296 lượt xem

Lê Thánh Tông - Kỳ 2


(Nguồn: Sưu tập)
 

Để làm cho dân tin, nhà vua yêu cầu các quan, lại phải tuân thủ kỷ luật, chuyên cần với việc nước, việc dân. Nghĩa vụ này đòi hỏi quan lại phải tận tâm, tận lực hoàn thành công việc thuộc chức trách được giao, không tùy tiện nghỉ việc, ra đến công đường phải ăn mặc chỉnh tề, nói năng đúng phép. Quan lại không làm hết phận sự, dùng dằng, lần chần không làm những việc cần kíp, không làm việc đáng phải làm, nhờ người, thuê người làm thay (Điều 25, 38; chương Vi chế) thiếu tinh thần trách nhiệm đều bị phạt, nếu để xảy ra hậu quả xấu thì bị phạt nặng. (Điều 8, 35; chương Cấm vệ, Điều 59, 82; chương Vi chế).

Gắn liền với nghĩa vụ này là các quy định cấm trễ nải, trốn tránh nhiệm vụ đều bị trừng phạt, đối với việc quan trọng hoặc để ra hậu quả xấu, làm tổn hại của nhân công, của công thì bị phạt nặng hơn. Tự vua Lê Thánh Tông đã từng nói: "Chính tại an dân nghĩa kỵ thâm" (chính trị là ở chỗ yên dân, nghĩa ấy thật sâu sắc). Thực hiên an dân là phải: "Nội minh ngoại phủ hồi thiên lực/ Hậu lạc tiên ưu tế thế tâm" (Đạo làm tôi - Thần tiết), nghĩa là "Yên bên trong, vỗ về bên ngoài, sức có thể kéo trời/ Lo trước, vui sau lòng giúp đời là như vậy".

Ông còn quy định, quan lại phải chịu trách nhiệm về việc làm của cấp dưới. Các quan lại không phải chỉ chịu trách nhiệm về việc làm của mình mà còn phải chịu trách nhiệm về việc làm của người dưới quyền. “Các quan giám lâm, quan chủ ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác xử biếm hai tư” (Điều 61; chương Vi chế). Các quan lại không biết, biết mà làm ngơ hoặc dung túng cấp dưới làm điều sai trái đều bị phạt: “Những người giữ cửa quan mượn người khác giữ thay… người chủ tướng không biết việc ấy bị phạt tiền 15 quan, biết mà làm ngơ phạt tiền 50 quan” (Điều 24; chương Vệ cấm). Đồng thời, cấm quan, lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn sách nhiễu nhân  dân: “Những quan thu thuế, không theo ngạch đã định mà thu, lại giấu bớt số thuế thì cũng coi như tội giấu đồ vật công; nếu thu thêm thuế để làm của riêng thì tội cũng như thế, lại phải bồi thường gấp đôi số thuế lạm thu trả lại cho dân” (Điều 110; chương Vi chế).

Cấm kết bè đảng, cấm các quan cùng làm việc mâu thuẫn với nhau. Ông cho rằng, người làm quan phải lấy việc công làm trọng, quan cùng một triều phải hết lòng phò vua giúp nước. Sự liên hệ, phối hợp hoạt động giữa các quan lại tạo nên sức mạnh của chính quyền, sự bền vững của triều đại. Việc kết bè đảng, mâu thuẫn giữa các quan đều dẫn đến tranh giành quyền lực, phân tán quyền lực của vua, lạm quyền, lộng quyền, mưu lợi cá nhân, bỏ bê việc nước, gây mầm phản loạn tất phải bị cấm. Những trường hợp kết bè đảng giữa các quan đại thần hoặc ở vùng biên trấn được coi là nguy hiểm hơn đều bị trị tội nặng: “Những vị đại thần và các quan văn võ đối với các nhà không phải họ hàng, anh em và người thuộc hạ của mình mà không có việc gì cần, lại cứ hay đi lại để họp đảng, uống rượu, hay dùng tài vật để kết giao… thì coi như có âm mưu phản nghịch, theo sự tình nặng nhẹ mà định tội” (Điều 108; chương Vi chế).

