314 lượt xem

Các trận bão tố kì dị trong lịch sử Việt Nam

Những trận bão tố cuồng phong “dị”... chỉ có trong lịch sử VN

Nhiều trận bão tố cuồng phong mang yếu tố thần linh, thấm đẫm màu sắc bí ẩn đã được sử sách Việt Nam ghi chép lại.

Cơn bão số 1, số 2 hiện nay đang là một trong những vấn đề nóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hãy cùng quay ngược lịch sử, tìm hiểu những trận bão tố cuồng phong từng được sử sách ghi lại với những thông tin lạ kỳ, đặc biệt.

Đó là những trận bão tố cuồng phong mang yếu tố thần linh, thấm đẫm màu sắc bí ẩn trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Vua Trần Duệ Tông hiến tế người đẹp để xua tan bão tố

Nguyễn Thị Bích Châu là con gái cưng của một cận thần dưới triều Trần, từ thời niên thiếu đã nổi tiếng xinh đẹp, lại thông tuệ, giỏi văn chương, âm nhạc. Năm 16 tuổi (khoảng 1372) bà vào cung, được vua Trần Duệ Tông rất thương yêu, phong là ái phi.

Năm 1376, Đại Việt liên tục bị quân Chiêm Thành gây hấn. Vua Duệ Tông nổi giận ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Bích Châu thấy bất an, khuyên can vua không được, đành xin đi theo hộ giá. Khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa biển Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Nghệ Tĩnh) trời bỗng nổi bão lớn. Đoàn thuyền chiến va vào nhau, nhiều cái bị đứt dây, dạt vào đá vỡ toang, quân lính chết vô số… Vua Duệ Tông nhất quyết đợi bão tan sẽ tiến binh tiếp.

Bích Châu rất lo lắng. Bà chợt nhớ về truyền thuyết thần biển đòi mỹ nữ và nghĩ đến việc liều mình để giúp đất nước. Bà liền xin vua được hiến thân cho thần biển để thần phù hộ nhà vua chiến thắng. Vua còn sững sờ thì Bích Châu đã quay ra truyền lệnh sửa soạn lễ vật cúng thần biển. Mặc những lời can ngăn, bà vẫn một mực xin thực hiện ý nguyện của mình. Vua quan đành nén đau thương chấp thuận.

Sau khi tiến hành các nghi lễ và từ biệt nhà vua, Bích Châu ngồi vào chiếc thuyền nhỏ nhắn có cắm đại hoàng kỳ. Không lâu sau khi được thả xuống biển, chiếc thuyền lập tức bị sóng dữ nhấn chìm…

Sau khi bão ngớt và đoàn chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông đã đi khá xa, thi hài Bích Châu mới nổi trên mặt biển và trôi dần vào bờ. Bà được dân làng rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Đến nay, ngôi làng này vẫn thờ thần phi Bích Châu.

Thần linh nước Việt hô mưa gọi gió dọa Cao Biền chết khiếp

Cao Biền là quan đô hộ nước ta thời Bắc thuộc, được cử sang trấn nhậm Giao Châu từ năm 866 đến 887. Sử tích nước ta lưu giữ rất nhiều câu chuyện kì lạ về nhân vật này.

Truyện sông Tô Lịch chép trong Lĩnh Nam Chích Quái đã kể như sau: Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền làm Đô Hộ Tướng Quân, đem binh đánh quân Nam Chiếu. Lúc Biền trở về, nhà vua đặt Tĩnh Hải Quân ở thành Lĩnh Nam, cho Biền làm Tiết Độ Sứ. Biền thông hiểu thiên văn địa lý, xem hình thế đất mà xây thành Đại La ở phía tây Lô Giang, chu vi 30 dặm để ở. Có dòng sông con từ Lô Giang chảy vào phía Tây bắc, cuốn quanh phía nam, ôm lấy thành Đại La rồi lại nhập vào sông Cái.

Hồi đó đang giữa tháng sáu, nước mưa lên cao. Cao Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kì, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở. Biền hỏi họ tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: nhà ở đâu? Đáp: nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.

Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trôi mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn chưa tan.

Biền rất sợ, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh. Ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi; ta có sợ gì bùa phép?”. Biền lại khiếp đảm.

Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không.

Cao Biền càng kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ” và sau đó cho lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ.

Thủy Tinh nổi bão tố đánh ghen Sơn Tinh đến tận… ngày nay

Là người Việt, ai cũng thông thuộc truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Truyền thuyết về thời vua Hùng này đã được đề cập đến trong rất nhiều sử liệu như Đại Việt sử kí toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục, Đại nam quốc sử diễn ca và nhiều thần tích thần phả...


Ấn tượng sâu đậm nhất mà truyền thuyết này để lại là cuộc chiến khốc liệt do Thủy Tinh – vị thần có tài hô mưa gọi gió tiến hành để giành lại nàng Mỵ Nương từ tay Sơn Tinh - vị thần cai quản dãy núi Ba Vì.

Sức mạnh bão tố của Thủy Tinh ghê gớm đến mức phá tung cả những dãy gò đồi ở phía Bắc Ba Vì tạo thành suối Di, kể cả ruộng đồng ở phía Đông núi cũng thành sông Tích, húc nghiêng cả hòn Chàng Rể án ngữ phía Tây dãy Ba Vì, đến nỗi trái núi này bây giờ vẫn còn gù lưng, gây ra vô vàn thiệt hại khiến nhân dân khốn khổ…

Sơn Tinh nghĩ ra trăm phương nghìn kế để đối phó như việc cắm chông ở bãi Đá Chông, thả rong rào, giăng lưới ở vùng Suối Cái, cho quân gieo hạt thành rừng xung quanh ngọn U Bò, ném lạt tạo thành lũy tre dày ở vùng Ngòi Lạt…, nhờ vậy mới đánh bại được Thủy Tinh.

Dù bị đánh bại nhưng Thủy Tinh không chịu bỏ cuộc, hàng năm lại làm mưa gió để đánh ghen Sơn Tinh, làm nước ngập mênh mông khắp đồng ruộng, mùa màng mất trắng. Và lần nào Thủy Tinh cũng thua, phải rút quân về, chờ đến cuộc phục hận năm sau.

Tổng Hợp: SGT Group