450 lượt xem

Văn Miếu ở Việt Nam và những vấn đề liên quan đến bia đá Văn Miếu Xích Đằng

Văn Miếu ở Việt Nam và những vấn đề liên quan đến bia đá Văn Miếu Xích Đằng 
 

Văn Miếu được xây dựng là nơi thờ Khổng Tử, các ông tổ của đạo Nho và cả những bậc thầy trong nền giáo dục Việt Nam. Nếu chùa là nơi tôn thờ đạo Phật thì Văn Miếu là nơi tôn thờ đạo Nho, mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Thời Lê Sơ, các nước châu Á trên địa bàn mà đế chế Trung Hoa xưng hùng xưng bá thống trị hàng ngàn năm, các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng đều được coi là “khuôn vàng thước ngọc”. Tất cả quyền binh nằm trong tay một vị hoàng đế. Triều Lê Sơ ở Việt Nam bắt đầu với những đổi mới toàn diện về chính sách văn hóa, thi cử, quân sự, giáo dục, kinh tế và chính trị….

Cuộc xâm lược và thống trị của nhà Minh (1407 - 1427) là thời kỳ đen tối trong lịch sử Việt Nam. Bọn thống trị nhà Minh thủ tiêu nền độc lập dân tộc, biến nước ta thành quận huyện của chúng. Chúng bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, khủng bố, tàn sát những cuộc nổi dậy của nông dân và thi hành nhiều chính sách nhằm mục đích đồng hóa thâm độc. Chúng bắt nhân dân Việt Nam phải bỏ các phong tục, tập quán vốn cổ của văn minh Đại Việt. Mặt khác, chúng mở trường dạy chữ Hán, nhồi nhét “đạo thánh hiền” nhằm trừ tận gốc hương sắc Việt Nam.

Xuất phát từ tư tưởng dân tộc Hán là dân tộc có trình độ cao nhất còn mọi dân tộc khác chỉ là hạ đẳng, mandi… chúng phá hoại các di tích lịch sử văn hóa, đốt sạch các văn bản, sách sử của Việt Nam và tuyên truyền việc làm đó là “theo mệnh trời ”, sự huyễn hoặc của quân Minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Căm thù quân xâm lược nhà Minh, Lê Lợi đã tập hợp lực lượng, chỉ huy quân sự, tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, mở ra giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam. Ý chí xâm lược của phong kiến phương Bắc về cơ bản đã bị đè bẹp nhưng Việt Nam vẫn duy trì chế độ trung ương tập quyền.

Trong lịch sử Việt Nam, triều Lê Sơ có đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thời phong kiến. Đội ngũ trí thức Nho học - sản phẩm giáo dục khoa cử thời Lê Sơ trở thành những trụ cột góp phần đưa quốc gia phong kiến Đại Việt phát triển cường thịnh trên nhiều mặt. Vì vậy, Văn Miếu được dựng nhiều nơi trên đất nước: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Văn Miếu Bắc Ninh (Bắc Ninh), Văn Miếu Mạo Điền (Hải Dương), Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn Miếu Diên Khánh (Khánh Hòa), Văn Miếu Huế (Huế),...

Văn Miếu được xây dựng là nơi thờ Khổng Tử, các ông tổ của đạo Nho và cả những bậc thầy trong nền giáo dục Việt Nam. Nếu chùa là nơi tôn thờ đạo Phật thì Văn Miếu là nơi tôn thờ đạo Nho, mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Khởi đầu, Văn Miếu được lập ở Hà Nội, bấy giờ là Thăng Long vào năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông. Nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện đó phải chăng báo hiệu sự thâm nhập của Nho giáo ở nước ta. Nhìn một cách tổng thể, có thể nói, sự thâm nhập này chỉ diễn ra 4 thế kỷ sau từ đời Lê Thánh Tông. Ở thời Lý, đạo Phật giữ vai trò quốc giáo nhưng tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” vẫn tồn tại. Ý nghĩa chính của việc lập Văn Miếu được “Đại Việt Sử ký toàn thư” đề cập chính là nơi Hoàng Thái tử đến học. Như vậy, ngay từ ngày đầu xây dựng, Văn Miếu Hà Nội đã có chức năng một nhà Quốc học, khác với Văn Miếu thờ cúng các vị tổ đạo Nho của Trung Quốc, Triều Tiên…
          
