226 lượt xem

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) - Kỳ 2

PHẦN TIẾP THEO 

“Ông Năm” YERSIN - Nhà bác học, ân nhân vĩ đại của nhân loại

(PLO) -Đi trên con đường Trần Phú uốn lượn ven biển Nha Trang, du khách sẽ thấy Viện Pasteur Nha Trang. Cách đó hơn 20km về hướng Tây Nam là Trại chăn nuôi Suối Dầu - một cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm để nghiên cứu, sản xuất vaccine và các sinh phẩm y tế. Cả hai cơ sở này đều hình thành gần 120 năm và người sáng lập chính là Alexandre Yersin.
 

(Căn nhà lá đồng thời là "phòng thí nghiệm" của Yersin ở Hồng Kông - nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch.). Nguồn: Sưu tập


Từ nuôi ngựa sản xuất huyết thanh

Phòng thí nghiệm thứ nhất ở Đông Dương được Albert Calmette thành lập năm 1890 tại Sài Gòn theo yêu cầu của Toàn quyền Đông Dương, sau đó xây dựng thành Viện Pasteur Sài Gòn do Calmette làm Giám đốc từ năm 1891.

Phòng thí nghiệm thứ hai tại Nha Trang được Yersin xây dựng vào tháng 8/1895, sau đó trở thành Viện Pasteur Nha Trang cũng do ông sáng lập. 

Để có nơi nuôi ngựa và sản xuất huyết thanh chữa bệnh dịch hạch, năm 1896 Yersin xây dựng cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm Suối Dầu - nay là Trại chăn nuôi Suối Dầu ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm.

Thời đó giao thông cách trở, mỗi ngày Yersin cọc cạnh xe đạp hơn một tiếng đồng hồ từ Nha Trang lên Suối Dầu để kiểm tra, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi nhiều loại cây thuốc và động vật, tạo thành một cộng đồng nông nghiệp gắn kết y học.
 


(Một góc Trại chăn nuôi Suối Dầu ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa – tiền thân là cơ sở chăn nuôi súc vật thí nghiệm do Yersin xây dựng năm 1896). Nguồn: Sưu tập
 

Ngoài việc sản xuất huyết thanh phòng trị dịch hạch cho người, Yersin còn nghiên cứu dịch tễ trên gia súc, tạo nền móng cho ngành thú y Việt Nam. Cũng từ đó ông sản xuất nhiều loại vaccine và huyết thanh phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả cho bò, lợn, gà.

Trong năm 1899, Yersin lập thêm phòng thí nghiệm các bệnh trên súc vật và đào tạo chuyên môn về bệnh lý, vệ sinh dịch tễ gia súc cho nhân viên thú y toàn Đông Dương. 

Công sức, trí tuệ của Yersin trên lĩnh vực khoa học thú y đã tạo ra bước ngoặt đổi mới trong ngành chăn nuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, mà Viện Pasteur Nha Trang được coi là “tổ đường” nghề nghiệp.

Những khoản tiền thưởng từ Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, giải thưởng Francois Audiffred của Viện Hàn lâm khoa học, giải thưởng Lasserre của Bộ giáo dục Pháp… Yersin đều dành để mua cây trồng, vật nuôi và chi trả hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang, Trại chăn nuôi Suối Dầu, trong đó có sự đóng góp của E.Roux và A.Calmette.

Đến trồng cây lấy thuốc

Khi hoạt động sản xuất vaccine và huyết thanh tạm ổn, Yersin hoạch định trồng cây tạo nguồn kinh phí, vì Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu do ông sáng lập phải tự chủ tài chính.

Hai loại cây được Yersin du nhập vào Việt Nam là cao su và canh-ki-na, cho dù trước đó vườn thực vật Sài Gòn đã trồng thử nghiệm bất thành năm 1877. Những lần đến Malaysia, Indonesia, Yersin nhìn thấy người Anh, Hà Lan trồng cao su giống Nam Mỹ, tháng 10/1897 ông đưa loài cây này vào Suối Dầu trồng gần 100 ha và đã thu được 1.316 kg mủ khô vào mùa xuân 1905.

Yersin liên lạc với André Michelin - người sáng lập Tập đoàn Michelin chuyên sản xuất lốp ô tô hàng đầu thế giới - và bán mẻ cao su đầu tiên được 2.550 Franc.

Cây cao su mang lại nguồn thu đáng kể khi sản lượng năm 1909 tăng lên 1,5 tấn mủ khô, bán được 15.000 Franc. Yersin gửi tiền vào Hongkong and Shanghai Bank và mua các loại cổ phiếu để chủ động nguồn tài chính cho mọi hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu.

Sau khi Yersin ra đi vĩnh viễn, do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có chiến tranh khiến cây cao su ở Suối Dầu mất dần.

Bên cạnh cây cao su, Yersin luôn mơ ước cây canh-ki-na hiện diện ở Việt Nam vì đây là nguồn dược liệu sản xuất thuốc ký ninh chữa sốt rét - một căn bệnh ám ảnh nhiều người ở Đông Dương.

