1011 lượt xem

Cầu ngói Thanh Toàn, độc đáo kiến trúc “Thượng gia, hạ kiều”

Phác thảo lịch sử lập làng

Người Việt từ miền Bắc di cư đến miền Trung, khai lập làng xã, thường có dạng thức lấy nguyên hoặc một phần tên làng cũ, ghép với một yếu tố mới để đặt tên làng xã mới nhằm tưởng nhớ cố hương, như làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) xuất phát từ gốc làng Nguyệt Nỗ ở Thanh Hóa, làng Hương Cần từ làng gốc ở Thanh Hóa…



Ngoài ra, còn có nhiều làng lấy tên tộc họ để định danh như Lê Xá, Đỗ Xá,… Làng Thủy Thanh vốn mang tên Thanh Tuyền, được thành lập vào thế kỷ thứ XVI thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Phần thổ cư chủ yếu trong làng chỉ cao hơn ruộng đồng từ 1 – 2m, bởi nó được hình thành trên một dải đất pha cát, xưa là đáy cao của phần đầm phá được bồi đắp qua hàng thế kỷ.

Đến thế kỷ XVIII, tên làng Thanh Tuyền được ghi chép trong Phủ biên tạp lục: “Tổng sư Lỗ huyện Phú Vang có 15 xã, 8 phường: Sư Lỗ Thượng, Sư Lỗ Hạ, Thanh Tuyền Thượng, Thanh Tuyền Hạ, Đồng Di, Văn Giang, Hương Khê, Thần Phù, Lương Văn, Phú Bài, La Chức, Tô Đà, An Long, Thủy Bạn và các phường Phú An Phú Xuân, An Thạch, La Sơn, Hòa An…”.(1)
Theo gia phả của các dòng họ, sắc phong các triều vua Duy Tân, Khải Định, có thể thấy tên làng Thanh Tuyền xuất hiện vào thế kỷ XVI. Các dòng họ khai canh đã chung lưng đấu cật, khai phá làm ăn, xây dựng làng xã và thậm chí về sau, đất đai được khai phá hết, dân số tăng cao thì làng trở nên chật hẹp. Hơn nữa, làng Thanh Tuyền nằm giữa vùng đồng bằng chiêm trũng, không có gò đồi, thiếu đất trồng hoa màu mà chỉ độc canh cây lúa… Do vậy, cộng đồng cư dân làng xã đã mở rộng khai phá vùng đất phía Tây Nam của làng, trở thành điểm tụ cư ổn định lâu dài về sau và phổ biến tình trạng các dòng họ vẫn phân chia con cháu ở hai nơi, được phân định thành Thanh Tuyền Thượng và Thanh Tuyền Hạ, từ thế kỷ XVII, như sử sách từng ghi nhận.

Đến sau năm 1776, lại thấy sử sách ghi chép là Thanh Toàn Hạ và Thanh Toàn Thượng; rồi lại có sự thay đổi địa danh thành Thanh Thủy Hạ (hay chánh) và Thanh Thủy Thượng từ năm 1841 cho đến năm 1945, đều thuộc xã Hồng Thủy. Sau năm 1954 thì Thanh Thủy Hạ (Chánh) thuộc xã Thủy Thanh, cùng với các làng Vân Thê, Lang Xá Bàu, Lang Xá Cồn; còn Thanh Thủy Thượng lại thuộc xã Thủy Dương (thêm các làng Xuân Sơn, Phường Chánh, một phần đất làng Dương Phẩm). Nhờ vậy mà dù gần như hai làng, ở hai địa bàn khác nhau nhưng Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Chánh vẫn gắn kết rất mật thiết, đặc biệt là trong đời sống văn hóa tín ngưỡng cộng đồng. Điều này được thể hiện qua hai câu đối trong bia thờ Ngài thủy tổ khai Canh họ Ngô như sau:
Vạn cổ lưu truyền tam huynh đệ. Thiên thu kế thế nhị Hương thôn.(2)

