Ý nghĩa và sự mầu nhiệm của xá lợi
Trong kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Xá lợi là sự kết tinh công phu tu tập từ Giới - Định - Tuệ, rất khó được, là phước điền tối thượng”. Với ý nghĩa này, chúng ta biết rằng được có nhân duyên lễ bái, đảnh lễ và chiêm ngưỡng xá lợi là một phước đức lớn lao.
Theo sử thuyết cho chúng ta biết rằng, khi Đức Phật nhập diệt sau lễ trà tỳ, Ngài có rất nhiều xá lợi và tất cả xá lợi đó được tôn trí trong 8 bình lớn rồi phân chia cho 7 nước láng giềng, những quốc gia đã có dấu chân Ngài đi qua, bây giờ là Ấn Độ và Népal để các nước ấy tôn thờ.
Có thuyết còn nói rằng không những ở cõi người mà cả cõi trời, long cung cũng được chia xá lợi của Phật. Đến thời vua A Dục, một vị vua Phật tử thuần thành đã cho khai quật 7 ngôi tháp thờ xá lợi của 7 nước lân bang, lấy xá lợi đựng vào 84.000 hộp nhỏ, rồi cho xây dựng 84.000 bảo tháp để cúng dường.
Xá lợi, tiếng phạn là Sarira có nghĩa là tử thi, di cốt, được dịch là thân thể, thân cốt, di thân. Và được hiểu thông thường là di cốt của Đức Phật.
Nguồn: Sưu tập
Vậy xá lợi là gì?
Xá lợi, tiếng phạn là Sarira có nghĩa là tử thi, di cốt, được dịch là thân thể, thân cốt, di thân. Và được hiểu thông thường là di cốt của Đức Phật. Tuy nhiên, về sau ý nghĩa này lại ám chỉ cho di cốt của các bậc thánh tăng, cao tăng khi viên tịch được tìm thấy sau khi hỏa thiêu.
Dựa vào sự phân loại di cốt đó, chúng ta thấy có 3 loại xá lợi, được ghi chép trong Pháp Uyển Châu Lâm: “Xá lợi xương, xá lợi tóc và xá lợi thịt. Xá lợi xương có màu trắng, xá lợi tóc có màu đen và xá lợi thịt có màu đỏ”. Trong kinh Dục Phật Công Đức nói thêm xá lợi được chia làm hai loại: Sinh thân xá lợi và Pháp thân xá lợi. Sinh thân còn gọi là thân cốt xá lợi tức là di cốt của Phật. Pháp thân xá lợi còn gọi là pháp tụng xá lợi nghĩa là chỉ cho giáo pháp và giới luật của Đức Phật còn lưu truyền.
Mặt khác, khi nói đến xá lợi chúng ta thường lầm tưởng với những vật chất vô tri, bất động không có gì hấp dẫn chẳng hạn như áo quần, xương cốt hoặc các mảnh răng cỏ. Sự thật xá lợi không phải thế. Khi một cao tăng viên tịch và được hỏa thiêu, người ta thấy trong tro cốt của quý Ngài có những hạt lóng lánh giống như hạt châu. Người Tây Tạng gọi những hạt châu ấy là Ringel. Ringsel rất đặc biệt vì chúng chứa đựng bản chất của vị cao tăng đắc đạo. Sự thuần khiết của bản thể các Ngài xuất hiện dưới hình thức xá lợi.
Ánh hào quang phát ra từ xá lợi Phật ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay ảnh hưởng khá lớn đến đời sống tâm linh của con người và cũng là một minh chứng khác trong đời sống tu tập của người Phật tử.
Nguồn: Sưu tập
Xá lợi từ đâu mà có?
Trong kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Xá lợi là sự kết tinh công phu tu tập từ Giới - Định - Tuệ, rất khó được, là phước điền tối thượng”. Với ý nghĩa này, chúng ta biết rằng được có nhân duyên lễ bái, đảnh lễ và chiêm ngưỡng xá lợi là một phước đức lớn lao. Xá lợi đem đến cho người chiêm bái một cơ hội được gần Phật và Bồ Tát về phương diện tâm linh. Các Ngài có chủ ý lưu lại xá lợi để chúng ta có cơ duyên tạo hạnh phúc cho chúng ta.
Hiện nay, trong nước cũng như ngoài nước có rất nhiều Phật tử Việt Nam đủ điều kiện, đủ duyên lành dành nhiều thời gian trở về xứ Phật - Ấn Độ và những nước có bảo tháp thờ xá lợi Phật và Thánh tăng để chiêm ngưỡng và lễ bái, gieo những thiện căn lớn với toàn thân Đức Phật như ở Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản ...Những nơi có tôn trí xá lợi và ở đó xá lợi được xếp hạng là quốc bảo, vật vô giá được bảo tồn và gìn giữ hết sức cẩn thận.
