Nguồn: sưu tầm
Bạch Hoa
Bạch Hoa là danh ca đời nhà Tiền Lê, bà họ Bạch, tên Hoa, (không rõ năm sinh, năm mất), thân phụ của bà là vị quan châu Bạch Đình Sa, quê ở châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Bà vốn là vợ của tay danh cầm Đinh Lễ, vợ chồng bà đều rất thích âm nhạc. Tục truyền bà là tổ cô đầu.
Năm lên 10 tuổi, bà không may trúng phong á khẩu, cha mẹ buồn rầu. Đến năm 19 tuổi; bà nổi tiếng xinh đẹp, nhưng bị bệnh câm.
Bấy giờ, có Đinh Lễ, tự Nguyên Sinh, nổi tiếng tài hoa. Một hôm đến châu Thường Xuân, Đinh Lễ trổ tài tuyệt kĩ, khiến Bạch Hoa xúc động phát lên nói được: “Tiếng đàn hay quá”. Từ đó, bà hết câm. Gẫm duyên kì ngộ, song thân bà tác hợp cho bà và Đinh Lễ nên đôi.
Bà theo Đinh Lễ về quê chồng, hàng ngày chuyên tâm học âm nhạc, chẳng bao lâu càng nổi danh. Được vài năm, chồng bà mất, bà nối nghiệp đàn hát.
Đến khi bà mất, dân làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và các học trò, nhớ ơn lập đền thờ hai vợ chồng bà, gọi là đền Tổ cô đầu, hay là đền Bạch Hoa công chúa.
Các triều đại phong kiến truy tặng chồng bà là Thanh xà đại vương, bà là Mãn đào hoa công chúa.
Lại tương truyền chính bà đã sáng tác hai khúc hát “Non Mai” và “Hồng Hạnh”, nên cô đầu chỉ dành cho khi hát thờ mới hát mà thôi, ngoài ra không bao giờ hát khúc ấy ở đền miếu khác và cũng không dám hát cho ai nghe.
Và vì kiêng tên húy hai ông bà tổ sư trong nghề, nên xóm cô đầu có tục đọc tránh chữ Lễ ra Lõi, Hoa ra Huê, Bạch ra Biệc.
Ở miền Bắc, các nơi như làng Duyên Linh, làng Muội Linh thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, ấp Thái Hà, tỉnh Hà Đông và làng Giáo Phường thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định đều có đền thờ.
Hàng năm, ngày 11 tháng chạp, các giáo phường làm lễ giỗ tổ.
Nguồn : http://mobile.coviet.vn