998 lượt xem

Cầu siêu có phải là nghi lễ Phật giáo không?

Cầu siêu có phải là nghi lễ Phật giáo không?

Thế giới tình thức này không chỉ có cảnh giới con người, mà còn có các cảnh giới khác nữa, nếu tính từ dưới lên thì có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.
 

Nguồn: Sưu tập

Câu hỏi: Xin cho biết ý nghĩa cầu siêu thất tuần cho người qúa cố. Đó có phải là nghi lễ Phật giáo không? Tân (Ly Khanh).   Trả lời: Quý Phật tử cư sĩ mến, Câu hỏi của Phật tử gồm có 2 phần, chúng tôi xin lần lượt trả lời theo thứ tự.

1. Ý nghĩa cầu siêu thất tuần cho người quá cố

Vì Phật giáo cho rằng, không phải con người chết là hết. Sau khi xác thân này hư hoại thì thần thức tuỳ theo nghiệp báo mà tái sanh vào các cõi tương ứng với nghiệp nhân mà người kia đã gieo tạo, ngoại trừ các bậc đại giác như  Đức Phật, các bậc Bồ-tát, các bậc A-la-hán đã cắt đứt dòng tham ái, đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi. Thế giới tình thức này không chỉ có cảnh giới con người, mà còn có các cảnh giới khác nữa, nếu tính từ dưới lên thì có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân  và thiên.

Việc cúng cầu siêu thất tuần cho người quá cố chỉ được tổ chức tại các nước theo truyền thống Bắc Phương Phật giáo. Theo Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 8 “Chúa Tôi Xiêm La Xưng Tụng” trình bày sự kiện trong vòng 49 ngày, người chết như ngây như điếc, tâm thức không biết đường đi lối về, nên thân nhân cầu thỉnh chư Tăng, Ni vì lòng bi mẫn trì tụng tôn kinh để nhắc nhở thần thức của người mới mất.


 “Kính bạch đức Thế Tôn ! Kẻ nam, người nữ nơi mặt địa cầu đến lúc lâm chung, thần thức của họ tối tăm mờ mịt, chẳng biện biệt được điều lành, điều dữ, đến đỗi mắt tai không còn nghe thấy. Những người thân quyến của kẻ lâm chung hãy nên sắm sửa sự cúng-dường lớn, chuyển đọc kinh sám, niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát, thì duyên lành ấy có thể giúp cho người thân đã mất lìa các nẻo ác, chúng ma, quỷ thần thảy đều lui tan” (bản dịch mới Kinh Bổn Nguyện của Bồ-tát Địa Tạng do Thầy Thích Thiện Thông dịch).

Như vậy, cúng 49 ngày thật sự có ý nghĩa chỉ đối với những người đã mất chưa quyết là được tái sanh về cảnh giới nào, hoặc đang trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh của thân trung ấm. Việc cúng cầu siêu  như vậy có tác dụng nhắc nhở, gợi cho người quá vãng hướng tâm về các thiện sự đã làm hoặc thiết tha thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, nhờ đó thần thức được tái sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn.


Nhân tiện, xin giới thiệu đến Phật tử bài Ý Nghĩa Cầu Nguyện của đại đức Thích Viên Giác và bài Ý Nghĩa của Cầu Nguyện, Cầu An và Cầu Siêu của đại đức Thích Nhật Từ, để quý Phật tử đọc thêm, và bài Năm Hình Ảnh trước Cửa Tử của Hoà Thượng Rastrapal, do Hải Trần dịch ra tiếng Việt.

Cúng cầu siêu trong vòng 49 ngày như vậy thật sự luôn luôn cần thiết không?

Theo thiển ý của chúng tôi, các lễ cầu siêu không chỉ là lúc thân quyến cùng tưởng niệm đến người quá cố, cùng chia sẻ nỗi mất mát lớn lao, mà quan trọng còn là dịp tốt cho thân bằng quyến thuộc của người quá cố làm nhiều công đức như cúng dường Tam Bảo, hoặc bố thí cho người nghèo khổ, v.v…


Trong thực tế, cũng như nhiều trường hợp trong Kinh  đề cập,  nhiều Tăng Ni, hoặc nam nữ cư sĩ sau khi bỏ thân này liền được sanh về các cảnh giới chư Thiên do nghiệp nhân thiện lành, hoặc lập tức bị sanh vào cảnh giới a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục vì những nghiệp nhân quá xấu ác. Như vậy, việc cúng cầu siêu cho người quá cố trong trường hợp này chỉ là để thể hiện lòng biết ơn hoặc lòng hiếu thảo của người còn sống đối với người đã khuất mà thôi.

Tương tự, cho trường hợp cúng 49 ngày, cúng kỵ 100 ngày hoặc kỵ giỗ hàng năm của người đã khuất cũng là để bày tỏ lòng nhớ ơn hoặc nhân dịp đó làm trai cúng dường để cầu an, siêu trong gia đình, làm duyên cho con cái hoặc thân nhân đến với giáo pháp cao thượng.

Kinh Địa Tạng, phẩm  thứ 7, cũng nói rõ vấn đề này, nếu người cư sĩ tại gia vì người chết mà cúng dường thì bảy phần công đức người chết chỉ hưởng một phần. Sáu phần công đức còn lại những người thân nhân tổ chức cúng dường sẽ được hưởng. Điều này rất phù hợp với tinh thần của Đạo Phật: tha lực chỉ là phần hỗ trợ,  nghiệp lực của mỗi người phải tự nhận lấy, không ai có thể gánh chịu thế cho nhau được.


2. Việc cúng cầu siêu như vậy có phải là nghi lễ của Phật giáo không?

Nói một cách tổng quát, việc tổ chức cúng cầu nguyện như vậy là một trong những nghi lễ Phật giáo. Nhưng cũng xin trình bày là đạo Phật nhắm đến mục tiêu vì lợi ích cho chúng sanh, vì mục tiêu làm vơi bớt nỗi đau khổ của chúng sanh, chứ không phải vì nhu cầu cần có hình thức bày biện để làm đẹp mắt, vui tai hoặc cho dễ coi đối với xã hội. Do đó, nếu chúng ta chấp nhận chữ nghi lễ với định nghĩa là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính hay thương xót nguời đã khuất thì các hình thức cúng cầu siêu như vậy thuộc về nghi lễ của Phật giáo.

Cũng xin nói thêm rằng, nghi lễ của Phật giáo không phải là một tập tục của một dòng họ hay thuộc xã hội nào, không hề liên hệ đến đời sống tâm linh của người sống hoặc người đã khuất mà  nghi lễ của Phật giáo xuất phát từ tinh thần độ sanh của hàng xuất gia cũng như trách nhiệm của người Phật tử tại gia. Ngoài ra, những chuyện bày biện màu mè, hình thức âm thanh sắc tướng, nhưng không liên hệ mục tiêu như đã trình bày thì không phải là nghi lễ của Phật giáo.


Mến chúc quý Phật tử đạo tâm tăng trưởng, thâm tín Phật Pháp và chuẩn bị hành trang thật tốt cho những hành trình thật xa mà ai cũng sẽ phải đi qua.

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com