Câu chuyện đầy xúc động ngày đức Phật nhập Niết Bàn
Mỗi năm đến ngày rằm Tháng 2, những người con Phật luôn tưởng nhớ tới ngày đức Phật nhập Niết Bàn. Cùng tìm đọc những bản kinh cổ xưa để sống lại thời kỳ đức Phật, ngày Đức Như Lai nhập Niết Bàn đã diễn ra như thế nào. Trân trọng giới thiệu bản dịch từ tiếng Pali của cố Pháp sư Maha Thongkham Medivongs.
YO VO ANANDA MAYÀ DHAMMO CA VINAYOCA DESITO PANNATTO MAMACCAYENA SATTHÀ SO VO
PHÁP LUẬT NÀO MÀ NHƯ LAI ÐÃ THUYẾT RỒI, ÐÃ TRUYỀN BÁ RỒI, PHÁP LUẬT ẤY LÀ THẦY CỦA CÁC NGƯỜI SAU KHI NHƯ LAI NHẬP DIỆT.
(Bộ DIGHANIKÀYA, Bài Kinh MAHÀPARINIBBÀNASUTRA, Trường Bộ 16)
Tháp Dhamekh, nơi đức Phật giảng bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo cho 5 anh em Kiều Trần Như.
Nguồn: Sưu tập
Này Ananda! Chư Tỳ Khưu còn mong gì ở Như Lai nữa?
Sau khi đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội bồ đề, Ðức Phật Thích Ca đến vườn Lộc Giả thuyết pháp lần đầu tiên gọi là: "Chuyển pháp luân" độ năm thầy Kiều trần Như đắc được Tứ Ðế, lần lần về sau hàng tứ chúng và chư thiên tu theo giáo pháp của Ngài, được thành đạo quả vô số kể.
Trải qua 44 năm dài đằng đẵng, Ðức Phật hết sức tận tụy trong sự hoằng pháp độ sanh. Có lắm lần bị nhục mạ, chưởi mắng thậm tệ, nhưng vị Chánh đẳng Chánh giác chẳng hề nản chí mỏi lòng.
Ðến năm thứ 45, một lúc nọ Ðức Thế Tôn ngự tại rừng xoài là rừng Ambalivana của người kỵ nữ tên Ambali đã dâng cúng cho Tăng Bảo. Rời khỏi rừng ấy, Ðức Thế Tôn cùng đi với nhiều vị Tỳ Khưu đến làng Veluvagàma, thuộc về địa phận xứ Vésali.
Vì cận ngày nhập hạ, Ðức Thế Tôn định cư ngụ tại làng ấy ba tháng hạ niên, Ngài cho vời chư vị Tỳ khưu đến dạy rằng: Này chư Tỳ Khưu, các thầy được phép đi nhập hạ trong xứ Vésàli theo các bạn quen của các thầy. Còn phần Như Lai, Như Lai định nhập hạ tại làng Veluvagàma này.
Các vị Tỳ Khưu bèn chia nhau đi nhập hạ theo ý muốn của mình.
Thình lình giữa hạ, Ðức Thế Tôn thọ bịnh rất nặng. Trong cơn đau Ngài nghĩ rằng lúc này chưa phải lúc nhập Niết Bàn, nên Ngài dùng pháp ghi nhớ và biết mình diệt trừ lần lần căn bịnh, trở lại bình phục như xưa.
Một ngày nọ Ðức Thế Tôn ngự trên bảo tọa, dưới bóng mát, ông Ananda vào hầu bạch rằng: Ðệ tử được thấy Ðức Thế Tôn khỏe mạnh lại, và các sự nhẫn nại của Ðức Thế Tôn đệ tử cũng đã thấy rồi, nhưng vì quá lo cho căn bịnh của Ðức Thế Tôn mà thân thể của đệ tử bải hoải, tinh thần rối loạn, không còn phân biệt được hướng nào, cho nên các pháp cũng không có trong tâm. Nhưng đệ tử vẫn chắc ý rằng: Ðức Thế Tôn còn nhiều pháp mầu để giảng dạy và tế độ tăng chúng, chắc Ngài chưa vội nhập Niết Bàn đâu. Sự vững lòng chắc ý của đệ tử như thế ấy.
