266 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách - Người chiến sĩ kiên trung, người con ưu tú của quê hương Xô viết

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách hiệu là Kiếm Phong, sinh ngày 20/1/1905 trong một gia đình nhà nho ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân sinh của Nguyễn Sỹ Sách là một nhà nho cương trực, không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, uy vũ của các quan lại thực dân và chính quyền phong kiến Nam triều. Hai lần đi thi Hương ông chỉ đỗ tú tài. Từ đó, ông quyết tâm mở trường dạy học để có điều kiện rèn cặp con cái nên người. Nguyễn Sỹ Sách là con đầu lòng nên được cha chăm sóc, kèm cặp chu đáo.

Vốn thông minh, hiếu học, năm 11 tuổi, Nguyễn Sỹ Sách đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, năm 13 tuổi đã đỗ thứ hai kỳ thi tiểu học, 17 tuổi đỗ bằng thành chung khóa đầu trường trung học thành phố Vinh. Giữa năm 1924, anh được bổ dụng làm trợ giáo trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh. Có thể đây là bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời hoạt động của anh. Bởi chính nơi đây với công việc của một trợ giáo, Nguyễn Sỹ Sách vừa có điều kiện thuận lợi tiếp cận sách báo bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin trong nước và thế giới, tiếp cận với các tổ chức yêu nước, vừa có môi trường thầy giáo, học sinh đông đảo để tiếp xúc, đón nhận và truyền bá những quan điểm tiến bộ của mình.

Anh bước vào nghề dạy học năm 19 tuổi, cùng lúc có ba sự kiện tác động mạnh đến tình cảm và hành động của Nguyễn Sỹ Sách cũng như những thanh niên đương thời. Từ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, tiếp đến là sự ra đời của Quốc tế Cộng sản, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới dâng cao mạnh mẽ, tạo nên sự chấn động và có sức thu hút lớn các chính trị gia của các nước đang đấu tranh chống áp bức bóc lột để giành độc lập dân tộc.

Trong nước, các phong trào yêu nước phát triển, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam đang có những bước chuyển về chất. Sau cuộc đấu tranh của hàng nghìn công nhân Ba Son, yếu tố đấu tranh tự giác đang ngày một rõ nét. Các tổ chức cách mạng của thanh niên từng bước được nhen nhóm đang có sức thu hút mạnh mẽ tầng lớp thanh niên trong nước.

Sau sự kiện vang dội của tiếng bom Phạm Hồng Thái tinh thần yêu nước của những người cách mạng Việt Nam càng sôi sục. Là một thanh niên sôi nổi, can đảm và vô cùng khâm phục tấm gương yêu nước của Phạm Hồng Thái, anh háo hức tìm đọc sách báo tiến bộ, tìm hiểu hoạt động cứu nước của các bậc sĩ phu. Thông qua việc tiếp xúc, tìm hiểu sách báo, anh dần dần có ý thức về những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Những tác động trên đã khiến cho anh càng thêm quyết tâm lựa chọn con đường hoạt động cách mạng của mình.

Tháng 7/1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng do các trí thức yêu nước sáng lập. Nhận trách nhiệm trước Hội, anh phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và thị xã Hà Tĩnh. Anh bí mật đọc sách báo tiến bộ từ Pháp gửi sang, đồng thời quan tâm đến mọi chuyển biến chính trị đang diễn ra trong xã hội nước ta lúc đó. Chẳng bao lâu, anh đã xây dựng được một số hội viên tích cực trong đó có cả những thầy giáo như Nguyễn Trí Tư, Hoàng Đức Thi và học sinh như Trần Tích Thiện, Nguyễn Công Hoạch, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên...

 Từng bước lao vào hoạt động cách mạng, tư tưởng căm ghét bọn thực dân Pháp chi phối suy nghĩ và hành động của Nguyễn Sỹ Sách. Anh quyết tâm đấu tranh đòi một sự bình đẳng, công bằng; phản đối những điều bất công, những hành động ngang ngược, thô bạo, bỉ ổi của quan chức và binh lính Pháp đối với người Việt Nam. Nguyễn Sỹ Sách đả kích sâu cay chiêu bài “bảo hộ”, chính sách “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp và thái độ đê hèn của bọn vua quan phong kiến tay sai. Anh vận động thân sinh đốt đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” của chính Vua Khải Định ban cho, để tỏ nổi bất bình với tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”. Những thái độ phản kháng đầu tiên trên đây đã thể hiện rõ một lập trường dứt khoát, bất hợp tác với chế độ thuộc địa phong kiến đương thời của Nguyễn Sỹ Sách.

