị vì 805 – 820) ra lệnh cho Hàn Dũ làm bài văn bia ghi công gọi là bia Bình Hoài.

Tiễn Bình tây Đô đốc Đại vương Trang Định
Phụng chiếu đánh Chiêm Thành

(Vị tướng) râu rậm cầm lưỡi việt hướng về biên thùy Hải Tây,
Việc phá hủy cái mụn cơm Đồ Bàn chỉ tính bằng ngày.
Ba quân hùm báo, hào hùng như Ô Hoạch,
Bát trận sấm gió, khôn lường tựa Suất nhiên.
Mọi người đều ngưỡng phục uy danh của Đông Bình,
Thế gian cùng tôn vinh công nghiệp quan Tể tướng.
(Khi) khúc ca chiến thắng được hát vang như sấm trước sân vua,
Lão phu sẽ noi theo bia bình Hoài mà làm bài tụng.
Trần Ngạc nhận chức Tư đồ năm 1375, được giao trông coi trấn Thái Nguyên.

Trong cuộc chinh Chiêm Thành năm 1377, Trần Ngạc chắc còn ở nhiệm sở vì sử chỉ chép Duệ Tông tử trận và người con của Thượng hoàng tên Trần Húc bị bắt khi quân Đại Việt tan vỡ.

Các năm 1377, 1378, 1380, 1382 đều có người Chiêm xâm nhập, Đại Việt lo cầm cự, không có cuộc hành quân nào hướng đến Đồ Bàn. Như vậy, gần như chắc chắn, bài thơ được Nguyên Đán tặng Trần Ngạc nhân dịp ông đại diện hoàng gia cùng Lê Quý Ly dẫn thuyền to sóng lớn nam chinh năm 1383. Ba chữ “hải tây thùy”, biên giới Hải Tây tái xác nhận Ngạc đi bằng đường thủy. Nhà Trần gọi vùng duyên hải từ Thanh Hóa về phía Nam là Hải tây. “Đại Vương” chỉ là lời trân trọng tôn xưng khi ông còn mang tước vương bình thường. Chức vụ Bình Tây Đô đốc cho thấy Trần Ngạc là tổng chỉ huy trên danh nghĩa của đợt viễn chinh. Lê Quý Ly giữ chức Hành quân Đô tổng quản, chịu trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch tác chiến.

Lễ xuất quân hoành tráng, người tiễn đưa tin tưởng sức mạnh quân nhà. Kết quả lại là chuyến quay về nửa chừng do sóng gió làm hư thuyền. Dường như nguyên nhân không chỉ vì bão, Toàn Thư về sau tiết lộ Quý Ly và Trần Ngạc có vấn đề với nhau. Cuộc hành quân đầu voi đuôi chuột có thể là hậu quả của việc không thống nhất ý kiến giữa hai vị lãnh đạo. Nếu mâu thuẫn xảy ra trước, Nghệ tông chắc đã không cho hai người đi chung. Gây cấn chỉ nảy sinh trong cuộc trường chinh bất lợi. Sử sách không ghi nhận hai vị Trần-Hồ có tài năng quân sự hay chiến công lẫm liệt nào.

Năm 1388, Quý Ly có hiện tượng lộng quyền, Đế Hiện bàn với Trần Ngạc, đương chức Thái Úy, cách trừ khử họ Hồ. Việc bại lộ. Thượng hoàng nghe lời dèm của Quý Ly giết Hiện. Ngạc được gia tước Đại vương, có nghĩa ông sẽ không thể thay Hiện làm vua dù là con trưởng của Nghệ Tông. Năm 1391, thế họ Hồ ngày càng áp đảo, Trần Ngạc bỏ trốn đến trại Vạn Ninh (nay thuộc Quảng Ninh). Thượng hoàng cho người bắt về, Quý Ly ngầm lệnh cho tướng đạo quân Ninh Vệ Nguyễn Nhân Liệt sát hại ông.

Nguồn nghiencuulichsu.com

Còn nữa.