- Này Ananda! Chư Tỳ Khưu còn mong gì ở Như Lai nữa? Các pháp Như Lai đã thuyết rồi, luôn cả bề trong, bề ngoài. Nắm tay của thầy, là sự bí ẩn trong các pháp Như Lai cũng chẳng có (nghĩa là Ðức Thế Tôn chẳng hề giấu giếm điều gì bí ẩn như vật người nắm trong tay). Như Lai là thầy của chư thiên và nhơn loại; tâm rất trong sạch, giải thoát khỏi tham ái và tà kiến. Như Lai chẳng dạy pháp nào riêng cho một đệ tử mà không đem ra giảng giải lại cho hàng Thinh văn, hoặc cho một vị Thinh văn nào mà không cho các đệ tử khác biết.
Này Ananda, kẻ nào có lòng mong mỏi muốn cai quản chư Tăng nhận làm nơi nương dựa, hoặc trước chư Tăng thốt những lời yêu mến, nhớ tiếc, những điều ấy Như Lai không từng có. Này Ananda! Hiện giờ Như Lai đã già lắm rồi, tuổi của Như Lai sẽ được 80 tuổi vào năm mới này, thân của Như Lai chẳng khác cái xe bò hư chấp bằng tre.
Này Ananda! Lúc nào Như Lai nhập định (Cétosamàdhi) tâm không vọng động, bởi không để ý đến đề mục, vì đã diệt được thọ, nên khi nhập định, tâm của Như Lai được an vui khoái lạc.
Ananda này! Do nhờ diệt thọ tưởng định mà thân của Như Lai được an vui. Các người chỉ có thân là vật nương nhờ; cần phải có pháp để làm nơi nương nhờ. Ngoài pháp của Như Lai chẳng có pháp nào khác làm nơi nương nhờ được.
Thuyết rồi pháp này, Ðức Thế Tôn hội chư Tăng lại giảng giải pháp nương nhờ. Pháp nương nhờ ấy là pháp Ekakàya magga là con đường đi một mình; chính là pháp Tứ niệm xứ
Ðức Thế Tôn ngự tại Veluvagàma, đến ra hạ, đến tháng thứ 3 của mùa Hamanta (mùa lạnh) là tháng Magha.
Một buổi sáng nọ, Ðức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vesàli trì bình. Trở về thọ thực xong, Ngài bảo Ananda lấy tọa cụ vào tháp Pàvàlaceliya nghỉ trưa. Ông Ananda dọn chỗ dưới một cây cổ thọ cho Ðức Thế Tôn an nghỉ. Khi an tọa rồi, Ngài kêu Ananda mà phán rằng "Người nào đắc được Iddhipàda (Iddhipàda là 4 pháp nguyện vọng pháp mầu.) có thể sống tới một kiếp, hoặc sống lâu hơn một kiếp như ý muốn".
Ðức Thế Tôn phán 3 lượt như thế, mà lúc ấy tâm của Ananda bị mờ ám không hiểu Ðức Thế Tôn muốn nói cái chi, nên làm thinh không hở môi, hỏi đi hỏi lại như thường khi, Ðức Thế Tôn liền dạy Ananda lui ra ngoài để Ngài nghỉ. Ông Ananda vâng lời, ra ngồi dưới một cội cây gần đó.