 Những cứ liệu lịch sử cho thấy, sau khi chiếm lại được Thăng Long, nhà Lê Trung Hưng đã đều đặn cho tổ chức các khoa thi. Thế nhưng, cũng phải đến năm 1653 thì mới cho tiến hành một đợt dựng bia tiến sĩ lớn nhất tại Văn Miếu, gồm có 25 tấm bia cho các khoa thi từ năm 1554 đến 1652. Năm 1717, đợt dựng bia lớn thứ hai dưới triều đại nhà Lê Trung Hưng được tổ chức, bao gồm 21 bia tiến sĩ cho các khoa thi từ năm 1656 đến 1712. Với hai đợt dựng bia tiến sĩ lớn và sau đó là các lần dựng bia ngay sau mỗi khoa thi, đến năm 1779, nhà Lê Trung Hưng đã cho dựng phần lớn bia tiến sĩ trong tổng số bia ở Văn Miếu (68/82).

Sang triều đại nhà Tây Sơn (1788 - 1802) và nhà Nguyễn (1802 - 1945), kinh đô được chuyển vào Phú Xuân (Huế) nên bia tiến sĩ không còn được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nữa. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Huế từ khoa thi năm 1822. Cũng trong thời điểm này, tại phố Hiến - Hưng Yên, khu di tích Văn Miếu - Xích Đằng - phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên được khởi dựng với khuôn viên khiêm tốn nhưng lại mang một ý nghĩa lịch sử, văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, to lớn. “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”, người xưa đã đúc kết như vậy khi nói về một vùng đất giàu truyền thống văn hiến này.
          
 Tác giả Bùi Phụng trong cuốn từ điển Việt - Anh có dịch hai chữ “Văn Miếu” sang tiếng Anh là: The Temple of Literature và theo tiếng Pháp: le Temple de la Littérature.

Theo các tư liệu bản dịch từ tiếng Trung Quốc thì những nghĩa liên quan đến Văn Miếu là “cái nhà thời xưa dùng để thờ cúng thần vị tổ tiên”; Văn Miếu là nơi đặt Miếu thờ Khổng Tử.

Khổng Miếu: a temple to Confucius (Khổng Miếu: miếu thờ Khổng Tử). Từ nguyên (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1998, tr. 737) ghi: “Văn Miếu: miếu thờ Khổng Tử. Đời Đường, niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ hai mươi bảy [739] phong Khổng Tử làm Văn Tuyên Vương, gọi Khổng Miếu là Văn Tuyên Vương Miếu. Từ đời Nguyên - Minh về sau, thường gọi là Văn Miếu”. Từ hải (Hạ Chính Nông chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989, tr. 1732) ghi: “Văn Miếu: Tên gọi khác của Khổng Miếu; Khổng Miếu là Văn Tuyên Vương Miếu, từ đời Minh về sau gọi Khổng Miếu là Văn Miếu để đối ứng với Vũ Miếu (miếu thờ Quan Vũ, Nhạc Phi)”. Thời Minh - Thanh gọi miếu thờ Quan Vũ là Vũ Miếu (hai chữ Vũ viết mặt chữ Hán khác nhau, Vũ trong Quan Vũ nghĩa là cái lông, Vũ trong Vũ Miếu nghĩa là võ nghệ), đến thời Dân Quốc phối thờ Quan Vũ và Nhạc Phi chung một miếu, vẫn gọi là Vũ Miếu. Chữ “Confucius”, vốn xuất phát từ âm đọc ba chữ Hán “Khổng phu tử” (Thầy Khổng), âm tiếng phổ thông hiện đại ngày nay đọc là /Kongfuzi/ ghi theo lối pinyin (cách chú âm chữ Hán bằng mẫu tự Latin, được chính thức sử dụng từ năm 1958 tại Trung Quốc, ở đây không ghi thanh điệu), được đọc na ná như “k’ủng-phu-chử” trong tiếng Việt (với âm /k’/ bật hơi).