Thời vua Lê Thánh Tông rất chú trọng chấn chỉnh hoạt động của quan lại, ai vi phạm đều bị phạt. Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có đến 172 điều (25%) quy định về những tội phạm của quan lại. Không chỉ có những điều quy định xử phạt những hành vi phạm tội của bản thân quan lại mà còn có cả những điều xử phạt quan lại không biết, không xử lý các hành vi sai phạm của cấp dưới như: không ngăn ngừa xử lý các hành vi phạm tội của thuộc hạ, vì lười biếng, vô cảm mà không tổ chức cứu giúp dân khi bị thiên tai, thú dữ gây hại, hoặc trong hạt có trộm cướp mà không trình báo, không tổ chức vây bắt..

Để ngăn ngừa tham nhũng, lạm dụng chức quyền, vua đặt ra 5 điều cấm đối với quan lại: cấm lấy vợ là người địa phương nơi trị nhậm; cấm kết làm thông gia, tậu ruộng vườn tại địa phương nơi trị nhậm; cấm lấy người địa phương làm cấp phó cho mình; cấm cha con, chú cháu, anh em đồng thời làm quan ở xã, cùng cơ quan; cấm đưa quan về trị nhậm tại bản quán.

GIÁ TRỊ CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC DƯỚI GÓC NHÌN ĐƯƠNG ĐẠI (NGUỒN: TTV)

Lê Thánh Tông không phải là người đầu tiên đưa ra quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của trị loạn” nhưng ông là người thấu hiểu sâu sắc nguyên lý cội rễ của quan điểm đó. Ông là người đi tiên phong trong viêc đem quan điểm đó vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo và có hiệu quả tạo nên một bộ máy quan, lại đủ đức, đủ tài giúp vua trị nước an dân.

Đánh giá về vua Lê Thánh Tông, Đại việt Sử ký toàn thư ghi nhận: "Triệu dân vỗ yên, trăm việc chấn chỉnh, văn giáo rộng ban, vũ công đại định". Ông là một tài năng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, một con người có ý chí, nghị lực cao, có cá tính mạnh mẽ và quyết đoán. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử như một vị "Minh quân", một hoàng đế văn võ kiêm toàn... như các học giả Ngô Sĩ Liên và Phan Huy Chú đã đánh giá.

Nghi án Trường Lạc đầu độc vua Lê Thánh Tông

Năm 1497, vua Lê Thánh Tông băng hà. Thái tử Lê Tranh công bố về cái chết, có nói nhà vua mắc chứng phong thũng từ ngày 27 tháng 11 âm lịch năm trước (1496 - bia Chiêu Lăng ghi ngày 17) và qua đời vào giờ Thìn ngày 30 tháng giêng năm 1497. Tuy nhiên, lời bàn của sử thần Vũ Quỳnh hé lộ nguyên nhân khác.

Ghi chép về Trường Lạc hoàng hậu giết vua trong Đại Việt sử ký toàn thư
(Nguồn: Sưu tập)

 

Trường Lạc đầu độc do ghen tuông ?

Sau khi bàn luận về đức độ của Lê Thánh Tông, sử thần Vũ Quỳnh lại nói tiếp: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá (nữ yết thịnh), nên mắc bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”. Nói cách khác, Trường Lạc hoàng hậu đã thúc đẩy cái chết của vua.

Trường Lạc hoàng hậu nói đây là bà Nguyễn Thị Hằng (còn có tên Huyên), là con gái thứ hai của công thần Thái úy Trinh quốc công Nguyễn Đức Trung - người có công dẹp Lê Nghi Dân và phò Thánh Tông lên ngôi. Vì thế, ngay từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460), bà đã được tuyển vào cung, được phong là Sung Nghi ở cung Vĩnh Ninh và được “vua yêu quý nhất trong số các cung nhân” (theo lời Đại Việt thông sử). Bà sinh ra hoàng tử Lê Tranh - người sau này được lập làm thái tử. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), bà được tấn phong quý phi. Đó là vị trí cao nhất mà bà giành được dưới thời Lê Thánh Tông. Lê Quý Đôn cho biết: “Nhà vua mấy lần muốn lập bà làm hoàng hậu, nhưng thấy dòng họ nhà bà có thế mạnh, sợ rằng các tần thiếp không ai dám gần vua nữa, nên lại thôi”. Dòng họ của bà chính là dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn (Thanh Hóa). Dòng họ này về sau lan tỏa ra khắp Đàng Ngoài và Đàng Trong, trong đó có một nhánh đã dựng lên vương triều Nguyễn. Vì địa vị cao nhất của bà là quý phi, nên cách gọi Trường Lạc hoàng hậu là chưa chính xác.