Ananda vừa ra khỏi thì Ma Vương vào chầu Ðức Phật, đảnh lễ xong rồi Ma Vương ngồi lại gần Ðức Phật và nhắc lại câu chuyện xưa rằng: "Trước kia, khi Ðức Thế Tôn vừa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội cây Ajapãlanirodha, tôi có đến thỉnh Ngài nhập Niết Bàn để an nghỉ nơi vô sanh bất diệt. Ngài có phán rằng: chúng sanh còn mê muội, Như Lai cần phải đem giáo pháp của Như Lai ra giảng giải để diệt trừ các mầm mê tín dị đoan, đem sự lợi ích cho nhơn loại và chư thiên; bao giờ chưa có hàng tứ chúng Như Lai chưa vội nhập Niết Bàn đâu".
Bạch Ðức Thế Tôn: "Hiện giờ hàng tín đồ và Pháp cao thượng đã đầy đủ theo ý của Ðức Thế Tôn rồi. Vậy cầu xin Ðức Thế Tôn hãy nhập Niết Bàn đi. Lúc này là lúc đáng cho Ðức Thế Tôn nhập diệt lắm vậy. Cầu xin Ðức Thế Tôn nhậm lời".
Ðức Phật mới đáp lại rằng: "Hỡi Ma Vương này! Ngươi nên có sự tri túc, ngày nhập Niết Bàn của Như Lai chẳng còn bao lâu nữa đâu. Kể từ nay đến 3 tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết Bàn".
Ðức Thế Tôn vừa dứt lời, thì quả địa cầu phát rung chuyển, lại có những tiếng sấm nổ vang trời, giữa không trung.
Ðức Ananda lấy làm lạ, vào bạch hỏi Phật cho biết nguyên nhân của mấy điềm lạ ấy.
8 nguyên nhân làm rung động địa cầu khi đức Phật bàn về ngày nhập Niết bàn
Ðức Thế Tôn mới giải về 8 nguyên nhân làm rúng động quả địa cầu cho Ananda nghe:
1. Gió hoạt động mạnh.
2. Người có thần thông, dùng thần thông làm cho quả địa cầu rung động.
3. Lúc Ðại Bồ Tát giáng sanh từ cõi Ðâu Xuất vào lòng mẹ trong kiếp chót.
4. Lúc Ðại Bồ Tát ra đời trong kiếp chót.
5. Lúc Ðại Bồ Tát chứng quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.
6. Lúc Ðức Như Lai chuyển Pháp luân.
7. Lúc Ðức Như Lai định nhập Niết Bàn.
8. Lúc Ðức Như Lai nhập Vô Dư Niết Bàn.
Giải rồi Ðức Thế Tôn cho ông Ananda biết rằng Ngài vừa hứa với Ma Vương sẽ nhập Niết Bàn, nên quả địa cầu mới rung động như thế ấy.
Ông Ananda liền quỳ lạy, khẩn cầu: "Xin Ðức Thế Tôn sống cho được một kiếp để tế độ quần sanh, ban bố hạnh phúc và cứu khổ nhân loại, cùng đem sự lợi ích cho chư thiên".
Ðức Phật mới cản rằng: "Ananda này! Ðừng, ngươi đừng yêu cầu Như Lai; giờ này chẳng phải là giờ ngươi yêu cầu Như Lai được".
Ông Ananda vẫn hết lòng khẩn 3 lượt.
Ðức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: Này Ananda! Ngươi có tin trí tuệ của quả cao thượng Như Lai chăng?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử tin.
- Ananda này! Nếu ngươi tin, tại sao ngươi làm rộn Như Lai đôi ba lần?
- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử có nghe Ðức Thế Tôn dạy rằng: "Người nào đã thuần thục 4 pháp" "Nguyện vọng pháp mầu" rồi, thì khi hết tuổi thọ người ấy muốn sống thêm cả kiếp, hơn cả kiếp cũng được. Bốn pháp "Nguyện vọng pháp mầu" ấy, Ðức Như Lai đã thuần thục rồi, nếu Ngài muốn sống thêm nữa, cũng có thể sống hết tuổi của kiếp được, hoặc hơn tuổi của kiếp cũng được". Bởi thế nên đệ tử mới yêu cầu đến 3 lượt.
