240 lượt xem

CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA - Kỳ 3

Trước hết dựa theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy trong kinh luật Đức Phật có dạy cho Đại Đức Upali và bà Gotami tám điều như sau :

1/Giáo Pháp nào hành theo dứt được tình dục.

2/Thoát khỏi thống khổ

3/Xa Lìa phiền não

4/Trở nên thiểu dục

5/Thành người tri túc

6/Đức Thanh Tịnh

7/Có sự tinh-tấn

8/Thành người dị dưỡng (dễ nuôi có chi ăn nấy, ăn gì cũng được không cố chấp). Thế thì dựa theo tư tưởng ở câu này nếu người tu kén chọn vật thực cho dù chay, mặn cũng đều không đúng lời dạy của Phật.

Thêm nữa, trong Tứ Thanh Tịnh Giới có đoạn quán tưởng về vật thực như sau: “Vật thực này thật là một nguyên chất, tạo thành ra tùy theo món vật dụng, dầu cho ta là người dùng nó, nó cũng chỉ là một nguyên chất, không có sanh mạng, không phải là chúng sanh, có trạng thái không không”. Vì vậy người tu Phật không chấp vào thức ăn, không màn đến đồ ăn cho dù nó là chay hay mặn bởi vì ăn để sống cho nên phải xem thức ăn chỉ là một nguyên chất, không có sinh mạng, không phải là chúng sinh, có trạng thái không không.

Tóm lại, dựa theo như ghi chép trong kinh tạng Pali, Đức Phật không cấm sử dụng thịt, kể cả cho các vị tăng ni nữa. Đức Phật đã dứt khoát bác bỏ lời đề nghị của Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) bắt buộc chư tăng ni phải "ăn chay trường".

Bây giờ dựa theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, trong Kinh Lăng Già, Kinh Đại Bát Niết Bàn hay Kinh Phạm Võng có nói rõ là không nên ăn thịt. Kinh Lăng Già dạy rằng: "Bồ Tát nên nhận rõ rằng tất cả thịt đều từ thân bất tịnh, được kết hợp bởi máu mủ bất tịnh đỏ trắng hòa hợp của cha mẹ. Vậy nên, nhận rõ sự bất tịnh của thịt, Bồ Tát không nên ăn thịt”. Trong khi đó, Kinh Phạm Võng dạy thêm: “Đệ tử Phật không được cố ý ăn thịt. Họ không nên ăn thịt bất cứ chúng sinh nào. Người ăn thịt phá hủy cái nhân đại từ bi, đứt đoạn hạt giống Phật Tánh và khiến [thú vật] và chúng sinh [siêu nhiên] tránh xa họ. Những người đó phạm vô số tội”.

Kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra) mặc dầu đã ghi lại những lời của Đức Phật dạy tại đảo Tích lan (Sri Lanka), nhưng các học giả ngày nay đều cho rằng kinh này được biên soạn rất trễ vào những năm 359-400 sau Tây lịch. Ngay cả thiền sư D.T Suzuki, một thiền sư nổi tiếng của Thiền tông Nhật bản (trong cuốn "The Lankavatara Sutra - A Mahayana Text", 1931) cũng đồng ý rằng bộ kinh này không phải là những lời do chính Đức Phật nói ra, nhưng được biên soạn về sau bởi các tác giả vô danh, những luận sư nổi tiếng thời bấy giờ dựa theo triết lý của Đại thừa. Thêm nữa, Phật giáo Đại thừa Trung Hoa không dựa theo giới luật Nguyên thủy mà dựa vào kinh Phạm Võng, một kinh được xem như là tác phẩm riêng của người Trung Quốc (Mizuno).

Do vậy, nếu ăn chay được là tốt, nhưng đối với người tu Phật thì không thấy, không nghe, không biết, không bảo ai giết và không tự mình giết con vật đó cho mình ăn thì không phạm Giới do chính Đức Phật dạy.

