Triệu Túc, danh tướng ba lần đánh quân Lương
Chúng ta, thế hệ hậu sinh luôn biết tới công ơn của các anh hùng đánh giặc giữ nước. Đã có nhiều vị tướng được đặt tên phố, tên đường, tên trường học. Cũng không ít vị được đặt trong tâm thức thờ cúng của dân gian, thảy đều là vẻ đẹp văn hóa của người Việt chúng ta. Cũng phải nhìn nhận một điều rằng, do vấn đề thời gian, khách quan và cả chủ quan, việc lưu giữ, bảo tồn, tôn tạo, vinh danh các vị tướng có công với nước các triều đại còn chưa được chu đáo, nhiều lúc là lãng quên.
Một góc đầm Dạ Trạch ngày nay. Nguồn: Sưu tập
Trong khuôn khổ bài này, xin được nhắc về danh tướng Triệu Túc - vị lão tướng quan trọng bậc nhất của Lý Nam Đế trong công cuộc ba lần đánh giặc nhà Lương giành độc lập dân tộc, lập nước Vạn Xuân - nhà nước tự chủ đầu tiên của Đại Việt. Danh tướng Triệu Túc chính là cha đẻ của Triệu Quang Phục -Triệu Việt Vương, người đã kế tiếp thế hệ cha anh đánh thắng giặc Lương, lên ngôi vua trị vì đất nước 23 năm (548-571), được sử sách lưu danh.
Triệu Túc vốn là tù trưởng của vùng đất Chu Diên (vùng đầm Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), một vùng đất trù mật, trên bến dưới thuyền, cư dân đông đúc. Hiện nay, nhiều đình đền dọc sông Hồng vùng đất Khoái Châu thờ hai cha con Triệu Túc -Triệu Quang Phục là một minh chứng tỏ rõ công ơn của nhân dân dành cho cha con danh tướng. Lễ hội đầu xuân hàng năm đều có tổ chức rước kiệu, rước sắc phong, hội múa lân, đánh đu, hội vật, đề cao tinh thần thượng võ... chính là ngọn nguồn của việc người dân nhớ về công tích của cha con vị danh tướng vậy.
Khi nhà Lương phương Bắc đô hộ nước ta, dân ta lầm than khổ cực. Nhà Lương khi đó cũng phải chinh chiến liên miên để xưng bá tranh hùng ở Trung Nguyên. Lương Vũ Đế là người tham tàn hiếu sát cử binh tướng đánh dẹp các nơi miên man không dứt. Việc vơ vét tài vật, sức người sức của ở An Nam nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa của Lương Vũ Đế khiến cho các vùng đất Giao Châu, Ái Châu, Cửu Đức… không sao chịu thấu. Một trong những điều đáng lên án nhất với kẻ thù phương Bắc là mỗi khi đô hộ nước ta, chúng luôn vơ vét của cải, bắt sạch thợ giỏi các nghề thủ công, tráng đinh, con gái đẹp về để phục vụ nước chúng. Nhà Minh sau này còn tàn bạo hơn, chúng đốt sách, phá đình đền chùa miếu, đến một chữ trên bia cũng bị đục bỏ, thật chẳng gì man rợ bằng. Lịch sử đấu tranh của Đại Việt là lịch sử được viết bằng máu xương và trí tuệ đã hàng ngàn năm nay và bây giờ vẫn đang được viết tiếp.
