376 lượt xem

Vì sao cúng cả năm không bằng cúng tháng giêng

Vì sao cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng?

 Tết Nguyên Tiêu chính là ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên, đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Từ xa xưa, trong dân gian Việt Nam đã truyền tụng câu ca: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

 
Nguồn: Sưu tập

Nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu

Về nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Trước sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày Rằm tháng Giêng sẽ ra đồng đốt cây, cỏ, lá khô để diệt sâu bọ.

Tiết Lập xuân, trời ấm, hoa nở, bướm phát triển. Sau đó, theo chu kỳ sinh trưởng của loài bướm, trứng bướm nở ra sâu, lan rộng khắp nơi phá hoại mùa màng. Vì vậy công việc cần thiết của nông dân lúc này là diệt sâu bọ. Trong những ngày đó (sau tiết Lập Xuân), họ sẽ đi ra đồng tập trung rơm rạ, lá khô đốt lên để diệt các loại côn trùng có hại. Yếu tố lửa vẫn duy trì đến ngày nay thể hiện qua tục treo đèn lồng vào ngày này.

Lại có truyền thuyết kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng.

Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong”.

Theo Nho học thì xưa ngày này còn được gọi là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó về sau lễ hội tết Nguyên Tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân.

Lại có ý kiến cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo, vào ngày này chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật... Trăng tròn đầu tiên cho một năm tốt lành Theo Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, sở dĩ người dân hay nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là vì Rằm tháng Giêng là rằm khởi đầu của năm, thích hợp với việc ước nguyện điều lành.

 
Nguồn: Sưu tập

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu cho biết: Rằm tháng Giêng trùng với lễ Thượng Nguyên nên là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Đến ngày này, mọi người thường đi chùa phóng sinh, làm nhiều việc thiện, cúng dường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Ngày Tết Nguyên Tiêu các gia đình thường sắm hai lễ cúng: Lễ cúng Phật và lễ cúng Gia tiên. Cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng Gia tiên vào giờ Ngọ, là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Mâm lễ mặn gồm có: Năm lạng thịt vai luộc Một bát canh măng Một đĩa xào thập cẩm Một đĩa nem Một đĩa rau xào Một đĩa giò Một đĩa xôi gấc Một đĩa hoa quả Các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước).

Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên Tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.

 Những điều nên tránh khi đi lễ chùa

1. Không sắm lễ mặn khi đi lễ chùa. Lễ vật sắm đi chùa không cần quá cầu kỳ, chủ yếu là thành tâm kính lễ, chẳng hạn như hương hoa, trầu cau, hoa quả, xôi chè. Tại nhiều khu vực trong chùa, chỉ được đặt lễ chay. Trong số đó, lễ mặn không được đặt, nhất là ở khu vực Phật điện (chính điện).

2. Lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận đặt ở các khu vực thờ tự khác trong chùa như nơi thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu hay điện thờ khác.

3. Không mang tiền vàng mã, tiền thật dâng cúng tại chùa. Nhiều người quan niệm “trần sao âm vậy” nên khi đến chùa kính lễ vẫn mang theo rất nhiều vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ khi đi lễ chùa. Nếu có mua vàng mã thì cũng chỉ dâng lên Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

4. Bên cạnh đó, các gia đình khi đi lễ chùa cũng tuyệt đối không nên đặt tiền thật ở các hương án chính của điện. Rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.

5. Khi đi lễ chùa, người dân không nên cầu nguyện công danh, tài lộc. Bởi theo quan niệm trong tôn giáo Việt, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho mọi nhà chứ không phù hộ những điều khác.

6. Đi lễ chùa, không nên ăn mặc phản cảm như váy quá ngắn hay mặc quần short, áo xuyên thấu... Mỗi người hãy mặc trang phục kín đáo, gọn gàng và có thể chọn trang phục có cùng tông màu với loại áo tràng các Phật tử thường mặc đi lễ chùa là màu nâu và lam.

7. Đối với Phật tử, khi lễ chùa hãy mặc áo lễ, đặc biệt, khi đến cửa Phật, mọi người đi nhẹ, nói khẽ... thưa gửi với nhà sư nên chắp tay hình búp sen.

8. Khi đến chùa cần chú ý việc đặt lễ và hành lễ theo thứ tự. Đầu tiên là đặt lễ và thắp hương ở ban thờ Đức Ông.

Kế đến, hãy đặt lễ lên hương án của chính điện, sau đó thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường như điện thờ Mẫu, Tứ Phủ.
9. Cuối cùng đến lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu). Sau khi hạ lễ, mọi người hãy đến phòng tiếp khách của ngôi chùa thăm hỏi các vị sư trụ trì và có thể tùy tâm công đức. Tất cả tiền thật đều nên đặt vào hòm công đức chính. Không nên đi "rải" tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào tay tượng…

Nguồn: Báo pháp luật