292 lượt xem

Câu chuyện đầy xúc động ngày đức Phật nhập Niết Bàn - Kỳ 2

Hoa sala và hoa mạng thù rơi từ hư không thương tiếc Ngài

Mùa ấy chẳng phải là một mùa bông, mà hai cây Salà lại đơm bông tươi tốt từ dưới gốc lên trên ngọn và tuôn rơi trên mình Ðức Thế Tôn như tỏ ý cúng dường. Lại còn có những bông mạng thù lớn, bông mạng thù nhỏ, từ trên hư không rớt xuống mình Phật vô số. Thêm cả tiếng nhạc trời tiêu trổi trên không trung cúng dường Phật Tổ Như Lai, Ðức Thế Tôn kêu ông Ananda lại cho biết đó là sự cúng dường của chư thiên và Ngài tiếp giải rằng: "Ananda này! Như Lai chẳng phải là một bực để cho chúng sanh chiêm ngưỡng cúng dường như thế này! Ananda này! Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Thiện nam, Tín nữ hạng nào hành đúng theo pháp của Như Lai tùy theo sức mình, hạng ấy mới là hạng cúng dường Như Lai bằng cách hành đạo chơn chánh vậy. Như Lai là bậc Pháp Vương hằng dạy đệ tử cúng dường bằng cách hành đạo cao thượng quý báu. Ðược như thế, giáo pháp của Như Lai mới được bền vững lâu dài và chúng sanh nhờ tư cách hành đạo chơn chánh ấy mới giải thoát khỏi khổ."

Lúc ấy có một vị Ðại Ðức tên Upavàna đứng quạt hầu trước mặt Phật. Ngài mới phán với vị Ðại Ðức ấy rằng: Này thầy Apavàna! thầy hãy đi tránh nơi khác đi, chẳng nên đứng trước mặt Như Lai.

Ông Ananda nghe vậy lấy làm lạ, mới nghĩ rằng Ðại Ðức Upavàna là người hầu của Phật từ lâu, tại sao tới giờ cuối cùng mà Phật lại đuổi đi nơi khác, không cho hầu quạt Ngài? Ông Ananda mới bạch hỏi Phật, Phật dạy rằng: "Này Ananda! Chư Thiên cả Ta bà thế giái hợp lại rất nhiều mong thấy mặt Như Lai. Ananda này! Xứ Kusinàrà, vườn Salàvana chu vi 12 do tuần, trong 12 do tuần ấy, mỗi một khoảng nhỏ bằng hột cát có một vị Thiên quyền lực lớn, biến hình đứng chen nhau chật nức. Ananda này! Tất cả chư thiên đã phiền trách rằng: "Chúng ta từ xa đến, mong được thấy mặt Ðức Thế Tôn rất ít có trong đời, và sắp nhập Niết Bàn trong đêm nay mà vị Tỳ khưu trưởng thượng này lại đứng trước mặt Ðức Thế Tôn". Chư thiên phiền trách như thế ấy, nên Như Lai mới dạy thầy Upavàna lui ra.
Ông Ananda mới hỏi qua lai lịch của các vị Thiên chúng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Hạng chư Thiên thế nào? Tâm họ ra sao?

Ðức Phật đáp: Hạng chư thiên lấy hư không làm mặt đất, có hạng lấy địa cầu làm mặt đất, mỗi người xõa tóc, ôm đầu gối ngồi khóc; có vị nằm lăn trên đất khóc kể rằng: Ðức Thế Tôn nhập diệt trong đêm nay! Hỡi Ðức Thế Tôn, sao Ngài vội nhập Niết Bàn sớm quá? Hỡi Ðức Thế Tôn sao Ngài nhập diệt sớm quá! Con mắt thế gian đã đui hết rồi. Riêng về phần chư thiên nào đã dứt được lòng tham ái, là bậc chứng quả Anahàm; các vị thiên ấy có trí nhớ, biết mình, nhẫn nại trước sự hối tiếc bằng cách động tâm như vầy: "Các pháp hành thật không bền vững. Ðiều mà chúng sanh đang mong mỏi, không sao mong mỏi được, vì tại nơi chúng sanh còn mang cái xác thân".