Không chịu được nhục mất nước, Lý Nam Đế khi đó là Giám quân châu Cửu Đức đã dấy binh khởi nghĩa (541). Hàng loạt các tù trưởng, hào trưởng, người tài giỏi các vùng miền theo về rất đông. Nổi tiếng nhất là danh nho Tinh Thiều, lão tướng Phạm Tu và hai cha con tù trưởng Triệu Túc -Triệu Quang Phục. Vốn mến mộ tài danh của Lý Bí từ lâu, lão tướng Triệu Túc, khi đó bảy mươi tuổi, đem hết quân bản bộ theo Lý Nam Đế đánh nhà Lương, cùng các cánh quân hợp vây thành Long Biên rất gấp. Nghĩa quân đi đến đâu, giặc Lương bỏ đất bỏ thành chạy đến đó. Thứ sử Tiêu Tư run cầm cập trong tòa cổ thành Long Biên, chỉ còn biết đem vàng bạc châu báu xin gặp nghĩa quân Lý Bí có ý xin giãn vòng vây để y cùng đám quan lại phương Bắc có thể toàn mạng mà về. Cũng là cùng đường sinh càn bậy chứ với cách ứng xử của Lương triều bấy giờ, mất đất mà về cũng coi như cầm chắc cái chết.
Nghĩa quân Lý Bí đứng đầu là danh tướng Triệu Túc vào thành Long Biên ổn định đời sống mọi mặt của muôn dân trong ngoài thành cũng là lúc nhận được tin cấp báo, Lương Vũ Đế không chịu được nhục đã sai các danh tướng là Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng mang năm vạn binh sang, quyết đàn áp cuộc khởi nghĩa. Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng vốn là những tướng dày dạn trận mạc một mặt nhận mệnh vua đôn đốc binh tướng rất gấp, một mặt cho người dò la thực lực nghĩa quân của Lý Bí cẩn thận. Bọn tướng phương Bắc từ trước đó mỗi khi phải xuống phương Nam giao chiến đều một đi không trở lại, nên chúng cẩn thận cũng là lẽ đương nhiên. Biết được điều đó, Bộ tham mưu của nghĩa quân Lý Bí gồm Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu, cùng các tướng trẻ là Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục đã mạnh dạn đưa ra đề xuất đem đại binh sang Hợp Phố (nơi tập hợp binh tướng chuẩn bị Nam chinh của Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng) đánh phủ đầu quân Lương.
Nghĩa quân vốn sẵn lòng căm thù giặc, lại qua mấy trận kịch chiến ở Long Biên khí thế đang hăng, nhất là các tướng trẻ như Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục đã thành thạo các phép đánh thành, đốt lương, hợp vây, tiến lui đều xuất quỷ nhập thần nên việc muốn dạy cho binh tướng Lương triều một bài học là rất cần vậy. Từ chủ trương đó, các tướng của Lý Bí đã xuất kỳ bất ý chia binh đánh thẳng sang Hợp Phố, phá tan đại bản doanh của quân xâm lược nhà Lương rồi lại thần tốc rút về Long Biên. Đây là một chiến công lớn thể hiện tư tưởng quân sự tiên phát chế nhân. Điều này, các danh tướng đời sau của Đại Việt đều có lúc dùng đến mà điển hình là việc Lý Thường Kiệt xuất binh theo hai đường thủy bộ sang đánh Khâm Châu, Liêm Châu, Ung Châu khiến nhà Tống hoảng sợ và rối loạn.
Khi rút về thành Long Biên bình an, biết trước Lương Vũ Đế sẽ xua binh tướng sang rửa nhục, Lý Bí cùng các tướng mau chóng củng cố thành trì, nâng cao thế nước, lòng dân. Đúng lúc đó, vua nước Lâm Ấp phản bội bất thần đem đại binh tấn công cướp bóc vùng biên giới châu Cửu Đức, Ái Châu. Trước tình hình đó, Lý Bí giao cho lão tướng Phạm Tu quyền thống xuất đại binh Nam chinh đánh giặc Lâm Ấp. Không hổ là một bậc danh tướng đương thời, lão tướng Phạm Tu đại thắng nơi biên giới, phá tan hàng vạn quân giặc, chém tướng chặt cờ, suýt bắt được vua Lâm Ấp tại trận tiền, khiến người Lâm Ấp khiếp sợ mà rút chạy không dám nhòm ngó châu Cửu Đức nữa. Cả một dải biên cương phía Nam sớm được bình yên, các đình đền chùa miếu thờ tướng quân Phạm Tu còn cho đến ngày nay.