Người phương Tây do không thể có hệ thống ngữ âm tương ứng tuyệt đối để biểu đạt ba âm tiết ấy, nên họ đã “Tây hóa” nó qua cách ghi “Con - fu - cius” (như trong Anh ngữ), nghĩa là Khổng Tử. Rồi từ đó, căn cứ theo các phương thức tạo từ mới, một loạt từ mới xuất hiện: Confucianism (Nho giáo, Khổng học, Khổng giáo, đạo Khổng, đạo Nho); Confucian hoặc Confucianist (Nho gia, nhà Nho, người theo đạo Khổng; thuộc về đạo Khổng/Nho); Neo-confucianism: tân Khổng giáo, tân Nho giáo. Tiếng Pháp cũng có những từ tương ứng: Confucius, Confucianisme, Confucianiste, Néoconfucianisme.

Nội hàm của chữ “Văn” theo Hán tự bao hàm nghĩa rộng hơn hẳn so với các từ “Literature” và “Littérature” trong tiếng Anh và tiếng Pháp vốn chỉ mang những nghĩa hẹp: văn chương, văn học, văn giới, tư liệu (tham khảo), ấn phẩm, nhạc tập, học vấn... Văn bia: inseription (văn bia Việt Nam: Vietnamese stele inscriptions).

Trên cơ sở các lý giải thuật ngữ trên, chúng tôi cho rằng, Văn Miếu nên hiểu một cách đơn giản như sau: Miếu là nơi (nhà thờ) cúng thần vị tổ tông, hoặc thần phật, hay danh nhân lịch sử. Khổng Tử là một “thánh nhân” (theo lối gọi của nhà Nho truyền thống), một danh nhân lịch sử, một nhân vật tối quan trọng đối với văn hóa truyền thống Trung Hoa, thậm chí cả với các nước khu vực “đồng văn”. Vì vậy, ông hoàn toàn xứng đáng được đưa vào thờ phụng trong miếu nhằm biểu chương cái đạo của “thánh nhân”.

Văn Miếu Xích Đằng hay còn gọi là Văn Miếu Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể di tích phố Hiến. Văn Miếu Xích Đằng là văn miếu thuộc hàng tỉnh, được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng và được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Minh Mạng thứ 20 (Kỉ Hợi - 1839) trên nền của chùa làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Dấu tích còn lại đến ngày nay là hai tháp đá: Phương Trượng tháp và Tịnh Mãn tháp. Hiện tại Văn Miếu đang thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và các chư hiền của Nho gia. Cùng thờ với Khổng Tử và Mạnh Tử là Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Quí Đôn.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Miếu Xích Đằng là cơ sở hoạt động bí mật của Trung ương, xứ ủy Bắc kỳ, tỉnh ủy Hưng Yên. Năm 1992, Văn Miếu Hưng Yên được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử.

Mặt tiền Văn Miếu Xích Đằng quay hướng Nam, nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn Miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng hai dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy này hiện nay được dùng để trưng bày các hình ảnh và hiện vật liên quan đến giáo dục của tỉnh Hưng Yên.

Khu nội tự có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn. Toàn bộ khu nội tự Văn Miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột đều được sơn thếp phủ hoàn kim. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu "Trùng thiềm điệp ốc".

Hiện vật còn lại của Văn Miếu Xích Đằng hiện nay là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên. Có 138 vị đỗ đại khoa được ghi khắc vào bia từ thời Trần đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng khoa cử nho học, trong đó có 21 vị nay thuộc địa phận tỉnh Thái Bình (phủ Tiên Hưng trước kia thuộc Hưng Yên, nay thuộc Thái Bình). Học vị cao nhất là Trạng nguyên Tống Trân, người thôn An Cầu, huyện Phủ Cừ, đời Trần; Trạng nguyên Nguyễn Kỳ người xã Bình Dân, huyện Khoái Châu, triều Mạc. Chức vụ cao nhất là Lê Như Hổ, quận công triều Mạc.