Ông Ananda bạch hỏi thêm Phật như vầy: "Thuở giờ, chư Tỳ khưu nhập hạ ở các nơi đúng theo luật là ba tháng ra hạ, trở về hầu Ðức Thế Tôn. Sau khi Ðức Thế Tôn nhập diệt rồi, chúng đệ tử sẽ làm thế nào? Và có được phép đến gần học hỏi nơi các vị Tỳ khưu cao thượng, hành pháp minh sát, cũng như chúng đệ tự đến thỉnh pháp nơi Ðức Thế Tôn chăng"?

Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: "Sau khi Như Lai diệt độ rồi, chúng đệ tử còn 4 chỗ nên coi, nên thấy, gọi là 4 chỗ động tâm:

1. Là chỗ của Ðức Như Lai sanh ra khỏi lòng Phật mẫu.

2. Là chỗ của Như Lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

3. Là chỗ của Như Lai chuyển Pháp luân.

4. Là chỗ của Như Lai nhập Vô dư Niết Bàn.

Bốn nơi ấy là nơi đáng coi, đáng thấy, làm cho tín đồ phát sanh động tâm, tinh tấn tu hành. Trong hàng tứ chúng, người nào có đức tin đến bốn nơi động tâm ấy và nhớ tưởng rằng: Ðây là nơi Ðức Thế Tôn giáng sanh; đây là nơi Ðức Thế Tôn thành đạo Vô thượng Bồ Ðề; đây là nơi Ðức Thế Tôn chuyển Pháp luân; đây là nơi Ðức Thế Tôn nhập vô lượng thọ Niết Bàn. Ananda này! Người nào hằng đi tới bốn nơi động tâm ấy luôn, là người có đức tin trong Phật giáo sau khi chết sẽ được sanh về cõi Trời".

Nghĩ về tư cách của thầy Tỳ khưu đối đãi với hàng phụ nữ, ông Ananda liền bạch hỏi rằng:

- Bạch Ðức Thế Tôn, chúng đệ tử phải đối đãi với hàng phụ nữ như thế nào"?

- Này Ananda! sự không thấy và không nhìn là phận sự của các ngươi.

- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu bắt buộc phải thấy, chúng đệ tử phải làm sao?

- Này Ananda! Khi trông thấy rồi không nên nói chuyện.

- Bạch Ðức Thế Tôn, nếu khi cần phải nói, chúng đệ tử phải làm sao?

- Này Ananda, khi cần phải nói để giảng đạo hay thuyết pháp các người phải dùng trí nhớ quan sát, không nên để cho tham ái lẫn vào tâm. Không nên để cho cử chỉ và lời nói vượt khỏi phạm hạnh của một vị Sa Môn.
 

"Này Ananda ơi! Ngươi chớ buồn rầu khóc than. Như Lai có dạy từ trước rằng những điều sanh lên phải có biệt ly, thay đổi, không sao tránh được. Ananda này! Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi, chúng sanh không thể mong mỏi được do nơi pháp hành đâu. Vật phát sanh bởi nguyên nhân cấu tạo phải có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên.
Nguồn: Sưu tập

Cách thức an táng thi hài đức Phật theo bậc Đức vua Chuyển luân Thánh Vương

Kế đó, ông Ananda hỏi qua cách thức sắp đặt cuộc hành lễ hỏa táng thi hài của Phật. Bạch Ðức Thế Tôn, chúng đệ tử phải làm thế nào với thi hài của Ðức Thế Tôn?

