33 tầng Trời trong Phật giáo là những gì
33 tầng Trời trong Phật giáo là khái niệm thường hay bị người ta hiểu lầm nhất, đa phần cứ tưởng rằng: Tính từ dưới đất lên thì cõi Trời chỉ có 33 tầng.
Sự thật thì 33 tầng Trời trong Phật giáo là chỉ cho cõi trời Đao Lợi Thiên, còn gọi là “Tam thập tam thiên”. Vị trí của tầng trời này nằm trên đỉnh núi Tu Di. Giữa trung tâm của Cõi trời này là Thành Diệu Kiến, nơi cư trú của vị Đế Thích. Tám phương xung quanh thành Diệu-Kiến có 32 thiên-xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên-xứ nầy với trung đô của Đế-thích, hợp lại 33 thiên-xứ, nên gọi là Tam-thập-tam-thiên. Nếu tính từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao-lợi thì khoảng cách là 84.000 do-tuần.
33 tầng Trời trong Phật giáo – Ảnh minh họa.
Có bao nhiêu Tầng Trời
Rốt cuộc thì có bao nhiêu tầng trời? Để tiện cho người học Phật sơ cơ nắm được căn bản thì theo Kinh dạy: Có tất cả 32 cảnh Trời, tính từ thấp đến cao như sau:
Cõi Dục giới: Có 6 cảnh Trời
Kể từ bên dưới tầng đất nước của thế gian trở lên cho đến cảnh trời Tha hóa tự tại đều gọi chung là cõi Dục, vì chúng sinh trong cõi này đều có tham dục. Từ dưới đếm lên có cả thảy sáu cảnh trời tuần tự kể ra như sau:
- Cảnh trời Tứ vương (Tứ vương thiên). Do bốn vị Đại thiên vương phân chia cai quản bốn Đại bộ châu, mỗi châu rộng 42.000 do-tuần. Cung điện cư trú của mỗi vị đều nằm trong phạm vi của một mặt trời, một mặt trăng.
- Cảnh trời Đao-lợi (Đao-lợi thiên). Tiếng Phạn Trāyastrṃśa, dịch âm là Đao-lợi, nghĩa là ba mươi ba, nên cũng gọi là Cảnh trời 33 (Tam thập tam thiên). Giữa trung tâm là nơi cư trú của vị Đế Thích, tám phương chung quanh,1 mỗi phương đều có bốn vị Đại thần phụ giúp, hợp thành đủ số 33 nên có tên gọi như vậy, không phải là từ dưới lên trên có 33 tầng trời.
- Cảnh trời Dạ-ma (Dạ-ma thiên). Từ cảnh trời này trở lên, những người tu tiên không hề biết đến, nên các sách của Đạo gia không nhắc đến các tên này.
- Cảnh trời Đâu-suất (Đâu-suất thiên).
- Cảnh trời Hóa Lạc (Hóa Lạc thiên).
- Cảnh trời Tha Hóa Tự Tại (Tha Hóa Tự Tại thiên).
Sáu cảnh trời này, trải qua thời gian mỗi một kiếp rồi đều sẽ bị nạn lửa hủy hoại. Trong thời gian tồn tại thì thọ mạng dài ngắn cho đến cung điện thành ấp như thế nào, hình thể, y phục nặng nhẹ ra sao, đều có ghi rõ trong Đại tạng kinh, ở đây không thể kể ra hết.
Cõi Sắc giới: Có 18 cảnh Trời
Bên trên cõi Dục có cõi Sắc. Gọi tên như vậy vì chúng sinh trong cõi này chỉ có thân thể mang hình sắc nhưng không có ái dục nam nữ. Từ dưới tính lên có cả thảy là 18 cảnh trời, tuần tự kể ra như sau:
1. Cảnh trời Phạm Chúng (Phạm Chúng thiên)
2. Cảnh trời Phạm Phụ (Phạm Phụ thiên)
3. Cảnh trời Đại Phạm (Đại Phạm thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Sơ thiền (Sơ thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian một kiếp cũng đều bị nạn lửa hủy hoại.