Ðức Thế Tôn phán hỏi thêm rằng:
- Ananda này! Ngươi có tin thần thông của 4 pháp nhiệm mầu ấy chăng?
- Bạch hóa Ðức Thế Tôn, đệ tử tin.
- Ananda này! Nếu vậy, tại sao khi Như Lai tỏ dấu bằng lời nói, mà Ananda không hiểu, không nài nỉ Như Lai trong lúc trước, là lúc Như Lai có thể hứa ở lại được? Nếu trong lúc ấy, Ananda yêu cầu Như Lai, 1 lần, 2 lần, cho đến 3 lần Như Lai đã nhận lời yêu cầu ấy rồi. Hiện giờ Ananda có yêu cầu cũng muộn rồi. Ananda có nhớ không? Chỗ mà Như Lai tỏ dấu cho ngươi, kể ra là 16 chỗ trong thành Vương Xá (Rajagaha) là:
1. Tại núi Gijjhakùta
2. Tại núi Gotamanigrodha
3. Tại hố Corapatana
4. Tại hang Sattapannagùhà (núi Vibhãrapabbata)
5. Tại hang Kalasilà (núi Isigilipabbata)
6. Tại triền núi Sappisonatikà (rừng Sìtavana)
7. Tại chùa Tapodàràma
8. Tại chùa Veluvana (Trúc Lâm)
9. Tại vườn Jivakambavana
10. Tại rừng Maddakucchionrugàdàyavana
Và 6 chỗ nữa trong thành Vesàli (Bĩ tỳ xá lệ) là:
1. Tại tháp Uddenacetìya
2. Tại tháp Gotamacetìya
3. Tại tháp Sattambacetìya
4. Tại tháp Bàhupattacetìya
5. Tại tháp Sarandacetìya
6. Tại tháp Pàvàlacetìya (chỗ Phật đang nói chuyện với Ananda).
Tổng cộng cả thảy là 16 chỗ, là chỗ mà Ananda đáng yêu cầu Như Lai, mà không yêu cầu. Hiện giờ Ananda có nài nỉ cũng vô ích, lỗi ấy là lỗi của Ananda vậy.
Ananda này! Như Lai đã có dạy rằng: "Tất cả chúng sanh, có các pháp hành là vật yêu thương hằng thay đổi và xa nhau, không bền vững theo ý muốn. Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi không khi nào chúng sanh mong được do bởi thân này. Vật chi sanh lên bởi nhân sanh, đều phải tiêu diệt là lẽ thường, dầu có khóc than, mong mỏi, yêu cầu vật ấy đừng tiêu diệt cũng chẳng được đâu. Ðiều ấy Như Lai cũng không thể làm vừa ý muốn ngươi được đâu."
Ananda này! Ðiều gì mà Như Lai đã dứt bỏ rồi, buông bỏ rồi, diệt bỏ rồi, mà Như Lai lại thâu vì một lẽ gì, hoặc vì sanh mạng, Như Lai không bao giờ làm".
Một vì Chánh Ðẳng Chánh giác chẳng hề làm điều chi dư sót và ám muội để cho chúng sanh phải ngờ vực, nên trước ngày Ngài nhập Niết Bàn trong 16 lượt, Ðức Thế Tôn đã có dỉ hơi cho ông Ananda hiểu rằng Ngài có thể dùng thần thông ngăn cản pháp hành không cho làm tiêu hoại xác thân Ngài đến trọn một kiếp cùng nhiều hơn nữa, để coi Ananda có hiểu mà yêu cầu Ngài ở lại thế gian lâu dài không, mà Ananda không để ý chút nào, ấy cũng chẳng qua là nhiệm vụ của Ngài đã trọn đủ, không còn dư thiếu, nên khiến cho ông Ananda tối mê không hiểu ý Phật. Lại nữa, dầu cho có thần thông như Ðức Phật để sống trọn một kiếp, cùng nhiều hơn sự sống ấy, cũng như oai lực thần thông ấy, cũng còn giới hạng, cũng bị luật vô thường chi phối, chỉ có Niết Bàn là bền vững, chắc thật. Bởi thế cho nên, Ðức Thế Tôn để lời thức tỉnh ông Ananda và an ủi cho ông hết còn uất ức, ân hận.