- Này Ananda! Các người thuộc về hạng xuất gia, chẳng nên lo đến công việc an táng thi hài của Như Lai. Như Lai khuyên các thầy rán vun bồi cái tương lai cho tốt đẹp, là sự lợi ích của các thầy, chẳng nên dễ duôi trong sự lợi ích ấy. Nên có sự tinh tấn thiêu đốt phiền não và các pháp đê tiện, phải có sự mong mỏi nơi sự cùng tột của pháp cao thượng trong mọi oai nghi.

Ananda này! Có các hàng vua chúa, và Bà la môn trong sạch sùng bái Như Lai nhiều. Những hạng trí thức thuộc về phái tại gia cư sĩ, nhứt là vua chúa, sẽ lo công việc an táng thi hài của Như Lai.

Lời của Phật làm ông Ananda bối rối. Ông suy nghĩ rằng: thoảng như các nhà vua và Bà La Môn đến hỏi ta là bực học rộng, lại là đệ tử hầu cận Phật, cách thức an táng thi hài của Phật, không lẽ ta sẽ trả lời rằng công việc ấy chẳng phải phận sự của hàng xuất gia, nên ta không bạch hỏi trước Ðức Phật. Nếu trả lời như thế ấy thật, là không xứng đáng với cái tên gọi là đại đệ tử có trí nhớ hơn hết. Vậy ta cứ nài hỏi Phật, nếu Phật không dạy bảo, ấy chẳng phải là lỗi tại ta; không ai trách được. Suy nghĩ rồi, ông Ananda nài nỉ xin Phật dạy lẽ nào để trả lời cho hàng vua chúa và Bà La Môn. Bạch Ðức Thế Tôn! Hàng trí thức, nhứt là vua chúa phải an táng thi hài Ðức Thế Tôn bằng cách nào?

- Ananda này! Nghi lễ an táng Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương thế nào, thì nghi lễ an táng thi hài của Như Lai cũng như thế ấy.

- Bạch Ðức Thế Tôn, đối với thi hài Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương, người ta phải làm thế nào?

- Ananda này! Người ta liệm bằng lụa trắng 1.000 cây, rồi để vào hòm vàng, ướp nước thơm, đậy nắp lại để trên hỏa đài, thiêu đốt bằng toàn cây có mùi thơm.

Khi hỏa táng xong, lượm lấy xương còn lại để trong tháp, xây nơi ngã tư đường, cho hàng tín đồ chiêm ngưỡng hằng ngày, trong khi đi lại từ 4 phương, hầu tâm được trong sạch, phước báu lâu dài. Các tháp ấy là vật quý báu cao thượng, sẽ đem sự lợi ích cho đoàn hậu tấn.

Ðức Thế Tôn dạy có 4 bậc đáng cho nhân loại xây tháp chiêm bái

1. Bậc Chánh đẳng Chánh giác.

2. Phật Ðộc Giác.

3. Thinh Văn Duyên Giác.

4. Vua Chuyển Luân Thánh Vương.

Hỏi xong mọi việc, Ông Ananda lui ra ngoài kiếm chỗ dựa rồi than khóc rằng: "Ta là kẻ phải làm phận sự chưa kết quả. Ðức Thế Tôn là thầy tế độ ta, và Ngài sắp nhập Niết Bàn. Ta biết lấy ai nương nhờ", vừa than thở vừa rơi lụy.

Thấy vắng Ananda, Ðức Thế Tôn mới kêu chư vị Tỳ khưu hỏi Ananda ở đâu? Chư Tỳ khưu đáp rằng: Ananda vào Vihàra níu lấy ngạch cửa đang khóc kể, than tiếc. Ðức Phật cho gọi vào mà dạy rằng: "Này Ananda ơi! Ngươi chớ buồn rầu khóc than. Như Lai có dạy từ trước rằng những điều sanh lên phải có biệt ly, thay đổi, không sao tránh được. Ananda này! Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi, chúng sanh không thể mong mỏi được do nơi pháp hành đâu. Vật phát sanh bởi nguyên nhân cấu tạo phải có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên. Ananda này! Người được hầu hạ Như Lai cả thân khẩu ý, bằng tấm lòng từ bi vô hạng, đã lâu rồi ngươi là người đã làm việc lành, ngươi sẽ là người không còn phiền não rất mau, ngươi sẽ đắc được quả A la hán".