4. Cảnh trời Thiểu Quang (Thiểu Quang thiên)
5. Cảnh trời Vô Lượng Quang (Vô Lượng Quang thiên)
6. Cảnh trời Quang Âm (Quang Âm thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Nhị thiền (Nhị thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian bảy kiếp đều sẽ bị nạn lụt lớn hủy hoại.
7. Cảnh trời Thiểu Tịnh (Thiểu Tịnh thiên)
8. Cảnh trời Vô Lượng Tịnh (Vô Lượng Tịnh thiên)
9. Cảnh trời Biến Tịnh (Biến Tịnh thiên)
Ba cảnh trời này đều gọi chung là các cảnh trời Tam thiền (Tam thiền thiên). Mỗi cảnh trời này sau khi trải qua thời gian 64 kiếp đều sẽ bị nạn gió bão hủy hoại.
10. Cảnh trời Phước Sanh (Phước Sanh thiên)
11. Cảnh trời Phước Ái (Phước Ái thiên)
12. Cảnh trời Quảng Quả (Quảng Quả thiên)
13. Cảnh trời Vô Tưởng (Vô Tưởng thiên)
Bốn cảnh trời này, cho đến cảnh trời Sắc Cứu Cánh sẽ nói bên dưới, cộng chung là 9 cảnh trời, đều gọi chung là các cảnh trời Tứ thiền (Tứ thiền thiên), không còn bị các nạn lửa, nước và gió (gọi chung là tam tai) làm hại được nữa.
14. Cảnh trời Vô Phiền (Vô Phiền thiên)
15. Cảnh trời Vô Nhiệt (Vô Nhiệt thiên)
16. Cảnh trời Thiện Kiến (Thiện Kiến thiên)
17. Cảnh trời Thiện Hiện (Thiện Hiện thiên)
18. Cảnh trời Sắc Cứu Cánh (Sắc Cứu Cánh thiên)
Năm cảnh trời này cũng được gọi chung là năm cảnh trời Bất Hoàn (Ngũ Bất Hoàn thiên).
Cả 18 cảnh trời như trên, chư thiên ở đó đều tu tập Phạm hạnh thanh tịnh cùng các pháp thiền định phước lạc, chỉ là mức độ nhiều ít, sâu cạn không giống nhau.
Cõi Vô Sắc giới: Có 4 cảnh Trời
Bên trên cõi Sắc lại có bốn cảnh trời.
1. Cảnh trời Không Vô Biên Xứ.
2. Cảnh trời Thức Vô Biên Xứ
3. Cảnh trời Vô Sở Hữu Xứ
4.Cảnh trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Chư thiên ở các cảnh trời này chỉ thọ hưởng kết quả do tu các pháp thiền định vô sắc, không còn nghiệp quả có hình sắc, nên gọi chung là cõi Vô Sắc.
Cảnh trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng là cao nhất trong Ba cõi, chư thiên ở đó có tuổi thọ đến 84.000 đại kiếp, nhưng thảy đều chưa thấu rõ được chân tâm sáng suốt mầu nhiệm, nên một khi phước trời đã hết vẫn phải trở lại lưu chuyển trong luân hồi. Nếu nhìn từ góc độ nhà Phật thì đó vẫn là hàng phàm phu chưa giải thoát ra khỏi thế gian.
33 tầng Trời trong Phật giáo: Trời Tam Thập Tam Thiên
Như đã nói ở đầu 33 tầng Trời trong Phật giáo chính là chỉ cho cõi Trời Đao Lợi, hay còn gọi là Tam thập tam thiên. Giữa trung tâm là nơi cư trú của vị Đế Thích, tám phương chung quanh,1 mỗi phương đều có bốn vị Đại thần phụ giúp, hợp thành đủ số 33 nên có tên gọi như vậy, không phải là từ dưới lên trên có 33 tầng trời. Trên đảnh núi Tu-Di là xứ sở của trời Đao-Lợi. Nơi đây địa thế rộng rãi tốt đẹp. Ở bốn góc trên đảnh núi Tu-Di có bốn tòa núi nhỏ, bề cao và rộng đều 500 do-tuần, có thần Dược-Xoa tên là Kim-Cương-Thủ trụ nơi đây để tuần thị và hộ vệ chư thiên.
