181 lượt xem

Cao Thắng - Kì 2: Những khẩu súng trường của Cao Thắng

Súng trường do Cao Thắng chế tạo trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896)
Khẩu súng trường do Cao Thắng (Cao Tất Thắng) sáng chế mang ký hiệu (327/ Kl 140), hiện đang trưng bày và giới thiệu với công chúng tại phòng số 1, hệ thống trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội và một số bộ phận của súng trường và cũng là một trong 350 khẩu súng nghĩa quân Cao Thắng đã sáng chế ra.

Ngay sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra liên tiếp. Nhất là sau khi Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, một làn sóng yêu nước chống Pháp dâng lên từ Bắc đến Nam. Từ miền xuôi đến miền ngựợc, từ rừng núi xuống vùng biển dấy lên các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng. Nổi lên sớm nhất và trở thành mạnh mẽ nhất là phong trào khởi nghĩa của sĩ phu và nhân dân Hà Tĩnh. Lực lượng khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi, như là Lệ Ninh, Phan Cát Tựu ở Đức Thọ, Nguyễn Duy Chanh ở Can Lộc, Cao Thắng ở Hương Sơn vv…

Ông Cao Thắng sinh năm 1864, là một dũng tướng trẻ, xuất thân trong một gia đình nông dân, quê ở Hàm Lại (Sơn Lễ, Hương Sơn). Sau khi cụ Phan Đình Phùng ra Bắc Hà gặp cụ Hoàng Hoa Thám, ông Cao Thắng (tướng tài nhất của văn thân) đã xây dựng ở 2 nơi đó 2 lò đúc vũ khí. Ông lấy sắt vụn trong nhân dân về nhồi luyện lại và triệu tập 200 người thợ rèn giỏi ở Yên Hồ, Trung lương, Vân Chàng (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sau trận phục kích tiêu diệt, gồm có hai hạ sĩ quan Pháp và 15 tên lính tập người Việt, nghĩa quân của Cao Thắng đã tịch thu được 17 khẩu súng và những bao đạn gần như nguyên vẹn gồm 600 viên đạn vàng bóng.

http://baotanglichsu.vn/DataFiles/Uploaded/image/chihoi1C.gif
Ông Cao Thắng chỉ huy các nghĩa quân rèn đúc được 350 khẩu súng theo mẫu súng 1874 của Pháp (tranh minh họa)

Ông cho nghĩa quân tháo tung toàn bộ các bộ phận của một khẩu súng chiến lợi phẩm ra xem và mau chóng nghiên cứu chế tạo một loại súng tương tự, trang bị cho quân khởi nghĩa. So với súng kíp, thì đây quả là một kỳ công của nền quân sự tối tân. Nó vừa được hoàn thiện trong những công xưởng lớn của Châu Âu cách đó chừng 10 năm, khẩu súng đã có cấu tạo gồm: khóa nòng, kim hỏa, lò xo ruột gà, bầu nòng và cơ bẩm. Cấu tạo của loại đạn dùng cho súng trường 1874 được nghiên cứu công phu, đầu đạn hình trụ vuốt nhọn, ngoài bọc đồng, trong có chì, có trọng lượng thích hợp giúp cho đạn bay xa và mạnh, vỏ đạn được đúc bằng đồng, bên trong nhồi thuốc nổ, phía đáy vỏ đạn có lắp hạt nổ.

http://baotanglichsu.vn/DataFiles/Uploaded/image/chihoi2C.gif
Súng trường kiểu 1874 của Pháp.

Bí mật của khẩu súng pháp đã bị nghĩa quân đoạt lấy, để tạo nên cây súng Việt Nam có tính năng, tác dụng và ưu điểm tương tự như cây súng vừa đoạt được từ tay kẻ thù. Các Cụ trùm phường, các tay thợ cả ở hai phường thợ rèn truyền thống là: Trung Lương và Vân Chàng được Cao Thắng mời tới, nhiều người của nghĩa quân được phái đi các tỉnh để triệu tập những tay thợ rèn danh tiếng trong dân gian về tụ hội trong những công xưởng bí mật ở núi Vụ Quang. Những khối óc và bàn tay tài ba xưa nay chỉ quen đúc cày, rèn đao cuốc, đánh liềm hái, nay phải “tự vượt lên” để đảm đương những việc làm quá sức mình. Hàng chục chiếc bễ rèn và lò đúc đã bắt đầu nổi lửa.

Với bàn tay tinh tế của những người thợ kim hoàn, các bác thợ già đã dìu dắt các tay thợ trẻ ngày đêm đúc rèn và rèn từng bộ phận của cây súng bộ binh. Những cây kim hoả, những chiếc khoá nòng... đầu tiên ra đời được nâng niu và chuyền tay trong đám thợ nghĩa quân, đã thổi một làn gió phấn khởi và tin tưởng khắp cánh rừng già náo động. Những lá đồng mỏng đã được đập và cuốn rất khéo, rồi tra kíp nổ, làm thành những chiếc vỏ đạn vừa đúng mọi tiêu chuẩn do cây súng mới đòi hỏi.

http://baotanglichsu.vn/DataFiles/Uploaded/image/chihoi3C.gif
Súng trường do ông Cao Thắng chế tạo theo mẫu súng 1874 của Pháp hiện đang trưng bày tại phòng số 1 - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Một loạt 350 khẩu súng bộ binh hiện đại đã ra đời cùng với hàng vạn viên đạn đồng, tiếp thêm một nguồn hoả lực dữ dội cho những cây súng kíp truyền thống.

Nhũng khẩu súng do nghĩa quân chế tạo ra rất giống với súng trường 1874 của Pháp, chỉ kém hơn ở chỗ trong nòng súng không có rãnh xoắn và lò xo hơi yếu, nên bắn kém chính xác.

http://baotanglichsu.vn/DataFiles/Uploaded/image/chihoi4C.gif
Chi tiết súng do ông Cao Thắng chế tạo theo mẫu súng 1874 của Pháp hiện đang trưng bày tại phòng số 1 - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chính đại úy Pháp Gôtxơlanh (Charles Gosselin) đã thừa nhận: “Tôi đã đem nhiều khẩu súng đó về tận bên nước tây; xem nó giống đủ mọi vế như khẩu súng của các công binh xưởng nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ ta xem, các ông ấy phải sửng sốt lạ lùng” (Trích trong tập “Đôi bàn tay khéo léo của cha ông”, nhà XB Kim Đồng, 1974)

Cho đến nay, tuy thời gian đã đi qua nhưng những hiện vật mang đậm dấu ấn ghi lại mốc lịch sử của cha ông để lại vẫn khắc sâu trong mỗi người dân chúng ta. Khơi gợi lại truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu và sức sáng tạo của cha ông ta, và đây cũng là một trong những hiện vật đã thu hút được sự chú ý của khách trong nước và khách quốc tế đến tham quan tại Bảo tàng.

Hoàng Thị Hội