Trang trí bia đá nơi Văn Miếu Xích Đằng được thể hiện với những mảng chạm họa tiết đơn giản, các hoa văn diềm bia có các chi tiết thoáng. Chủ yếu vẫn là họa tiết mây lá cách điệu.

Bia số 1: Trán bia được chạm khắc tinh xảo là rõ nét nhất so với các bia khác. Mặt trời được chạm khắc ở trung tâm trán bia dạng hình xoắn ốc, phần trên mặt trời chạm khắc hình lá đề trên cơ sở lá sen tạo đảo ngược chiều. Bia đá này nhỏ hơn so với bia 2 và bia 4 nhưng có điểm chung trang trí vân mây đi lên, diềm bia cả mặt trước và mặt sau đều không có họa tiết trang trí.
 
 
Bia số 2: Mặt trời ở trung tâm nhưng có hình xoắn ốc. Vân mây chạm khắc với hướng đi lên và tản dải sang ngang. Diềm bia có hình vân đá tự nhiên.
 

Bia số 3: Mặt trời ở trung tâm trên trán bia, xung quanh có vân mây đi lên. Diềm bia không trang trí họa tiết tiết giống bia 7. Đằng sau không trang trí họa tiết.
 

Bia số 4: Mặt trời hình tròn, hoa tiết trang trí vân mây, diềm bia trang trí hoa lá cách điệu. Diềm bia mặt sau: Có trang trí hoa văn, chạm nông. Trán bia: Hoa văn mờ nhạt nhất, diềm bia chạm khắc vân đá tự nhiên.

Bia số 5: Mặt trời hình tròn. Trán bia được chạm khắc với tổ hợp nét cong mềm mại, tạo thành lá đề nhưng to và rộng hơn bia 7. Diềm bia được chạm khắc tỉ mỉ hơn các bia khác. Diềm bia đằng sau được chạm khắc hoa văn cách điệu, giản lược từ những yếu tố giản dị của hoa lá, thảo mộc.
 

Bia số 6:  Chạm khắc giống bia thứ 4

Bia số 7: Mặt trời hình xoắn ốc ngược. Trỏn bia: Trên mặt trời có hình lá sen mảng, kết dạng lá đề, họa tiết trang trí trên bia có chiều hướng nét đi lên, đều đặn, đơn giản.

Bia số 8: Các đường nét bia chạm khắc tỉ mỉ, rõ nét. Vân mây đi lên giống bia 7 nhưng mặt trời to rộng. Diềm bia: chạm khắc hoa nổi lên. Mặt sau diềm bia có trang trí họa tiết.
 

Bia số 9: Bia đá dựng năm 1943: là bia thấp nhất trong số 9 bia đá ở Văn Miếu Xích Đằng, các hoa văn trên bia đá này được chạm khắc tỉ mỉ, cầu kỳ, chạm hình lưỡng long chầu nhật ở trung tâm trán bia.
 

 

Diềm trên trán bia có họa tiết vân mây đi xuống, xung quanh diềm bia được chạm khắc hoa văn to rộng hơn các bia khác. Mặt sau diềm bia có trang trí hoa dây với các dải mềm mại, lặp lại mang tính liên tục.
 
Có thể nói, nếu so với bia Tiến sĩ thành Thăng Long thì bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Xích Đằng có phần khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, là một khu di tích hàng tỉnh, Văn Miếu Xích Đằng đã từ lâu được biết đến, trở thành một công trình nghệ thuật mang vẻ đẹp với những giá trị và sức sống lâu bền trong lòng những người dân Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung. Xưa kia, khi phát hiện 9 tấm bia tiến sĩ, người dân Hưng Yên thấy vị trí của các tấm bia đá nằm rải rác phía sau khuôn viên thờ tự. Ý thức được những giá trị to lớn cả về văn hóa, nghệ thuật và là minh chứng lịch sử của một thời trong triều đại phong kiến tự chủ cuối cùng ở Việt Nam xứ Bắc, người ta đã tập hợp một cách hệ thống 9 bia đá vào khu nội tự Văn Miếu, tạo nên những giá trị mới cho khu di tích phố Hiến trong lòng người dân hôm nay.

Nguồn: spnttw.edu.vn