Nếu thật sự ăn chay có giải thoát thì người Bà la môn vào thời Đức Phật đã giải thoát hết đâu cần đến đạo Phật, nhưng con đường giải thoát duy nhất vẫn là Bát Chánh Đạo vì thế từ Bà la môn cho đến tất cả mọi người trên thế gian này nếu không thực hành đứng đắn Bát chánh đạo thì không bao giờ trở thành Thánh nhân hay có giải thoát được. Đó là:

 1.Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti): vị Thánh Nhập lưu này có khả năng nhổ tận gốc hai căn bản phiền não là tà kiến và hoài nghi (nghi ngờ Phật pháp) và ba kiết sử là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ (chấp trước các tín điều mù quáng). Vì đã diệt hết các phiền não thô cho nên vị Thánh Nhập lưu sẽ không làm bất kỳ hành động xấu ác nào và dĩ nhiên các ngài sẽ không bao giờ tái sinh trong các cõi khổ.

 2.Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi): Vị Thánh này không nhổ tận gốc rễ bất kỳ phiền não nào, nhưng có khả năng làm giảm sức mạnh của các phiền não còn lại nghĩa là làm giảm nhẹ dục ái và sân hận. Vị Thánh Nhất lai sẽ chỉ bị tái sinh trong cõi dục một lần nữa mà thôi nên gọi là Nhất lai.

3.Tam quả A-na-hàm (Anàgàmi): Vị Thánh bất lai tiếp tục nhổ tận gốc rễ một phiền não nữa là sân và hai kiết sử là ái dục và sân hận. Vị Thánh này sẽ không bị tái sinh trong cõi dục và chỉ tái sinh trong cõi Phạm Thiên.

4.Tứ quả A-la-hán (Arahanta): Thánh giả A la hán đã nhổ tận gốc rễ tất cả các phiền não và kiết sử còn lại cho nên tâm của các ngài hoàn toàn thanh tịnh, các lậu hoặc đã bị tận diệt và các ngài chỉ phải mang thân xác lần cuối cùng. Các gánh nặng đã được đặt xuống, đã đạt được mục tiêu và đã tận diệt Hữu kiết sử cho nên các vị A la hán có được chánh giải thoát với trí tuệ tối thắng vá xứng đáng nhất cho thế gian và thiên chúng cúng dường.

Có người nói rằng sau khi đắc quả A lán hán, vị ấy tiếp tục tiến tu để trở thành Duyên giác, Bích Chi Phật hay trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác? Hay A la hán chỉ là Hóa Thành (nửa chừng) còn phải tu để đến Bảo Sở mới thực sự thành Phật như Kinh Pháp Hoa đã nói? Cả hai đều không đúng. Tại sao?

-Thứ nhất Thập Nhị Nhân Duyên (Twelve Conditional Factors) không phải dành cho những ai muốn tu để thành Duyên Giác, Bích Chi Phật mà là giáo lý cốt lõi của đạo Phật để giải thích con người từ đâu mà có và là pháp tu để có giải thoát.

Thập Nhị Nhân Duyên là thuyết Duyên Khởi bắt đầu từ vô minh mà duyên sinh ra 11 duyên khởi khác. Từ Vô Minh phát sinh ra Hành, rồi từ Hành phát sinh ra Thức nghĩa là tùy thuộc nơi Nghiệp thiện hay bất thiện quá khứ, Thức được tạo điều kiện để phát sinh trong kiếp hiện tại. Nói cách khác Vô Minh và Hành trong kiếp quá khứ cùng hợp lại tạo điều kiện cho Thức trong kiếp hiện tại phát sinh. Sau đó do nghiệp lực, Thức kết hợp với tinh cha huyết mẹ tạo thành một hình hài nhỏ như đầu mũi kim trong bụng người mẹ nên gọi là Danh Sắc. Sau đó hài nhi phát triển thành một con người có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý để cảm nhận mọi cảm xúc của cuộc đời nên gọi là Lục Căn. Do sự cảm Xúc từ ngoại duyên (cuộc đời: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nó cảm Thọ được khổ, vui của cuộc đời. Từ đó lòng tham Ái nổi dậy. Một khi trạng thái luyến ái, bám vào thì nó phải nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà con người phải làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo dục lạc. Tùy thuộc cường độ chấp Thủ mà nghiệp phát sinh, đó là Hữu để đưa con người đi tái Sanh. Nhưng dựa theo luật vô thường của tạo hóa, hễ có Sanh là có Lão (già, bệnh) và sau cùng là Tử (chết). Cứ thế mà con người quay cuồng trong sinh tử triền miên, không có lối thoát. Thế thì phải sống như thế nào?