Chính giữa đảnh Tu-Di có khu thành rộng lớn, bề chu vi 10.000 do-tuần, tên là Diệu-Kiến (Thiện-Kiến, Hỉ-Kiến), có 1.000 cửa. Giữa khu thành nầy lại có một tòa thành quách chu vi rộng 1.000 do-tuần, cao một do-tuần rưỡi, toàn bằng chơn kim, có 500 cửa. Đất nơi đây cũng bằng chất chơn kim nhu nhuyễn như nệm, khi bước đi tự nhiên êm dịu không làm tổn chân. Chỗ nầy là thành đô của trời Đế-Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo.
Điện của trời Đế-Thích ở tên là Tỳ-Thiền-Diên, xung quanh có 101 tòa lâu các gồm 10.770 phòng, mỗi phòng có bảy thiên-nữ, mỗi thiên-nữ có bảy thể nữ hầu hạ. Các thiên-nữ đó đều là chánh phi của trời Đế-Thích. Đế-thích ở chung với Xá-Chỉ-Ngọc-Nữ, hóa thân của ông ở với các bà phi.
33 tầng Trời trong Phật giáo: Đại lược về Thiên chúng Đao Lợi Thiên
Khoảng giữa thành Diệu-Kiến và Tỳ-Thiền-Diên có bảy khu thị tứ là: Mễ-Cốc, Ẩm-Thực, Y-Phục, Chúng-Hương, Hý-Nữ, Công-Xảo, Hoa-Man. Tại bảy nơi đây đều có thị quan. Các thiên-tử, thiên-nữ khi đến du ngoạn, cũng bình luận món nầy món khác là đắt hay rẻ, y như cách thức mậu dịch, nhưng không ai bán cũng chẳng ai mua, thỉnh thoảng vị nào muốn cần dùng món gì, có thể tự tiện lấy đem đi. Trong thành Diệu-Kiến lại có thiên châu, thiên huyện, thiên thôn, đầy khắp các nơi.
Xung quanh thành Diệu-Kiến có 32 thiên-xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên-xứ nầy với trung đô của Đế-thích, hợp lại 33 thiên-xứ, nên gọi là Tam-thập-tam-thiên.
Ngoài bốn phía thành Diệu-Kiến, có bốn đại viên uyển; vườn Chúng-Xa ở phương đông, vườn Thô-Sáp ở phương nam, vườn Tạp-Lâm ở phương tây, vườn Hoan-Hỷ ở phương bắc. Khi chư thiên vào vườn Chúng-Xa, tùy nơi phước đức hơn kém, các thứ xe hoặc thắng hoặc liệt đều hiện ra, mỗi vị đều lên ngồi cỗ xe của mình mà dạo chơi. Lúc chư thiên sắp đánh với A-tu-la, liền kéo nhau vào vườn Thô-Sáp, nơi đây các món giáp trượng tự hiện ra.
Cảnh vườn nầy rất tươi đẹp, chư thiên khi vào du ngoạn tranh nhau đi trước, đi sau. Vườn Tạp-Lâm là nơi có nhiều cung điện, rừng cây u nhã. Các thể nữ ở cung Tỳ-Thiền-Diên thường ra đây họp bạn với thiên chúng mà chơi đùa, thọ đủ năm sự dục lạc. Vườn Hoan-Hỷ có một cảnh sắc đặc biệt, chư thiên vào đây đều sanh lòng hớn hở tươi vui. Mỗi khu vườn, bốn góc có bốn hồ Như-Ý. Mỗi hồ chu vi rộng 50 do-tuần, trong ấy dẫy đầy nước Bát-công-đức.
Các thứ hoa trong mỗi hồ tranh nhau đua nở, phô trương vẻ đẹp thần tiên. (Theo các vị A-la-hán sau Phật diệt độ, thì ở bốn khu vườn đều có bảo tháp thờ di tích của Phật. Như ở vườn Chúng-Xa có khu tiểu viên tên là Chiếu-Minh, nơi đây có tháp thờ tóc Phật. Vườn Thô-Sáp có tháp thờ y của Phật. Vườn Tạp-Lâm có tháp thờ bát của Phật. Vườn Hoan-Hỷ có tháp thờ răng của Phật).