Mối quan hệ dòng họ giữa hai làng vẫn được duy trì khắng khít bởi các thế hệ con cháu đều có ở cả hai làng. Các dòng họ ở Thanh Thủy Thượng vẫn giữ nguyên yếu tố gia tộc cội nguồn dù rằng vẫn có một số tình tiết thay đổi nhỏ như họ Lê Đình đổi thành Lê Viết, Nguyễn Quang thành Nguyễn Thanh(3), Lê Đắc thành Lê Trọng… Làng Thanh Thủy Chánh được phép chôn mồ mả ở phía gò đồi của làng Thanh Thủy Thượng và ngược lại, làng Thanh Thủy Thượng có nhiệm vụ giữ đất nghĩa địa cho làng Thanh Thủy Chánh… Những quy định này được vua Thành Thái phê chuẩn trong châu bộ của hai làng và truyền thống đó, đến nay vẫn được bảo lưu, thực hiện trong bản quy ước văn hóa của Thủy Dương tháng 3/1999: “Riêng với bà con làng Thanh Thủy Chánh, xuất phát từ một nguồn gốc, nên được chôn cất tại nghĩa địa của xã, nhưng trước khi chôn cất phải có đơn xin phép và được UBND xã đồng ý”.



Một số giai thoại, nhân vật lịch sử nổi bật

2.1. LĂNG PHẠM BÀ

Lăng Phạm Bà tọa lạc giữa cánh đồng phía trước làng Thanh Toàn, gắn liền truyền thuyết về những người phụ nữ đẹp, nổi tiếng của làng: Nơi đây xưa là một vùng đất đẹp, bốn bề trời mây, đồng ruộng xanh mướt một màu. Một hôm, có bà tiên giáng trần, thấy cảnh sắc hữu tình đã dừng lại để du ngoạn.

Hàng ngày, bà đi hái rau má về ăn, đi đến đâu đều có đám mây trên trời che chở như một chiếc ô lớn. Ngày nọ, nhà vua du ngoạn phương Nam, xa giá đến làng Thanh Toàn, thấy đồng ruộng tốt tươi, non xanh nước biếc, lại được nghe kể câu chuyện về người đàn bà đẹp hái rau má, bèn cho gọi mời đến, rồi ngỏ lời cưới nàng làm vợ. Về sau, lúc sắp lâm chung, Hoàng hậu mới ngỏ ý muốn được trở về cố hương, nơi đầu tiên hai người có cơ duyên gặp nhau.

Nhà vua thương tiếc, đưa bà trở lại xứ tiền làng Thanh Toàn rồi bà mất tại đó. Dân làng lập lăng thờ bà, đáng lưu ý là họ Phạm ở Thanh Thủy Thượng lại coi bà như con cháu trong gia tộc nên đã chăm lo xây dựng, trùng tu lăng mộ, hàng năm cúng tế trên đất Thanh Toàn. Làng cũng dành một mẫu tự điền để cúng tế lăng Phạm Bà. Căn cứ sắc phong ban tặng cho Hoàng Thái phi Phạm Thị Ngọc Chân Hồng Quận phu nhân, gia phong Dực Bảo Trung Hưng tôn thần (năm Khải Định 2 – 1917) và sắc phong nguyên tặng Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, gia tặng Trai Tĩnh trung đẳng thần (Khải Định 9 – 1924), có thể giả thiết rằng lăng Phạm Bà có liên quan tới nhân vật họ Phạm này. Điều đó sẽ có cơ sở làm rõ khi tiếp cận được gia phả, tộc phả họ Phạm làng Thanh Toàn.

2.2. NHỮNG GIA TỘC CHÍNH TRONG LÀNG

Lịch sử khai lập làng xã ghi nhận công lao nổi bật của thập nhị tôn phái mà đến nay, di sản văn tế và sắc phong của làng cho thấy rất rõ điều đó:

2.2.1. Họ Lê Diên: ngài thủy tổ Lê Quý Công, đồng tri phủ Bắc Giang, vào Thuận Hóa từ thời Hậu Lê, khai canh lập làng tại xóm Nhất Nam (cùng Bắc Giang phủ đồng tri phủ Lễ Nghi hầu, hiệu Ý Đức phu nhơn Lê Quý Nương), đến nay có 18 đời con cháu. Năm Duy Tân thứ 7 (1913), Ngài được phong tặng Dực bảo Trung hưng linh phò khai canh, Bắc Giang đồng tri phủ lễ nghi hầu, Thụy Minh Đạo tiên sanh Lê Hữu Lễ quý công chi thần, năm Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng Đoan Túc tôn thần.