Đức Phật dạy rằng:
 
"Chúng sanh gặt hái bông trái như thế nào?
Tùy theo hột giống đã gieo.
Người làm điều thiện sẽ gặp thiện,
Hành ác, gặp ác.
Hãy gieo hột giống tốt và gia công vun bồi cây,
Sẽ được hưởng trái lành".

(Samyutta 1, trg. 227 - The Kindred Sayings I, trg. 293)

Dựa theo lời dạy của Đức Phật ở trên, không thể có một nguyện lực nào ở bên ngoài có thể ban bố phước lành, hay giáng họa cho ai được mà chính Ta là người duy nhất tạo hạnh phúc hay khổ đau cho chính Ta mà thôi.

Tóm lại, do Vô Minh tạo duyên, Hành mới phát sinh. Do Hành tạo duyên, Thức mới phát sinh…Vì thế nếu diệt được vô minh là có giải thoát, không còn sinh tử khổ đau. Muốn diệt vô minh thì Đức Phật dạy tu theo thiền tuệ, thiền minh sát Vipassanà với 16 tuệ minh sát mà tuệ thứ nhất là tuệ phân tích Danh Sắc (ngũ uẩn).

-Thứ nhì, đạo lộ “giải thoát” ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế là trở thành Thánh giả A la hán, chớ tuyệt đối không có Duyên Giác, Bồ Tát, không vào Kim Cang Định hay Bạch Tịnh Thức gì hết. Tại sao? Khi Đức Phật còn tại thế, chưa hề có Mật tông nên không có Kinh Kim Cương và Đại Nhật hay Phật Kim Cang Tát Đỏa (Phật tổ Mật tông Tây tạng). Triết gia Long Thọ chỉ xuất hiện khoảng 600 năm sau khi Đức Phật nhập Niết bàn với tư tưởng Bát Nhã…Thêm nữa, một khi đã đắc Thánh quả A la hán, vị ấy đã chấm dứt vòng sanh tử, tử sanh và sẽ nhập Niết Bàn. Thánh giả A la hán đã hoàn toàn trong sạch, không còn mảy may ô nhiễm nào để thanh lọc, tất cả mọi lậu hoặc đã được diệt trừ tận cội rễ. Vì thế, các ngài không còn Giới, Định hay Tuệ nào nữa cần phải trau dồi cho được hoàn hảo. Do vậy khi đắc quả A-la-hán rồi thì tất cả phiền não, các lậu hoặc đều bị loại trừ và vị A-la-hán hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ đau. Khi đạt được trạng thái hoàn toàn giải thoát, vị A-la-hán sẽ nhìn lại tâm mình và thấy rằng:

“Ta không còn phải tái sinh nữa, ta đã hoàn thành xong Bát Chánh Đạo, những gì cần làm ta đã làm rồi, và không có gì ta cần làm để giải thoát nữa”.

Vì tầm quan trọng của Bát Chánh Đạo cho nên lời sau cùng của Đức Phật đã nói cho Tu-Bạt-Đà-La, người đệ tử sau cùng, trước khi Ngài nhập diệt rằng:

“Không thể có được bậc Thánh trong bất cứ một tôn giáo nào nếu không có Bát Chánh Đạo. Nầy Tu-Bạt-Đà-La, trong giáo lý nào có Bát chánh đạo thì tất có hàng Thánh nhân. Ở đây, trong giáo lý của Như Lai lại có con đường Bát Chánh, tất nhiên phải có các bậc Thánh mà trong giáo lý khác không thể có được. Nếu các đệ tử sống chân chánh thì thế gian không thiếu Thánh nhân”.

4)Chư Tăng Ni chỉ được ở trong rừng chớ không được vào thành thị, xóm làng. Đức Phật cũng không chấp thuận vì đạo Phật là đạo tùy duyên, không cố chấp. Ai muốn vào rừng thanh vắng để tu cũng được mà người nào muốn vào phố thị để hóa duyên thì Phật cũng không cấm.

5)Chư Tăng Ni chỉ được ngủ ở dưới gốc cây. Đức Phật cũng không chịu bởi vì nếu chư tăng muốn ngủ dưới gốc cây cũng được hoặc ngủ ở trong tịnh xá cũng được, tùy duyên chớ Phật không ép chế.