Ðức Phật liền gọi chư tăng mà dạy rằng "Các thầy Tỳ khưu này! Các vị Chánh đẳng Chánh giác đã nhập diệt rồi từ đời quá khứ đều có mỗi vị một thầy Tỳ khưu hầu hạ rất tốt các vị Tỳ khưu ấy cũng chỉ bằng Ananda, là người hầu hạ Như Lai hiện đây. Những vị Tỳ khưu hầu hạ các vị Chánh đẳng Chánh giác trong đời vị lai có tốt cũng chỉ bằng Ananda của Như Lai hiện giờ thôi.

Này các thầy Tỳ khưu! Ananda là người thức thời biết lúc nào nên để cho vua chúa hoặc kẻ ngoại đạo vào hầu Như Lai; biết chia thì giờ cho hàng tứ chúng vào hầu Như Lai theo thứ tự, Ananda còn có 3 đức tánh rất ít có:

a) Khi nào Tỳ Khưu, Tỳ Khưu ni, thiện nam tín nữ vào gần trông thấy Ananda thoát nhiên phát tâm trong sạch.

b) Nếu Ananda thuyết pháp thì càng vui thích trong pháp, không biết chán, không biết nhàm.

c) Khi Ananda dứt lời giảng thì hàng tứ chúng lại muốn nghe thêm, ví như Vua Chuyển luân dạy các hàng Vua chúa, Bà La Môn, Phú hộ và Sa môn.

Khi được lời tặng khen, ông Ananda liền thừa dịp yêu cầu Ðức Phật đi nhập diệt nơi xứ lớn.

- Bạch hóa Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn đừng nhập diệt tại xứ nhỏ này. Nơi các xứ lớn khác như xứ: Campà, Ràjagaha (Vương Xá), Savatthi (Thất la phiệt), Saketa, Kosambì (Kiều đàm di), có nhiều vua chúa quan liêu, Bà La Môn và đại phú gia sùng bái Ðức Thế Tôn; họ sẽ lo lễ an táng Ðức Thế Tôn xứng đáng trọng thể.

- Này Ananda! Ngươi đừng nói xứ này nhỏ. Thuở xưa kia nơi đây đã có Ðức vua Chuyển luân Thánh Vương ra đời tên Mahàsudasana là bậc có quyền lực rất lớn, lấy 4 bể cả làm ranh giới. Ngài thắng kẻ thù bằng pháp, không cần dùng khí giới. Ngài có 7 thứ ngọc báu. Xứ Kusinàrà này thuở ấy có kinh đô tên là Kusàvati, là hoàng thành của vua Chuyển luân Thánh Vương Sudasana, bề dài từ hướng Ðông tới hướng Tây 12 do tuần, bề ngang từ hướng Nam đến hướng Bắc 7 do tuần. Xứ Kusinàrà là xứ giàu có, dân chúng đông dày, vật thực dễ kiếm, phong cảnh tốt đẹp, kèn trống, âm nhạc ngày đêm không dứt, không thua cảnh trời Tứ đại Thiên Vương.

Sau khi giải rõ lịch sử phi thường của xứ Kusinàrà cho ông Ananda và chư Tăng nghe rồi, Ðức Phật bèn biểu ông Ananda vào yết kiến vua Malla để tỏ cho vua hay sự tình: Ananda này! Như Lai định nhập diệt nơi đây mà vua Malla chưa hay, chưa biết. Vậy ngươi kíp vào hoàng thành tỏ ý định của Như Lai cho vua rõ, để ngày sau vua khỏi phiền trách và hối tiếc, không được yết kiến Như Lai trong giờ cuối cùng.