2.2.2. Họ Nguyễn Quang: ngài thủy tổ là Nguyễn Quang Lôi, quê gốc Thanh Hóa, đến đây vào niên hiệu Nguyên Hòa thời Hậu Lê, khai khẩn đất đai lập xóm Nhất Trung. Sau đó, ông trở ra Bắc, mang kim cốt thân phụ vào chôn tại xứ Cồn mồ. Họ Nguyễn Quang đến nay đã có 17 đời con cháu, nhà thờ họ ở xóm Nhất Trung. Về sau có nhánh Nguyễn Ngọc được tách ra thành phái riêng.

2.2.3. Họ Trần:Ngài thủy Trần Khánh Đông từ quê gốc Thanh Hóa, được tôn xưng “Đặc Tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Phó Quản lãnh”, tịch nhập Thuận Hóa từ thời Hậu Lê, khai canh điền thổ, lập nhà thờ tại xóm Nhì, đến nay đã có 16 đời con cháu.

2.2.4. Họ Ngô:Từ ngài Ngô Thù, Bổn thổ Thành hoàng làng Phù Bài và con trai thứ Ngô Lực tới khai canh lập làng Thanh Toàn, đến nay đã có 16 đời con cháu.

2.2.5. Họ Lê Đình:Ngài thủy tổ Lê Thác quê gốc Thanh Hóa, vào Thuận Hóa từ thời Hậu Lê, là một trong những họ khai canh, lập nên làng Thanh Toàn. Sắc phong thời Khải Định ban tặng Khai canh Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Khâm sai Chưởng cơ Cẩm Y vệ Trà Lam hầu Lê Quý Công, Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần, gia tặng “Đoan Túc tôn thần”.

2.2.6. Họ Phùng:Thủy tổ là ngài Phùng Quý Công, từ Thanh Hóa tịch nhập Thuận Hóa từ thời Hậu Lê, khai khẩn, lập nhà thờ họ tại xóm Nhì. Gia phả họ Phùng ghi nhận và tôn xưng “Thượng, Thượng, Thượng, cao, cao, cao Khai canh Đặc Tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Chánh đội Trà Lam hầu Phùng phủ quân tôn thần”.

2.2.7. Họ Phan: Ngài thủy tổ Phan Quý Công từ Thanh Hóa vào Thuận Hóa thời Hậu Lê, giữ chức Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ, Cai tri Tham tướng, truy phong đến tước hầu.

2.2.8. Họ Đặng: Ngài thủy tổ là Đặng Quý công, húy Dư Lăng.

2.2.9. Họ Lê Văn: Ngài thủy tổ là Lê Quý Công, người quê gốc Thanh Hóa, tịch nhập Thuận Hóa thời Hậu Lê.

2.2.10.Họ Lê Đắc: Ngài thủy tổ là Lê Quý Công, người quê gốc Thanh Hóa, tịch nhập Thuận Hóa thời Hậu Lê. 2.2.11. Họ Nguyễn Viết: Ngài thủy tổ là Nguyễn Quý Công, người quê gốc Thanh Hóa, tịch nhập Thuận Hóa thời Hậu Lê.

2.3.NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRẦN THỊ ĐẠO

Vào năm Cảnh Hưng 37 (1776), phu nhân của vị đại thần Cần Chánh điện Đại học sĩ (Nhất trụ triều đình, tước hầu) là Trần Thị Đạo đã hảo tâm lạc quyên tài sản để xây dựng ở quê một cây cầu và công đức này đã được triều đình ban tặng sắc phong (ngày 17/10/ Cảnh Hưng thứ 37 – 1776). Bà Trần Thị Đạo là người làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, phu nhân của quan Khâm sai Chủ sự Hoàng cung, Tổng chỉ huy bộ binh và thủy binh, cai quản ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền, Nhất trụ triều đình, được phong tước Hầu. Xây dựng cây cầu độc đáo này là một việc nghĩa, Bà làm phước đức bên ngoài dân gian không kém gì quí bà chốn Cung nội, lưu danh tiếng thơm muôn thuở, được người đời luôn ngợi khen. Bà vượt qua bao khó khăn và dũng cảm làm tròn trách nhiệm của bậc nữ nhân, để lại nhiều chứng tích, ân đức sống mãi với dân làng. Nhờ ân đức to lớn của Bà mà dân làng được miễn trừ binh đinh, phu phen tạp dịch, nhất là cung cấp nhân công bảo tồn lăng tẩm vua chúa và đền miếu, miễn trưng dụng thuyền bè, tuyển nài, cắt cỏ cho voi ngựa ăn, thợ mộc đóng thuyền… Dân phu trong làng chỉ tập trung chăm sóc cây cầu cùng con sông chảy qua, những con đường dẫn đến. Triều đình Lê Trịnh ban tặng văn bản chính thức khẳng định công đức của Bà và quan trọng hơn, để nêu gương, khuyến khích mọi người bác ái, hướng thiện.(4)