Phía đông bắc thành Diệu-Kiến, có cây Ba-lợi-chất-đa (Paricitra – Hương-biến-thọ) cao 100 do-tuần; Tàng rậm cũng 100 do-tuần, như chiếc tán to lớn. Đây là một thắng sở du ngoạn của chư thiên. Cây nầy hoa nở liên miên không dứt, mùi hương thanh nhẹ bay lan rộng xa. Gặp khi thuận gió hơi thơm đầy khắp 100 do-tuần khi nghịch gió cũng được 50 do-tuần.
Phía tây nam thành Diệu-Kiến, có ngôi Thiện-Pháp-Đường. Ngôi điện nầy rất to rộng, có đến 84.000 cây cột. Đây là chỗ chư thiên tập họp để bàn luận về đạo lý, xử đoán các việc phi pháp của A-tu-la, và kiểm soát những điều thiện ác trong thế gian. Khi tập họp, trời Đế-Thích ngồi tòa sư tử ở giữa. Hai bên tả hữu đều có 16 thiên-vương ngồi đối diện nhau. Mỗi Thiên-vương có hai thái-tử, cũng là hai vị đại tướng, ngồi hai bên ở sau mà tùy thị.
Nơi vòng ngoài, Trì-Quốc thiên-vương cùng hàng đại-thần ngồi ở phía Ðông. Tăng-Trưởng thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Nam. Quảng-Mục thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Tây. Đa-Văn thiên-vương cùng tùy thuộc ngồi ở phía Bắc. Tứ-Ðại-Thiên-Vương đem việc thiện ác ở thế gian tâu với trời Đế-Thích. Nếu Thích-Đề-Hoàn-Nhân (Năng-Thiên-Chủ) nghe ở hạ giới không có nhiều kẻ giữ giới, bố thí, thì sanh lòng lo buồn và bảo: “Thiên chúng sẽ lần lần kém ít, các A-tu-la càng ngày lại tăng thêm!”
Nói chung, Tam-thập-tam-thiên có tất cả bảy lớp thành, bảy lớp lan can, bảy lớp linh võng (lưới có treo linh báu). Phía ngoài lại có bảy lớp hàng cây Đa-la bao quanh, nhiều màu sắc xinh đẹp. Mỗi lớp thành có nhiều cửa, ở mỗi cửa cũng có lầu ngăn giặc. Ngoài ra còn những điện các, ao nước, rừng hoa, nhiều thứ chim hòa nhau kêu…Thiên nhạc tự nhiên tấu theo giờ khắc. Màu sắc và ánh sáng của cây cối đều khác nhau.
Nơi đây không có ánh sáng mặt trời mặt trăng, chỉ có quang minh của cung điện, bảo thọ và chư thiên. Khi hoa sen hồng khép lại, hoa sen xanh nở ra, thiên chúng ưa ngủ nghỉ là ban đêm. Lúc hoa sen hồng nở ra, hoa sen xanh khép lại, chư thiên ít ngủ, thích đi dạo chơi là ban ngày. Thiên chúng ở trời. (Phật học tinh yếu)
Giảng giải về 33 tầng Trời trong Phật giáo
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Ðao Lợi” là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “tam thập tam”, tức là chỉ cõi trời Ba Mươi Ba. Như thế, có phải trời Ðao Lợi nằm ở tầng thứ ba mươi ba không? Không phải! Tuy gọi là cõi trời “Ba Mươi Ba”, nhưng đó không phải do đếm từ dưới lên trên theo thứ tự, như tầng trời thứ nhất, tầng trời thứ hai, rồi đến tầng trời thứ ba,… cho tới tầng trời thứ ba mươi ba. Vậy thì như thế nào? Cõi trời Ba Mươi Ba này vốn nằm chính giữa, và ở bốn phía đông tây nam bắc của cõi trời này thì mỗi phía lại có tám cõi trời. Do đó, tổng cộng có ba mươi hai cõi trời phân bố chung quanh cõi trời Ba Mươi Ba.