Anh xin thi vào ngành đường sắt rồi được bổ làm thư ký xe lửa Đà Nẵng. Ở đây, anh được gần gũi công nhân và hiểu rõ thêm cuộc sống của họ. Nhưng cũng tại đây, sự có mặt với thái độ hống hách của viên kiểm soát xe lửa người Pháp, khiến anh rất căm phẫn. Anh đã nhiều lần cự lại hắn và cuối cùng quyết định bỏ việc, về Vinh tham gia mở hiệu “Tam kỳ thư quán”, phát hành sách báo tiến bộ và làm nơi liên lạc giữa ban lãnh đạo của Hội ở Vinh với các tỉnh trong nước.Giữa năm 1926, Nguyễn Sỹ Sách bắt được liên lạc với số cán bộ của Hội Thanh niên vừa ở Quảng Châu về. Thông qua họ, anh hiểu thêm nhiều điều mới mẻ về cách mạng, đặc biệt những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Nhận trách nhiệm trước Hội Phục Việt, anh lần đường sang Trung Quốc để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, nhưng đến Hải Phòng, bị bọn mật thám theo dõi, anh phải trở về.

Tháng 8/1927, Nguyễn Sỹ Sách được tổ chức cử sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp học chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng bài. Sau khóa học, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Về nước, Nguyễn Sỹ Sách được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Trung Kỳ. Với cương vị đó, anh đã đến các tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và phát triển Hội, đặc biệt là trong các xí nghiệp, vùng nông thôn các tỉnh Trung Kỳ, xúc tiến mạnh mẽ việc hợp nhất Việt Nam cách mạng thanh niên và Việt Nam cách mạng Đảng. Song song với xây dựng tổ chức, Nguyễn Sỹ Sách đã dịch sách, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, hội viên và tiến hành thống nhất phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau, tổ chức và ảnh hưởng của Hội đã lan rộng.

Khó khăn lớn nhất lúc đó là việc vận động hợp nhất Việt Nam cách mạng Đảng với Việt Nam cách mạng thanh niên. Mặc dù hai bên đã cử đại biểu tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, nhưng về mặt tổ chức vẫn gặp bế tắc, dù Việt Nam cách mạng Đảng đã đổi tên thành Việt Nam cách mạng đồng chí. Nguyên nhân chính do quan niệm về nguyên tắc tổ chức khác nhau mà điều lệ của hai hội trên quy định. Đại biểu Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra điều kiện phải giải tán Hội Hưng Nam (tức Việt Nam cách mạng đồng chí) rồi lựa chọn kết nạp lại từng người; ngược lại, đại biểu Hội Hưng Nam yêu cầu gia nhập toàn thể tổ chức của Hội Hưng Nam trước đó và được lập Tổng hội trong nước.

Thấy tình hình căng thẳng và cuộc vận động hợp nhất hai tổ chức cách mạng để tăng thêm lực lượng, sức mạnh có nguy cơ thất bại, đầu năm 1928, với tư cách là Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trung Kỳ, Nguyễn Sỹ Sách quyết định sang Quảng Châu xin ý kiến của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Sau khi nghe Nguyễn Sỹ Sách báo cáo, ngày 18/3/1928, Tổng bộ Hội Thanh niên gửi thư cho Tổng bộ Hội Hưng Nam trình bày rõ quan điểm của mình về việc hợp nhất là: "... đem toàn Hội của các đồng chí sáp nhập vào Hội chúng tôi... Còn việc lập Tổng hội trong nước sau đó sẽ cử đại biểu của hai bên bàn định"1.

Được sự ủy nhiệm của Tổng bộ, Nguyễn Sỹ Sách mang bức thư này về nước và triệu tập đại biểu của hai tổ chức họp ở làng Kim Liên (Nam Đàn) do đồng chí Nguyễn Sỹ Sách chủ trì. Với tình cảm trong sáng và thái độ đúng đắn, trách nhiệm và ý thức tổ chức cao, anh đã cố gắng hết sức mình, nhằm làm cho hội nghị đi đến kết quả. Nhưng, do một số đại biểu vẫn thành kiến cá nhân, cục bộ theo lối tiểu tư sản nên hội nghị không thống nhất được quan điểm, nguyên tắc hợp nhất Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Hội Việt Nam cách mạng đồng chí.