Dưới sự tham mưu đắc lực của danh nho Tinh Thiều cùng các vị lão tướng, năm 544, Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước Vạn Xuân, cho xây chùa Trấn Quốc để nối nền quốc thống, triều định trăm quan. Phong Tinh Thiều đứng đầu Ban Văn, Phạm Tu đức đầu Ban Võ, Triệu Túc phong làm Thái phó. Các tướng trẻ Triệu Quang Phục làm Tả tướng quân; Phùng Thanh Hòa làm Hữu tướng quân. Đây là một nhà nước có đủ triều nghi, phẩm phục, các ban văn võ, lấy trị quốc an dân làm đầu, đặt quyền độc lập tự chủ dân tộc làm nền tảng.
Nhận được tin đó, Lương Vũ Đế như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon ngủ không yên, không thể nào có Nam đế sánh với Bắc đế như thế được. Điều này là một cái tát vào bộ mặt Lương triều. Lương Vũ Đế lập tức cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem đại binh sang đàn áp. Trần Bá Tiên là danh tướng số một của Lương triều, một bậc đại gian hùng sau này đã thình lình từ Giao Châu trở về cướp ngôi nhà Lương lập ra nhà Trần. Nhưng khi đó có nằm mơ Lương Vũ Đế cũng không thể tưởng tượng ra điều tồi tệ đó.
Đại binh của Dương Phiêu và Trần Bá Tiên thực hiện kế sách đốt sạch, phá sạch, giết sạch rất tàn ác. Các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc lập tức chia binh lên vùng biên ải lập các phòng tuyến chặn giặc. Nhất là ở các cửa sông đều có quân binh thuyền bè ứng chiến cầm chân giặc. Hung mãnh như Trần Bá Tiên cũng phải sáu tháng sau quân giặc mới tiến được tới chân thành Long Biên.
Đạo quân của Trần Bá Tiên được Lương Vũ Đế liên tiếp tăng viện, phu phen, ngựa chiến, lương thảo kéo đến như mây. Đây cũng chính là kế hiểm của Trần Bá Tiên với danh nghĩa thảo phạt phương Nam để ngầm rút binh lực của Lương Vũ Đế hòng sau này tạo phản được dễ dàng. Than ôi đám quan lại tướng tá phương Bắc chỉ luôn rình rập ám toán lẫn nhau, cũng là một vết nhục của lịch sử nước chúng vậy.
Trước tình thế chênh lệch quá lớn về lực lượng, biết không thể giữ được thành, lão tướng sau nhiều ngày đêm huyết chiến với quân giặc đã hi sinh vì nước nơi cửa thành sông Tô Lịch. Lão tướng Triệu Túc đã bảy mươi lăm tuổi đầu tóc bạc phơ vẫn tuốt kiếm xông thẳng vào quân giặc khiến chúng kinh hãi. Mãi còn đó tấm gương trung liệt chẳng phai mờ của hai vị lão tướng cũng là trụ cột của Lý triều đã đem thân mình gìn giữ nền độc lập. Hình ảnh đó mãi là hình ảnh trường tồn xuyên suốt lịch sử đến hôm nay và cho cả mai sau.
Lão tướng Triệu Túc sinh năm 470, mất năm 555, cả đời ông chăm dân mở đất, khai hoang phục hóa vùng đất Chu Diên - đầm Dạ Trạch, lớn lên được suy tôn làm tù trưởng. Buổi Lý Bí dấy quân khởi nghĩa, vị tù trưởng đem toàn bộ binh tướng thuộc quyền, cả người con tài giỏi nhất là Triệu Quang Phục theo về dưới cờ nghĩa. Ông hi sinh lẫm liệt vì nước. Con trai ông, vị tướng tài danh liền sau đó được Lý Nam Đế giao toàn bộ binh quyền trở về đầm Dạ Trạch kiên trì kháng chiến và lên ngôi vương rạng danh trong lịch sử Việt Nam.
Tổng hợp: SGT Group