Thiên chủ của cõi trời Ba Mươi Ba là Ðế Thích. Trong Kinh A Di Ðà có nói đến “Thích Ðề Hoàn Nhân”, tức là vị Ðế Thích này vậy. Ngoài ra, trong Chú Lăng Nghiêm có câu “Nam Mô Nhân Ðà La Da”, thì Nhân Ðà La Da cũng chính là Thiên Chủ Ðế Thích. Ở cõi trời thì Ðế Thích là một vị Thiên Chủ; còn trong Phật Giáo thì Ngài là một vị Hộ Pháp – Ngài chẳng những không được làm chủ mà ngay cả tòa sen để ngồi cũng không có nữa, Ngài chỉ đứng ở ngưỡng cửa mà thôi!
33 tầng Trời trong Phật giáo: Thiên chủ Đế Thích Thiên
Thiên Chủ Ðế Thích cũng chính là đấng “Thượng Ðế Vạn Năng” mà người đời thường xưng tụng. Ðúng vậy, Ðế Thích quả là một “đấng vạn năng” – Ngài cai quản tất cả mọi việc ở cõi trời cũng như ở cõi người. Tuy nhiên, giữa Ngài và người thế gian chúng ta chẳng có gì khác biệt lắm. Vì sao? Vì Ngài vẫn còn tâm dâm dục, và vẫn cần ăn uống, ngủ nghỉ; Có khác chăng là ba thứ dục vọng ấy ở Ngài thì nhẹ và tinh tế, chứ không nặng nề và thô thiển như ở phàm phu chúng ta!
Người thế gian chúng ta chỉ không ăn không uống vài bữa là chịu không nổi; Vài ngày không dâm dục là cảm thấy khó chịu, vài hôm không ngủ nghỉ là thấy uể oải, bạc nhược. Còn Trời Ðế Thích thì một trăm ngày không ăn cũng được; Thậm chí hai trăm ngày, ba trăm ngày, hoặc một năm mới ăn một lần cũng chẳng sao; Suốt năm không ngủ cũng vẫn tỉnh táo như thường, và quanh năm không dâm dục cũng chẳng lấy làm phiền. Tuy nhiên, Ngài vẫn chưa đoạn trừ được dục vọng.
Tuổi thọ của chư thiên ở cõi trời Ðao Lợi là một ngàn năm. Một trăm năm của cõi nhân gian chúng ta chỉ là một ngày một đêm ở cõi trời Ðao Lợi. Vậy, quý vị thử tính xem, so với người thế gian chúng ta thì thọ mạng của chư thiên lâu hơn được bao nhiêu năm?
33 tầng Trời trong Phật giáo: Lược về Dục lạc
Cõi trời Ðao Lợi rộng tám vạn do-tuần; tất cả tường vách của thành trì nơi đây đều được làm bằng bảy thứ báu. Thành trì của Thiên Chủ Ðao Lợi Thiên là Thiện Kiến Thành, rộng sáu vạn do-tuần; và tất cả cung điện đều được xây bằng những vật liệu quý báu nhất. Ðây cũng là lý do khiến Thiên Chủ Ðế Thích sau khi được sanh về đó rồi thì chỉ muốn ở lại làm chúa trời, chứ không muốn “dọn nhà” đi nơi khác! Mọi thứ xung quanh Ðế Thích toàn làm bằng châu báu; ngay cả nhà cửa phòng ốc cũng được kiến tạo bằng những vật liệu vô cùng quý giá.
Vì được sống ở một nơi đẹp đẽ với những cung điện tráng lệ như thế, nên Ðế Thích khó thể dứt bỏ dục tâm. Ngài lấy làm thỏa mãn, an nhiên hưởng thụ phước trời, và cho rằng đó là nơi vui sướng nhất. Chẳng những thế, Ngài còn kêu gọi tất cả chúng sanh hãy sanh về “thiên quốc” – thế giới của Ngài.