Đề Bà vọng lập 5 pháp như thế để mê hoặc đại chúng, lấy phi pháp làm chánh pháp, cho pháp là phi pháp, lấy phi pháp làm luật, cho luật là phi luật nên gọi là Tà pháp.

Tại thành Vương Xá, Đề Bà thành lập giáo đoàn riêng rẽ độc lập chống lại Đức Phật. Với sự đãi ngộ của vua A Xà Thế, con vua Tân Bà Xa La, thế lực của Đề Bà dần dần rộng lớn. Về sau, Đề Bà xúi giục Thái tử A Xà Thế giết cha để đoạt ngôi. Rồi ông dựa vào uy quyền của vua A Xà Thế mà mưu toan lãnh đạo Tăng đoàn.

Đề Bà muốn hãm hại Đức Phật nên sai 500 người xô đá và dùng khí giới để giết Phật, nhưng chỉ có một mảnh đá nhỏ văng ra làm trúng chân Phật chảy máu. Một lần nữa, thừa lúc Phật vào thành Vương Xá, Đề Bà cho thả voi điên để sát hại Phật, nhưng vừa gặp Phật voi liền quy phục nên việc cũng không thành. Ác tâm của Đề Bà không dừng ở đây, ông ta còn đánh đập Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc đến chết. Sau đó, Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyến dụ đồ chúng của Đề Bà trở lại với Tăng đoàn của Đức Phật. Ngay cả vua A Xà Thế cũng được Đức Phật giáo hóa bèn sám hối quy y và về sau nhà vua là một đại thí chú cho Phật giáo. Tâm cùng trí quẩn, Đề Bà nhét chất độc vào trong mười móng tay của mình, định thừa dịp lễ lạy để cào vào hai bàn chân mà hại Phật, nhưng chân Đức Phật lúc đó cứng như đá nên không bị chất độc hãm hại. Ngược lại, 10 ngón tay của Đề Bà bị xây xát khiến chất độc ngấm vào máu, chết tức thì.

 Khi nói về Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật dạy rằng:”Vì ông ta bị chinh phục bởi các ác pháp, cho nên phải đọa địa ngục, tức là bị chinh phục bởi lợi dưỡng, danh vọng, dục vọng xấu và tà kiến”.

B)Tướng cướp Angulimala:

Tại xứ Kosala, có một tướng cướp khét tiếng hung ác tên là Angulimala. Cha của ông vốn là một quan chức trong triều vua xứ Kosala. Thủa thiếu niên, ông học rất giỏi và rất được các bạn cùng lớp thương yêu. Trong lớp học của ông có vài người ghen tỵ ông nên họ vu cáo với thầy giáo. Vị thầy nầy bắt đầu thù ghét và muốn giết ông bằng cách bắt ông trả học phí bằng 1000 ngón tay phải của con người. Ông rất khổ tâm nhưng phải vâng lời thầy. Ông vào trong rừng Jalini ở Kosala và bắt đầu giết người để có đủ số ngón tay cần thiết. Ban đầu, ông treo các ngón tay người trên cây, nhưng vì các ngón tay bị quạ mổ ăn, cho nên ông xâu ngón tay người lại thành vòng để đeo nơi cổ. Khi ông đã thu thập được 999 ngón thì Đức Phật xuất hiện. Ông rất mừng vì sắp đủ số ngón tay cần thiết để nộp cho thầy giáo ác độc. Thấy Đức Phật, ông liền rút gươm và chạy đuổi theo Phật. Vì Phật dùng phép thần thông nên ông càng đuổi thì càng không bắt kịp được Phật, mặc dầu Phật vẫn đi khoan thai từ từ. Cuối cùng, mồ hôi dầm dề và mệt lã, ông dừng lại và gọi :”Này Tu sĩ, hãy dừng chân”. Đức Phật nói từ tốn:”Mặc dầu ta đang đi, nhưng ta đã dừng chân. Còn nhà ngươi đã dừng chân hay chưa?”. Ông không hiểu ý của Phật bởi vì Đức phật đang đi mà lại nói đã dừng chân. Còn ông thì đã dừng chân mà Phật bảo là hãy dừng chân. Thấy ông thắc mắc, Phật dạy:“Đúng là ta đã dừng mãi mãi bởi vì Ta không bao giờ ta dùng bạo lực đối với chúng sinh. Còn nhà ngươi, hãy dừng tay chớ giết hại đồng loại. Vì vậy mà Ta nói rằng, Ta đã dừng và bảo ngươi cũng hãy dừng tay”.