Sau khi khám phá Hòn Bà ở độ cao 1.400m với khí hậu mát lành, Yersin đã nhập cây canh-ki-na từ Java - Indonesia và Calcutta - Ấn Độ để trồng thử nghiệm, nhưng thất bại. Tính kiên trì nhẫn nại đã thôi thúc ông đưa cây canh-ki-na lên cao nguyên Di Linh và Dran - tức Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Đáp lại những nỗ lực tích cực của ông, cây canh-ki-na phát triển tốt nên Yersin mở rộng diện tích hơn 670 ha. Hai tấn vỏ cây canh-ki-na đầu tiên do Yersin gửi sang Pháp vào năm 1930, được giáo sư Perrot - Chủ nhiệm khoa dược Paris phân tích và xác nhận hàm lượng dược liệu tương đương canh-ki-na ở Indonesia.

Trong năm 1936, Yersin khai thác hết một lượt vỏ cây và thu được 29.600 kg với hàm lượng thuốc 7,47%, tương đương 2.045 kg Quinin Sunfate kết tinh, hai năm kế tiếp tăng lên 3.227 kg. Cứ thế, nguồn ký ninh sản xuất từ cây canh-ki-na ở Di Linh và Đơn Dương tăng dần, nên khi đại chiến thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp bị bao vây, Đông Dương cô lập, nhưng Việt Nam vẫn tự chủ nguồn ký ninh chữa bệnh sốt rét.

Đến lúc này những người quan tâm sức khỏe cộng đồng thật sự cảm phục Yersin, vì ông đã dự báo hơn 30 năm về trước. 

Thăm Trại chăn nuôi Suối Dầu, Thạc sĩ sinh học, Trưởng trại Nguyễn Văn Minh tâm sự: “Chúng tôi luôn tự hào được nối tiếp công việc của nhà bác học Yersin tại cơ sở do ông sáng lập cách đây 120 năm.

Đến nay, mỗi năm Trại chăn nuôi Suối Dầu có đủ năng lực cung cấp sản phẩm cho nghiên cứu, sản xuất 8.000 lít huyết thanh thô kháng uốn ván, 2.000 lít huyết thanh thô kháng dại, 1.000 lít huyết thanh thô kháng nọc rắn hổ mang đất, rắn lục tre và nuôi dưỡng trên 50.000 con chuột, thỏ phục vụ thí nghiệm.

Tại cơ sở này vào năm 2008, đã xây dựng nhà máy sản xuất vaccine cúm đạt chuẩn WHO-GMP”.

Trở thành Hiệu trưởng Đại học Y

Giữa lúc Yersin đang mải mê nghiên cứu ở Viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu, năm 1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mời ông ra Hà Nội giao nhiệm vụ thành lập Trường Y Đông Dương - tiền thân Trường Đại học Y Hà Nội sau này - và cũng là trường đại học đầu tiên ở Đông Dương với mục tiêu hoạt động của Trường Y Đông Dương không chỉ là nơi đào tạo các thầy thuốc bản xứ, mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật. 

Theo yêu cầu của Decrais - Bộ trưởng Bộ thuộc địa - Hiệu trưởng được chọn phải có đủ tư cách, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, nên sau nhiều cuộc rà soát nhân sự, Brouardel - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Paris quyết định chọn Yersin, khi ông đương nhiệm Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang.

Một giáo trình hình mẫu đại học được Yersin xây dựng, ông đảm nhiệm giảng dạy vật lý, hóa học và phẫu thuật. Sau một cuộc thi, 28 thí sinh người Việt và 1 thí sinh Cao Miên trúng tuyển niên khóa đầu tiên khai giảng ngày 1/3/1902 với học bổng mỗi tháng một sinh viên 8 đồng Đông Dương.

Lúc đầu trường tọa lạc ở làng Kinh Lược nhưng Yersin xin dời về phố Bobillor - nay là Lê Thánh Tông, TP Hà Nội, đồng thời xây dựng bệnh viện thực hành ở phố Lò Đúc.

Hai năm sau khi xây dựng, Yersin từ nhiệm hiệu trưởng, rời khỏi căn nhà 44 Felix Faure - nay là Trần Phú, TP Hà Nội để về Viện Pasteur Nha Trang và người dân xóm Cồn ông luôn yêu mến.

Theo nhà văn Pháp Patrick Deville - người từng viết tiểu sử Yersin, dân xóm Cồn gọi Yersin là “ông Năm” vì “ông có cái lon năm vạch mạ vàng trên bộ đồng phục trắng”. 
 


(Căn nhà lá đồng thời là "phòng thí nghiệm" của Yersin ở Hồng Kông - nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch). Nguồn: Sưu tập

Đam mê nghiên cứu khoa học, sống giản dị, gần gũi với mọi người và luôn tự coi mình là dân xóm Cồn, Yersin thường chiếu phim khoa học, phim vua hề Charlot cho bà con đến xem, chia kẹo cho những đứa trẻ tóc cháy màu nắng, mua kính thiên văn và máy điện lượng kế gắn vào con diều to, thả lên độ cao cả ngàn mét để đo điện khí quyển và dự báo thời tiết giúp người dân xóm Cồn chủ động phòng tránh thiên tai...

Yersin giản dị đến mức một lần đang đi trên tàu Pauk Lecat đến thành phố cảng Marseille tháng 11/1920, ông bị chặn từ cửa phòng ăn vì không đeo cà vạt.

Đến khi một nhân viên khác nhận ra Yersin - người tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch và phối hợp điều chế huyết thanh đặc hiệu phòng chống, đồng thời được tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh – Huân chương cao quý nhất ở nước Pháp, họ đã vui vẻ chào mời ông…/

Tổng Hợp: SGT Group

CÒN TIẾP...