Ông Ananda vội vã vào đền, gặp giữa lúc vua và hoàng tộc đương hội yến đông đầy. Ông Ananda xin yết kiến đức vua Malla và tỏ rằng: "Bần tăng vâng lịnh Ðức Thế Tôn đến đây báo tin cho Bệ hạ rõ rằng Ngài vừa ngự đến vườn Salàvana, và định nhập Niết Bàn tại đó nội trong đêm nay, vào canh chót".

Khi nghe được tin ấy, vua và hoàng tộc đều cảm xúc rơi lụy và hối tiếc sao Ðức Như Lai vội nhập Niết Bàn sớm quá. Rồi đồng nhau đến rừng Salàvana xin vào yết kiến Ðức Thế Tôn. Vì quá đông người không thể vào một lượt, nên ông Ananda sắp đặt cho vua, hoàng hậu, mỗi gia đình của các vị hoàng, và của quan viên thay phiên vào yết kiến Ðức Phật, cho đến cuối canh đầu mới dứt.

Đệ tử cuối cùng của đức Phật là ai?

Khi vua và hoàng hậu cùng triều thần ra về, thì có một người ngoại đạo tên Subhadda đến yêu cầu xin ra mắt Ðức Thế Tôn. Ông Ananda ngăn cản không cho vào, vì thấy Ðức Thế Tôn không được khỏe. Subhadda nài nỉ đôi ba lượt. Ðức Thế Tôn hay được mới bảo Ananda cho vào. Subhadda vào lễ bái Ðức Thế Tôn rất cung kỉnh và hỏi thăm sức khỏe của Ngài, rồi khởi đầu cật vấn Ðức Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn, các vị Lục sư ngoại đạo là Puranakassapa, Makkhalikosala, Ajilakesakanibala, Pakuddhakaccayana, Sanjayavelatthaputta, Nigaranathana caputta, là bậc có tín đồ rất nhiều, tự cho là cao thượng và trí tuệ. Chẳng hay cả 6 Lục sư ấy đắc trí tuệ, hay có vị đắc, có vị chưa đắc"?
 

- Subhadda này! Thôi điều ấy hãy bỏ đi. Ðể Như Lai giải một vài pháp cho ngươi nghe, ngươi rán chăm chỉ nghe rồi hành theo, sẽ được kết quả tốt đẹp.
Nguồn: Sưu tập

Subhadda vâng lời cung kính lóng nghe Phật thuyết.

- "Subhadda này! Ðạo là pháp hành có 8 chi là con đường rất quý báu, đưa người đến nơi tận diệt phiền não. Con đường ấy có trong giáo pháp nào rồi, thì Samôn là người diệt được hết phiền não thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thứ tư sẽ có trong giáo pháp ấy. Subhadda này! Ngoài đạo của Như Lai, chẳng có vị Samôn nào đắc được chơn lý, dầu có thực hành theo giáo lý nào đi nữa, cũng chẳng có 4 hạng Samôn ấy. Subhadda này! Nếu có người hành đúng theo giáo pháp của Như Lai, thì trong cõi đời này vẫn còn có bực Alahán. Subhadda này! Kinh luật của Như Lai là phương pháp đem chúng sanh ra khỏi khổ, là nơi phát sanh các bậc Samôn cao thượng, là 4 bực thánh nhân, Subhadda này! Năm 29 tuổi Như Lai xuất gia để tầm kiếm thiện pháp. Như Lai đã xuất gia được 51 năm rồi. Vì Samôn là người hành pháp xuất thế gian, ngoài giáo pháp của Ta chẳng có. Vị Samôn thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, ngoài giáo pháp của Như Lai không có. Subhadda này! Nếu có người hành đúng theo giáo pháp của ta, thì chẳng hề mất đạo quả Alahán trong cõi đời này".