Xong rồi Ðức Thế Tôn ngự đến rừng Mahàvana, hội họp chư Tăng nơi phước xá Kutàgàrasalà và dạy rằng: "Này chư vị tỳ khưu, tại sao các thầy lại có ý mong mỏi cho Như Lai sống lâu? Pháp nào về phần trí tuệ cao thượng mà Như Lai đã giảng giải hầu được đắc đạo quả về sau, dứt bỏ trần cảnh đến nơi thánh giới; các pháp ấy các thầy cố gắng làm theo thuần thục để thâu thập kết quả lợi ích. Ðược như vậy mới gọi là các thầy kính trọng Như Lai.
Ðược như vậy pháp hành [4] cao thượng sẽ được thường tồn và nhơn loại sẽ nhờ đó mà được thoát khổ, tấn hóa, an vui, luôn cả và chư thiên nơi thượng giới. Các pháp mà Như Lai đã thuyết bằng trí tuệ là:
Bốn chỗ niệm (Tứ niệm xứ, Satipatthàna).Bốn pháp tinh tấn (Tứ chánh cần, Samappadhàna).Bốn pháp nguyện vọng pháp mầu (Tứ như ý túc, Iddhipàda).Năm căn (Ngũ căn, Indriya).Năm lực (Ngũ lực, Bala).Bảy nhân sanh quả bồ đề (Thất phận bồ đề, Bojjanga).Tám chánh của con đường giải thoát (Bát chánh đạo, Atthangikamagga).
Toàn cả 37 pháp chia làm 7 phần gọi là pháp về trí tuệ hiểu cao thượng (Abbimmàdessanàdhamma). Những pháp Như Lai để lại toàn là có lợi ích và sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho chư thiên và nhân loại. Các thầy nên ghi nhớ mà thật hành trong tâm".
Ðức Thế Tôn thuyết về kệ động tâm và pháp không dễ duôi
Kế đó Ðức Thế Tôn thuyết về kệ động tâm và pháp không dễ duôi:
- "Chư Tỳ khưu này! Như Lai nhắc các thầy hiểu rằng: Pháp hành là vật của các pháp cấu tạo, có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên, các thầy nên tìm điều lợi ích cho mình và cho người bằng sự không dễ duôi. Trong 3 tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết Bàn. Tất cả hạng người dầu trẻ hay già, trí tuệ nhiều hay ít, giàu hay nghèo, đều có sự chết về ngày vị lai. Cũng như đồ bằng đất của thợ gốm, dầu lớn nhỏ, sống chín, chẳng luận thứ nào đều bị bể là sự cuối cùng, chẳng khác nào sanh mạng của tất cả chúng sanh phải bị sự chết là nơi cuối cùng vậy. Tuổi của Như Lai đã già rồi, sự sống của Như Lai càng thâu ngắn lại. Như Lai sẽ xa các thầy, sự nương nhờ của Như Lai các thầy đã nương nhờ rồi, Như Lai đã làm xong rồi.
Này các thầy Tỳ khưu! Các thầy chẳng nên dễ duôi, nên có trí nhớ và trì giới cho nghiêm, nên có sự suy nghĩ lành và gìn giữ tâm cho trong sạch. Người nào là người không dễ duôi ở trong pháp luật, người ấy sẽ diệt trừ được nguồn sanh tử luân hồi."
"Này Ananda! Như Lai thấy Vésãli lần này là lần cuối cùng. Ananda này! Ta đi về làng Bhandugàma, vào chùa Bhandugàma rồi, Ðức Thế Tôn hội chư Tăng lại giảng pháp giới định huệ và giải thoát.