Trong khi Nguyễn Sỹ Sách đang tìm mọi cách nối lại hội nghị hợp nhất thì ngày 14/7/1928, những người lãnh đạo Hội Việt Nam cách mạng đồng chí mở Hội nghị tại Huế, cải tổ Hội này thành Tân Việt cách mạng Đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt) và chuyển cơ quan Tổng bộ từ Vinh vào Huế. Việc làm riêng rẽ này đã dẫn tới mâu thuẫn sâu sắc giữa hai tổ chức cách mạng vốn chung một mục đích yêu nước, độc lập dân tộc và thiết tha với việc hợp nhất. Nguyễn Sỹ Sách kiên quyết phản đối việc chia rẽ, kiên trì chủ trương và tích cực hoạt động cho việc hợp nhất theo quan điểm đúng đắn của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, vì Đảng Tân Việt từ đó bị phân hóa. Một số lãnh đạo Tân Việt chủ trương cải tổ theo hướng quốc gia liên hiệp. Còn đa số các đồng chí lãnh đạo Tân Việt ở cơ sở, đại diện là Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập kiên trì chủ trương hợp nhất với Thanh niên. Tháng 12/1928, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập sang Trung Quốc nối lại liên lạc với Tổng bộ Thanh niên. Còn Nguyễn Sỹ Sách, rất tiếc ngày 19/10/1928, Nguyễn Sỹ Sách bị thực dân Pháp bắt giam. Bọn mật thám giải anh vào Huế rồi lại đưa về Vinh tra hỏi. Không khai thác được gì, một tháng sau, bọn chúng buộc phải trả lại tự do cho Nguyễn Sỹ Sách.

Tháng 1/1929, thay mặt Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Trung Kỳ, anh đi dự hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Thanh niên họp ở Hương Cảng. Xuất phát từ tình hình thực tế đã và đang diễn ra trong nước, anh cùng các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí nhận định: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên không còn đáp ứng vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam đang phát triển theo xu hướng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và  đến lúc phải thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo cách mạng làm nhiệm vụ cách mạng tư sản dân quyền. Vì số đại biểu tham dự hội nghị quá ít và không chưa đủ đại diện cho ba kỳ, nên hội nghị chủ trương: tích cực chuẩn bị điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản vào dịp khai mạc Đại hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Tháng 2/1929, về Trung Kỳ, Nguyễn Sỹ Sách lãnh đạo các cấp mở hội nghị bầu đại biểu đi dự Đại hội. Do yêu cầu cấp bách, Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ cử đại biểu vào Trung Kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản trước, không chờ tới đại hội. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đề nghị các đồng chí đó nên thực hiện theo chủ trương đã bàn trong hội nghị trù bị.

Cuối tháng 4/1929, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách dẫn đoàn đại biểu của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trung Kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Trước ngày khai mạc đại hội, Nguyễn Sỹ Sách dự cuộc họp riêng của các đại biểu đã dự hội nghị trù bị, thống nhất nhận định là do có một số đại biểu dự đại hội không đủ tư cách cộng sản, nên thay đổi chủ trương không đem việc thành lập Đảng Cộng sản ra bàn trong chương trình Đại hội.

Ngày 1/5/1929, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên khai mạc. Trong khi thảo luận chương trình nghị sự, đoàn đại biểu Bắc Kỳ vẫn đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Nguyễn Sỹ Sách nhận thấy đề nghị đó của đoàn đại biểu Bắc Kỳ là đúng, nhưng cần phải chuẩn bị chu đáo hơn nữa. Do đó, thực hiện chủ trương vừa bàn, anh vẫn kiên trì lãnh đạo đại hội thảo luận, thông qua các nghị quyết và bầu ra Ban Chấp hành Tổng bộ. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước.

Đại hội bế mạc, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tham dự hội nghị Ban Chấp hành Tổng bộ, tiếp tục thảo luận việc thành lập Đảng Cộng sản. Hội nghị này đã làm nhiệm vụ của "Hội trù bị tổ chức cộng sản" định ra điều lệ, kế hoạch tổ chức Đảng.

Lúc này, Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ đã phái cán bộ vào Trung Kỳ phát Tuyên ngôn đả kích "Đại hội Thanh niên" và kêu gọi những người cộng sản gia nhập Đảng. Nhiều chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã chuyển sang Đông Dương Cộng sản Đảng. Một số đảng viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt cũng đang ra sức vận động thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Tình hình ấy càng thúc đẩy Nguyễn Sỹ Sách khẩn trương xúc tiến xây dựng các chi bộ Đảng, chuẩn bị cử đại biểu đi dự hội nghị thành lập Đảng theo kế hoạch của Hội trù bị tổ chức cộng sản.

Tình hình trong nước chuyển biến mau lẹ, không những Tân Việt cách mạng Đảng mà cả Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng không còn đáp ứng được vai trò lãnh đạo cách mạng. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã cùng một số đồng chí khác viết thư gửi sang Quảng Châu chất vấn Tổng bộ những việc liên quan đến hoạt động của Hội. Mặt khác để thực hiện chủ trương của "Hội trù bị tổ chức cộng sản" đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã tích cực hoạt động trong Ban vận động thành lập Đảng. Đồng chí bắt liên lạc với các cơ sở ở Vinh và Thanh Chương để tổ chức ra các chi bộ cộng sản. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã chuyển các chi bộ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nhà máy Trường Thi, Trường Quốc học Vinh, Lộc Đa (thành phố Vinh), Dương Xuân (Anh Sơn), Lý Trai và Vạn Phần (Diễn Châu), Trường Pháp- Việt thị xã Hà Tĩnh... thành chi bộ cộng sản đầu tiên. Cũng trong thời gian này (7/1929), đồng chí Nguyễn Phong Sắc được Trung ương cử vào Trung kỳ vận động các thành viên ưu tú trong thanh niên và Tân Việt vào Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập Kỳ bộ bộ Trung kỳ Đông Dương cộng sản Đảng. Từ đó, ở Nghệ Tĩnh bên cạnh bên cạnh Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương cộng sản Đảng có thêm các chi bộ cộng sản do đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tổ chức.