Nghe được giáo pháp rồi, Subhadda lấy làm trong sạch với pháp bảo, xin quy y làm thiện nam rồi tiếp hỏi về kinh luật Bạch hóa Ðức Thế Tôn, Ðệ tử sẽ là người xuất gia trong tôn giáo của Ðức Thế Tôn.

- Subhadda này! Người nào trước khi là ngoại đạo lại muốn xuất gia theo tôn giáo của Như Lai, người ấy phải chịu phạt cấm phòng 4 tháng. Sau 4 tháng, nếu người ấy được dứt bỏ hoàn toàn, không có tin tưởng theo ngoại đạo nữa, chư vị Tỳ khưu mới cho xuất gia.

Subhadda vì tâm quá trong sạch, liền bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu là ngoại đạo phải bị phạt cấm phòng 4 tháng, đệ tử xin chịu phạt cấm phòng 4 năm. Sau 4 năm rồi, xin chư Ðại đức Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho đệ tử". Nghe vậy, Ðức Phật mới gọi Ananda bảo rằng:

"Ananda này! Nếu vậy, ngươi hãy cho Subhadda xuất gia đi".

Ông Ananda vâng lời, làm lễ xuất gia cho subhadda trước mặt Ðức Thế Tôn.

Xuất gia xong rồi, thầy Tỳ khưu Subhadda, là đệ tử chót của Phật, kiếm chỗ thanh vắng, cố tham thiền nhập định, trong giây lát đắc đạo quả Alahán. Ngài được gọi là Sakkhisàva nghĩa là thấy Ðức Thế Tôn sau chót hết:

Ðức Thế Tôn kêu ông Ananda lại dạy rằng:

- Yo vo Ananda mayà Dhammo ca vinayo ca.

Desito pannatto so vo Mamaccayena satthà.

Này Ananda! Sau khi Ta nhập diệt có đệ tử tin như vầy: Lời kim ngôn của Ðức Như Lai đã qua rồi. Vị Bổn sư của ta không còn. Ananda này! Các người chớ nghĩ như thế. Pháp luật nào mà Như Lai đã thuyết rồi, đã truyền bá để lại rồi, pháp luật ấy là thầy của các ngươi, sau khi Như Lai nhập diệt.

Sau Đức Phật, ai sẽ là vị thầy? Đó chính là Pháp- Chính Pháp Như Lai để lại!

Ananda này! Hiện giờ đây chư Tỳ Khưu kêu gọi nhau bằng tiếng Àvuso (Hỡi thầy, nè thầy, thầy ôi), chẳng luận già trẻ nhỏ lớn. Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, các thầy chẳng nên gọi nhau như thế nữa. Vị Tỳ Khưu lớn hơn kêu tên của vị Tỳ Khưu nhỏ hoặc kêu Avuso (Này thầy) cũng được. Còn phần vị Tỳ Khưu mới tu, hoặc thấp hạ hơn, nên kêu vị Tỳ Khưu lớn bằng tiếng Bhante (Bạch Ngài) hoặc tiếng Ayasmà (Bạch Ðại Ðức), tùy theo trường hợp.

Ananda này! Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, nếu chư Tăng đồng lòng nhau muốn rứt bỏ một điều học nhỏ nào, thì được phép rứt bỏ, sau khi thỏa thuận giữa cuộc hội hợp công đồng. Ananda này! Sau khi Như Lai nhập diệt rồi, chư Tăng nên phạt Xa nặc (Chunna) bằng pháp Brahmadanda (làm tội theo Phạm Thiên), ông Ananda mới hỏi: "Bạch Ðức Thế Tôn! Phạt bằng pháp Brahmadanda, là làm thế nào?"

- Này Ananda! Xa nặc muốn nói gì, chư Tăng cứ để nói tự ý và đừng nói đến Xa nặc, như thế gọi là pháp Brahmadanda.