Đầu thế kỷ XX, Quý phu nhân Trần Thị Đạo được sắc phong Dực bảo trung hưng linh phù (2/6/Khải Định thứ 10 -1925), dân làng chăm lo thờ cúng, đặc biệt là đối với dòng họ Trần. Từ năm 1956, một nhà thơ địa phương, nhờ cảm kích công ơn của bà đã làm bài thơ ca ngợi nhân dịp trùng tu cây cầu:
 
Công đức Quý phu nhân Trần Thị Đạo sống mãi trong lịch sử văn Trần Thị phu nhân xã chúng ta Tiếng tăm vang dội khắp gần xa Cúng dâng ruộng đất dân cày cấy Xây đắp cầu Kiệu khách lại qua Khăn yếm khoe khoang ngời khí tiết, Phấn son tô điểm rạng sơn hà. Sắc phong ân tứ ngời công đức. Hương khói nghìn thu kỷ niệm bà hóa vùng đất và lòng người nơi đây. Nhân dân lập miếu thờ, hằng năm tổ chức cúng tế Bà trang nghiêm vào ngày rằm tháng 8 – lễ hội truyền thống địa phương độc đáo.


Miếu thờ Bà được đặt trang trọng ở giữa cầu; ngoài ra, Bà còn được thờ trong ngôi miếu ở khuôn viên từ đường họ Trần và ở ngôi miếu trong một khu vườn khác.

3. Giá trị kiến trúc, nghệ thuật:

Cầu ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật vào loại xưa nhất ở Huế, được xây dựng trước khi có kinh đô triều Nguyễn. (5) Cầu được xây theo kiểu kiến trúc “Thượng gia, hạ kiều” (bên trên là nhà, bên dưới là cầu), gồm có ba gian, hoặc ba “vài”. Dạng thức kiến trúc đặc biệt này có thể bắt gặp ở miền Bắc như cầu Phú Khê (Nam Định), cầu Choi (Hà Bắc), cầu Phát Diệm, cầu Nhật Thiên, cầu Nguyệt Tiên (Hà Tây), hay Lai Viễn kiều – chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam).

Vài ở giữa được nâng cao lên so với hai vài tả hữu, hai vài này đi xuống với chiều dốc nhẹ nhàng, về phía hai bờ của con sông. Cây cầu được đặt trên 18 cột gỗ lim to lớn, sắp thành ba hàng, đóng sâu vào lòng sông. Một mái cầu lợp ngói nửa hình ống bao bọc ở bên trên. Trên một phía ở vài giữa, quay mặt về hướng đông, có một cái khám nhỏ dành để thờ bà Trần Thị Đạo. Trên hai gian cầu hai bên, hơi nghiêng về phía hai bờ có đặt những băng ghế dài (dạng trường kỷ) để mọi người có thể ngồi hóng mát, tạo cảm giác thật dễ chịu, nhất là trong những ngày hè nắng gắt. Toàn thân cầu dài đến 17m, sàn nhà có chiều rộng 4,70m và chiều cao của mái có thể cho phép xe hơi đi qua cầu.(6)



Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), cầu bị hư hỏng nặng sau một trận lũ lớn và mãi đến 3 năm sau (1847), mới được sửa chữa xong, dân làng có khắc ngày sửa chữa vào trụ cầu. Đặc biệt, cơn bão năm Giáp thìn (11/9/1904) đã làm bay mái và cầu được trùng tu nhờ sự đóng góp của toàn thể dân làng để làm lại cầu theo mẫu cũ nhưng có thu hẹp kích thước chút ít,(7) đồng thời chính phủ Nam Triều đã chi thêm một ngân khoản trợ cấp là 250 đồng.(8)

