228 lượt xem

Triều đình phong kiến trị thói " sách nhiễu dân"

Tiền nhân nghiêm trị thói sách nhiễu dân

Tiền nhân nghiêm trị thói sách nhiễu dân bởi đây là một tệ nạn trong tầng lớp quan lại phong kiến, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mục nát, sụp đổ của các triều đại. 

 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/tran-minh-tong-300x186(1).jpg
Vua Trần Minh Tông.
Nguồn: Sưu tập

Trần Minh Tông không vì tình nhà

Nhưng trước đó, khi nạn sách nhiễu, bòn rút của dân thành tệ nạn, thì cha ông ta đã từng có “biện pháp”.

Triều Trần có bà Trần Thị Thái Bình, là cung tần của Thượng hoàng Trần Anh Tông, nhưng tính tham lam, hay dựa vào vị thế của mình chiếm đoạt ruộng đất của dân lành, đến nỗi dân ức chế phải kiện lên hữu ty. Và việc này đến tai vua Trần Minh Tông.

Dù là thê thiếp của vua cha nhưng Trần Minh Tông không bênh vực, mà giao cho Uy Giản hầu, là con rể bà Thái Bình và lệnh rằng: “ngươi nên theo đơn mà trả ruộng cho dân”.

Uy Giản hầu không vì tình nhà, mà như ghi chép trong Toàn thư cho hay: “lập tức vâng chiếu trả ruộng. Sau bà Thái Bình chết, Uy Giản đem tất cả ruộng đất bà chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông”.
Dẫu thân thích, gần gũi đến thế, nhưng từ vua Minh Tông đến Uy Giản hầu đều lấy phép nước, lợi ích của dân làm trọng chứ không vì tình nhà mà để cho thân thích bòn rút của dân lành. Trên đã ngay như thế, lẽ dĩ nhiên dưới phải thẳng thớm tuân theo.


Yêu dân phải hết lòng thành

Vào thời Lê, quan lại được coi như cha mẹ dân, phải hết lòng yêu thương chăm sóc dân. Vua Lê Thái Tông từng dụ rằng: “Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung, yêu dân phải hết lòng thành”.

Trong một lần khác, vua Lê Nhân Tông chỉ dụ: “Các ngươi là quan tại nhiệm, khi trở về, phải bảo dân gắng sức làm ruộng, xử án phải cho công bằng, nếu có trộm cướp, phải hết lòng lùng bắt, không được thờ ơ lười biếng”.

Và trong Quốc triều hình luật, những chế định trong xã hội được ghi rất rõ; đặc biệt là những điều liên quan đến tội sách nhiễu, bòn rút của dân từ quan chức cho đến thân thích…

Chương Vi chế (làm trái pháp luật) có chép: “Các quan tướng súy tại phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình, sách nhiễu tiền tài của dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả cho dân.

Quan tôn thất từ nhị phẩm trở lên can tội ấy, xử phạt 100 quan; những người gia thuộc làm việc sách nhiễu để làm rối loạn trong hạt, thì luận tội khác…”; hoặc trong Chương Hộ hôn ghi:

“Những người cai quản dân đinh mà làm bậy nhũng nhiễu thì xử tội bãi chức hay đồ. Tôn thất từ nhị phẩm trở lên thì phải phạt tiền 100 quan; trị tội các thuộc lại trong nhà; truất quyền quản giám”.

Hiệu quả của luật lệ này trong việc xử phạt tội sách nhiễu dân của quan lại được thể hiện trong nhiều trường hợp. Ví như tù trưởng Cầm Quý “bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ hết về mình”. Sau bị vua Lê Thái Tông ra lệnh bắt giữ.

Hay năm Đinh Tỵ 1437, ở huyện Thạch Thất (thuộc Hà Nội ngày nay) có Tổng quản Lê Hiệu dựa chức vụ, lấp một nhánh sông làm đất riêng của mình đến nỗi thuyền bè không đi lại được, sau bị Chuyển vận Trần Hiển tâu lên với triều đình để nghị tội…

Năm 1498, vua Lê Hiến Tông lại xuống chiếu: “Quan lại nếu quấy nhiễu, hạch sách dân, theo lợi riêng gây mối tệ, thì dẫu việc bị cáo giác hay không có chứng cớ cụ thể… đều khảo vào loại không xứng chức”.


