Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người đồng hành cùng dân tộc!
Thế kỉ XX với bao biến động, nước Việt Nam chuyển mình trong bão táp của Cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất” và các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng chảy lịch sử đó, có con người đã gắn cả cuộc đời mình với mỗi bước thăng trầm của cuộc chiến tranh giải phóng, đồng hành cùng dân tộc, để tên tuổi còn mãi với đất nước, non sông, trường tồn với thời gian
Nguồn: Sưu tầm
Một trong những con người đó là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người Anh hùng của dân tộc Việt Nam, Đại tướng duy nhất trên thế giới mà từ tướng lĩnh đến binh nhì, các thế hệ chiến đấu trong toàn quân và đồng bào, chiến sĩ cả nước đều gọi với cái tên thân mật: “Anh Văn - Anh Cả của quân đội”.
Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử này, nhân dân cả nước hướng về Ba Đình, bảy mươi năm trước, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng với lời thề độc lập vang dội non sông, để nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời...
Bằng tấm lòng thành kính nhất, chúng ta hướng về Đại tướng, Tổng Tư lệnh với sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng. Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, với những trang sử vẻ vang nhất. Bởi ông đã cùng đất nước, cùng dân tộc đồng hành trong cuộc đấu tranh mấy mươi năm không nghỉ để có đất nước ngời sáng hôm nay.
Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng, qua các cuộc chiến tranh, trong những thời khắc lịch sử đặc biệt, hình ảnh ông - vị Thống soái, Tổng Tư lệnh, người chỉ huy mẫu mực, mẫn cán của quân đội, người học trò tận tụy, trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân” luôn tỏa sáng...
Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ. Và Đội đã nhanh chóng xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng hôm nay. Và với ý chí quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, ông đã cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh ra lệnh Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông là người trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu từng bước xây dựng, phát triển, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Sau đó, trên các cương vị của mình, cuộc đời và sự nghiệp quân sự của ông gắn liền với quân đội, với các lực lượng vũ trang nhân dân.
Là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quan trọng trong hai cuộc chiến tranh đó.
Tháng 12/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, ông ngày đêm cùng Bộ Tổng chỉ huy và đặc biệt là Mặt trận Hà Nội, khẩn trương chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô.
Trong đêm 19/12 năm ấy, cùng với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ông đã ra mệnh lệnh lịch sử cho các liên khu, thể hiện ý chí quyết tâm giữ gìn và bảo vệ đất nước: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc và dân quân tự vệ Trung – Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước. Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Tiêu diệt bọn thực dân Pháp…”.
Và trong 60 ngày đêm Hà Nội khói lửa ngút trời, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông đã sát cánh cùng cơ quan chỉ huy theo dõi từng trận đánh ở Pháo Đài Láng, Bắc Bộ Phủ, chợ Đồng Xuân và kịp thời ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội khi đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm trong lòng địch, tiêu biểu cho chí khí anh hùng của một quân đội còn non trẻ, của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ, hiên ngang chống lại một quân đội đế quốc hùng mạnh…
Ngày 7/5/1954, dân tộc ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ oai hùng. Để cùng với toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng vĩ đại đó, vị Tổng Tư lệnh đã cùng Bộ Thống soái trải qua cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt để quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch, được coi là quyết định to lớn và “khó khăn” nhất cuộc đời ông.