Nghiệp thiện ngày xưa tác động vào tư tưởng của ông khiến ông vứt gươm xuống đất, quỳ xuống và xin quy y theo Phật. Phật chỉ nói một câu đơn giản:”Ehi Bikkhu” (Hãy đến! Tỳ kheo).

Dựa trên hai thí dụ trên thì Đức Phật chính là một ông lương y đại tài vì Ngài tùy theo hoàn cảnh mà hóa độ chứ nhất thiết không theo một đường lối cố định nào. Ngài có đủ pháp môn cho họ khai ngộ và quy y theo Ngài cho dù là kẻ thân, người thù, người thông minh hay kẻ đần độn, kẻ giàu sang hay là người nghèo khổ.

PHÁT HUY TINH THẦN BÌNH ĐẲNG

Ngoài lòng từ bi vô bờ bến, tinh thần bình đẳng là một đức tính cao quý khác mà Đức Phật đã phát huy ngay từ khi còn thơ ấu. Đối với Ngài thì không có sự khác nhau giữa người nghèo với kẻ sang hoặc người thông minh với kẻ chậm tiến. Nhắc lại thời bấy giờ trong xã hội Ấn Độ, sự phân chia giai cấp được coi là rất thịnh hành. Bất cứ nơi nào cũng có mấy chục giai cấp khác nhau từ hạ tiện đến giàu sang. Người hạ tiện thì không được phép giao du với cấp cao hơn và ngược lại kẻ giàu sang thì càng không muốn gần gủi kẻ khốn cùng.

Điển hình là khi Ngài xin nước của một người thuộc giai cấp hạ tiện nhất Ấn độ, người nầy sợ làm ô uế cho Ngài, Đức Phật dạy rằng:”Không có giai cấp, vì mọi người trong máu đều đỏ như nhau và trong nước mắt của ai cũng mặn cả”. Nhưng đặc biệt nhất là lời tuyên ngôn của Đức Phật rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới từ ngàn xưa cho tới ngày nay, cách cửa giải thoát lúc nào cũng mở rộng cho tất cả mọi người không phân biệt nam, nữ; da trắng, da đen, da vàng hay da đỏ, từ thiên tử đến chí dân, ai ai cũng đều có cơ hội thực hành và trở thành Phật giống y như Phật. Bằng chứng là vào thời Đức Phật còn tại thế đã có 1,250 vị A la hán chớ đâu phải chỉ riêng có Đức Phật. A la hán (vô sanh) là quả tối thượng của Phật giáo và chính Đức Phật cũng là vị A la hán bởi vì Đức Phật là người chứng thánh quả A la hán đầu tiên dưới cội Bồ đề và là vị thầy của tất cả các vị A la hán cho nên danh vị Phật chỉ dành riêng cho Ngài chớ tuyệt đối không có Hóa thành hay Bảo sở như Kinh Pháp Hoa đã nói.

Ngay cả trong giáo hội của Ngài, Ngài đã thu nhận cả những người thuộc giai cấp hạ tiện. Chẳng hạn như ông Ưu Bà Ly, một người thuộc giai cấp hạ tiện, làm nghề thợ cạo, nhưng sau đó trở thành một đệ tử rất nổi tiếng về phương diện giới luật của Phật giáo. Sự thâu nhận nầy đã làm cho một số vua chúa bất mãn. Điển hình là vua Ba Tư Nặc đã bạch Phật rằng:”Ngài thâu nhận kẻ hèn hạ vào hàng tông đồ như vậy, không sợ rằng đá sỏi lẫn lộn với châu ngọc làm mất giá trị của chúng Tăng sao?

Đức Phật dạy rằng:”Người hèn hạ mà biết Phật tâm Bồ đề, xuất gia tu hành, chứng được Thánh quả, thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ bẩn mà vẫn tinh khiết thơm tho”.

ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT

Trong cuộc đời hành đạo 49 năm của Đức Phật, Ngài đã không ngần ngại đi khắp mọi nơi từ đông qua tây, từ bắc xuống nam, hết nước nầy đến nước khác để hoằng dương đạo pháp. Hễ nơi nào có bước chân Ngài đến là ánh đạo vàng bừng tỏa huy hoàng. Hạt giống từ bi được Ngài tinh tấn gieo khắp các nơi ở Ấn Độ. Ngài đã được mọi người từ nghèo đến giàu, từ vua chúa đến thứ dân, từ thiện nam đến tín nữ, từ già đến trẻ đều vui vẻ được tắm gội trong ánh sáng trí tuệ và nước từ bi do Ngài tưới xuống. Bất cứ ở đâu có ánh đạo vàng đến thì tà giáo và ngoại đạo phải tránh xa, tan biến như những làn mây, như những bóng tối trước ánh bình minh đang lên.

Khi giác hạnh của Phật viên mãn thì Ngài đã 80 tuổi. Cũng giống như mọi người trên thế gian nầy, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi. Mặc dầu biết trước ba tháng trước ngày nhập diệt, Ngài vẫn không nghĩ ngơi mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.

Một ngày kia, Đức Phật nói với Đại đức A Nan rằng:

“Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay Ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc (thiện nam), Ưu-bà-di (tín nữ). Nhiều đệ tử có thể thay Ta chuyển xe pháp, và Đạo Ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ Ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình Ta, theo luật Vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp, nay xe cũng vừa mòn mà Pháp cũng đã lan khắp các nơi, vậy Ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy nầy nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa Ta sẽ nhập diệt”.

Một ngày nọ trên đường đi thuyết pháp, Ngài gặp một người làm nghề thợ rèn tên là Thuần Đà (Cunda) mời Ngài về nhà để cúng dường. Trong sách “Cuộc Đời Đức Phật” của tác giả A.F Herold diễn tả lại bửa ăn cuối cùng của Đức Phật như sau:

-Bạch Thế Tôn! Ngày mai, xin mời Ngài hoan hỷ đến nhà con trọ trai.

Đức Thế Tôn nhận lời.

Ngày hôm sau, Thuần Đà dọn thịt heo và các món cao lương khác để đãi khách quý. Đức Thế Tôn và đồ chúng ngồi vào bàn, nhìn thấy thịt heo, Ngài chỉ tay nói:

-Thuần Đà, chỉ có Ta là dùng được món này. Đệ tử của Ta sẽ dùng các thứ khác.

Sau khi dùng bửa, Đức Phật nói thêm:

-Hãy chôn sâu xuống đất những gì Ta còn chừa lại, chỉ có Ta là dùng được món này.

Đức Phật từ giả lên đường. Đồ chúng lại theo Ngài. Đức Thế Tôn và đồ chúng đi cách Ba-va được một đoạn ngắn thì Ngài càm thấy mệt và nhuốm bệnh. A Nan tỏ lời than trách Thuần Đà, nhưng Đức Phật dạy rằng:

-Này A Nan, đừng giận chú thợ rèn Thuần Đà. Nhờ cúng dường Ta thức ăn mà chú ấy sẽ được nhiều phước báu to lớn. Trong tất cả các bửa cúng dường ngọ trai cho Ta, có hai bửa đáng được ca ngợi nhất: một là của Sujata và hai là của Thuần Đà.

Lúc đó, Đức Phật cảm thấy trong người đau đớn vô cùng vì Ngài đã nhiễm bịnh ly huyết rất trầm trọng. Mặc dầu cơn đau đang hành hạ thân thể, nhưng Ngài vẫn cố gắng đi bộ khoảng 9 cây số để đến cho kỳ được Câu Thi Na (Kusinagara). Vì đoạn đường đi quá xa và cơn đau hành hạ nên Ngài phải dừng chân nghĩ tới 25 lần. Lý do mà Ngài phải đến Kusinagara là vì ba điều kiện:

1)Ngài muốn thuyết pháp một lần chót cho chúng tăng để sống một cuộc đời đạo hạnh.

Đức Phật dạy rằng:”Này ! Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi ! Các người hãy lấy Pháp của Ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của Ta mà tu giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các ngươi!”

Rồi Phật lại dạy tiếp:”Này! Các ngươi đừng vì dục vọng mà quên lời Ta dặn. Mọi vật ở đời đều không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo Ta là quý báu. Chỉ có chân lý của đạo Ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hởi các người rất thân yêu của Ta”.

Sau đó Ngài khuyên tất cả đệ tử phải lấy giới luật làm thầy.