Nguồn: Sưu tập
Một buổi sáng kia Ðức Thế Tôn đắp y mang bát, vào thành Vesàli khất thực. Khi trở về, ra khỏi thành, Ðức Thế Tôn ngảnh mặt nhìn về thành Vesàli và kêu ông Ananda mà nói rằng:
"Này Ananda! Như Lai thấy Vésãli lần này là lần cuối cùng. Ananda này! Ta đi về làng Bhandugàma, vào chùa Bhandugàma rồi, Ðức Thế Tôn hội chư Tăng lại giảng pháp giới định huệ và giải thoát.
Chư Tỳ Khưu này! Vì bởi không đắc thánh pháp, không rõ 4 pháp là: giới, định, huệ và giải thoát, nên Như Lai và các thầy đã luân hồi trong các cảnh giới một thời gian vô cùng tận. Si mê che đậy không cho phát sanh trí tuệ thông thấu trong 4 pháp ấy, là nhân dắc dẫn trong luân hồi.
Này các thầy Tỳ Khưu! Hiện giờ đây, giới, định, huệ và giải thoát là thánh pháp, ta và các thầy đã thông thấu rồi. Tham ái là nhân đưa vòa các cảnh giới, ta và các thầy đã diệt rồi. Tham ái là pháp dắt dẫn luân chuyển trong cảnh giới như sợi dây cột chơn con quạ đã đứt rồi, không còn tạo một cảnh giới nào khác nữa. Hiện giờ sự sanh của ta và của các thầy không có nữa".
Lúc ngự tại Bhandugàma, Ðức Thế Tôn dạy về giới định huệ nhiều hơn các pháp. Rồi Ngài giảng về quả báo của giới:
- "Này chư Tỳ khưu! Giới là chỗ của các pháp cao thượng (là định huệ và đạo quả) ví như quả địa cầu mà người nương nhờ, ở làm công việc bằng sức mạnh được. Giới một khi được trong sạch rồi, làm cho có định, định được quả bao cao thượng. Khi có định cao thượng thì có trí tuệ, trí tuệ có đặc ân cao thượng. Một khi trí tuệ cao thượng dạy bảo, đào luyện tâm; tâm ấy được giải thoát khỏi những thụy miên phiền não là: Kàmàsava (thụy miên phiền não về tình dục), Bhàvàsava (thụy miên phiền não về vô minh). Tam học là pháp hành của giải thoát. Giải thoát là kết quả cuối cùng (lõi) của pháp luật. Ðệ tử thông hiểu, được giải thoát là bởi hành đúng đắn theo Tam Học".
Ở tại chùa Bhandugàma thuyết pháp độ sanh một thời gian rồi Ðức Phật ngự lần lần qua làng Hutthìgàma, Ambagàma, Jambugàma, sang qua xứ Bhoganagara, tạm ngụ trong tháp Anandacetìya, Nơi đây Ngài thuyết kinh Mahàpadesa (4 xứ lớn) dạy chúng đệ tử phân biệt đâu là pháp luật, là lời kim ngôn của Ðức Giáo chủ, đâu là điều lầm lộn, là lời bịa đặt, nghĩa là khi nghe pháp nào mà người ta nói pháp của Phật, chẳng nên tin vội và bỏ vội. Nghe rồi phải suy xét coi pháp ấy có đúng theo chơn lý cùng không đúng, hoặc tìm kiếm coi pháp ấy có đúng theo kinh và luật chăng. Nếu không phù hạp theo chơn lý, cùng không giống lời kim ngôn của Ðức Giáo chủ thì pháp ấy, là pháp bịa đặt. Ðây là lý tóm tắt của kinh Mahàpadesa.
