302 lượt xem

Chữ "T" trong kí hiệu xe tăng

Chuyện chưa kể về chữ “T” và những người lính tăng


45 năm đã qua đi, mỗi dịp 30/4 về, chúng ta thường nhớ về cặp đôi xe tăng bất tử: T-54, số hiệu 843 và xe tăng T-59, số hiệu 390 - đã ghi dấu thời khắc lịch sử húc đổ cổng chính, cổng phụ dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông liền một dải. Thế nhưng, còn nhiều điều chúng ta chưa biết về chữ “T” trên mỗi chiếc xe tăng, về những người chỉ huy, những người lính trong trận chiến lịch sử ấy…

 

nh tư liu: Nhng chiếc xe tăng ngày 30/4/1975

Chữ “T’ trên ngực áo và trên đoàn xe chiến thắng!

Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ - Lữ đoàn trưởng đầu tiên của Lữ đoàn xe tăng 273, sau này là Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, người chỉ huy của Quân đoàn 3 xe tăng trong chiến thắng Buôn Mê Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chia sẻ một câu chuyện thú vị mà ngay cả những người lính trong cuộc ngày ấy cũng không được biết. 

Tiến về Sài Gòn, trên hướng Tây Bắc, tấn công vào nội đô Sài Gòn có một đơn vị xe tăng mà trước mũi xe và sau đuôi xe đều sơn đậm chữ “T” màu trắng. Đó chính là Tiểu đoàn xe tăng 1 Lữ đoàn 273 Quân đoàn 3.

Tiền thân chính là Tiểu đoàn 297. Sau khi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 Tiểu đoàn 297 gấp rút chuẩn bị củng cố bổ sung lực lượng hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Vào tới Tây Nguyên tháng 2/1972, đơn vị phải khẩn trương cho chiến dịch Xuân Hè với trận chiến đấu đầu tiên là đánh chiếm căn cứ Đắc tô - Tân Cảnh, sân bay Phượng Hoàng, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở phía bắc thị xã Kon Tum, cùng các đơn vị bộ binh giữ vững vùng giải phóng.

Hai đơn vị hỗ trợ tham gia nhiều trận đánh chiếm như căn cứ Kleng, Võ Định, Biệt khu 24, Ngã 3 Trung Tín... Trong chiến dịch này, Đại đội xe tăng 7, kíp xe 377 và cá nhân Đại đội trưởng Bùi Đình Đột được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

Và trong trận đánh mở màn mùa xuân năm 1975 vào thị xã Buôn Mê Thuột, Tiểu đoàn 1 phối thuộc cùng bộ binh đánh chiếm sân bay Hòa Bình, Tòa hành chính. Truy kích địch trên đường 7, tham gia đánh chiếm thị xã Tuy Hòa (Phú Yên). Với khí thế liên tục tấn công, liên tục chiến thắng, đơn vị tiếp tục cùng đội hình Quân đoàn hành quân xuống phía Nam chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với nhiệm vụ được phân công, Tiểu đoàn 1 với 15 xe tăng T54 phối thuộc cùng E bộ binh 24 F10 làm nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Ngụy. Trong quá trình hợp đồng chiến đấu, một tình huống được đặt ra: Làm sao giữa xe tăng và bộ binh giữ được cự ly đội hình không thất lạc nhau yểm trợ cho nhau tấn công?

Chỉ huy 2 đơn vị thống nhất về phía bộ binh E 24 thêu chữ “T” trên ngực. Về phía xe tăng sơn chữ “T” vào phía trước và sau đuôi xe. Chữ “T” khi đó đơn giản là chữ cái tên của hai vị chỉ huy của xe tăng và bộ binh. Khi các thủ trưởng về phổ biến cho đơn vị, ai cũng đoán già đoán non là “thọc sâu”, là “thần tốc” là “Tăng”. 

Trong trận chiến đấu cuối cùng này, Tiểu đoàn tăng 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đánh chiếm được mục tiêu được phân công. Góp phần vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Đặc biệt xe tăng 985 do trưởng xe Mai Phạm Hoạt chỉ huy và lái xe Phùng Quang Tính đã bắt sống xe tăng M48 của địch ngay tại ngã tư Bảy Hiền, cửa ngõ vào Sài Gòn… 

Vị tướng và lối đánh “nở hoa trong lòng địch”

Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ sinh năm 1929 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1949 khi đang là một chính trị viên xã đội. Năm 1961, ông được cử đi học tại Học viện Tăng - Thiết giáp Trung Quốc. Tháng 8/1971, ông được cử đi B “ngắn” nhưng đúng thời điểm đó, một thủ trưởng của đơn vị hy sinh nên ông trở thành B “dài” ở chiến trường Tây Nguyên.