Quý phi Nguyễn Thị Hằng là mẹ của thái tử, việc tấn phong bà làm hoàng hậu hết sức hợp lý. Sở dĩ Thánh Tông cân nhắc rồi lại từ khước là vì sợ bà đè nén các cung tần khác. Điều này phù hợp với lời của Vũ Quỳnh về việc vua thường gần gũi các cung tần. Điều này đã làm dấy lên sự ghen tuông của bà. Nhưng chỉ vì ghen tuông mà lại giết vua thì phải chăng là có hơi quá? Thực ra còn có một chi tiết khác, quý phi từ trước đã “bị giam ở cung khác”.

Hậu cung tranh sủng, thái tử trù yểm

Sử gia nhà Mạc là Hà Nhậm Đại đã cho biết rằng vào lúc cuối đời của Lê Thánh Tông, đã có một nhân vật xuất hiện trong hậu cung. Người này đã đe dọa nghiêm trọng đến vị trí của Nguyễn quý phi và thái tử Lê Tranh. Vị cung tần này không còn để lại tên họ trong lịch sử. Bà đã sinh ra người con trai út của Lê Thánh Tông là Kinh vương Lê Kiện. Hà Nhậm Đại nói rằng Thánh Tông “cuối đời ham mê nữ sắc, say đắm về mẹ con Kinh vương, đến nỗi mắc phải bệnh nặng”. Đó có lẽ là lý do khiến Nguyễn quý phi phẫn nộ và dẫn đến cái chết của vua.

Hà Nhậm Đại còn cho biết rằng sự việc không dừng lại ở đó. Ông cáo buộc rằng chính sự sủng ái của Lê Thánh Tông với mẹ con Kinh vương Lê Kiện cũng làm khơi lên sự oán hận từ phía thái tử Lê Tranh - người về sau sẽ trở thành vua Lê Hiến Tông. Ông cho biết Lê Hiến Tông “hưởng nước không lâu, do hiếu đạo mà để xảy ra thiếu khuyết, thấy vua Thánh Tông yêu mến mẹ con Kinh vương, đã ngầm sai người viết thư dụ dỗ đem đi khắp các nơi có thần từ để yểm chú Thánh Tông. Sau khi lên ngôi, phong cho thần ở huyện Tam Nông là Báo Triệu thần. Ngày lên ngôi (đế) đã bắt giam rồi giết mẹ con Kinh vương”.

Tổng hợp thông tin lại thì thấy, sự tranh sủng trong hậu cung vào cuối triều Lê Thánh Tông dường như đã đẩy mẹ con thái tử Lê Tranh vào thế lép vế so với mẹ con Kinh vương Lê Kiện. Vì lý do gì đó, quý phi lại bị giam lỏng ở cung khác. Đây là đòn giáng nặng nề vào thái tử và quý phi. Rất có thể họ cảm thấy địa vị của mình bị đe dọa nên phải hành động để bảo vệ quyền vị. Trong bối cảnh Lê Thánh Tông mắc bệnh nặng, giải pháp tốt nhất là tiễn hoàng đế một đoạn. Một khi Lê Thánh Tông băng hà, thái tử nghiễm nhiên lên ngôi vua và thanh trừng địch thủ. Đây là bí mật mà sử gia Vũ Quỳnh đến thời Lê Tương Dực mới dám hé lộ. Lê Tương Dực không phải là dòng dõi Lê Hiến Tông mà là dòng dõi của Kiến vương Lê Tân - con trai của người vợ thuở còn chưa lên ngôi của Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, Vũ Quỳnh cũng không dám nêu vấn đề một cách công khai, mà chỉ để nó ở cuối phần bàn luận vốn được khắc in bằng cỡ chữ nhỏ hơn phần chính văn.