Năm 1906 việc trùng tu cầu ngói Thanh Toàn được hoàn thành, gian giữa cầu có đặt trang thờ bà Trần Thị Đạo. Về sau, trong các năm 1956, 1971, 1991, cầu ngói Thanh Toàn lại tiếp tục được trùng tu và sửa chữa. Do vậy, diện mạo, dáng vẻ, kích thước của cây cầu cũng dần có sự thay đổi theo thời gian. Theo bức ảnh cầu ngói Thanh Toàn do Hocquand (người Pháp) chụp năm 1883 thì cầu có 9 gian, chân trụ cầu choãi ra hai bên, trên mái lợp ngói liệt, bờ nóc, bờ quyết trang trí đơn giản. Đến lần trùng tu vào năm 1991, cầu chỉ còn 7 gian, dài 20m18, rộng 4m49, chân trụ cầu tương đối thẳng đứng, cây cầu được xây thêm hai đầu hồi để chịu lực, mái lợp ngói thanh lưu ly, trang trí phong phú và khắc chạm tinh xảo.(9) Có thể nói cầu ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở xứ Huế, ghi dấu đậm nét công đức của bà Trần Thị Đạo cùng bao tâm huyết, tài năng của những người thợ thủ công dân gian. Tác phẩm nghệ thuật trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo này đã đi vào lòng người, tạo nên nhiều cảm xúc trong tâm hồn của nhiều thế hệ dân làng và người dân xứ Huế.

Không phải ngẫu nhiên mà đến nay, sơ bộ đã có trên 50 bài thơ ca ngợi về cầu ngói Thanh Toàn, cùng nhiều khúc ca dao mang đậm nội dung tình tứ, kiểu cách dân dã của những niềm vui, nỗi buồn:
Qua cầu than thở với cầu
Cầu bao nhiêu cột, dạ em sầu bấy nhiêu.

Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trong một lần đến thăm cầu ngói Thanh Toàn, với niềm xúc cảm sâu sắc, đã viết nên bài thơ “Ngõa Kiều” theo thế thất ngôn bát cú Ngõa Kiều: Ngõa Kiều,
kiều hạ thủy sàn sàn,
Y hạm nga thi nhỉ tự nhàn.
Lão cảnh nan vong duy hãn mặc,
Thế duyên bất yếm thị khê san.
Thanh phong tiêu sát giang thiên chuyển,
Quả phụ chưng thường miếu bán gian.
Hà ỷ tế nhân tâm nhược bối,
Lâm lưu vô hạn thảng suy nhàn.

CẦU NGÓI

Cầu ngói trên sông dòng chảy xiết Dựa cầu ngẫm ngợi khách mơ nhàn Bút nghiên nợ mãi thân già cỗi Non nước duyên dài cõi thế gian Sông hứng gió trong dồn uốn lượn Miếu thờ “bà Góa” ngút đèn nhang. Thẹn mình chẳng sống cho người khác Dòng nước buồn soi mặt vỏ vàn (Ngô Ngọc Linh dịch).(10)

Ngoài ra, bài thơ còn lại được Nguyễn Thanh Thọ dịch thơ thành:
Cầu ngói Dưới cầu nước chảy lững lờ
Tựa cầu thi khách ngâm thơ thư nhàn.
Bút nghiên đeo đẳng thân mòn.
Duyên đời chưa chán bởi còn nước non
Hây hây gió thổi sông vờn
Miếu thờ quả phụ chập chờn khói hương
Sống riêng ta, nghĩ thẹn thuồng
Mặt soi dòng nước buồn tuôn theo dòng.(11)

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thì hành trạng bộ tướng Lê – Trịnh nam chinh đánh đuổi quân Đàng Trong hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh thời Nguyễn nên dân làng phải giấu kín. Trong bối cảnh đương thời, dân gian phải che lấp lý lịch thực sự của Bà nên mới có chuyện bà Trần Thị Đạo trở thành “bà góa”.



Chồng của Bà chính là vị Khâm sai Phan Lê Phiên/Phan Trọng Phiên trong đoàn quân Nam chinh đánh chiếm Phú Xuân năm Giáp Ngọ (1774). Sau khi kết hôn, ông được cử ở lại làm tổng trấn, coi ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền. Là phu nhân của một bậc đại quan, bà đã cùng chồng bàn việc xây dựng một cây cầu ngói ở quê nhà Thanh Toàn, tương tự như Lai Viễn kiều ở phố Hội xứ Quảng. Bà được vua Lê sắc phong năm 1776 do có công theo đoàn sứ giả phủ dụ quân Tây Sơn và có công xây dựng cầu ngói, đồng thời dân làng Thanh Toàn cũng được miễn sưu dịch nên họ nhớ ơn, cho lập trang thờ bà, tôn trí ở ngay giữa cầu và Xuân Thu cúng tế trang nghiêm. Ngoài ra, dân làng Thanh Toàn còn thiết lập Miếu Đôi để thờ hai vị đại quan là Nguyễn Hữu Chỉnh và Phan Lê Phiên ở đầu cầu phía bắc, hướng ra sông Như Ý.

Từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tái lập thì dấu tích Lê – Trịnh có liên quan tới ngôi miếu thờ hai vị đại thần phải được giấu kín và dân gian lại lan truyền câu chuyện về một bà góa bỏ gia sản để công đức xây dựng Cầu Ngói. Do vậy, vị văn nhân Miên Thẩm đã rất cảm phục tấm lòng người đàn bà góa đối với dân với nước, tự mình so sánh với hoàn cảnh của một vị hoàng gia, được giáo dưỡng đầy đủ, chữ nghĩa hơn người mà lại không có điều kiện kinh bang tế thế, trong tình thế đất nước nguy nan, khó khăn loạn lạc. Từ đó, ông tự cảm thấy thẹn với lòng, với người, với hậu thế và non sông…(12) Với những giá trị độc đáo như vậy, cầu ngói Thanh Toàn là một di tích văn hóa nghệ thuật quý hiếm ở Huế, một di sản đặc sắc của làng Thanh Toàn. Năm 1991, cầu ngói Thanh Toàn đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Cầu Ngói trong hệ thống di sản văn hóa làng Thanh Toàn

4.1. ĐÌNH LÀNG THANH TOÀN:

Đình làng Thanh Toàn có tên gọi “Thanh Vân đình”, hình thành gắn liền quá trình khai canh lập làng. Đình làng nguyên trước tọa lạc tại xứ Hậu làng, đến năm 1948 bị thực dân Pháp đốt cháy nên năm 1949, mới được tái thiết tại địa điểm xứ Tiền làng như hiện nay. Đình có ba gian, nội thất được thiết trí trang nghiêm, thờ vọng các vị thần linh trong làng; tiền đường rộng rãi, trở thành nơi hội họp dân làng hoặc tổ chức tế lễ. Đình làng Thanh Toàn trải qua nhiều lần trùng tu và đợt trùng tu năm 1997 có qui mô lớn nhất, huy động sự đóng góp của toàn dân. Hằng năm, làng tổ chức Thu tế rất lớn, với lễ rước bài vị của “Bổn thổ thành hoàng” họ Lê Diên tại miếu thành hoàng ở xóm nhất Nam về Đình làng từ chiều hôm trước, lễ chánh tế diễn ra bài bản, các vị tộc trưởng, quan viên chức dịch đều có mặt.

4.2. CHÙA VÀ PHẬT GIÁO

Chùa làng Thanh Toàn có tên là “Thanh Quang tự”, được hình thành từ rất sớm, gắn liền với lịch sử lập làng. Ngôi chùa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng ở làng. Trước đây, chùa Thanh Quang nằm ở địa điểm xứ Tiền làng, ngay vị trí tọa lạc của Đình làng hiện nay, nhưng do chiến tranh tàn phá nên khi Đình làng dời về phía Tiền làng, thì chùa được dời về phía Hậu làng, trên nền đất của ngôi Đình cũ, tại xóm Nhất Ttrung.

4.3. MIẾU THÀNH HOÀNG:

Ở Thanh Toàn, cùng với quá trình hình thành làng xã, miếu Thành Hoàng cũng được xây dựng, thờ ông tổ họ Lê Diên, người khai canh lập làng sớm nhất ở Thanh Toàn, về sau được tôn xưng “Bổn thổ thành hoàng”. Miếu được dựng tại xóm Nhất Nam, giáp với làng Lang Xá Bàu và từ xưa, làng đã thiết trí một mẫu tự điền tại đạt Văn Thánh, hàng năm dân làng tổ chức tế lễ vào ngày 1 tháng 7. Đây là một trường hợp dân làng tích hợp, nâng cấp, huyền thoại hóa từ một vị nhân thần khai canh trở thành vị Thành hoàng của làng, được triều Nguyễn cổ súy, tôn vinh.