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc Việt Nam có thể tự hào đã góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tên tuổi của ông gắn liền với dân tộc Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do trên thế giới.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam, nửa nước còn chìm đắm trong đau thương, con đường cách mạng tiếp tục từng phút, từng giờ. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại đồng hành cùng dân tộc với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và với ý chí quyết tâm, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, dân tộc ta đã vùng lên từ Đồng khởi Bến Tre đến Vạn Tường, Ấp Bắc, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ…
Tháng 12/1972, trong bước đường cùng, Mỹ đưa B-52 đánh phá Hà Nội - Thủ đô yêu quý của chúng ta. Trong thời khắc lịch sử đó, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn có mặt tại vị trí chỉ huy của mình trong Tổng hành dinh, cùng cơ quan tham mưu toàn quân đấu trí với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ để làm nên một Điện Biên Phủ thứ hai trong chiến tranh Việt Nam, “Điện Biên Phủ trên không”, hạ gục máy bay B-52 Mỹ, đánh gục ý chí của giới quân sự Mỹ muốn ta phải cúi đầu chấp nhận những điều kiện bất lợi theo ý đồ của chúng. Từ chiến thắng này, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Và mùa Xuân năm 1975, thời khắc lịch sử đã đến, từ Tổng Hành dinh giữa Thủ đô Hà Nội, bức điện “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang tiến vào chiến trường. Bức điện được “truyền đạt tức khắc đến toàn thể đảng viên, chiến sĩ” trên các mặt trận như một lời hiệu triệu có sức lay động ghê gớm. Ngày toàn thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, của ý chí cách mạng Việt Nam được cả thế giới ngưỡng mộ. Ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ đời đời ghi nhớ, học tập; vị tướng huyền thoại của Việt Nam, một trong những nhà quân sự tài giỏi nhất, nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân nhưng rất đỗi bình dị, khiêm tốn trong đời thường.
Suy ngẫm về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ông khẳng định: Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỉ XX. Thiên anh hùng ca thắng Pháp, thắng Mỹ vang vọng mãi non sông đất nước ta, trên khắp các châu lục. Vinh quang đời đời thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tổ quốc Việt Nam ghi công các anh hùng liệt sĩ, những người con yêu quý xả thân vì dân, vì nước, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Lịch sử ghi nhận công đầu thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chiến lược thiên tài, nhà văn hoá kiệt xuất, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người đồng hành, suốt đời hy sinh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, còn mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ, còn mãi với đồng bào, đồng chí, với quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng. Mong rằng bài viết này chỉ là giọt nước trong đại dương tình cảm mênh mông mà nhân dân dành cho Người trong những ngày Tháng Tám lịch sử này...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp “in dấu” hai mùa đông Hà Nội
Trong cuộc đời cầm quân, qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hai lần và cũng là hai mùa Đông, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đứng trước thời khắc lịch sử cam go, trước vận mệnh sống còn của Tổ quốc
Mùa Đông năm 1946, sau hơn một năm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.
Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp ngày đêm sát cánh cùng Bộ Tổng Chỉ huy, Bộ Tổng Tham mưu và đặc biệt là Mặt trận Hà Nội, nỗ lực chuẩn bị mọi mặt cho Thủ đô và toàn quốc bước vào kháng chiến.
“Giờ chiến đấu đã đến”
Đứng trước thử thách đầy cam go này, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo, chỉ huy quân - dân cả nước xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phá đường, phá cầu, ngăn sông, chặn bước tiến quân của địch; chỉ đạo quân, dân Thủ đô xây dựng kế hoạch tác chiến theo chiến thuật “cài then cửa”, đánh du kích trong thành phố với phương thức khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, kết hợp phục kích của tổ, đội với bắn tỉa của từng cá nhân, kết hợp trong đánh, ngoài vây, kết hợp tiến công với phòng ngự, tiêu hao địch, ngăn chặn không cho chúng đánh rộng ra vùng ngoại ô.
Và theo cách đánh đó, quân - dân Thủ đô Hà Nội đã giam chân địch trong thành phố dài ngày, tạo điều kiện cho cả nước chủ động, tích cực, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ hy sinh và đi đến toàn thắng.
Trong đêm 19 tháng 12 năm ấy, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã gửi cho các liên khu, các đơn vị, các địa phương toàn quốc, trong đó có quân - dân Hà Nội, bức điện lịch sử, thể hiện ý chí quyết tâm giữ gìn và bảo vệ đất nước: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc và dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước. Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng! Tiêu diệt bọn thực dân Pháp. Quyết chiến! ”...
Theo lời hiệu triệu đó, cả dân tộc đã vùng lên, “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ... Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Trong 60 ngày đêm Hà Nội khói lửa ngút trời, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã sát cánh cùng cơ quan chỉ huy theo dõi từng trận đánh của Vệ quốc đoàn ở Pháo đài Láng, Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân và kịp thời ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội khi đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm trong lòng địch, tiêu biểu cho chí khí anh hùng của một quân đội còn non trẻ, của một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ, hiên ngang chống lại một quân đội đế quốc hùng mạnh…
Tổng hợp: SGT Group
Còn nữa