 2)Ngài muốn thâu nhận người đệ tử sau cùng tên là Tu Bạt Đà La (Subhadda) bởi vì ngoài Đức Phật ra không còn ai có thể cảm hóa nổi ông ta.

3)Ngài muốn nhục thân Xá Lợi chia thành 8 phần cho 8 vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ.

Sau khi dặn dò cặn kẻ xong, Ngài tắm rữa lần cuối cùng trên dòng sông Kakuttha, rồi bảo ông A Nan làm chiếc giường cho Ngài nghĩ. Đầu Ngài hướng về phía bắc và Ngài nằm nghiêng giữa hai cây Long Thọ. Ngài lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các cấp thiền từ thấp tới cao, rồi từ cao tới thấp và cuối cùng chủ động để nhập diệt. Lúc bấy giờ là nhằm nữa đêm ngày rằm tháng hai âm lịch. Rừng cây Long Thọ (Sal-trees) tuôn hoa đỏ thắm phủ lên thân Ngài.

Đức Phật thọ 80 tuổi. Ngài mất vào năm 544 trước Tây lịch. Các vị đệ tử tẩm liệm xác Ngài vào kim quan và họ đợi 7 ngày sau khi ngài Ca Diếp trở về từ chuyến đi truyền đạo. Họ bắt đầu làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu) cho Đức Phật và đúng như lời dạy của Phật, họ đem nhục thân Xá lợi chia thành 8 phần cho 8 vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ. Đó là các nước Magadha, Vesàli, Kapilavatthu, Allakappa, Ramagma, Vethadipa, Pàvà và Kusinagarà (Câu Thi Na). Tất cả các nơi đều xây tháp để tôn thờ Xá Lợi Phật.

Có một điều khá tế nhị là sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đại đệ tử Ca Diếp đã triệu tập 500 vị đại A la hán để cùng nhau kết tập pháp thân Xá lợi của Phật. Đó là Kinh Tạng và Luật Tạng mà không quan tâm, để mặc cho đệ tử phàm phu tranh nhau lấy nhục thân Xá Lợi của Phật. Vậy chúng ta có thể thấy, nhục thân Xá Lợi chỉ có kẻ phàm phu mới quan trọng, còn bậc Thánh lại không quan tâm bởi vì đối với họ giải thoát sinh tử mới là điều tối thượng.

Đức Phật đã đem ánh đạo vàng đến cho nhân loại, nhưng cuộc đời của Ngài có thể tóm gọn một cách giản dị như sau:
 
Ra đời bên cạnh một gốc cây
Thành đạo bên cạnh một thân cây
Và lìa đời ở giữa hai nhánh cây.

Đời sống hằng ngày của Đức Phật được chia ra làm sáu thời: Sáng, Trưa, Chiều, Đầu hôm, Giữa đêm và Cuối đêm.

1)Buổi sáng, Đức Phật thuyết pháp độ người hữu duyên cho đến gần trưa thì Ngài đi khất thực hoặc đi chứng trai do người thỉnh. Ngài thọ trai vào lúc giữa trưa (giờ ngọ).

2)Buổi trưa, sau khi thọ trai, Đức Phật nghỉ ngơi giây lát. Sau đó, Ngài thuyết pháp cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.

3)Buổi chiều, Đức Phật giảng dạy cho các thiện nam, tín nữ (Phật tử tại gia).

4)Đầu hôm, thời gian này đặc biệt dành riêng để giải đáp các khúc mắc của các Tỳ kheo.

5)Giữa đêm, Đức Phật tọa thiền nói pháp cho Chư Thiên và Phi Nhơn.

6)Cuối đêm, Đức Phật hành thiền và ngủ khoảng vài giờ. Rồi Thiền hành.

Cuộc đời Đức Phật rất giản dị, Ngài đi chân đất không giày dép, đầu trần không mũ nón và đặc biệt nhất là mặc áo rách quanh năm. Đây là hình ảnh sống động, trung thực của người giải thoát, không dính mắc thế trần. Đức Phật là một con người giác ngộ siêu việt, nhưng Ngài có một đời sống rất đơn giản, bình dị và gần gũi với tất cả mọi chúng sinh. Ngài đã đem ánh đạo vàng đến với nhân loại để giúp họ thoát khỏi màn vô minh hắc ám và tìm thấy ánh sáng của chân đạo.

Còn tiếp...


Nguồn: Thuvienhoasen.org