Nhà Nguyễn xử nghiêm tệ sách nhiễu với quan điểm
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/minh-mang-1-300x197.jpg
Vua Minh Mạng.
Nguồn: Sưu tập

Xử có hiệu quả tệ sách nhiễu

Trong Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn cũng có nhiều điều luật định rõ với tội quan chức nhà nước sách nhiễu dân. Điều 5: “Vòi vĩnh đòi thêm tiền” thuộc chương Bưu dịch ghi: “Phàm nhân viên sai phái, nếu người nào vòi vĩnh đòi thêm tiền thì tính theo số tang vật, xử theo tội bất uổng pháp. Quan đương cai cho tiền thì tội giảm một mức. Nếu bắt ép vòi tiền thì xử theo luật bất uổng pháp…”;

Hoặc chương Chợ búa ghi: “Các sở công tư của các nha môn lớn nhỏ cần có hàng hóa phải trao đổi công bằng theo giá thị trường, không được sử dụng bọn tay chân môi giới mượn cớ việc chung kiếm lợi riêng. Nghĩa là nếu có sai mua thì phải giữ đúng công chính, không được mượn cớ sách nhiễu…”.

Với những điều được quy định như trên, nhà Nguyễn nhiều lần xử có hiệu quả tệ sách nhiễu, bòn rút của dân. Vụ việc xảy ra năm Quý Mão 1819 được Quốc sử di biên ghi lại: “Hiệp trấn Quảng Yên vì tội hống hách lấy của dân nên bị khép tội tử hình”.

Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mạng thứ nhất 1820, nhà vua ra chỉ dụ cấm người quản quân được bớt xén vật phẩm, tiền bạc của quân lính. Khi vua nghe thấy việc lại dịch từ Quảng Trị trở ra phần đông có thói bớt xén tiền tuất triều đình cấp cho nạn nhân liền ra dụ trách mắng, răn dạy.
Cùng năm, Trấn thủ Phiên An là Đào Quang Lý, bớt xén tiền công 9 vạn quan, bị tố cáo, triều đình bắt hạ ngục, vì có công lớn, nên miễn tội chết, nhưng tịch thu tang vật sung công. Tới tháng 3 năm 1824 được thả, bị giáng chức cho đi phát vãng chuộc tội, Đào Quang Lý lập được công lớn; tới tháng 8 năm 1825 cho làm hiệu úy vệ cẩm y, nhưng sau đó cho về hưu sớm.


Không có vùng cấm

Vào năm 1822, lý trưởng ở Quảng Nam là Đặng Văn Diên bớt xén thóc gạo cứu đói cho nạn nhân rồi bán lấy tiền, các quan Kinh phái lo việc phát chẩn tra ra, Diên bị xử chém.

Cùng năm, lính ở kho Kinh đô là Đặng Văn Khuê ăn bớt thóc xuất ra trong kho, xử tội chém. Rồi Cai đội Thị nội Bùi Văn Đệ ăn bớt thuốc súng, lại sai lính thị vệ hỗ tòng phục dịch riêng cho mình, việc phát giác đã bị kết tội trạm giam hậu (giam rồi xử chém).

Vào năm 1827, Cai đội kho Phú Nhuận ở Kinh đô là Nguyễn Văn Thắng, mài miệng bát đong gạo bằng đồng để ăn bớt gạo thóc công cũng bị giao cho Bộ Hình trị tội.

Năm 1831 Khố lại vũ khố là Hoàng Hữu Nhẫn, ăn bớt son bạc, bị tội giảo, đem đến cửa vũ khố thắt cổ, rồi chặt một bàn tay đem treo, bắt tất cả quan lại vũ khố phải đến xem làm gương. Thứ phạm là Dương Trọng Túc phạt đóng gông nặng 2 tháng, hết hạn đánh 100 hồng côn rồi phát làm lính thú ở Ai Lao.

Những sai phạm pháp luật của quan lại, hoàng thân quốc thích dưới thời Nguyễn bị xử phạt nghiêm. “Không hề có vùng cấm cho những chuyện đó. Nếu nhà nước trung ương biết việc, chắc chắn người sai phạm bị xử phạt”.
Có nhiều vụ án như vậy đã được xử, chẳng hạn, năm 1883, khi vận chuyển gạo kho ở Thuận An về kinh, Nguyễn Văn Tán cùng một số người hội ý nhau giữ bớt, thu được nhiều mà báo ít. Có người tố giác, Nguyễn Văn Tán bị tội lưu, các người liên quan cũng bị khép tội theo thứ bậc khác nhau.

Bia “Thân cấm khử tệ” được Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội là Hoàng Hữu Xứng ban hành thời Tự Đức 1881. Hai ông đã ra một tờ sức, về việc cấm sách nhiễu dân. Tờ sức này được cho khắc vào bia để dựng những nơi đông người qua lại.