Bữa thọ thực cuối cùng của Đức Phật
Ở tại Bhoganagara cho đến gần ngày nhập diệt, Ðức Thế Tôn và chư vị Tỳ khưu sang qua xứ Pavà, tạm ngụ trong vườn xoài của con một người thợ bạc tên là Cunda. Khi hay tin có Phật ngự trong vườn xoài của mình, chàng Cunda đến làm lễ Phật; được Ðức Thế Tôn dạy cho thấu hiểu nghiệp quả và khuyên làm các điều lành theo chánh pháp. Sáng ngày Cunda thỉnh Phật và chư Tăng đến nhà thọ thực. Ðến nơi, Ðức Phật gọi Cunda dạy rằng. "Này Cunda! Món nào mà người sắm sanh để cúng dường, ngươi chỉ nên cúng dường đến một mình Như Lai, còn những món khác ngươi nên đem dâng cho chư vị Tỳ khưu Tăng".
Sau khi thọ thực xong, Ðức Thế Tôn gọi Cunda lại bảo phải đem đi chôn vật thực Ngài dùng còn dư. Rồi Ngài thuyết pháp chỉ sự tu hành đúng theo chánh pháp cho Cunda nghe thấu rõ mọi lẽ, để hành theo cho có kết quả tốt đẹp.
"Này Cunda! Món nào mà người sắm sanh để cúng dường, ngươi chỉ nên cúng dường đến một mình Như Lai, còn những món khác ngươi nên đem dâng cho chư vị Tỳ khưu Tăng". (Bữa thọ thực cuối cùng của đức Phật)
Nguồn: Sưu tập
Bữa thọ thực này là bữa thọ thực cuối cùng của vì Chánh đẳng Chánh giác, để qua ngày sau là ngày rằm tháng Visàkha, Ngài nhập vô lượng thọ Niết Bàn. Nên sau bữa cơm ấy, Ngài thọ bịnh kiết lỵ rất nặng. Nhờ oai lực thần thông và pháp nhẫn nại, Ðức Thế Tôn đè nén bịnh ấy được, rồi cùng chư đệ tử kíp lên đường qua xứ Kusinàrà. Giữa đường Ðức Thế Tôn thấy mình mệt nhọc vô cùng, nên tạm nghỉ dưới cội cây, bảo Ananda trải y tăng già lê 4 lớp cho Ngài ngồi và bảo kiếm nước cho Ngài dùng, vì Ngài khát lắm.
Ông Ananda mới bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, có cả 500 cỗ xe bò vừa mới đi qua, nước trong con sông rất ít, bị bánh xe làm nổi cặn bùn, không thể uống được. Phía trước cách chẳng bao xa, có con sông Kudhãnadĩ, nước trong trẻo, xin thỉnh Ðức Thế Tôn nghỉ cho khỏe rồi đến đó giải khát và tắm luôn thể. Ðức Thế Tôn phán rằng: "Không được đâu Ananda, Như Lai khát nhiều không thể chờ đợi, Ananda cứ đi múc nước cho Như Lai dùng. Ði đi, Ananda đi đi".
Ananda nghĩ rằng bậc Chánh đẳng Chánh giác chẳng bao giờ nói lời vô lý; nên ông ôm bát ra đi múc nước. Dòng nước đang đục, trở nên trong trẻo tinh anh. Chừng ấy Ananda mới hiểu rõ oai lực thần thông của bậc Chánh đẳng Chánh giác và lời nói của Ðức Phật khi nãy rất hữu lý. Ông Ananda đem nước về dâng cho Ðức Phật dùng.
Kế có Hoàng tử xứ Malla, tên Pukakusa, là đệ tử của đạo sĩ Alara, từ xứ Kusinàrà qua xứ Pàvà, giữa đường gặp Ðức Thế Tôn, nên vào lễ bái, Ðức Thế Tôn thừa dịp thuyết pháp cho Hoàng tử Pukakusa nghe được phát tâm trong sạch, mới đem dâng 2 cây vải Singivanna cho Phật và bạch rằng: Bạch hóa Ðức Thế Tôn! Hai bức vải này rất nhuyễn, màu như vàng thiệt, đệ tử sắm để dùng khi có đại lễ, là vật rất quý giá. Xin Ðức Như Lai đem lòng từ bi thọ lãnh 2 bức vải này của đệ tử.
