234 lượt xem

Võ Văn Ngân

Võ Văn Ngân - Người cộng sản ưu tú của quê hương Long An

Trong bảng vàng thành tích, đến nay, Long An có 17 đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng bộ Long An có 5 đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, trong đó có trường hợp cả 2 anh em đều là ủy viên Trung ương Đảng. Nhân dịp Long An phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức cuộc tọa đàm khoa học chủ đề “Đồng chí Võ Văn Ngân với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”, Báo Long An có bài viết giới thiệu đôi nét về tiểu sử của người cộng sản ưu tú Võ Văn Ngân.

( chân dung chiến sĩ cách mạng Võ Văn Ngân).

Theo tư liệu Gia phả họ Võ ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An ấn hành tháng 5/1989: Võ Văn Ngân sinh năm 1902, mất năm 1939. Ông quê ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa, nay thuộc Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông là con thứ 12 (thứ út), thân phụ là Võ Văn Sự, thân mẫu là Nguyễn Thị Toàn. Gia đình giàu truyền thống yêu nước, bên nội, bên ngoại đều tham gia chống Pháp và nhiều người bị giặc sát hại. Hai cụ thân sinh đều là nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Mười tám thôn Vườn Trầu năm 1885. 7 anh chị em gia đình Võ Văn Ngân lớn lên đều trở thành đảng viên cộng sản, trong đó, 2 anh em Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân là ủy viên Trung ương Đảng, gia đình có 4 người hy sinh trước Cách mạng Tháng Tám.

Võ Văn Ngân thời trẻ sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, nhất là ảnh hưởng từ anh trai Võ Văn Tần nên rất ham học và có tính tự lực. Những năm 20 của thế kỷ XX, Võ Văn Ngân cùng anh trai lên Sài Gòn gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh, rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập từ tháng 6/1925. Năm 1929, Võ Văn Ngân cùng Võ Văn Tần lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn, lập vào ngày 06/3/1930 tại làng Đức Hòa. Tháng 5/1930, khi Quận ủy Đức Hòa thành lập, cả 4 anh em: Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân đều được bầu vào Quận ủy, do Võ Văn Tần làm Bí thư.

Ngày 04/6/1930, Võ Văn Ngân cùng quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của liên tỉnh ủy phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa, buộc tên chủ quận Huỳnh Văn Đẩu phải chấp nhận yêu sách nhưng sau đó, thực dân Pháp đàn áp dữ dội, bắn chết Châu Văn Liêm và 8 người khác, hơn 50 người bị thương, trong đó có Võ Thị Cân, Võ Văn Hợi là người thân ruột thịt của gia đình Võ Văn Ngân. Sau cuộc biểu tình trên, đêm 22/9/1930, quần chúng cách mạng ở làng Mỹ Hạnh và Hựu Thạnh nổi dậy đập chết hương quản Mây và hương cả Duơn (2 tay sai đắc lực của thực dân Pháp). Nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản; Võ Văn Tần bị tuyên án tử hình vắng mặt. Vì vậy, anh em Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân phải lánh sang quê mẹ ở Hóc Môn - Gia Định tiếp tục hoạt động.

Cuối năm 1931, do sự phản bội của Ngô Đức Trì, nhiều đồng chí Tỉnh ủy Gia Định bị địch bắt. Võ Văn Ngân cùng anh trai ra sức khôi phục lại các cơ sở Đảng, ông và các đồng chí lần lượt lập lại Quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định vào đầu năm 1932 và được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Năm 1932, do nhu cầu công tác, Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933.

Đầu năm 1933, sau khi Xứ ủy do Hồ Văn Long lập lại bị địch phá vỡ, Trần Văn Giàu (bí danh Hồ Nam) từ Liên Xô về liền cùng Phan Vân, Trương Văn Bang lập lại Xứ ủy mới, chủ trương thành lập các đặc ủy, Võ Văn Ngân vừa là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa là thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông. Đầu tháng 3/1935, Võ Văn Ngân được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; kế đó, cùng với Nguyễn Chánh Nhì (bí danh Cổn, đại biểu miền Tây), đồng chí được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), từ ngày 27 đến 31/3/1935, do Hà Huy Tập chủ trì, Võ Văn Ngân với bí danh “đồng chí Xù” đóng góp tích cực vào đại hội và được bầu là 1 trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 đồng chí (9 chính thức, 4 dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư.

Vượt hiểm nguy trở về Nam kỳ trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Võ Văn Ngân vẫn cùng các đồng chí kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy. Đồng chí chỉ đạo lập lại nhiều tổ chức cơ sở Đảng từ cấp xứ đến quận, làng, vừa chuẩn bị căn cứ ở nông thôn ngoại thành để Trung ương về đóng “trụ sở”. Võ Văn Ngân bàn với Xứ ủy quyết định chọn làng Tân Thới Nhất - quê ngoại của mình cách trung tâm thành phố 15km, nơi người dân giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, làm địa bàn đầu mối lãnh đạo của Trung ương Đảng. Chính tại căn cứ Hóc Môn - Bà Điểm do Võ Văn Ngân, Võ Văn Tần tổ chức, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành các hội nghị quan trọng lần thứ 4, 5, 6 một cách an toàn tuyệt đối, cho ra đời các nghị quyết cơ bản, trong đó, đặc biệt có Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (tháng 11/1939) về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, quyết định chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam trong tình hình phát triển của cách mạng thế giới, dẫn đến Khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng Tháng Tám về sau.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào nghị viện ở chính quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng ta phát động mạnh mẽ cuộc vận động dân chủ. Tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy do Võ Văn Ngân làm Bí thư, hàng trăm ủy ban hành động ra đời. Đảng đưa người ra công khai ứng cử vào Hội đồng Quản hạt thành phố, trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc míttinh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Bản thân Võ Văn Ngân cùng đồng chí Bảy Suyễn (tức Bùi Văn Ngữ) lãnh đạo trực tiếp một cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn - Chợ Lớn, có hàng chục ngàn đồng bào từ các tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho,... kéo về dự, tạo nên một không khí chính trị sôi động chưa từng có, khiến chính quyền địch vô cùng hoang mang. Báo cáo của tên quan tư Nôblô (No Blot) gởi Thống đốc Nam kỳ đầu năm 1937 bắt đầu ít nhiều “đánh hơi” về hành tung của Võ Văn Ngân.Sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (13 và 14/3/1937), Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng. Trung ương Đảng quyết định để đồng chí nghỉ dưỡng bệnh lâu dài và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng. Năm 1938, do bệnh tình ngày một trầm trọng, Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa trị. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ngân trút hơi thở cuối cùng vào ngày 07/9/1939, khi mới 37 tuổi(1). Phong trào cách mạng toàn Nam kỳ lúc bấy giờ nói riêng, cả nước nói chung, mất đi một cán bộ lãnh đạo Đảng ưu tú.Ngày nay, càng tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Võ Văn Ngân, thế hệ đi sau càng nhận ra chân giá trị về sự đóng góp, hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Đến nay, gia đình dòng họ Võ Văn Ngân có đến 35 liệt sĩ, 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhà thờ Võ Văn Ngân được khánh thành ở ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn; những địa danh tên đường, tên trường ở Long An, TP.HCM và nhiều nơi mang tên ông như càng thêm khẳng định: Võ Văn Ngân xứng đáng là nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng ta, người con ưu tú của quê hương Long An./.

Long Thái

(1) Theo Gia phả họ Võ ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Nhóm thực hành nghiên cứu Gia phả TP.HCM, 5/1989.

Baolongan.vn