Sau chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972, ông là Thiếu tá, Trưởng ban Tác chiến của mặt trận B3 (mặt trận Tây Nguyên, nay là Quân đoàn 3), là người chỉ huy cao nhất của mặt trận Tây Nguyên lúc đó.

Trong những ngày ấy, những người lính của ông vẫn không thể quên, hàng ngày máy bay địch ra rả kêu gọi ông ra đầu hàng: “Hỡi ông Trần Doãn Kỷ, chúng tôi biết ông là một tướng tài của xe tăng quân đội Bắc Việt, ông hãy ra đầu thú trình diện với quân lực Việt Nam cộng hòa, về với chính nghĩa quốc gia, ông sẽ được đối xử nhân đạo…”. Hoặc: “ Hỡi tướng Kỷ hãy về với chính nghĩa Quốc gia, hãy về với Việt Nam cộng hòa, ông sẽ có cuộc sống tương lai tốt đẹp…”.

Trong chiến dịch Buôn Mê Thuột, ông đã đề ra cách đánh táo bạo nhất khi lần đầu tiên trong lịch sử, bộ đội tăng - thiết giáp sử dụng cả trung đoàn xe tăng và dùng xe tăng thọc sâu đánh vào giữa trung tâm sào huyệt của giặc. Chính ông đã trực tiếp chọn Đại đội 9 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng thực hiện nhiệm vụ này, thọc sâu vào Lữ đoàn 23 ngụy ở Buôn Mê Thuột.

Sau này nhiều nhà quân sự gọi cách đánh đó là lối đánh “nở hoa trong lòng địch”. Tiếp đó, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đề nghị dùng một đại đội xe tăng thọc sâu đánh chiếm và giữ nguyên vẹn cầu Bông - cũng do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy.

Trong ký ức của vị tướng già, những hướng tiến công của Quân đoàn 3 còn vẹn nguyên. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt chân vào cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Từ Buôn Mê Thuột vào tới Sài Gòn, tất cả các căn cứ cỡ Tiểu đoàn đều hốt hoảng tháo chạy, không có một sự chống cự nào. Quân đoàn 3 Tây Nguyên vào Sài Gòn bằng 2 hướng, cầu Sáng và cầu Bông. Lúc đó cầu Sáng đã bị địch phá hủy, nếu không bảo vệ được cầu Bông, quân ta sẽ không thể tiến vào Sài Gòn.

Còn đó những người lính tên “Quê”

Có một điều đặc biệt, chỉ có người lính xe tăng mới gọi nhau bằng một tên chung rất đỗi thân thương: Thủ trưởng “Quê”, em “Quê”, anh “Quê”, các “Quê”… Bởi từ những năm tháng ở rừng, qua những mùa mưa, mùa nắng Tây Nguyên, trong tâm trí những người lính, chỉ khao khát ngày giải phóng để được về quê, được về với mẹ, với miền Bắc ruột thịt.
 

Nguồn: Sưu tập

Thế rồi, từ lúc nào họ đều đồng loạt gọi nhau là “Quê”, cho thỏa nỗi lòng khắc khoải… Trong trái tim họ, những kí ức sống chiến đấu lẫy lừng và thương nhau như anh em một nhà ấy, mãi là khúc ca thanh xuân bi tráng và hào hùng…

Có lẽ vì thế, trong các cuộc gặp mặt, còn mãi những đồng đội đã ngã xuống - họ luôn được nhắc tên, như đang hiện hữu đâu đó. Họ là những người chưa bao giờ được ghi tên ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ trong trái tim đồng đội. Họ nhắc nhở nhau rằng, lịch sử không chỉ làm nên bởi các biểu tượng, lịch sử được làm nên từ rất nhiều chiến sĩ vô danh...