Ðức Thế Tôn sang qua nói với các thầy Tỳ Khưu "Chư Tỳ Khưu này! Nếu các thầy có điều nào nghi ngờ trong Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo hoặc trong sự hành đạo, các thầy cứ hỏi đi để khỏi hối tiếc về sau". Chư vị Tỳ Khưu lặng thinh, không trả lời. Ðức Thế Tôn hỏi đủ 3 lượt, chư Tỳ Khưu cũng lặng thinh. Ông Ananda bạch:

- Bạch Ðức Thế Tôn, điều này rất lạ và đệ tử lấy làm thỏa thích mà thấy rằng trong tất cả chư Tỳ Khưu nơi đây, chẳng có một vị nào có chút nghi ngờ trong Tam Bảo, đạo quả và pháp hành.

- Ananda này! Trong 500 vị tỳ Khưu này, những vị có cái đặc ân nhỏ hơn hết là bực đã đắc đạo quả Tu đà Hườn. Các vị ấy chắc chắn sẽ hoàn toàn ngộ đạo trong ngày vị lai. 500 vị Tỳ Khưu đây không có vị nào là phàm nhơn cả.

Nói rồi Ðức Thế Tôn kêu tất cả chư vị Tỳ Khưu dạy lời di giáo tối hậu rằng: "Handadàni bhikkhave amantayãmi vo vayyadhammã sankhãrã appamãdena samàdetha: Này chư vị Tỳ Khưu! Như Lai xin nhắc các thầy nên ghi nhớ rằng: Các pháp hành có sự tiêu diệt, sự hư hoại là lẽ cố nhiên. Các thầy nên làm sự lợi ích cho mình và cho người được kết quả mỹ mãn chẳng nên dễ duôi".

Ðức Thế Tôn gồm cả lời giáo huấn trong 45 năm vào một câu là "không dễ duôi" để nhắc nhở chư Tỳ Khưu trong giờ cuối cùng. (SỰ KHÔNG DỄ DUÔI LÀ CON ĐƯỜNG BẤT DIỆT. Không dễ duôi tức là luôn luôn có trí nhớ (SATI) và biết mình (SAMPAJAÑÑA) trong mọi hành động, lời nói và ý nghĩ.

Từ giờ ấy trở đi, Ðức Thế Tôn không còn nói một câu gì nữa. Ngài mới đem Niết Bàn làm đề mục gọi là Anupubbivihàra có 9 điều, mà chú giải dạy rằng:

Ðức Thế Tôn khởi nhập sơ thiền, ra sơ thiền, nhập vào nhị thiền, ra nhị thiền, nhập vào tam thiền, ra tam thiền, nhập tứ thiền, ra tứ thiền (bốn thiền này gọi là thiền hữu sắc).

Khi xuất ra tứ thiền rồi, Ngài nhập vào thiền vô sắc là Không vô biên, xuất ra khỏi Không vô biên, nhập vào Thức vô biên, xuất ra khỏi Thức vô biên, nhập vào Vô sở hữu, xuất ra khỏi Vô sở hữu rồi nhập vào Phi tưởng Phi Phi tưởng, xuất ra khỏi Phi tưởng Phi Phi tưởng rồi nhập vào Diệt Thọ Vô tưởng định.

Chín bực thiền định này gọi là 9 điều Anupubbivihàra nghĩa là sự ở có thứ tự.

Khi ấy ông Ananda mới hỏi Ðại Ðức Anuruddha rằng: "Bạch Sư huynh, vậy chớ Ðức Thế Tôn nhập diệt chưa?"