 
Description: https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/than-cam-khu-te-300x197.jpg
Bia “Thân cấm khử tệ” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguồn: Sưu tập

Lập bia cấm sách nhiễu dân

Năm 1884, tri huyện Quảng Điền là Tôn Thất Hội thường phái huyện lệnh là Lê Diệu đi xuống địa bàn đôn đốc giúp đỡ tổng lý đặt mua thóc trong dân. Những người này tạo sự phiền nhiễu đòi lấy tiền của dân.

Việc bị phát giác, các quan trong triều muốn trừng trị bọn sâu mọt hại dân liền bắt giải cho bộ Hộ tra xét. Quan phủ Thừa Thiên bèn làm án xử Lê Diệu bị phạt trượng đi đày, số còn lại bị phạt trượng bãi chức. Bộ Hình xét lại liền đổi kết án Lê Diệu bị chém bêu đầu, còn lại được giảm dần đến án lưu, đồ.

Việc ngăn chặn, nghiêm trị thói sách nhiễu dân không chỉ thể hiện trong các bộ luật, mà còn được ghi lại trên văn bia để nhắc nhở, răn dạy những quan lại đương thời.

Trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có một tấm bia đá có tên:“Thân cấm khử tệ” được tiếp nhận trên địa bàn Hà Nội, được trưng bày khu vực ngoài trời.

Bia được Tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội là Hoàng Hữu Xứng ban hành thời Tự Đức 1881. Hai ông đã ra một tờ sức, về việc cấm sách nhiễu dân. Tờ sức này được cho khắc vào bia để dựng những nơi đông người qua lại.

Tấm bia ghi rõ các ví dụ về tật sách nhiễu dân của các đinh phu trong việc tang ma, “Nghiêm sức về việc sau. Căn cứ vào các hội phố, thân sĩ trong hạt bẩm báo thì hạt ấy nguyên là dân tứ chiếng ở lẫn lộn, không có hương ước.

Lý lịch các thôn, phường thảng hoặc có dung dưỡng bọn không chỗ nương tựa, cho ứng trực canh điếm. Không chỉ bất lực trong tuần phòng mà nhà dân có việc tang ma, tất cả bọn đến chiếm cứ địa phương, vòi vĩnh tang gia, chẳng kể xa gần nhiều ít, cố ý đòi giá, không theo phép tắc, cản trở người ta, như năm Tự Đức thứ 32 (1879) có người ở phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế, nhà nghèo, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, cho nên thuê 4 người khiêng áo quan mà điếm phu sở tại bắt thuê 8 người, vòi tiền 24 quan mới nhận làm. Lần ấy hàng xóm gần gũi bất đắc dĩ phải quyên góp đủ số tiền ấy để chúng làm”.

Cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục

Sau khi nêu ra các ví dụ về sự sách nhiễu dân nghèo, văn bia ghi rõ: “Tệ hại đó bẩm xin sức lệnh xuống cho trong ngoài thành biết: Phàm có tang ma, hiếu chủ tùy nghi làm, nếu có người ngoài giúp đỡ thì càng tiện; hoặc nếu thuê phu thì không buộc thuê người sở tại. Đến như thuê người làm thì chiếu theo lệ cũ, ở trong cửa ô thì mỗi tên trả 4 tiền, ở ngoài thì trả 5 hoặc 6 tiền. Đi đường 7 tiền.

Việc thuê cần công bằng, thích đáng. Đối với phu điếm và những kẻ được dung dưỡng xin cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục trong dân”. “Từ nay về sau tất cả cứ chiếu theo như thế mà làm, không được sách nhiễu như đã có lệnh nghiêm cấm.

Nếu nơi nào vẫn còn tình cảnh tệ hại như vậy, phát giác ra thì phải trừ bỏ kẻ phạm tội ấy cũng như trị nặng người trong làng, tổng.

Ngoài ra, nếu như huyện, nha cũng khó nói cái tệ hại liên quan tới việc vì dân bỏ điều xấu, cẩn thận chớ cản trở viết giấy hay sơ suất gác lại. Như thế có thể lại truyền sức cho chức cai quản và thân sĩ biết, giải quyết hết sức cho nghiêm theo lời sức”.

Lời sức trong tấm bia này cho thấy sự rối ren của xã hội vào thời điểm đó và sự trăn trở của những nhà lãnh đạo đương thời với việc chống lại tệ sách nhiễu của một bộ phận công quyền.

Hiện nay, dù chỉ một bộ phận cán bộ, công chức, suy thoái đạo đức lối sống, coi thường dân, coi thường pháp luật, lợi dụng chức quyền, sách nhiễu, bòn rút của dân, nhưng lại đang ở mức báo động và làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nền hành chính quốc gia.


Nguồn: báo pháp luật