Nhà văn Nguyễn Thế Tường, người nổi tiếng với truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim truyền hình “Hồi ức của một binh nhì” viết về những người lính xe tăng thời đánh Mỹ bảo rằng, mỗi lần nhìn những thanh niên hàng xóm ngoài 20 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, đang đợi gia đình xin việc, ngồi đốt thuốc lá khói mù quán cafe, ông lại nhớ Đại đội phó Nguyễn Văn Tư.

Cũng rời trường đại học nhập ngũ những năm chiến tranh ác liệt nhất, 22 tuổi, anh Nguyễn Văn Tư (đồng đội thường gọi là Tư Mắm) đã chỉ huy 7 xe T54 mở mũi tấn công vượt qua ngã tư Bảy Hiền sáng 30/4/1975, tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong trí nhớ của những người đồng đội, buổi sáng lịch sử đó, anh đã dùng khẩu đại liên thu được của địch, đặt lên cửa trưởng xe bắn mãnh liệt vào đội hình ngăn chặn của địch, cho đến khi xe 979 đã trúng đạn chống tăng M72. Đại đội phó Nguyễn Văn Tư và cả kíp xe anh dũng hy sinh ngay trước thềm giải phóng.

Anh Tư Mắm đương nhiên không phải người lính xe tăng duy nhất hy sinh khi ngày đoàn tụ đã gần ngay trước mắt. 16h ngày 29/4/1975, Chính trị viên Nguyễn Xuân Trường anh dũng hy sinh trong lúc lao người khỏi xe, dùng AK tiêu diệt địch khi Đại đội tăng 1 đánh địch ở cầu Tham Lương.
Mờ sáng 30/4, đánh ngã tư Bảy Hiền, xe tăng của Trung đội phó Nhữ Minh Tuấn (thuộc Đại đội 2) bị trúng bom, lái xe Nguyễn Xuân Thủy và pháo thủ Nguyễn Văn Thái hy sinh anh dũng. Cùng buổi sáng đó, ở Lăng Cha Cả, lần lượt các xe tăng 313 - 354 - 815 bị bắn cháy do hỏa lực địch quá mạnh, toàn bộ anh em trong xe không còn một người nào.


Cũng trong buổi sáng lịch sử đó, pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn bị thương, giập nát cánh tay phải, đã nhờ đồng đội cắt bỏ cho khỏi vướng rồi tiếp tục chiến đấu cho đến phút cuối cùng... Cho đến lúc 2 chiếc xe tăng lịch sử - xe 819 của Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ và xe 982 của Chính trị viên Nguyễn Hữu Thìn tiến thẳng vào sân trung tâm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, khi lá cờ của quân giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập - chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, còn nhiều lắm những cái tên chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ văn kiện lịch sử, một tấm bằng vinh danh nào.

Trung đội trưởng Trương Công Đạo, người chỉ huy xe tăng 819 bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Luật, Tỉnh trưởng và Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 ngụy tại Buôn Mê Thuột năm nào nay đã suýt soát 70 tuổi. 

Pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn, người tự nhờ đồng đội chặt tay ngày nào, giờ đã là một doanh nhân, làm chủ Công ty TNHH 273, theo tên Lữ đoàn xe tăng đã một thời cùng nhau vào sinh, ra tử. Là thương binh tàn nhưng không phế, ngày gặp mặt, không những không nhận quà tri ân, ông còn có món quà tặng quỹ nghĩa tình đồng đội để giúp đỡ những người khó khăn hơn.

Và ấn tượng của Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ, trong buổi sáng 30/4 đau đớn và xúc động hơn cả là tại Lăng Cha Cả có 5 xe bị bắn cháy. Đây là chốt cuối cùng để ta tiến vào Bộ Tổng Tham mưu địch, bọn địch ngoan cố chống cự quyết liệt. Sau đó, Tiểu đoàn 2 quay lại vượt theo đường Trương Vĩnh Kí thọc vào cổng Bộ Tham mưu, chiếm được trại Hoàng Hoa Thám, vào nhà chỉ huy của Tướng Cao Văn Viên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn…

Những người lính tăng khi ngã xuống, họ thường chỉ còn nắm tro trong xe. Họ đã hy sinh như thế, trong buổi sáng 30/4 lịch sử, trước thềm chiến thắng!... Và những người lính ấy, họ bất tử và còn mãi trong tim không chỉ những người lính tên “Quê”… 


Nguồn: báo pháp luật