Vấn đề nằm ở chỗ vào ngày thứ ba sau khi vua cha qua đời, Lê Hiến Tông đã tuyên bố khôi phục chế độ để tang ba ngày. Hành động này của ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía đại thần về mặt hiếu đạo. Đó là hành động được đưa ra nhằm xóa bỏ lời cáo buộc trù yểm, bất hiếu đang nhắm vào ông, hay thực ra nó chứng minh rằng đó là cáo buộc vô căn cứ? Liệu những tội trạng của quý phi và thái tử có thể được xác định hay không?
 

 
Chân dung Lê Thánh Tông do các nghệ nhân cung đình miêu họa ngay sau khi ông băng hà- wikipedia 

            “Thánh tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam…bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy.”

Trên đây là những nhận xét của học giả Trần Trọng Kim khi nhận định về Lê Thánh Tông trong cuốn Việt Nam Sử Lược. Học giả đánh giá rất cao về tài năng và đức độ của nhà Vua. Về chính sử ghi lại như sau: “Thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước.”

Đọc những dòng này, chúng ta cũng mường tượng được dung mạo của nhà vua là một người đàn ông tuấn tú, thông minh, tài giỏi. Ông được ca ngợi là vi vua anh minh nhất trong lịch sử dân tộc. Không những thế, trong đối sách giữ nước nhà vua có những lời lẽ rất cứng rắn, là tấm gương cho hậu thế đời đời học tập và làm theo.
Năm 1471, Lê Thánh Tông chỉ dụ với quan Thái bảo Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự nhiên vứt đi được. Phản kiên quyết tranh luận, không để họ lấn dần. Nếu họ còn không theo, có thể sai sứ sai tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, kẻ ấy phải bị trị nặng (tru di)”

Câu nói ấy biểu thị ý chí mãnh liệt của Lê Thánh Tông trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và lãnh thổ quốc gia, đồng thời có thể được xem như quan niệm chính trị rất cơ bản trong nhận thức về trách nhiệm quản lý nhà nước của  Lê Thánh Tông. Để làm cơ sở cho việc khẳng định nền độc lập, Lê Thánh Tông quan tâm tới việc xác định rõ ràng cương vực của đất nước. Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) công bố năm 1483 có điều khoản 74, 88 về bảo vệ đất đai ở biên giới như sau: “những người bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém”; Quan phường xã biết mà không phát giác cũng bị tội; “Những người đẵn tre, chặt gỗ ở nơi quan ải thì bị xử tội đồ” (đồ là đầy đi làm khổ sai).

Một dân tộc mà giang san của tổ tiên để lại luôn bị đe dọa thường trực từ phương Bắc thì lời căn dặn ấy của vị vua được cho là tài giỏi nhất trong lịch sử dân tộc luôn đúng đắn và phải được khắc ghi. Đã có hàng trăm cuốn sách, bài báo ca ngợi về tài đức của vị vua này. Ông có nhiều công lao lớn đối với nhà Lê nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Tuy nhiên đánh giá về một con người, chúng ta không chỉ dựa vào tài đức và công lao của họ mà phải thông qua những sự kiện lịch sử để có cách nhìn công tâm và thấu đáo. Dù tài giỏi đến đâu, Lê Thánh Tông cũng có những vết đen không thể nào gột rửa được trong cuộc đời. Chính vì vậy, trong bài viết lần này, ngoài những công lao to lớn của nhà vua đối với dân tộc mà chúng tôi sẽ trình bày sau đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mạnh dạn chỉ ra những hạn chế trong cuộc đời của Lê Thánh Tông để người đời nay có một cách nhìn toàn diện, công tâm về vị vua này. Chúng tôi viết bài này, không phải để hạ thấp uy tín của vị vua mà hàng triệu người ngưỡng mộ. Chúng tôi chỉ mong muốn đưa sự thật lịch sử gần nhất có thể với bạn đọc.

CÒN TIẾP

Nguồn: Nghiencuulichsu.com