Ðối với Ngài, cõi trời Ðao Lợi là một thế giới đầy vui thú; Do đó, ai thích thì cứ đến ở, Ngài sẵn lòng hoan nghênh tất cả. Ngài cho rằng Ngài rất khảng khái, rộng lượng. Vì lúc nào cũng hoan hỷ nghênh đón mọi người đến ở và cùng an hưởng phước lạc của cõi trời với Ngài; Tuy vậy, Ngài không biết rằng sở dĩ bản thân mình chưa thoát khỏi vòng sanh tử là bởi mình còn tham đắm dục lạc!
33 tầng Trời trong Phật giáo: Gieo nhân gì làm Đế Thích
Vì sao Ngài được làm Thiên Chủ? Có phải là trước tiên thì làm Ðịa Chủ (chúa đất), rồi sau đó được thăng chức làm Thiên Chủ (chúa trời)? Hay là phải từ địa vị Ðịa Chủ rồi lên Nhân Chủ (chúa nhân gian), sau đó mới từ Nhân Chủ mà thăng lên làm Thiên Chủ? Không phải! Thế thì nhờ đâu mà Ngài được làm Thiên Chủ?
Vào thời Ðức Phật Ca Diếp, vị chúa trời Ðế Thích này là một người con gái từng phát tâm xây cất ngôi tháp thờ Phật Ca Diếp. Do nhân duyên gì mà cô phát tâm như thế? Thuở ấy, nhân thấy một ngôi miếu đổ nát và mất nóc. Trong miếu có pho tượng Phật đã bị mưa gió làm loang lổ lớp vàng thếp trên mặt, cô cảm thấy rất đau lòng: “Chao ôi! Tượng Phật này đã bị nhện giăng bụi bám, bây giờ lại còn phải chịu cảnh gió táp mưa sa…Tôi thật không đành lòng!”.
Thế là cô ta phát tâm sửa sang ngôi cổ miếu ấy lại cho trang nghiêm. Tuy nhiên, vì không có tiền, cô ta bèn tìm đến bạn bè và những người thân thuộc, nói với họ rằng: “Tôi muốn xây dựng lại ngôi cổ miếu nọ nhưng không có tiền. Chẳng hay quý vị có thể giúp tôi một tay không? Quý vị ai có người thân thì kêu gọi người thân, ai có bạn bè thì kêu gọi bạn bè; chúng ta hãy hợp lực để làm một việc từ thiện, cùng nhau trùng tu ngôi cổ miếu này.”
33 tầng Trời trong Phật giáo: Sự tích về Cung trời Đao Lợi
Bạn bè và bà con quyến thuộc của cô gái này đều hăng hái hưởng ứng: “Ðược, tất cả chúng ta hãy hợp tác để trùng tu ngôi cổ miếu!”. Cô ta tìm được ba mươi hai người có cùng một tâm nguyện với mình, và có lẽ tất cả đều là nữ giới. (Ðiều này không thể kiểm chứng qua lịch sử, cũng chẳng thể tra cứu ở đâu được!) Cho dù có phái nam tham gia thì con số cũng rất ít; vì sao ư? Vì nam giới thường tự cho là mình tài giỏi, không thích việc xây chùa dựng tháp, lại còn bảo rằng họ nhường công việc đó cho phái nữ!
Sau khi cô gái khởi xướng và ba mươi hai người nữ ấy hoàn tất việc trùng tu ngôi cổ miếu. Ngoài ra họ còn cùng nhau cất thêm một bảo tháp nữa. Họ cứ kẻ góp công người góp của, ai nấy đều tùy theo khả năng của mình mà góp phần. Nhờ đó việc xây dựng ngôi bảo tháp cũng được thành tựu viên mãn. Ðến khi thọ mạng của ba mươi ba người này đã hết, tất cả đều được sanh lên cõi trời. Lên trời thì mỗi người một cõi, cho nên ba mươi ba người thì có ba mươi ba cõi trời. Vị Thiên Chủ của cõi trời trung ương Ba Mươi Ba – Ðao Lợi Thiên – là Ðế Thích, tức là cô gái khởi xướng việc trùng tu ngôi cổ miếu thuở trước. Ðó là sự tích của cung trời Ðao Lợi.
Nguồn: kinhnghiemhocphat.com