- Chưa Ananda à! Ðức Thế Tôn chưa nhập diệt. Ngài nhập vào Diệt thọ Vọ tưởng định. Kế đó Ðức Thế Tôn ra khỏi Diệt thọ Vô tưởng định nhập vào Tứ thiền Vô sắc là Phi tưởng Phi phi tưởng, xuất ra khỏi Phi tưởng Phi Phi tưởng rồi nhập vào Tam thiền Vô sắc là Vô sở hữu, xuất ra khỏi Vô sở hữu, nhập vào Nhị thiền Vô sắc tức là Thức vô biên, nhập vào Sơ thiền vô sắc là Không vô biên, xuất ra khỏi Không vô biên rồi nhập vào Tứ thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Tứ thiền hữu sắc, nhập vào Tam thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Tam thiền hữu sắc rồi nhập vào Nhị thiền hữu sắc, xuất ra khỏi Nhị thiền hữu sắc rồi nhập vào Sơ thiền hữu sắc. Rồi từ Sơ thiền hữu sắc, xuất nhập theo thứ tự trở lên tới Tứ thiền hữu sắc, Ðức Thế Tôn nhập diệt luôn.

Ngài nhập diệt giữa khoản Thiền hữu sắc và Vô sắc, vì thế nên Ma Vương không biết nơi đâu là chỗ Ngài nhập diệt.

Liền khi ấy quả địa cầu rung động và tiếng nhạc tiêu trổi rền trời giữa khoảng không trung.

Lúc ấy trời vừa rạng đông (sáng rằm qua 16). Trời Phạm Thiên Sahampati ngâm câu kệ động tâm rằng: Tất cả chúng sanh không sót giống nào trên thế gian này đều phải bỏ thân lại trên mặt quả địa cầu. Ðức Thế Tôn là đấng trọn lành, đấng Giáo chủ có đặc ân cao dày như thế này, không một ai sánh bằng, Ngài là đấng có hùng lực hơn cả Thần lực, lại không bền vững được, còn phải diệt độ. Ta nên chán nản lắm vậy.

Ðức Ðế Thích tiếp ngâm câu kệ động tâm rằng: Ô! Các pháp hành không bền vững, có sanh diệt là thường, phải sanh phải diệt không bền vững lâu dài. Sự giụt tắt được pháp hành, danh sắc, ngũ uẩn, không cho sanh lên nữa được, đem lại sự an vui và không còn dưới quyền chi phối của sự già, sự chết.

Ðại đức Anuruddha ngâm thêm hai câu kệ động tâm rằng: Tâm của Ðức Phật rất vững chắc trong pháp thế gian cả 8 điều. Tâm Phật không rung động, hơi thở ra vô đã dứt rồi. Ðức Ðại Thế Chí chẳng hề hoảng hốt vì sự chết. Ngài chỉ lấy pháp thanh tịnh là Niết Bàn làm đề mục. Ngài nhập diệt bằng cách quá sức hiểu của chúng sanh. Tâm của Ðức Thế Tôn không hề phóng túng, kinh sợ, hoảng hốt trước khi chết. Ngài nhẫn nại với sự đau khổ bằng sự ghi nhớ và biết mình. Sự giải thoát đến Vô dư Niết Bàn, ví như ánh sáng của ánh đèn tắt mất.

Ðại Ðức Ananda nói rằng: Khi Ðức Chánh Biến tri là đấng có đủ đức hạnh tốt lành đã nhập Niết Bàn rồi, một sự phi thường phát sanh là khi ấy ai ai cũng có tâm rung động, kinh sợ và rùng mình mọc óc.
 

Ðức Thế Tôn khởi nhập sơ thiền, ra sơ thiền, nhập vào nhị thiền, ra nhị thiền, nhập vào tam thiền, ra tam thiền, nhập tứ thiền, ra tứ thiền (bốn thiền này gọi là thiền hữu sắc). Khi xuất ra tứ thiền rồi, Ngài nhập vào thiền vô sắc là Không vô biên, xuất ra khỏi Không vô biên, nhập vào Thức vô biên, xuất ra khỏi Thức vô biên, nhập vào Vô sở hữu, xuất ra khỏi Vô sở hữu rồi nhập vào Phi tưởng Phi Phi tưởng, xuất ra khỏi Phi tưởng Phi Phi tưởng rồi nhập vào Diệt Thọ Vô tưởng định.
Nguồn: Sưu tập
 
Còn tiếp...

Nguồn: Phatgiao.org.vn