4.4. LỄ HỘI:

Thanh Toàn là một làng quê nông nghiệp, ở sát cạnh kinh đô Huế nên cũng có khá nhiều lễ hội, trong đó đáng chú ý là lễ tế Thành Hoàng vào ngày 1/7 hằng năm, trở thành lễ hội lớn nhất của làng. Từ chiều hôm trước, dân làng tập trung rước bài vị ngài “Bổn thổ thành Hoàng” từ miếu Khai canh họ Lê Diên (xóm Nhất Nam) về đình làng. Trong buổi lễ này, dân làng còn tổ chức đánh bài chòi, đua ghe, chọi gà,… tạo nên không khí sôi nổi tưng bừng của lễ hội. Ngoài ra, ở làng Thanh Toàn còn có các lễ hội khác như Lễ Kỳ An vào ngày 8/1AL, để cầu mong trong năm luôn mưa thuận, gió hòa để sản xuất; Lễ Hạ Điền vào thượng tuần tháng 10 âm lịch, mở đầu cho việc xuống đồng cày cấy; Lễ tế Thần Nông vào ngày 1/5ÂL. Đáng chú ý là lễ hội đua ghe luôn được dân làng nô nức đón chào và tham gia sôi nổi. Hằng năm vào mùa nước lũ (khoảng tháng 10, 11), làng tổ chức đua ghe để động viên tinh thần con cháu. Không chỉ đua ghe nội bộ mà ở đây, lễ hội đua ghe còn có sự tham gia của các làng cận cư như Vân Thê, Lang Xá Bàu, Đồng Di, Tây Hồ…. Ghe làng Thanh Toàn thường đoạt giải cao nên ghe đua ở đây khá nổi tiếng và được tham gia đua ở Hà Đa, Hà Đá,…

4.5. VĂN NGHỆ DÂN GIAN:

Ở làng Thanh Toàn có các điệu hò mái nhì, hò mái đẩy, hò giã gạo, hò ô, hò nện, hát ru, hát chầu văn, hát lý (lý hoài nam, lý mười thương),… Đặc biệt, vào những đêm trăng sáng, nhiều đôi trai gái đứng trên cầu ngói hò đối đáp, giao duyên; hoặc vào vụ gặt, vụ cày, đi bủa lưới buông câu trên đồng…, dân làng thường hò mái nhì, mái đẩy: Con ưng một ngả Cha mẹ gả bán một nơi Cực lòng em lắm anh ơi Kiếm nơi mô thanh vắng ta ngồi giải phân. Hay Bao giờ cho được thanh nhàn Ra ngồi cầu ngói, nhìn sang Tây Hồ. Rồi thêm: Sông mô trong bằng sông An Cựu Hói mô quạnh quẹo bằng hói Thanh Toàn

4.6. NGÀNH NGHỀ THỦ CÔNG

Thanh Toàn là một làng thuần nông, độc canh cây lúa nhưng cũng có một số dấu ấn đặc trưng trong lĩnh vực ngành nghề thủ công. Trước hết là nghề xây dựng, dưới thời Nguyễn, “Nê ngõa tượng cục” (thợ nề ngói) rất phát triển, nhất là để phục vụ nhu cầu kiến thiết Kinh thành, chốn sơn lăng. Trong 30 phái tượng cục hoạt động ở Thừa Thiên Huế thì có 7 phái hoạt động trên địa bàn huyện Hương Thủy, đáng chú ý là Hương Thành phái của làng Thanh Toàn, do ông Nguyễn Ngọc Kình làm trưởng phái, chỉ huy một tốp thợ gồm 11 người.(13)

Ở làng Thanh Toàn còn có nghề đan ghe nổi tiếng bởi đây là phương tiện chủ yếu của người dân đi lại khi mùa nước lũ hay dùng để bủa lưới buông câu. Mỗi gia đình trong làng đều có một chiếc ghe, nên nghề đan ghe khá phát triển, trở thành một nghề có truyền thống lâu đời. Để làm được một chiếc ghe, người thợ phải chọn tre đực, chắc, rồi ra tre thành nan, rộng khoảng 2cm, dày từ 1-2mm, độ dài tùy theo kích cỡ của ghe. Nan được vót nhẵn, kỹ, đem phơi khô, ngâm bùn để chống mối mọt. Sau khi đan thành tấm như đan gót, người ta lận thành hình thuyền, dùng những cặp tre đực dài để nẹp, dây buộc nẹp được làm bằng mây hay bằng sợi thép. Tạo dáng cho chiếc ghe theo nhu cầu sử dụng (ghe câu có dáng thuôn nhỏ, ghe đua có dáng dài, thuôn về hai đầu, ghe thuyền chở có dáng to, phình ở giữa,v.v.).