Mọi công việc chuẩn bị điều kiện để thành lập chính Đảng ở Việt Nam đang được tiến hành, đồng chí Nguyễn Sinh Sắc đang say sưa biên soạn văn bản tài liệu cho cuộc họp thì ngày 28/7/1929, đồng chí bị sa vào tay giặc. Anh bị đưa vào giam ở nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cộng sản. Trong phiên tòa mở tại thành phố Vinh, bọn thống trị đã kết án đồng chí tù khổ sai chung thân. Ngày 30/10/1929, đồng chí bị đày vào giam tại Nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).

Nhà tù Lao Bảo nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở thuộc tỉnh Quảng Trị. Nơi đây rừng thiêng nước độc, khí hậu khắc nghiệt cùng với chế độ nhà tù vô cùng tàn bạo đã làm chết dần, chết mòn biết bao người yêu nước khi bị cầm tù khổ sai. Nhà tù có 2 nhà giam là lao A và lao B. Trong lao, người tù đêm ngày phải đút chân vào cùm, miệng ngậm một tấm thẻ “cấm nói chuyện”. Khi đi lao động khổ sai, mỗi người phải mang ba chiếc kiềng sắt ở cổ, tay và chân, bọn lính dùng dây xích nối ba xiềng đó lại và dắt tù đi như dắt súc vật. Biết bao người yêu nước đã chết dần chết mòn vì cái chế độ nhà tù hà khắc, tàn bạo này.

Không thể chịu nổi cảnh ngục tù ấy, Nguyễn Sỹ Sách cùng với các đồng chí tù cộng sản bàn nhau đấu tranh. Nhận trách nhiệm lãnh đạo lao B, Nguyễn Sỹ Sách động viên anh em giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh chống lại chính sách tàn nhẫn của bọn thống trị đối với tù nhân. Trưa ngày 19/12/1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của anh em tù chính trị với tên Công-bơ, tên xếp lao người Pháp để đưa yêu sách. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của anh em tù, Công-bơ đành phải nhận yêu sách bằng một giọng thách thức: “Được chúng mày sẽ biết tay tao!” và sai lính bắt 3 người ở lao A cùng đồng chí Nguyễn Sỹ Sách vào xà lim.

Như lửa đổ thêm dầu, cả nhà tù rung lên bởi làn sóng khẩu hiệu vang dậy:

Đả đảo khủng bố!

Đả đảo giết người!

Nguyễn Sỹ Sách kịch liệt lên án để vạch mặt kẻ thù. Đồng chí đã lớn tiếng tuyên bố hùng hồn trước tên Công-bơ phụ trách nhà tù và bọn lính: “Đối với chúng tôi, hoặc là chết chứ không thể sống dưới chế độ dã man này!...”. Đồng chí đã dùng tiếng Pháp chửi thẳng vào mặt bọn chúng là quân dã man cướp nước mà miệng cứ bô bô là khai hóa văn minh. Để bảo vệ tên chúa ngục khát máu khi bị anh quất chiếc chiếu vào mặt, bọn tay sai đã bắn chết đồng chí Nguyễn Sỹ Sách lúc 17 giờ ngày 19/12/1929.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã hy sinh anh dũng khi còn trẻ, 24 tuổi đời, bầu nhiệt huyết căng đầy, còn biết bao dự định chưa thực hiện.

Tinh thần đấu tranh anh dũng của Nguyễn Sỹ Sách như ngọn lửa hồng làm ấm lại bầu không khí lạnh giá trong ngục tù đen tối, làm dịu đi nỗi đau cho tất thảy tù chính trị ở Lao Bảo. Bởi vậy cái chết oai hùng của đồng chí như tiếp thêm sức mạnh cho anh em tù tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.

Sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tuy ngắn ngủi nhưng đã nêu tấm gương sáng về tinh thần và ý chí cách mạng kiên trung, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập của dân tộc, vì sự nghiệp quang minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy không được chứng kiến thời điểm lịch sử: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, song mọi hoạt động trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách là bước chuẩn bị mọi điều kiện góp phần đưa đến sự kiện vinh quang đó. Máu đào của đồng chí đã tô thắm ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

Nguyễn Thị Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An