Ðức Phật mới dạy rằng: "Vậy thì Hoàng tử nên để cho ta dùng đắp một bức và cho Ananda dùng đắp một bức".
Hoàng tử Pukakusa làm y theo lời dạy của Ðức Thế Tôn, rồi bái tạ ra đi.
Ông Ananda đem dâng cho Phật 2 bức vải ấy, Phật lấy bức của Ngài mặc vào. Ananda lấy bức vải của ông đắp thêm cho Phật. Hai bức vải Singivanna ấy nhờ hào quang trong thân Ðức Thế Tôn chiếu rọi ra, trở thành như đống lửa than vàng hực phi thường. Ananda mới ca tụng: màu da Ðức Thế Tôn thật là sáng rạng đẹp đẽ vô cùng.
Ðức Thế Tôn mới đáp rằng: "Ananda này! Thân hình của Như Lai phóng hào quang đẹp đẽ, sáng rỡ, thật y như lời Ananda ca tụng. Thân hình ta có 2 lần sáng rỡ là: trong khi mới đắc đạo quả dưới cội bồ đề và trong đêm sắp nhập Niết Bàn. Ananda này! Ðiềm ấy cho biết rằng trong đêm nay Như Lai sẽ nhập diệt giữa 2 cội cây Sãla, tại rừng Salãvana của xứ Kusinàrà này. Vậy thì ta cùng nhau lần đến con sông Kakudhà".
Ðến nơi Ðức Phật tắm rửa rồi ngự vào một vườn xoài nọ tạm nghỉ, và gọi Ananda lại bảo rằng: Này Ananda! có một chuyện sẽ có là chàng Cunda sẽ bị bực tức, nóng nảy do những lời khiển trách rằng tại gã dâng vật thực đến Như Lai nên Như Lai phải thọ bịnh mà nhập Niết Bàn. Người ta sẽ nói với Cunda rằng: "Này Cunda! Ngươi đã làm một việc bất lợi, một việc chẳng lành, Ðức Phật nhập diệt vì thọ thực của ngươi".
Này Ananda! Trái lại Cunda làm một sự đại lợi, một cái lành cao cả.
Ananda này! Ngươi sẽ dạy Cunda rằng chính ngươi đã nghe Như Lai bảo: "Có hai sự bố thí vật thực bằng nhau, có kết quả bằng nhau và quý báu hơn các sự bố thí vật thực khác: Ðại Bồ Tát thọ thực nơi nào rồi được chánh quả Chánh đẳng Chánh giác là một. Vì Chánh đẳng Chánh giác thọ thực nơi nào rồi nhập Niết Bàn là một. Cả hai nơi dâng cúng vật thực ấy có quả báo đồng nhau và tốt đẹp hơn các tài thí khác. Nghiệp lành phát sanh cho thí chủ là: sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền quới và thiên đàng. Cunda! Ngươi đã đào tạo duyên lành như thế ấy rồi vậy.
Ananda này! Ngươi nên mau giải cho Cunda nghe như vậy, để giụt tắt điều bực tức nóng nảy cho người đi".
Rồi đó Ðức Thế Tôn và chư vị Tỳ khưu qua sông Hirannàvati trực chỉ đến Kusinàrà, vào rừng Salà bảo Ananda: "Ananda này! Ngươi hãy trải chỗ nằm, day đầu về hướng Bắc, ở giữa khoảng 2 cây Salã, ta đã mệt mỏi lắm rồi". Ananda dọn xong chỗ nằm, Ðức Thế Tôn an ngọa mình nghiêng phía tay mặt, đầu day hướng Bắc, mắt nhìn phương Tây.
Nguồn: Sưu tập
Nguồn: Phatgiao.org.vn