Đặc biệt, hiện nay chúng ta được biết có cuộc triển lãm lưu động xá lợi khắp nơi trên thế giới, đi qua nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ, châu Úc, châu Á kể từ tháng 3 năm 2001 cho đến nay đang triển lãm các nước ở châu Âu và vẫn còn đang tiếp tục thay vì theo truyền thống xá lợi được an trí trong bảo tháp, trong tượng Phật hay trong bảo tàng được sự quản lý của nhà nước. Bộ sưu tập xá lợi vô cùng quý hiếm gồm hơn 1.000 viên xá lợi của Đức Thế Tôn, các đệ tử của Ngài và nhiều thánh tăng như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan, Nagarjuna, các vị thánh Tăng Tây Tạng như Ngài Yeshe Tsogyel, Lama Atisha, Milarepa, Lama Tsongkhapa, ngài Karmapa đệ nhất, Geshe Lama Konchog...Xá lợi được tìm thấy trong tro cốt sau khi lễ hỏa táng của các đại sư và tương truyền là kết quả hiển nhiên sự đắc đạo của các Ngài. Trong số này có nhiều xá lợi được bí mật lấy đi từ những ngôi tháp, những pho tượng bị phá hủy ở Tây Tạng, bộ sưu tập xá lợi này là sở hữu của Lama Zopa Rinpoche, một đại sư Tây Tạng tu ở California.
“Xá lợi là sự kết tinh công phu tu tập từ Giới - Định - Tuệ, rất khó được, là phước điền tối thượng”.
Nguồn: Sưu tập
Hạnh nguyện của Lama Zopa Rinpoche là ước mong mọi người trên thế gian này có cơ hội trực tiếp hưởng được sự an lạc do oai lực của xá lợi tạo nên. Thay vì chết bất động, những xá lợi này phát ra một năng lực từ bi phi thường. Có rất nhiều người sau khi thấy và đảnh lễ xá lợi tuyên bố cảm thấy tinh thần phấn khởi và khỏi bệnh hẳn. Một số khác phát tâm cầu nguyện cho thế giới an lạc và dốc lòng tu hành và cho tình thương nảy nở trong tâm hồn mọi người. Cũng có nhiều người sau khi chiêm bái xá lợi cảm thấy tình thương yêu chúng sanh đột nhiên rộng mở và trực tiếp kinh nghiệm ân lành của chư Phật và được tiếp xúc với thần lực của chư Phật và Bồ-tát. Trong suốt cuộc triển lãm lưu động ngọc xá lợi này, Lama Zopa Rinpoche nói đã có rất nhiều người được tiếp xúc trực tiếp với năng lực Từ bi phi thường phát ra từ các xá lợi. Chúng ta cảm thấy trí tuệ phát triển, nhờ sự giao tiếp với một uy lực dịu dàng.
Khi đi chung quanh, tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo có thể chiêm ngưỡng, lễ bái xá lợi theo cung cách riêng thích hợp nhất của mình, tuy nhiên Lama Zopa Rinpoche chỉ yêu cầu mọi người tỏ lòng kính trọng và thật sự quan tâm khi chiêm bái xá lợi. Các xá lợi được đặt ở trong nhiều tủ kính quanh một ngôi tượng Phật Di Lặc lớn.
Tại sao xá lợi được đặt xung quanh một pho tượng Di Lặc lớn?
Di Lặc xuất xứ từ phạn ngữ “Maitri” có nghĩa là Từ bi. Tượng Di Lặc này là biểu tượng của một công trình vĩ đại gọi là Dự án Di Lặc được thiết lập tại vùng Koshinagar, Bắc Ấn Độ. Tượng Phật Di Lặc tuyệt đẹp bằng đồng cao 152m, bên trong ngai bệ của pho tượng sẽ gồm nhiều thiền tự, phòng triển lãm, viện bảo tàng, thư viện, hí viện và nhiều cơ sở khác. Tất cả được an trí trong công viên thiết kế rất mỹ quan, tất cả là một tập hợp phong phú của mỹ thuật Phật giáo. Dự án này được thiết kế một cách hoàn hảo có thể tồn tại ít nhất một thiên niên kỷ để phụng sự nguồn tâm linh trong thời gian ấy.
Pho tượng Phật Di Lặc sẽ là một biểu tượng rất quan trọng cho thế giới trong thế kỷ 21 thể hiện tình thương và lòng nhân ái của con người. Mục đích xây dựng tượng Di Lặc là đem lại lợi ích tâm linh vĩnh viễn cho tất cả mọi người, tạo cho khách tham quan và Phật tử và các tôn giáo khác có một ấn tượng tâm linh sâu xa khó quên trong suốt cuộc đời sau khi viếng thăm hoặc thấy trên truyền hình.
Lama Zopa Rinpoche đã nói: “Muốn có tự do phải thực hành hạnh từ bi”. Mục đích của chúng tôi không phải để xây dựng một pho tượng mà dùng pho tượng như là một phương cách phát triển tình thương của con người. Khi chúng ta thấy tượng Ngài thì chúng ta sẽ suy ngẫm thế nào là lòng từ bi và do đó chúng ta sẽ nhớ tới bản chất thuần khiết của chúng ta. Và chúng ta sẽ ý thức được tình thương quan trọng như thế nào. Chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc bằng cách chuyển hóa tâm ý của chính mỗi người, khi tìm được an bình cho tâm hồn thì sẽ tạo được an bình cho người chung quanh, cho xã hội và sau cùng cho thế giới. Sự giải thoát bên trong sẽ tạo ra sự giải thoát bên ngoài. Khi dự án Di Lặc được hoàn tất thì tất cả bộ sưu tập Xá lợi này được vĩnh viễn an trí trong đó.
Ánh hào quang phát ra từ xá lợi Phật ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay ảnh hưởng khá lớn đến đời sống tâm linh của con người và cũng là một minh chứng khác trong đời sống tu tập của người Phật tử.
Nguồn: Reliques.org