274 lượt xem

Chiêm ngưỡng nét đẹp của 10 pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chiêm ngưỡng nét đẹp của 10 pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Đạo Phật vốn là một tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Khắp mọi miền của nước ta đều có những ngôi chùa cùng những pho tượng Phật nổi tiếng và linh thiêng. Những pho tượng Phật đó chính là biểu tượng đặc trưng của tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất này.

Dưới đây là 10 pho tượng Phật lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Việt Nam:

1. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng, tượng Phật Di Lặc bằng đồng, tượng Phật Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam.

Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, Gia Viễn – Ninh Bình và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận là “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”. Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30m, dài 44,7m, rộng 43,3m.

Ngoài kỷ lục nói trên, trung tâm này cũng xác nhận nhận hàng loạt các danh hiệu kỷ lục khác cho chùa Bái Đính như bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất.

Bộ tượng A Nan – Ca Diếp bằng đồng lớn nhất (mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Chuông đồng lớn nhất (nặng 30 tấn); giếng Ngọc lớn nhất (đường kính 35m); tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất (đặt nơi cổng tam quan chùa Bái Đính, mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m).

Nguồn: Sưu tập


Tượng Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay bằng đồng dát vàng lớn nhất (nặng 80 tấn, cao 9,57m tính cả bệ); bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất (mỗi pho nặng 50 tấn). Đây còn là ngôi chùa lớn nhất và có nhiều tượng nhất Việt Nam.

2. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Pho tượng được đặt tại Trúc Lâm Thiên Trường được xây dựng trên diện tích 34.000m2, nằm sát Quốc lộ 10, thuộc địa bàn phường Lộc Vượng (TP. Nam Định). Bức tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 14,8m nặng 150 tấn được xem là bức tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

3. Tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và… trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà còn được biết đến với tên nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam. Pho tượng Phật bà Quan Âm ở đây cao 67m, đường kính toà sen 35m do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công trong 5 năm.

Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang lênh đênh trên biển kiếm sống.

Trên mũ tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.

4. Tượng Phật Di Lặc bằng xi măng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Được mệnh danh là pho tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á, tượng nằm trên núi Cấm thuộc chùa Phật Lớn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang. Với chiều cao nổi bật gần 34m, màu trắng sáng với nụ cười từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Đây là một trong những địa điểm tâm linh quan trọng với người dân nơi đây.

5. Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi dài nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Với chiều cao 13m, dài 49m, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với thế nằm nghiêng gối đầu lên tay, mặt quay về hướng Nam, toạ lạc trên đỉnh núi Tà Cú là bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Tượng do kiến trúc sư Trương Đình Ý xây dựng từ năm 1959 và hoàn thành năm 1962.

Có hai cách để lên đỉnh núi chiêm bái tượng là đi bộ hoặc cáp treo. Mỗi cách sẽ mang lại cho bạn một ấn tượng, song nếu có thể nên kết hợp là đi lên bằng cáp, đi xuống bằng bậc thang. Ngoài tượng Phật nằm, du khách còn có thể chiêm bái các bức tượng khác thuộc ngôi cổ tự Linh Sơn Trường Thọ (cũng trên đỉnh núi), hay trải nghiệm chuyến khám phá các truyền thuyết kì bí của hang Tổ.

6. Tượng Phật nhập niết bàn nằm trên mái dài nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập

Tượng Phật đặt tại chùa Vàm Ray tọa lạc tại xã Hàm Tân, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) chùa Vàm Ray được chính thức khánh thành ngày 22/05/2010. Đây chính là ngôi chùa Khơ Me hệ phái Phật giáo nguyên thủy lớn nhất Việt Nam.

Pho tượng Phật Nhập Niết Bàn này dài 54m nằm sau những hàng cây trong khuôn viên rất rộng của chùa, nằm đối diện cổng chùa. Toàn bộ bức tượng Phật được sơn màu vàng. Bên dưới, bệ đỡ là dãy nhà sinh hoạt cho các chư tăng và phật tử gần xa về lưu trú.

7. Tượng Phật A Di Đà bằng đá lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá được đặt tại chùa Vạn Phúc nằm trên sườn phía nam của núi Phật Tích thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Pho tượng cao 1,86m, phần bệ cao 2,69m, tổng thể phật đài cao 27m. Toàn bộ chi tiết của pho đại tượng Phật A Di Đà được dựa trên nguyên mẫu của tượng A Di Đà bằng đá có niên đại thế kỷ X – XI  là bảo vật quốc gia.

8. Tượng Phật Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ cao nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Tại ngôi chùa lớn nhất Bắc Trung Bộ – chùa Lam Sơn có bức tượng phật Bồ Đề Đạt Ma tạc từ gỗ nu nghiến nguyên khối cao 3,8m, nặng hơn 3 tấn. Ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất Bắc Trung Bộ thuộc xã Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

9. Tượng Đạt Ma Sư Tổ tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập

Nếu các pho tượng thường được chế tác từ đồng, đá hay bê tông, thì bức tượng Đạt Ma Sư Tổ ở chùa Tây Tạng (Bình Dương) lại hút du khách với danh xưng pho tượng tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Tượng cao 2,32 m, được tạo chủ yếu từ tóc của Phật tử, mật rỉ đường và vôi vữa. Pho tượng còn có nón lá trên đòn gánh.

10. Tượng Phật Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam
 

Nguồn: Sưu tập


Xây dựng từ thế kỷ 17, chùa Bút Tháp vẫn lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, đặc biệt là bảo tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Trong chùa có bức tượng Phật Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay cao 2,35m, 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ.

Tượng tọa trên đài sen do một con rồng nhô lên từ mặt nước đội lấy. Phía trên đầu là các pho tượng Phật ngồi cao dần và trên cùng là Phật A Di Đà, đức Phật của cõi Tây Phương cực lạc. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng – nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.

Nguồn: phatphapungdung.com