Cuối cùng, người ta lấy dầu rái, đun sôi, quét nhiều lớp cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Có thể nói, ghe làng Thanh Toàn khắp nơi trong vùng ưa chuộng, nhất là ghe đua có dáng thanh thoát, mỏng nhẹ, lướt nhanh. Nhờ vậy mà nghề đan ghe đến nay vẫn còn phát triển. Ở Thanh Toàn còn có nghề chằm nón, góp phần làm phong phú thêm nghề nón ở Huế, nổi bật với sự phân định nón ngang (còn gọi là nón chợ) và nón đặt (nón đặt hàng trước, chất lượng cao). Với nón ngang, người ta sản xuất hàng loạt với công suất từ 2-3 chiếc/người/ ngày, tiêu thụ rộng rãi ở chợ, dùng để đội khi lao động sản xuất. Còn nón đặt thì có yêu cầu kỹ thuật và tính nghệ thuật cao hơn, dùng cho các nữ sinh, làm quà tặng, trang trí trong các lễ hội. Khuông nón gồm 16 vành, dáng thanh, hài hòa, không hoàn toàn che khuất mặt, cũng không quá ngắn, nên nghề nón có câu “đẹp nón nhờ thắt, đẹp mặt nhờ khuôn”. Lá nón phải được ủi trên một tấm gang đặt trên bếp than hồng, với kỹ thuật ủi lá thật thẳng, đều mới làm cho lá nón sáng đẹp. Vành nón phải chuốt tròn đều, thanh, chắc. Khi xây và lợp trên khuôn phải khéo léo đè sát, tránh nhiều lớp lá chồng lên nhau và cũng tránh chỗ dày, chỗ mỏng không đều. Chỉ dùng để chằm nón phải mảnh, đường chỉ phải đều, khi chằm phải ấn mạnh để các kẽ lá ôm sát lấy nhau. Công đoạn cuối cùng là đính hạt xoài có gương soi vào phía trong chóp nón và bên ngoài phủ lớp dầu bóng để giữ cho lá nón trắng, láng, đẹp. (14)

Đối với nón bài thơ, tùy theo ý thích của người đặt, người thợ cắt trên giấy màu một câu thơ, một bông hoa, một đôi chim bồ câu,… rồi đặt giữa hai lớp lá khi chằm, để khi đưa nón lên, nhờ ánh sáng, sẽ thấy hình ảnh bên trong

Cầu Ngói và vấn đề du lịch ở Thủy Thanh hiện nay

Làng Thanh Toàn có cả một hệ thống di tích lịch sử văn hóa có giá trị, giàu tiềm năng phát triển các loại hình du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm gắn liền hệ sinh thái ruộng, vườn đặc trưng nơi đây. Các di tích phân bố tập trung và gắn với các trục giao thông thủy, bộ trên địa bàn nên rất thuận tiện để tổ chức thành cụm, tuyến du lịch. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang còn ở dạng tiềm năng nên việc khai thác du lịch để biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch vẫn còn nhiều hạn hẹp, cần khả năng kết nối phối hợp giữa các cơ quan nhà nước – nhà doanh nghiệp – cộng đồng địa phương, cụ thể là chính quyền thị xã Hương Thủy, xã Thủy Thanh và làng Thanh Toàn.



Ở đây, vấn đề thông tin và quảng bá du lịch, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách du lịch đến với Thanh Toàn là rất cần thiết. Đồng thời, cần nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch địa phương nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; trong đó ưu tiên các sản phẩm quà lưu niệm, dịch vụ ăn uống, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, trãi nghiệm du lịch sinh thái làng quê truyền thống vùng Huế… Phương thức xã hội hóa, nhất là vai trò của các doanh nghiệp du lịch tư nhân sẽ rất quan trọng trong chiến lược hiện thực hóa để phát triển du lịch dịch vụ tại làng Thanh Toàn, nơi có di sản cầu ngói cùng nhiều di sản văn hóa rất độc đáo, đặc trưng.


Bài viết có sử dụng ảnh của: Nguyễn Phúc Bảo Minh, Nguyễn Tấn Anh Phong ( Fanpage Visit Hue – Ơi Huế) 

Nguồn bài viết: 
Khám Phá Di Sản tổng hợp